"Ngôi sao Hà Nội" - đêm nhạc kỷ niệm nhạc sĩ Vĩnh Cát 85 tuổi - dự kiến sẽ diễn ra ngày 6/4 tại Hà Nội.
Đêm nhạc Ngôi sao Hà Nội sẽ diễn ra ngày 6/4 tới là món quà của gia đình, bạn bè muốn tặng cho người chồng, người cha, người thầy - nhạc sĩ Vĩnh Cát - nhân dịp ông 85 tuổi, nhằm tri ân các thành tựu của ông đối với nền âm nhạc Việt Nam.
Ngôi sao Hà Nội là món quà âm nhạc nhiều ý nghĩa mà những người thực hiện muốn gửi tới khán giả cũng như nhạc sĩ Vĩnh Cát. Đêm nhạc có sự tham gia của những cái tên khẳng định sự nghiêm túc và nhiều giá trị nghệ thuật như: NSND Quang Thọ, NSƯT Đăng Dương, Trọng Tấn, NSƯT Lan Anh, Tùng Dương, NSƯT Phạm Phương Thảo, Phúc Tiệp, Đinh Trang, tốp ca nam nữ Nhà hát nhạc Vũ kịch Việt Nam, dàn nhạc giao hưởng kết hợp với nhạc nhẹ và đàn dân tộc.
Nhiều bạn bè, nghệ sĩ đến chúc mừng buổi ra mắt đêm nhạc tri ân kỷ niệm 85 năm nhạc sĩ Vĩnh Cát.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường đến chúc mừng nhạc sĩ Vĩnh Cát.
Liveshow kỷ niệm 85 năm nhạc sĩ Vĩnh Cát còn có sự góp mặt của nam ca sĩ Tùng Dương.
Nhạc sĩ Vĩnh Cát sinh năm 1934, nguyên quán làng Đào Xá, Ân Thi, Hưng Yên. Sống ở Hà Nội từ nhỏ cùng gia đình, ông là một trong số ít nhạc sĩ viết hay cả ca khúc và nhạc thính phòng giao hưởng. Có thể nói, nhạc sĩ Vĩnh Cát là một trong số nhà soạn nhạc giao hưởng hàng đầu ở Việt Nam. Ông được nhà nước phong học hàm Phó giáo sư năm 1991.
Nhạc sĩ Vĩnh Cát vẫn trẻ trung, minh mẫn ở tuổi 85.
Nhạc sĩ Vĩnh Cát tham gia kháng chiến chống Pháp và sáng tác âm nhạc từ rất sớm ở tuổi 13, 14. Cũng từ chiếc nôi nghệ thuật ấy, ông đã sáng tác những ca khúc đầu tay: Nhớ bác Hồ, Việt Bắc, Gửi bạn Thủ đô… Năm 1956, ông trúng tuyển khoa sáng tác đầu tiên của trường Âm nhạc Việt Nam.
Từ năm 1958, người nhạc sĩ tài hoa đã viết Tiếng võng ru cho piano rồi tổ khúc giao hưởng kịch múa Hái hoa dâng Bác - tác phẩm giao hưởng đầu tiên của Việt Nam được biểu diễn mừng sinh nhật Bác lần thứ 70 (19/05/1960). Ông cũng là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên có những đêm nhạc và CD nhạc giao hưởng bán trên thị trường.
Nhạc sĩ Vĩnh Cát có niềm đam mê đau đáu với khí nhạc, dẫu biết rằng đó là con đường gian khó.
Khí nhạc dù là trăn trở lớn nhất trong cuộc đời Vĩnh Cát, nhưng đông đảo khán giả lại chỉ nhớ đến ông qua những ca khúc "để đời" như: Sa Pa thành phố trong sương, Vườn nhãn quê hương, Ngôi sao Hà Nội.
Để viết một bản giao hưởng có khi mất hàng năm, viết ca khúc chỉ mất 1 đêm, nhưng điều đó không làm nản lòng người nhạc sĩ mong muốn có những tác phẩm khí nhạc để đời. “Đó là một thực tế hết sức đau lòng cho âm nhạc Việt Nam, một nền âm nhạc chỉ có ca khúc là nền âm nhạc không đầy đủ”, nhạc sĩ Vĩnh Cát từng chia sẻ.
Ngoài việc nặng lòng cùng âm nhạc, nhạc sĩ Vĩnh Cát còn là nhà sư phạm giáo dục, từ thầy giáo tiểu học tới giáo sư đại học. Ông từng tham gia biên soạn Bách khoa thư Hà Nội, là giám đốc đầu tiên của Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội, v.v...
85 tuổi, nhạc sĩ Vĩnh Cát vẫn rất minh mẫn, nhất là khi nói về âm nhạc.
Ca sĩ Tùng Dương đến chúc mừng nhạc sĩ Vĩnh Cát.
Đạo diễn Phạm Hoàng Giang - người từng thực hiện những show diễn “bán vé” cho biết, anh khá hồi hộp khi thực hiện chương trình này. Bởi để làm mới những tác phẩm cũ là điều không dễ dàng, nhất là khi làm việc với người nhạc sĩ đáng kính và nghiêm túc như nhạc sĩ Vĩnh Cát.
Nhạc sĩ Trọng Đài với vai trò biên tập âm nhạc đã chọn lọc trong hàng trăm ca khúc, lấy ra 18 bài đưa vào chương trình gồm 2 phần: Đất nước và Con người, đưa khán giả đi từ những cảm xúc hào hùng trong chiến tranh, xây dựng hòa bình, đến những tâm sự, tình yêu riêng tư, sâu lắng.
Người hòa âm và phối khí cho chương trình là nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng - từng rất thành công với một số chương trình như: liveshow Đăng Dương, liveshow Lan Anh, liveshow Mai Hoa và gần nhất là liveshow Tân Nhàn. Nhạc sĩ Doãn Nguyên là nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc của chương trình, người có rất nhiều kinh nghiệm về dàn nhạc đệm cho ca khúc.