Với hệ thống tưới nước bán tự động, chị Hải và gia đình đỡ tốn công sức và thời gian làm vườn.
Cách đây năm năm, chị Thanh Hải (Hà Nội) phát hiện rau sạch chị hay mua ở siêu thị và chợ là rau trà trộn, không đảm bảo an toàn nên chị và gia đình đã quyết tâm làm vườn trên sân thượng. Mùa nào thức nấy, chị Hải lựa chọn rất nhiều loại rau củ, quả để trồng trong vườn nhà. Khi bắt đầu tích lũy được nhiều kinh nghiệm trồng rau, mướp, các loại rau gia vị, củ quả thì gia đình chị Hải trồng nhiều hơn và gần như không phải mua rau ngoài chợ, đồng thời cũng không lo mất vệ sinh an toàn thực phẩm nữa.
Khu vườn rộng 100 mét vuông của gia đình chị Hải
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng rau sạch, chị Hải cho biết khi trồng các loại rau phổ biến theo mùa như rau cải, rau muống, rau ngót, rau ngót Nhật, rau dền, v.v…, chị mua hạt giống chất lượng ở các trung tâm giống cây trồng uy tín để đảm bảo cây sinh trưởng tốt.
Thùng xốp trồng rau
Chị Hải cũng mách nhỏ về cách chuẩn bị đất theo từng lớp trong thùng xốp để trồng rau củ quả như sau:
- Lớp dưới cùng trong thùng xốp là xỉ than nhằm tạo độ xốp, chống úng phía dưới đáy thùng (giúp đất thoát nước tốt).
- Lớp thứ hai là các loại vỏ rau củ quả hữu cơ đã ủ một thời gian.
- Lớp trên cùng là đất thịt hoặc đất mùn mua theo bao tải ở các cửa hàng bán đất trồng hoặc cây trồng.
Chị Hải cho biết chị làm đất như vậy nhằm tiết kiệm tiền mua đất mà vẫn đảm bảo đất có đủ chất dinh dưỡng cho cây phát triển tốt. Ngoài ra, chị cũng lưu ý về cách tưới cây hàng ngày như sau: Mỗi ngày cần tưới 2-3 lần tùy theo thời tiết. Hiện tại, thời tiết đã bước sang mùa thu, trời thường gió và nắng hanh, cần phải tưới ba lần cây rau mới không bị héo.
Hệ thống tưới nước bán tự động
Do công việc bận rộn nên gia đình chị Hải có lắp hệ thống tưới nước bán tự động, chỉ cần vặn van là vòi sẽ tưới nước đều như mưa giúp chị tiết kiệm được thời gian và đỡ tốn công sức tưới nước hàng ngày.
Vấn đề quan trọng nhất đối với chị Hải và gia đình khi trồng rau tại nhà là phải đối phó với chuột phá cây và sâu bọ. Nhà chị phải nuôi thêm hai con mèo để bắt và đuổi chuột, ngăn chúng phá hại cây.
Chị Hải cũng lưu ý việc bắt sâu là vô cùng quan trọng. Nhiều buổi tối chồng chị phải tỉ mẩn soi đèn pin bắt từng con sâu, ốc sên, bọ xít, v.v… để bảo vệ cây. Tuy nhiên, gia đình chị không hề dùng các loại thuốc trừ sâu nhằm đảm bảo rau sạch tuyệt đối cho bữa cơm gia đình. Thay vào đó, chị dựa vào các mẹo trị sâu như trồng bụi xả quanh vườn để sâu bọ đỡ tấn công rau củ quả.
Giàn mướp sai trĩu quả
Hiện tại, chị Hải đang thu hoạch được rất nhiều mướp từ khu vườn xanh mát trên sân thượng. Đây là thành quả từ những hạt mướp chị gieo trồng hồi tháng ba. Chị cho biết, chị đem phơi khô hạt mướp rồi chờ tới tầm tháng 3 cuối xuân thì gieo hạt. Từ lúc gieo tới khi hạt nảy mầm, phải luôn đảm bảo đất có đủ nước, đủ độ ẩm cho cây.
Giàn mướp đón nắng trên sân thượng
Chị Hải khuyên rằng nên trồng mướp gần bể lọc nước hay chỗ có nhiều nước để các rễ phụ hút được nhiều nước nhất có thể. Ngoài ra, để có thể tạo ra “khu vườn treo” độc đáo trên sân nhà, chị Hải đã sử dụng những thanh thép đan theo hình lưới để làm giàn cho cây leo.
Khi mướp bắt đầu leo được vài mét thì cuộn tròn gốc dưới đất trong thùng xốp và phủ đất lên để cây có bộ rễ khỏe, hút nước và chất dinh dưỡng nhiều hơn.
Không những cho ra quả, giàn mướp còn tạo bóng mát trên sân
Khi cây leo lên giàn, chị Hải lấy than tro từ củi đốt bón thêm vào gốc để bổ sung chất dinh dưỡng cho cây. Khi giàn mướp ra nhiều lá quá thì chị tỉa bớt lá để cây tập trung ra nhiều hoa. Vì giàn mướp phủ kín khu vườn rộng 100 mét vuông nên rất nhiều ong bướm đến thụ phấn. Nếu hoa cái ra nhiều quá thì chị Hải lại chủ động lấy hoa đực thụ phấn cho mướp chứ không chờ ong, bướm vì có thể hoa sẽ bị sót lại.
Cả nhà cùng thu hoạch mướp
Do mướp là giống cây có bộ rễ to lớn nên rất cần nước để phát triển. Hiểu rõ điều đó, chị Hải trồng cây ở chỗ ẩm ướt và tưới rất nhiều nước (ngày trung bình 2 lần) để kích thích rễ con mọc ra hút nước. Có như vậy, cây mới sai quả.
Những quả mướp già sẽ được giữ lại làm giống cho mùa sau
Chị Hải cho biết mướp không chỉ ưa nước mà còn ưa nắng. Do vậy, nên trồng ở nơi đón ánh nắng trực tiếp. Cần phải trồng mướp vào mùa xuân để tới giữa hè và đầu thu có thể thu hoạch được quả. Ngoài ra, mướp thường bị bọ xít tấn công và để ngăn chặn chúng, chị Hải phải làm vợt lưới gạt bắt để bảo vệ cây. Vụ mùa lần này, 4 cây mướp nhà chị Hải cho ra cả trăm quả, cả gia đình ăn không hết nên chị phải đem biếu bớt.
HN: Vườn rau sạch dưới chân đường sắt trên cao Cách trồng rau sạch trong thùng xốp cho mẹ bỉm sữa HN: Ghen tị vườn rau sạch kín lan can của cô nàng 9x |