Bố mẹ đồng hành cùng con không chỉ là trách nhiệm, mà còn là một cơ hội để cả hai bên học hỏi và trưởng thành.
Bố mẹ đều mong muốn mang đến cho con một môi trường sống và học tập tốt. Bố mẹ hiểu rằng một môi trường tích cực sẽ giúp trẻ phát triển từ trí tuệ đến nhân cách, hình thành những giá trị đạo đức cần thiết trong cuộc sống.
Trên thực tế, nếu muốn trở thành bậc bố mẹ tốt, chuyên khuyên nên tập trung vào bốn vai trò.
Người giám hộ: Chăm sóc con tốt nhưng không can thiệp quá nhiều
Điều đầu tiên bố mẹ nên làm là chăm sóc con thật tốt. Nhưng việc “chăm sóc” ở đây không có nghĩa là làm tất cả mọi việc cho trẻ.
Nhiều bậc bố mẹ vội can thiệp khi con gặp khó khăn. Điều này vô tình khiến trẻ bỏ lỡ cơ hội rèn luyện bản thân và phát triển kỹ năng cần thiết cho cuộc sống. Việc quá bảo bọc có thể dẫn đến tình trạng trẻ không tự tin vào khả năng, cảm thấy không thể đối mặt với thử thách độc lập.
Bố mẹ cần nhận thức rằng quá trình trưởng thành của trẻ bao gồm việc học hỏi từ những thất bại và khó khăn. Khi trẻ đối diện với những thách thức, có cơ hội phát triển tư duy phản biện, khả năng giải quyết vấn đề và sự kiên nhẫn.
Những trải nghiệm này giúp trẻ xây dựng lòng tự tin, tạo ra bài học quý giá cho tương lai. Việc bố mẹ can thiệp quá mức có thể làm trẻ cảm thấy không đủ khả năng để tự mình vượt qua thử thách, từ đó tạo ra cảm giác bất an và thiếu tự tin.
Trước khi vội giúp đỡ, hãy đánh giá đơn giản về độ khó của vấn đề. Nếu thực sự đó là điều trẻ không thể tự mình hoàn thành, bố mẹ có thể đưa ra một số hướng dẫn.
Thay vì làm thay trẻ, bố mẹ hãy khuyến khích trẻ tìm ra giải pháp cho vấn đề của mình. Ví dụ, nếu trẻ gặp khó khăn trong việc hoàn thành bài tập về nhà, thay vì ngồi xuống làm bài cho trẻ, bố mẹ có thể hỏi: “Con đã thử cách nào để giải quyết bài này chưa?” hoặc “Con nghĩ mình cần tìm hiểu thêm thông tin từ đâu?”
Người đồng hành: Khám phá tiềm năng ở trẻ
Trong xã hội ngày nay, thành tích học tập xuất sắc không còn được xem là lợi thế tuyệt đối. Trẻ cần trau dồi nhiều kỹ năng khác, ở các lĩnh vực khác nhau, từ nghệ thuật, thể thao cho đến khả năng giao tiếp và lãnh đạo.
Sự cạnh tranh ngày càng gia tăng khiến trẻ cảm thấy áp lực phải thể hiện bản thân trong học tập...
Mỗi đứa trẻ đều có những điểm mạnh riêng. Bố mẹ nên quan sát kỹ để khám phá những đặc điểm và biến điều này thành lợi thế cho con.
Điều này có nghĩa là bố mẹ cần phải dành thời gian để hiểu rõ về sở thích, đam mê và khả năng của trẻ. Việc nhận diện và khuyến khích điểm mạnh giúp trẻ phát triển tài năng, tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự tự tin.
Những lời khen chân thành và đúng lúc có thể tạo ra động lực mạnh mẽ cho trẻ, cảm thấy được công nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, khi khen ngợi, trẻ phải nhận thấy rằng lời khen của người lớn xuất phát từ tấm lòng.
Nếu trẻ cảm thấy lời khen chỉ là chiếu lệ hoặc thiếu chân thành, dễ trở nên nghi ngờ về giá trị của bản thân và không còn tin tưởng vào sự động viên đó.
Gia sư: Đưa ra hướng dẫn, lời khuyên trong cuộc sống
Bố mẹ là những người gần gũi nhất với con nhất. Trong vai trò này, bố mẹ có trách nhiệm hướng dẫn, là người đồng hành, chia sẻ những khoảnh khắc quan trọng trong cuộc sống của trẻ.
Để có thể thực hiện tốt vai trò này, bố mẹ nên thiết lập mối quan hệ tin cậy lẫn nhau với con. Hãy tạo ra một môi trường an toàn, nơi trẻ cảm thấy thoải mái khi chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ, khó khăn...
Khi trẻ nhận thấy điều bố mẹ làm hoàn toàn vì lợi ích chung, sẽ dễ dàng chấp nhận lời khuyên và hướng dẫn hơn. Sự tin tưởng này là nền tảng vững chắc cho mọi mối quan hệ. Bố mẹ nên dành thời gian để lắng nghe, tìm hiểu suy nghĩ và cảm xúc, từ đó giúp trẻ cảm thấy được tôn trọng và công nhận.
Là gia sư của trẻ, bố mẹ không nên quá tùy ý trong cách tiếp cận. Không nên đặt ra những quy định hoặc điều kiện vì cho rằng mình có toàn quyền 100%.
Việc này có thể khiến trẻ cảm thấy bị áp đặt, không có quyền tự quyết trong cuộc sống của mình. Thay vào đó, bố mẹ nên xem trẻ như những cá nhân độc lập, với những suy nghĩ và ước mơ riêng. Nhằm phát triển tư duy độc lập và khả năng tự giải quyết vấn đề.
Người cộng sự: Cùng con đối mặt với những khó khăn trong quá trình trưởng thành
Người lớn cũng có tuổi thơ riêng. Nghĩ lại, lớn lên chúng ta có gặp phải nhiều vấn đề không? Những ký ức về tuổi thơ thường gắn liền với thách thức, từ việc thích nghi với môi trường học tập mới, xây dựng mối quan hệ bạn bè cho đến những cảm xúc phức tạp như sự cô đơn, lo lắng và áp lực từ bố mẹ.
Những trải nghiệm này đã hình thành nên chúng ta, và giờ đây, khi trở thành bố mẹ, chúng ta có trách nhiệm bảo vệ, lắng nghe và thấu hiểu những khó khăn mà các con đang phải đối mặt.
Trẻ em cũng cần một người bạn để chia sẻ những nỗi lo gàng. Khi đối diện với những vấn đề như áp lực học hành, mối quan hệ bạn bè rạn nứt,... trẻ cần biết rằng mình không đơn độc. Lúc này, bố mẹ đóng vai trò là đối tác khi con gặp phải những vấn đề. Thay vì đơn thuần đưa ra lời khuyên hay chỉ trích, bố mẹ nên cùng con đối mặt và thảo luận các chiến lược đối phó.
Việc này giúp trẻ cảm thấy được hỗ trợ, tạo ra không gian an toàn để trẻ bày tỏ những lo lắng và cảm xúc. Bố mẹ nên khuyến khích trẻ chia sẻ những suy nghĩ mà không sợ bị phán xét. Hãy lắng nghe một cách chân thành và thể hiện sự đồng cảm, giúp trẻ cảm thấy được tôn trọng và hiểu rõ hơn về chính bản thân mình.