Tính cách của người mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tính cách, quan điểm, lối sống của con.
Người mẹ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành tính cách và định hướng cuộc đời của con. Từ những ngày đầu đời, mẹ là người gần gũi, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ nhất.
Chính những tính cách, phong cách sống và cách đối xử của người mẹ sẽ ăn sâu vào tiềm thức của trẻ, lớn dần trở thành những đặc điểm nổi bật trong tính cách và hành vi của con sau này.
Trước hết, tính cách của người mẹ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành tính cách của trẻ ngay từ khi còn nhỏ.
Chúng ta dễ dàng nhận thấy, người mẹ có tính cách ôn hòa, kiên nhẫn, luôn bình tĩnh đối phó với những khó khăn, trẻ trưởng thành có xu hướng trở thành những người trầm tính, ít nóng giận và biết cách giải quyết vấn đề một cách khéo léo.
Tính cách người mẹ ảnh hưởng đến trẻ.
Ngược lại, một người mẹ thường xuyên thiếu kiên nhẫn, dễ nóng giận và giải quyết vấn đề bằng cách ồn ào, cáu kỉnh, thì khả năng cao trẻ cũng sẽ phát triển những tính cách tương tự.
Có thể thấy, tính cách của người mẹ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc định hình tính cách, quan điểm sống, lối sống và các mối quan hệ xã hội của con cái sau này.
Cũng là một người mẹ, chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Vui đã đưa ra những lời khuyên hữu ích, nhằm giúp những ai đã, đang và sắp làm mẹ ý thức được trách nhiệm của mình trong việc rèn luyện và phát triển những phẩm chất tốt đẹp, truyền cảm hứng và định hướng tích cực cho con trên đường trưởng thành.
Thưa chuyên gia có câu nói rằng, “Mẹ khéo – Con thành công”, là kim chỉ nam nuôi dạy con thời hiện đại, chuyên gia nghĩ sao về điều này?
Theo tôi, quan điểm này là kim chỉ nam trong từ xưa đến nay trong việc nuôi dạy con, không chỉ ở thời hiện đại. Tuy nhiên, trước đây nhu cầu ăn uống, sinh lý... thường dừng ở việc nuôi con, nên xã hội sẽ ít chú ý đến vai trò người mẹ thế nào thì con cảm thụ được tính cách.
Nhưng trong giai đoạn hiện tại, khi kinh tế đã phát triển, nhu cầu hàng ngày được đáp ứng đầy đủ. Từ đó, nhiều người bắt đầu nhận ra tầm quan trọng trong tính cách của người mẹ sẽ ảnh hưởng đến con.
Vì vậy, tôi tin rằng người mẹ khéo, dễ nuôi dạy con thành công hơn. Trong giới tâm lý, cũng đã có nhiều nghiên cứu chứng minh cho điều này.
Hai kiểu người mẹ tính cách phổ hiện nay, đó là tính cách tích cực (cởi mở, tự tin, vui vẻ, thấu hiểu...) và người mẹ tiêu cực (chán nản, trách móc, thiếu kiên nhẫn...) sẽ tác động đến trẻ thế nào?
Nếu xét về hai kiểu tính cách, chúng ta sẽ cần phân tích thêm hai phương diện, đó là:
Những tính cách này của người mẹ thường thể hiện ra chung với cộng đồng xã hội hay chỉ bộc lộ ra với con.
Trong gia đình, nếu người mẹ tích cực (cởi mở, tự tin, vui vẻ, thấu hiểu...) sẽ là tấm gương để trẻ học hỏi theo, từ đó có thể nuôi dưỡng tinh thần, tâm thế an toàn, được yêu thương và luôn luôn hướng đến điều tốt đẹp của trẻ.
Trường hợp, người mẹ luôn luôn thể hiện sự chán nản, trách móc, thiếu kiên nhẫn,... không chỉ với con mà còn bộc lộ ra với xã hội, đứa trẻ lớn lên có xu hướng học theo hình mẫu trên.
Cả gai người mẹ tính cách tích cực và tiêu cực đều có tác động nhất định đến trẻ. Tuy nhiên, nếu ngay từ đầu, người mẹ thường xuyên chán nản, trách móc... sẽ khiến trẻ nghi ngờ về bản thân, tình yêu thương...
Người mẹ có thể thực hiện những thay đổi tích cực nào trong tính cách và hành vi của mình để trở thành người mẹ "lý tưởng" và giúp con phát triển tốt nhất?
Điều đầu tiên, người mẹ cần nhận ra tầm quang trọng ảnh hưởng từ bản thân mình đến các con.
Thứ hai, người mẹ cần nhận diện rõ về bản thân, mình thuộc kiểu người mẹ tích cực hay tiêu cực, bản thân có điều gì chưa ổn, thường xuyên nhạy cảm quá sức trong lĩnh vực nào, hay đôi khi khen ngợi con "quá lố" tạo cho con ảo tưởng rằng bản thân giỏi hơn mức thực tế...
Thứ ba, người mẹ cần lên kế hoạch thay đổi. Thực tế, một số trường hợp bầu không khí gia đình an toàn là người mẹ cởi mở, sẵn sàng chia sẻ với con rằng "Mẹ nhận thấy mình nên thay đổi điều này", "Mẹ nhận thấy lần tới nên cư xử theo hướng... sẽ tốt hơn và nhờ con cùng đồng hành với mẹ"...
Trong bầu không khí gia đình đủ an toàn, trẻ sẽ nhìn thấy được thái độ cầu thị, của người mẹ, điều này sẽ tác động tích cực đến trẻ.
Cuối cùng, người mẹ cùng người thân quyết tâm thực hiện sự thay đổi, bởi đôi khi mẹ cũng cần khuyến khích, hỗ trợ từ gia đình và các con.
Trường hợp người mẹ ảnh hưởng tiêu cực đến con, lúc này bố, ông bà và những người thân khác trong gia đình đóng vai trò như thế nào để bù đắp hoặc giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực từ tính cách người mẹ? Họ có thể làm gì?
Mặc dù có sự bù đắp, nhưng người mẹ tính cách tiêu cực đã ảnh hưởng đến trẻ. Thực tế, trẻ càng nhỏ tuổi thì mức độ tác động càng lớn.
Tùy theo độ tuổi của trẻ, chúng ta sẽ nhận diện ra đứa trẻ lớn lên trong môi trường mà người mẹ ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ, lúc này cần sự hỗ trợ từ phía gia đình và ông bà. Có thể là sự can thiệp trực diện trong những tình huống người mẹ áp đảo hay thể hiện sự độc đoán với con.
Nhưng phần lớn, nên gặp riêng tư với trẻ, giúp trẻ thấu hiểu, cảm thông về tình hình hiện tại. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là cho trẻ biết rằng, giá trị của bản thân được bảo đảm, trẻ chỉ làm sai ở hiện tại, chứ không phải là không xứng đáng nhận được yêu thương của bố mẹ.
Vấn đề ban đầu có thể đến từ khó khăn về mặt tinh thần của người mẹ, điều này phụ thuộc vào sự nhạy cảm, quan tâm cần có từ phía gianh đình, người thân.