Chỉ cần nghe bố mẹ nói 4 câu này, tâm lý của trẻ sẽ dần ổn định.
Trẻ em không giỏi quản lý và kiềm chế cảm xúc giống như người lớn. Con thường rất rạch ròi trong chuyện yêu ghét, và điều này không có gì lạ cả, đó là trạng thái cảm xúc tự nhiên mà đứa trẻ nào cũng có. Nhưng quan trọng là trong những tình huống trẻ bộc lộ tâm lý bất ổn, chẳng hạn như bướng bỉnh và dễ nổi nóng, bố mẹ sẽ có phản ứng hay cách xử lý ra sao cho phù hợp.
Có hai kết quả sẽ xảy ra, một là bố mẹ khéo léo điều chỉnh được trạng thái của con, giúp con ổn định cảm xúc và trường hợp thứ hai là bố mẹ có thể khiến cho cảm xúc của trẻ ngày càng tệ hơn vì sử dụng phương pháp can thiệp không đúng.
Trên thực tế, việc này cực kỳ quan trọng, bởi nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển tâm lý, tính cách lành mạnh của con trẻ về sau. Theo nhiều chuyên gia, đây là 4 câu nói mà dù con bao nhiêu tuổi cũng có thể xoa dịu cảm xúc của trẻ, bố mẹ hãy nhớ nói với con thường xuyên khi trẻ bướng bỉnh, dễ cáu giận.
"Con đừng gào lên như thế sẽ rất mệt, mình có thể nhỏ nhẹ nói chuyện với nhau được không?"
Khi trẻ bực bội, khó chịu hoặc lo lắng thì con sẽ thường nói với một âm lượng khá to. Có thể là trẻ sẽ rống hoặc gào lên, kèm với tiếng khóc. Nếu lúc này bố mẹ không chịu thua kém mà nhất quyết áp đảo con, bằng cách la mắng hoặc chỉ trích con với giọng điệu to hơn thì rất có thể "chiến tranh" sẽ nổ ra, và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến những người xung quanh.
Đó là lý do mà khi trẻ đang gặp bất ổn về cảm xúc, la hét hoặc khóc lóc thì bố mẹ không nên sử dụng sự quá nghiêm khắc để đối phó, thay vào đó bố mẹ cần mềm mỏng hơn và hãy nói với con bằng giọng điệu thật bình tĩnh: “Con đừng gào lên như thế sẽ rất mệt, mình có thể nhỏ nhẹ nói chuyện với nhau được không?”
Bằng cách này, bố mẹ khuyến khích trẻ bắt chước giọng nói và cách nói chuyện của mình. Khi nghe thấy bố mẹ sử dụng giọng nói trầm ấm và nhẹ nhàng như thế, trẻ sẽ dần dần tự động điều chỉnh và cân bằng cảm xúc của mình lại.
Hãy nhớ rằng phản ứng của bố mẹ trong tình huống này có sức ảnh hưởng lớn đến trẻ. Khi bố mẹ sử dụng cách giao tiếp phù hợp và thể hiện sự bình tĩnh, điều này sẽ tạo cho trẻ cảm giác an toàn và được quan tâm.
Đồng thời, nhờ vậy mà bố mẹ cũng khám phá và hiểu rõ hơn về tâm trạng, cũng như tính khí của trẻ. Kết quả là cả bố mẹ và con đều có thể trở nên thấu hiểu lẫn nhau một cách tự nhiên hơn.
"Bình tĩnh nào, con cần học cách kiềm chế hơn"
Trẻ con có rất nhiều ham muốn, muốn mua cái này cái kia, muốn làm điều này điều nọ. Tuy nhiên không phải nhu cầu nào của con cũng sẽ được người lớn đáp ứng vô điều kiện. Nhưng nếu việc trẻ bày tỏ mong muốn không được bố mẹ đồng ý, trẻ thường có xu hướng ngay lập tức bộc lộ sự nóng giận, khó chịu và thậm chí là đập phá hay ném đồ đạc.
