Trước 6 tuổi, bố mẹ nên đặt ra một số quy tắc nhằm hướng trẻ phát triển tính cách, lành vi tốt.
Bố mẹ luôn dành cho con một tình yêu vị tha, bao dung. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi dạy trẻ trưởng thành, cần đặt ra quy tắc cơ bản, đặc biệt là trước 6 tuổi. Đây là giai đoạn quan trọng phát triển tâm lý và tính cách, những quy tắc mà bố mẹ thiết lập sẽ giúp trẻ hiểu rõ hơn về thế giới xung quanh cũng như cách thức tương tác.
Trong thời kỳ này, trẻ em đang trong quá trình khám phá bản thân và xây dựng nền tảng cho những giá trị và thói quen trong tương lai. Việc thiết lập các quy tắc cơ bản giúp trẻ dễ dàng hơn trong việc điều chỉnh hành vi của mình.
Không có hành vi thô lỗ hoặc nói bậy
Dù việc trẻ con đánh nhau là chuyện thường thấy, nhưng nếu không được giáo dục đúng cách, khi lớn lên, trẻ sẽ dễ dàng quen với việc dùng bạo lực để giải quyết vấn đề.
Trước hết, bố mẹ nên nghiêm túc khi trẻ có những hành vi thô lỗ, bạo lực, hay nói bậy... Việc này giúp trẻ hiểu rằng những hành vi này là không chấp nhận được, thể hiện rằng bố mẹ quan tâm đến cách cư xử của mình. Sự nghiêm khắc cần phải đi đôi với kiên nhẫn và thấu hiểu, để trẻ cảm thấy mình được yêu thương ngay cả khi mắc lỗi.
Sau đó, bố mẹ nên để trẻ suy nghĩ về những gì đã xảy ra và tự đặt ra câu hỏi: "Lần sau, con nên làm gì khi gặp phải chuyện như vậy?" Điều này kích thích khả năng tự phản biện và giúp trẻ nhận thức được cảm xúc và hành động. Thảo luận với trẻ về cách tiếp cận phù hợp nhất.
Nếu trẻ khiêm tốn chấp nhận lỗi lầm, đừng quên động viên trẻ lần nữa. Những lời động viên này sẽ tạo động lực cho trẻ trong việc cải thiện hành vi. Bố mẹ có thể nói điều gì đó như: "Mẹ thấy con đã rất dũng cảm khi nhận lỗi, và đó là bước đầu tiên để trở thành một người tốt hơn."
Không tự ý chạm vào đồ của người khác
Và tự bảo quản đồ cá nhân
Trẻ trước 6 tuổi mới nảy mầm khả năng tự nhận thức, thường rất khó phân biệt được vấn đề đồ đạc riêng tư.
Trong trường hợp này, bố mẹ nên cho trẻ biết những gì là của mình. Ví dụ, mẹ có thể cầm quần áo của người lớn và quần áo của trẻ, và nói với con: “Cái này của con, cái này của bố, cái này của mẹ”. Từ khi trẻ còn nhỏ, bố mẹ nên giúp con thiết lập ranh giới giữa mình và người khác.
Những quy tắc như vậy giúp trẻ phân biệt rõ hơn giữa “của bạn” và “của tôi”, hiểu rằng những thứ không phải của mình thì thuộc về người khác. Sự phân biệt về mặt khái niệm này là nền tảng của đạo đức và tâm lý cơ bản nhất. Khi lớn lên, trẻ sẽ biết tôn trọng người khác.
Đặt mọi thứ trở lại nơi trẻ đã lấy
Khi trẻ được hướng dẫn để luôn đặt đồ vật trở lại đúng chỗ, sẽ học được tính kỷ luật và trách nhiệm với hành động của mình. Việc này giúp trẻ hiểu rằng mỗi hành động đều có hậu quả và việc duy trì trật tự là một phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày.
Thói quen này giúp trẻ phát triển kỹ năng tổ chức và quản lý thời gian. Khi trẻ biết cách sắp xếp đồ đạc một cách hợp lý, dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm và sử dụng các vật dụng cần thiết, từ đó tiết kiệm thời gian và năng lượng.
