Hãy nhớ! Nhận thức về an toàn cháy nổ cho trẻ em, cần phải được nuôi dưỡng từ nhỏ.
Sáng nay, nhiều người bàng hoàng khi hay tin một chung cư mini cao 10 tầng nằm sâu trong trong một con hẻm nhỏ tại quận Thanh Xuân, Hà Nội xảy ra cháy lớn. Cho đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa có thống kê thiệt hại cụ thể, tuy nhiên từ các nguồn tin đã được báo chí chia sẻ, vụ việc gây ra thương vong lớn, trong đó có cả trẻ em.
Từ vụ việc này, chúng ta có thể nhận thấy tầm quan trọng của việc học hỏi kỹ năng xử lý tình huống khi xảy ra sự cố, không chỉ có cả người lớn mà trẻ em cũng nên được dạy những kiến thức về phòng cháy chữa cháy, kỹ năng cơ bản để bảo vệ bản thân khi xảy ra những tình huống nguy hiểm.
(Ảnh minh họa)
Cách đây không lâu tại Trung Quốc, trường hợp của cô bé A Hiên 10 tuổi, nhờ sự nhanh trí và biết tận dụng kiến thức đã kịp thời thoát khỏi đám cháy, thu hút sự khen ngợi từ cộng đồng mạng.
Được biết, cô bé A Hiên và em trai 8 tuổi sống cùng mẹ, thời điểm xảy ra đám cháy vào lúc rạng sáng, người mẹ thức dậy sớm và rời khỏi nhà để mua một số vật dụng sinh hoạt. Mặc dù tuổi còn nhỏ nhưng chị em A Hiên có thể tự lập tốt, vì vậy người mẹ an tâm để các con ở nhà.
Sau khi người mẹ rời khỏi nhà 15 phút, ổ cắm điện trong phòng khách bất ngờ bốc cháy, ngọn lửa nhanh chóng cháy sang những vật dụng gần đó, bén sang rèm cửa. Nguyên nhân của vụ cháy sau đó được xác định là do người mẹ sử dụng máy sấy tóc trong phòng khách, nhưng khi rời đi đã quên rút dây điện khỏi ổ cắm, do tiếp xúc nguồn điện quá lâu, máy sấy tóc quá tải và bất ngờ bốc cháy.
Vậy, A Hiên đã sống sót bằng cách nào?
4 bước giúp bé gái cách thoát khỏi đám cháy ở nhà
Hầu hết người lớn chúng ta đều biết, khi có hỏa hoạn xảy ra nên bình tĩnh và lựa chọn phương án thoát hiểm thuận lợi nhất để thoát thân nhanh chóng. Tuy nhiên, trẻ em còn nhỏ, có thể chưa bình tĩnh khi gặp những tình huống đáng sợ, điều này đòi hỏi người lớn phải dạy cho trẻ thêm kiến thức phòng cháy, phương pháp tự cứu hỏa, đây được xem là tấm bùa hộ mệnh tốt nhất dành cho trẻ.
Sau sự việc, A Hiên vẫn giữ được bình tĩnh để kể lại quá trình, thật bất ngờ chỉ với 4 bước đơn giản, cô bé đã giúp cả mình và em trai kịp thoát khỏi đám cháy.
Thấm ướt quần áo cho mình và em trai
Thời điểm xảy ra vụ cháy là vào lúc sáng sớm, trong nhà chỉ có A Hiên và em trai đang ngủ bỗng nghe tiếng nổ lách tách của ngọn lửa. A Hiên nghe thấy tiếng kêu cứu của em trai, cô bé vội chạy sang phòng ôm em, sau đó thấm ướt quần áo để hai chị em mặc vào.
Che miệng và mũi bằng khăn ẩm
Khi đám cháy bắt đầu lan rộng, cô bé vội tìm thấy khăn để che miệng và mũi, điều này đã giúp miệng và mũi của chị em A Hiên hạn chế tiếp xúc với khói.
Bố mẹ nên trang bị kỹ năng cần thiết cho con khi có hỏa hoạn xảy ra.
Làm quen với lối thoát hiểm trong nhà từ trước
Vì biết mình bận rộn với công việc, nên các con phải thường xuyên ở nhà, người mẹ đã dạy cho hai chị em biết vị trí của tất cả các cửa sổ và cửa ra vào trong nhà, lối thoát nào là lựa chọn đầu tiên và lối thoát nào chỉ được sử dụng khi cần thiết.