Sở dĩ trẻ làm như vậy là để thu hút sự chú ý của bố mẹ và muốn bố mẹ hiểu được mong muốn của mình. Dẫu vậy thì nếu xem xét tình huống con đang gặp vấn đề về điều tiết cảm xúc, bố mẹ hãy trấn an con bằng câu nói "Bình tĩnh nào, con cần học cách kiềm chế hơn".
Thay vì la mắng hay nộ nạt, chỉ trích con khiến cho cảm xúc của trẻ càng thêm tiêu cực thì bố mẹ phải tìm cách làm dịu trạng thái tâm lý của trẻ. Sau khi con ổn định cảm xúc, bố mẹ có thể nhẹ nhàng trò chuyện với con và điều quan trọng là đừng quên hướng dẫn trẻ cách kiềm chế và điều khiển cảm xúc của bản thân sao cho hiệu quả hơn về sau.
"Nếu con có vấn đề gì thì hãy nói ra, bố mẹ luôn sẵn sàng lắng nghe con"
Bố mẹ cần phải cho trẻ biết rằng, bố mẹ luôn sẵn lòng lắng nghe con và chia sẻ những vấn đề mà con đang gặp phải, đừng giữ những điều đó trong lòng. Dù con đang tức giận, buồn tủi hay đơn giản là muốn thể hiện cảm xúc của mình thì cũng hãy mạnh dạn chia sẻ ra, như vậy thì bố mẹ mới biết nên làm gì để giúp con.
Bố mẹ cần phải cho trẻ hiểu, không phải chỉ khi con khóc lóc thì bố mẹ mới nghe theo yêu cầu của con. Thực tế là khóc không giải quyết được vấn đề, và bố mẹ không muốn đứa trẻ của mình phải dùng "chiêu" này như một cách để ép buộc bố mẹ thoả hiệp. Bởi không phải mọi yêu cầu của con đều hợp lý, và bố mẹ không muốn con trở thành một đứa trẻ ương ngạnh, được nuông chiều một cách vô độ.
Bố mẹ hãy dạy con biết cách thể hiện cảm xúc của mình một cách lành mạnh và tôn trọng người khác, thông qua việc dành sự tin tưởng và thường xuyên chia sẻ thành thật với bố mẹ mọi chuyện.
"Con đừng ném đồ đạc, bố mẹ biết con rất ngoan"
Khi trẻ tức giận, ngoài biểu hiện trên gương mặt và lời nói, trẻ có thể thực hiện hành vi ném đồ đạc. Lúc này bố mẹ có thể sử dụng câu nói "Con đừng ném đồ đạc, bố mẹ biết con rất ngoan" để có thể ổn định cảm xúc của trẻ. Thực tế thì trẻ em nào cũng muốn được bố mẹ khen, chính vì thế mà câu nói này sẽ giúp trẻ hiểu rằng, bố mẹ luôn tin tưởng và đánh giá tốt về trẻ.
Nhận được sự công nhận của bố mẹ, trẻ sẽ có động lực tiếp tục phát huy những ưu điểm và sẵn sàng sửa chữa những lỗi lầm của mình. Sau khi nói câu này, bố mẹ cũng cần giải thích thêm cho trẻ hiểu, việc đập phá hay ném đề đạc sẽ không giải quyết được vấn đề mà chỉ khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn.
Nhà cửa bừa bộn bố mẹ sẽ rất vất vả để dọn dẹp lại. Hơn thế nữa, nếu ném đồ như thế thì sẽ dễ gây đổ vỡ và hư hại. Trẻ cần biết mọi vật đều có giá trị riêng, muốn sử dụng nó ở trạng thái tốt nhất thì con bắt buộc phải biết cách giữ gìn, bảo quản và trân trọng. Như vậy thì nó mới có thể gắn bó lâu dài với trẻ.
Sự ổn định về mặt cảm xúc cần phải rèn luyện lâu dài và điều này liên quan đến sự tu dưỡng phẩm chất của một con người. Bố mẹ nên có những nguyên tắc và điểm mấu chốt để đáp ứng nhu cầu hợp lý của con cái, không phải lúc nào cũng nên mềm lòng và dễ dàng thoả hiệp, để tránh uốn nắn nên những đứa trẻ ích kỷ, bướng bỉnh và ngang ngược.