Ít ai biết rằng bông hậu có một khuyết điểm mà phải chật vật "chữa sai" từ nhiều năm trước và sương sương tiêu tốn không dưới trăm triệu đồng.
Kết thúc nhiệm kỳ 2 năm đảm đương danh hiệu Hoa hậu Việt Nam, Tiểu Vy để lại nhiều dấu ấn trong những dự án cộng đồng và đặc biệt là hình ảnh đẹp trong lòng công chúng. Đăng quang mới được hơn 2 năm nhưng Tiểu Vy đã được ưu ái đặt cho nhiều biệt danh như "Hoa hậu đẹp nhất nhì lịch sử Việt Nam" hay "Hoa hậu gợi cảm nhất Việt Nam". Cô cũng là mỹ nhân đánh dấu thời khắc của thế hệ 10X giành vương miện cuộc thi nhan sắc lớn.
Xinh đẹp và hoàn hảo không tì vết là thế nhưng ít ai biết rằng, bông hậu cũng có một nhược điểm chí mạng. Cô đã phải mất hàng năm trời để sửa sang bộ phận này. Dù không tiết lộ chi phí để tu sửa nhưng ước tính qua những lần thực hiện, nhẩm sương sương cũng phải hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Và đây là hành trình làm đẹp hàm răng của người đẹp xứ Quảng.
Lúc còn 15 tuổi trăng, Tiểu Vy đã dần trổ bông, lộ nét xinh đẹp. Cô cho rằng lúc này, mình đã sở hữu nụ cười đẹp kha khá nhưng chỉ khi cười để lộ hàm răng trên thôi còn hàm dưới vẫn còn "lởm chởm ra vào trông không oke lắm".
"Đến năm 17 tuổi thì niềng bằng mắc cài 6 tháng. Lúc đầu tính niềm hàm dưới thôi mà bác sĩ không đồng ý thế là niềng cả 2 hàm luôn, niềng mắc cài này rất khó chịu. Loại niềng này phải vệ sinh thật kỹ từng kẽ mà mỗi lần vệ sinh cực lắm. Vì thế nên lúc mình đeo mắc cài răng vẫn không bị ố mà mắc cài vẫn sáng đến nỗi lúc nào đi kiểm tra định kỳ bác sĩ đều khen".
Và thật sự chỉ ai niềng răng mắc cài rồi mới hiểu, mỗi lần cười đều lộ rõ hàm răng sắt nên hầu như rất hạn chế cười. Bông hậu Tiểu Vy cũng vậy, cô rất hiếm khi chụp hình và kiếm mãi mới được hình chụp chung với ba mẹ. Cực nhất có lẽ là tình trạng "bị vướng nên không ngậm miệng lại được".
Thành quả nở hoa là: "Sau 6 tháng đáng sợ thì răng mình đã tự do rồi đây. Đều và đẹp lắm rồi". Hoa hậu Việt Nam 2018 còn dí dỏm chia sẻ cảm xúc sau khi tháo được "cục nợ" là: "Lúc tháo niềng xong về nhà cứ tự chụp hình xem răng mình hoài luôn nha".
Nhưng có lẽ niềm vui chưa được bao lâu thì cô lại phải đeo lại niềng do răng bị chạy, bằng chứng là bây giờ nghỉ Tết, bông hậu đã tranh thủ sửa sang lại một lần nữa.
Niềng răng là một trong những biện pháp thẩm mỹ ngày càng phổ biến và được nhiều chị em đồng lòng thực hiện, bởi ai chẳng muốn sở hữu nụ cười với hàm răng đều tăm tắp. Niềng không chỉ giúp từng chiếc răng xếp đều đặn, chuẩn khớp cắn mà còn có thể khắc phục những khiếm khuyết hô, móm, vẩu do răng từ đơn giản đến phức tạp. Tuy nhiên, nhiều người lầm tưởng rằng hàm răng đã ổn định sau khi kết thúc quá trình niềng răng, thế nhưng điều này là chưa đúng. Hàm răng vẫn chưa đạt được độ bền vững cao nhất và hoàn toàn có thể bị xô lệch, trở lại vị trí ban đầu dưới tác động của lực nhai, cắn.
Nguyên nhân răng bị hô và xô lệch trở lại có thể do bác sĩ không đủ chuyên môn, tháo niềng quá sớm hay không đeo hàm duy trì thường xuyên. Do đó, khi thực hiện niềng thì bạn cần tuân thủ đúng lời chỉ dặn của bác sĩ và tìm cho mình cơ sở làm đẹp uy tín. Về cơ bản, niềng răng có những loại chính sau:
Niềng răng mắc cài
Phương pháp niềng răng mắc cài kim loại được sử dụng đầu tiên trong kỹ thuật nắn chỉnh răng bằng khí cụ nha khoa. Dây cung và mắc cài được làm từ các chất liệu kim loại như: Titan, vàng, bạc, thép không gỉ, sứ nên có khả năng chịu được lực kéo lớn, đồng thời đưa răng về đúng vị trí trong thời gian ngắn nhất.
Tuỳ vào điều kiện tài chính mà bạn có thể lựa chọn giữa niềng răng bằng các chất liệu khác nhau. Tuy nhiên, đa số chúng đều có 1 nhược điểm đó là gây vướng víu khi ăn, nói và vệ sinh. Điều kiện thẩm mỹ ít nhiều cũng bị ảnh hưởng.
Niềng răng trong suốt
Đây là phương pháp niềng răng tối ưu, được rất nhiều người bệnh ưa chuộng bởi tính thẩm mỹ cao. Thay vì sử dụng mắc cài và dây cung, kỹ thuật điều trị sử dụng các khay trong suốt có thể tháo lắp dễ dàng. Chất liệu khay trong suốt, tiệp màu răng, siêu mỏng nên rất khó nhận ra ngay cả khi nhìn ở cự li gần. Nó cũng có thể tháo lắp khay dễ dàng để vệ sinh và ăn uống.
Chính nhờ ưu điểm đeo niềng như không đeo mà phương pháp này rất được lòng người bệnh. Tuy nhiên, giá niềng răng không mắc cài cao nhất trong số các loại niềng răng nên bạn hãy cân nhắc. Kinh phí dự trù cho loại này có thể lên tới hàng trăm triệu đồng.