Trong quá trình trẻ tập phân loại đồ vật, bố mẹ thực chất đang rèn luyện cho trẻ khả năng tự chăm sóc bản thân.
Việc này cũng giúp trẻ hình thành thói quen tích cực từ nhỏ, trở thành những người có trách nhiệm và tổ chức. Những thói quen tốt này sẽ theo trẻ trong suốt cuộc đời và hỗ trợ trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Ai đến trước sẽ sử dụng trước, người đến sau phải đợi
Nhiều đứa trẻ chưa hiểu một số quy tắc nơi công cộng, nên có thể chen hàng, xô đẩy hoặc không tôn trọng những người xung quanh. là Vì vậy, bố mẹ nên dạy trẻ "quy tắc đến lượt", giúp trẻ hiểu rằng ai đến trước sẽ sử dụng trước, còn người đến sau thì phải đợi.
Khi trẻ hiểu được rằng mọi người đều có quyền lợi như nhau và cần phải tôn trọng, sẽ phát triển tính kỷ luật tự giác tốt hơn.
Khi trẻ học được quy tắc đến lượt, sẽ bắt đầu hình thành những kỹ năng xã hội cần thiết. Trẻ sẽ biết cách xếp hàng, chờ đợi và giao tiếp một cách lịch sự với những người khác.
Học cách đợi đến lượt cũng giúp trẻ phát triển tính kiên nhẫn. Trong một xã hội ngày càng bận rộn và nhanh chóng, việc trẻ có thể chờ đợi một cách bình tĩnh sẽ là một kỹ năng quý giá.
Không ngắt lời người khác
Nhiều đứa trẻ có thói quen ngắt lời người khác đang nói, đôi khi xuất phát từ sự hào hứng hoặc mong muốn được chia sẻ những điều đang nghĩ. Những tình huống như vậy có thể trở nên khó chịu cho người lớn, nhưng đôi khi bố mẹ lại vô tình tạo điều kiện cho hành vi này bằng cách đáp lại một cách vui vẻ hoặc không để ý.
Nếu bố mẹ thường xuyên cho phép trẻ ngắt lời bất cứ lúc nào và luôn đáp lại con một cách tích cực, thì thái độ này sẽ dễ khiến trẻ hình thành thói quen làm phiền người khác.
Để giúp trẻ nhận ra tầm quan trọng của việc lắng nghe, bố mẹ nên hướng dẫn bình tĩnh, giúp trẻ học cách suy nghĩ từ quan điểm của người khác. Hãy giải thích rằng việc ngắt lời không chỉ làm gián đoạn dòng suy nghĩ của người khác, khiến người ta cảm thấy không được tôn trọng.
Hãy cho trẻ biết rằng khi một người đang nói, điều quan trọng là lắng nghe và chờ đến lượt mình, đây là cách thể hiện sự lịch sự, trẻ học hỏi được nhiều điều từ cuộc trò chuyện.
Xin lỗi nếu trẻ làm sai, và có quyền yêu cầu người khác xin lỗi nếu họ sai
Trên thực tế, trẻ trước 6 tuổi tuy còn nhỏ nhưng đã bắt đầu có sự hiểu biết nhất đingj, và lúc này bố mẹ nên nắm bắt cơ hội để dạy trẻ ngay từ khi còn nhỏ rằng “làm sai điều gì thì phải xin lỗi”. Bằng cách này, giúp trẻ hình thành thói quen nhận biết và chấp nhận lỗi lầm, từ đó trở thành một đứa trẻ ngoan và lễ phép.
Nếu bố mẹ đã làm sai với con, thì cũng nên xin lỗi, làm gương tốt cho con và noi theo quy tắc đó. Những quy tắc như vậy có thể giúp trẻ học cách lịch sự, trung thực và dũng cảm thừa nhận lỗi lầm.
Trong quá trình này, trẻ cũng học được cách suy ngẫm về bản thân và bắt đầu biết cách bảo vệ quyền lợi của mình. Khi trẻ học được rằng việc xin lỗi không phải là một dấu hiệu của sự yếu đuối mà là một hành động thể hiện sự trưởng thành và trách nhiệm, sẽ trở thành người có khả năng xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với người khác.