Đặc biệt chú ý đến phòng của con, hướng dẫn các con cố gắng giữ cho các lối thoát hiểm luôn thông thoáng và dọn sạch đồ đạc hay đồ chơi bừa bộn. Người mẹ trước đây cũng thường xuyên kiểm tra ổ khóa an toàn và cơ cấu trượt của tất cả các cửa sổ, để đảm bảo có thể mở dễ dàng trong trường hợp khẩn cấp. Vì điều này, ngay khi đám cháy xảy ra, A Hiên và em trai đã nhanh chóng xác định được lối ra vào để thoát thân.
Nhờ sự giúp đỡ của hàng xóm
Sau khi thoát khỏi đám cháy, A Hiên nhờ hàng xóm gọi cứu hộ và thông báo cho mẹ của cô bé. Khoảng ít phút sau, đội lính cứu hỏa đã có mặt tại hiện trường để tiến hành công tác chữa cháy.
Mặc dù ngôi nhà nhanh chóng bị thiêu rụi, nhưng may thay vụ việc không để lại thương vong, cô bé A Hiên nhờ những kỹ năng được dạy đã kịp thời thoát thân và cứu em trai, người mẹ cũng tỏ ra vô cùng ân hận về sự bất cẩn của mình.
Hướng dẫn trẻ tìm kiếm những nơi thoát hiểm.
Bố mẹ nên nhắc nhở con những điều cần lưu ý khi thoát khỏi đám cháy
Trong 3 phút đầu tiên của đám cháy, ngọn lửa nhìn chung không lớn, lúc này có thể sử dụng nước hoặc bình chữa cháy và các dụng cụ khác để chủ động dập lửa. Nếu sau hơn 3 phút đám cháy vẫn chưa được khống chế hiệu quả, trẻ cần chớp thời cơ sơ tán nhanh chóng khỏi hiện trường vụ cháy. Đây là điều đầu tiên bố mẹ cần dạy con về nguyên tắc tự cứu mình trong đám cháy.
Ngoài ra, cần lưu ý những điều sau đây.
Đừng nghịch lửa: Nhiều trẻ thích nghịch lửa cũng như nghịch nước vì không hiểu lửa đáng sợ thế nào, đặc biệt những gia đình có người hút thuốc, cần được nhắc nhở rằng nên bật lửa xa tầm tay của trẻ.
Đừng la hét: Việc hét to không chỉ lãng phí sức lực mà còn dễ hít phải khói dày đặc, hoặc sóng nhiệt có thể gây kích ứng cổ họng, gây bỏng đường hô hấp... Nếu hít phải khói độc, trẻ có thể tử vong ngay lập tức.
Không được dùng thang máy: Khi đám cháy bùng phát, khói sẽ bay đến thang máy trước tiên trong trường hợp gia đình sống tại chung cư. Vì vậy hãy tránh đi thang máy.
Không nên sử dụng thang máy khi xảy ra hỏa hoạn.
Bởi, khi xảy ra hỏa hoạn, điện thường bị cắt khiến thang máy bị kẹt, khiến công tác cứu hộ khó khăn hơn. Đồng thời, lối vào thang máy dẫn thẳng lên tất cả các tầng của tòa nhà, khói bay vào lối đi thang máy có thể dễ dàng hình thành “hiệu ứng ống khói”. Nếu trẻ dùng thang máy, có thể bị ngạt thở bởi khói dày đặc và khí độc.
Cúi người bò ra: Đám cháy tạo ra khói dày, nhẹ hơn không khí và thường bay lơ lửng trên bầu trời, khói mỏng hơn ở độ cao từ 30 đến 60 cm so với mặt đất. Vì vậy, hãy dạy trẻ cố gắng cúi thấp người và tiến nhanh về phía trước bằng cách dựa vào tường để rời khỏi, tìm đến lối thoát hiểm hoặc cầu thang.
Nếu thấy khói, hãy bò ra khỏi phòng để tránh bị ngạt thở.
Lăn dưới đất nếu quần áo bị bắt lửa: Trường hợp trẻ mặc quần áo bắt lửa, bố mẹ nên dạy trẻ nhanh chóng cởi bỏ quần áo và lăn tại chỗ, nếu gần đó có hồ bơi, trẻ có thể nhanh chóng nhảy xuống nước.
Tin vào lính cứu hỏa: Điều này đòi hỏi trẻ phải làm quen với trang phục của lính cứu hỏa và không được sợ hãi, cách tốt nhất là tiếp xúc gần gũi với họ thông qua một số hoạt động trải nghiệm chữa cháy.
Điều cuối cùng, cha mẹ hãy nhớ!
Nhận thức về an toàn cháy nổ cho trẻ em, cần phải được nuôi dưỡng từ nhỏ.