Một số câu nói trong lúc nóng giận của bố mẹ có thể làm tổn thương trẻ, ảnh hưởng phát triển tâm lý và tính cách.
Một câu nói tử tế sưởi ấm chúng ta trong 3 mùa đông, nhưng lời nói không vui sẽ làm tổn thương trong 6 tháng. Điều này cho thấy lời nói có tác động rất lớn đến mỗi người.
Trong rất nhiều cuộc trò chuyện hàng ngày, có một vài câu khiến trẻ cảm thấy tổn thương nhưng được bố mẹ lặp đi lặp lại một cách vô thức.
“Hãy nhìn con nhà người ta”
Câu nói này không chỉ là sự phủ nhận thành tích hiện tại, mà còn là so sánh giá trị bản thân con mình với những đứa trẻ khác. Điều này có thể tạo ra một áp lực tâm lý lớn, trẻ cảm thấy không đủ tốt hoặc không xứng đáng. Những so sánh như vậy làm giảm sự tự tin, tạo ra cảm giác thua kém.
Theo thời gian, nếu trẻ phải đối mặt với những so sánh không công bằng và áp lực, có thể phát triển mặc cảm hoặc thậm chí có cảm xúc nổi loạn. Những cảm xúc này ảnh hưởng đến mối quan hệ, dẫn đến sự chán nản trong học tập và cuộc sống. Trẻ có thể trở nên xa cách, không muốn chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của mình.
Mỗi đứa trẻ là duy nhất, có tốc độ phát triển và thế mạnh riêng. Bốmẹ nên nhìn nhận và tôn trọng những điều này, thay vì áp đặt tiêu chuẩn chung cho tất cả. Việc chấp nhận sự khác biệt sẽ giúp trẻ cảm thấy yêu thương và quý trọng, từ đó phát triển một cách tự nhiên.
Bố mẹ nên chú ý đến sự tiến bộ và nỗ lực của con mình, thay vì theo đuổi những tiêu chuẩn của người khác. Mỗi bước tiến nhỏ trong quá trình học tập đều đáng được ghi nhận và khuyến khích. Khi trẻ thấy rằng nỗ lực của mình được công nhận, sẽ có động lực hơn để tiếp tục phấn đấu.
"Tại sao con luôn không vâng lời thế!"
Đằng sau câu nói này, các bậc bố mẹ thường che giấu sự khó hiểu và mong muốn kiểm soát hành vi của con. Điều này có thể xuất phát từ nỗi lo lắng về tương lai, hoặc mong muốn con tuân theo những tiêu chuẩn mà bố mẹ cho là đúng đắn. Tuy nhiên, việc kiểm soát quá mức có thể vô tình kìm hãm sự phát triển tự nhiên, trẻ cảm thấy không được tôn trọng và không có tiếng nói trong quyết định của chính mình.
Trẻ em có những sở thích và mong muốn khám phá thế giới riêng, đó là tài sản quý giá trong quá trình trưởng thành. Những trải nghiệm và khám phá này giúp trẻ phát triển nhận thức, hình thành tính cách, sự tự tin và khả năng sáng tạo. Khi trẻ được tự do khám phá và thử nghiệm, sẽ học được cách đối mặt với thất bại, tìm ra giải pháp, phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề.
Bố mẹ nên cố gắng hiểu hành vi của con từ góc nhìn của con, nắm bắt được những gì trẻ thực sự cảm thấy và nghĩ. Việc này giúp bố mẹ hiểu rõ hơn về con cái, tạo ra một không gian an toàn để trẻ thể hiện bản thân.
Thay vì chỉ đơn giản sử dụng “sự vâng lời” làm tiêu chuẩn, bố mẹ nên cân bằng mối quan hệ giữa sở thích và việc học thông qua giao tiếp và hướng dẫn. Điều này có thể bao gồm lắng nghe những mong muốn của trẻ, khuyến khích chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ, từ đó xây dựng mối quan hệ tin cậy và cởi mở.
"Bố mẹ làm tất cả điều này là vì con"
Câu nói này tưởng chừng tràn đầy yêu thương, quan tâm nhưng thực chất có thể trở thành xiềng xích, hạn chế sự trưởng thành của trẻ.
Tình yêu của bố mẹ nên là sự thấu hiểu, hỗ trợ và hướng dẫn chứ không phải là sự kiểm soát.
Trẻ em cần học cách đối mặt với cuộc sống một cách độc lập và phát triển vượt qua những thăng trầm.
Bố mẹ nên cho con không gian trống thích hợp, cho phép thử những điều mới một cách an toàn, trải nghiệm thất bại và thành công, để phát triển khả năng giải quyết vấn đề và sự tự tin.
Điều “tốt cho con” thực sự là dạy trẻ cách tự bảo vệ mình và có được thành công phù hợp với năng lực, thay vì tước đi quyền được trưởng thành.
Chuyên gia tâm lý khuyên rằng, bố mẹ nên luôn nhắc nhở bản thân ngôn ngữ là phương tiện truyền tải tình yêu thương, cũng là tác nhân tạo ra tổn hại.
Trong giao tiếp giữa bố mẹ và con, hãy kiên nhẫn, thấu hiểu và tôn trọng, trò chuyện tích cực và khích lệ hơn, đồng thời hãy để tình yêu thương trở thành cầu nối gắn kết nhau chứ không phải là nguồn gốc của sự xa cách.