Giấc ngủ ngắn rất tốt cho sự phát triển của trẻ. Nhưng không phải đứa trẻ nào cũng đều có thói quen bổ ích này.
Theo lời khuyên của nhiều bác sĩ, trẻ em đang trong độ tuổi mau lớn. Vì thế bên cạnh việc ăn uống thì giấc ngủ cũng là một vấn đề thiết yếu. Không như người lớn, giấc ngủ trưa của trẻ nên được bố mẹ khuyến khích, rèn luyện để trở thành một thói quen tốt.
Trong những năm đầu đời của trẻ, giấc ngủ trưa có thể bổ trợ hiệu quả cho sự phát triển về thể chất và tinh thần. Với tính hiếu động, một ngày vui chơi và học tập của trẻ đã khiến cho chúng tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Vì vậy, để có thể nạp năng lượng cho buổi chiều và tối thì giấc ngủ trưa là vô cùng cần thiết cho trẻ.
Chị Ảnh Quân (ở Trung Quốc) có cô con gái đang ở độ tuổi đến trường. Cô bé là một đứa trẻ ngoan ngoãn và hiểu chuyện. Vì được theo học ở trường mẫu giáo tư thục nên Vân Hi chỉ được mẹ đón về nhà vào ngày cuối tuần.
Thời gian gặp con khá ít, nên chị Ảnh Quân thường xuyên nhờ cô giáo chụp ảnh con gái và gửi cho chị để chị tiện theo dõi. Vào giấc ngủ trưa hôm nay, cô giáo đã gửi cho mẹ Vân Hi một tấm hình của cô bé. Sau khi xem xong, chị Ảnh Quân không thể che giấu được cảm xúc của mình mà bậc cười thành tiếng.
Hóa ra, vì cô bé khó đi vào giấc ngủ nên đã có hành động vô cùng đáng yêu. Đó là dùng đôi tay nhỏ nhắn vỗ nhẹ vào người, cố gắng tự dỗ mình ngủ, giống như cách mà cô bé học được từ mẹ.
Sau đó, chị Ảnh Quân đã không ngại chia sẻ hình ảnh và câu chuyện đáng yêu này lên mạng. Rất nhiều bậc phụ huynh đã vào bình luận, chia sẻ:
Phụ huynh A: “Con tôi cũng làm cách này khi ngủ, trông dễ thương vô cùng!”
Phụ huynh B: “Sao con tôi lại không làm được như vậy? Mỗi lần dỗ bé ngủ trưa, bé đều khóc lóc. Nhiều lần bực tức vì không sao dỗ được, tôi đã đánh bé.”
Phụ huynh C: “Con trai tôi sắp bước vào mẫu giáo, liệu thằng bé có ngoan ngoãn được như vậy không? Ai đó hãy chia sẻ cho tôi bí quyết dỗ con ngủ trưa?”
Thực tế, việc rèn luyện cho trẻ thói quen ngủ trưa đều đặn không phải là một vấn đề dễ dàng. Vì thế, bố mẹ cần phải biết áp dụng những phương pháp phù hợp, để trẻ có thể ngoan ngoãn lên giường.
Thiết lập thời gian biểu hợp lý
Đừng để trẻ nghỉ ngơi một cách “vô tội vạ”. Muốn tập cho trẻ thói quen ngủ trưa, bố mẹ bắt buộc phải quản lý chặt chẽ thời gian biểu của trẻ.
Nên cho trẻ ngủ đúng giờ và đủ giấc, thay vì ngủ quá nhiều. Điều này sẽ giúp thiết lập đồng hồ sinh học của trẻ một cách hợp lý. Việc bố mẹ để trẻ ngủ quá nhiều hay quá ít đều sẽ không có lợi cho sự phát triển về thể chất lẫn tinh thần, trí tuệ của trẻ.
Trước khi cho trẻ ngủ trưa, bố mẹ cũng cần để trẻ “lấp đầy” dạ dày. Việc để một chiếc bụng đói meo sẽ khiến cho giấc ngủ trưa của trẻ không trọn vẹn. Thậm chí, nó còn có thể phá vỡ đi sự điều độ về giấc ngủ trưa đã được xây dựng trước đó.
Ngược lại, nếu trẻ ăn quá no thì bố mẹ không nên khuyến khích trẻ đi ngủ liền ngay sau đó. Bởi vì hành động này có thể khiến cho dạ dày của trẻ gặp vấn đề. Việc thức ăn chưa kịp tiêu hóa sẽ làm cho dạ dày của trẻ căng to, từ đó gây chèn ép hoạt động của tim và trẻ sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu về điều này.
Đồng hồ sinh học của trẻ cần được "chạy" theo đúng "quỹ đạo", điều này giúp trẻ phát triển tốt về thể chất và trí tuệ.
Không gây áp lực mà để trẻ tự ngủ
Giấc ngủ trưa nên được thích nghi dần dần, bởi vì không phải ta muốn trẻ ngủ thì trẻ có thể thực thi được. Nhiều đứa trẻ không có thói quen ngủ trưa, thì dù bố mẹ có thúc ép hay bắt buộc, trẻ cũng sẽ không dễ dàng đi vào giấc ngủ. Thế nên, bố mẹ cần có sự kiên nhẫn để đồng hành và giáo dục trẻ trong vấn đề này.
Mặc dù giấc ngủ trưa mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của trẻ, nhưng việc trẻ không ngủ trưa thì không hoàn toàn là điều tệ hại. Nếu trẻ cân bằng được năng lượng cho cả một ngày, trẻ có thể lựa chọn bỏ qua giấc ngủ ngắn vào buổi trưa.
Ngoài ra, bố mẹ có thể ngủ cùng trẻ, để làm gương cho trẻ “bắt chước” theo. Nếu trẻ trằn trọc vì khó ngủ, cách tốt nhất là bố mẹ nên giúp trẻ bằng cách kể những câu chuyện. Việc bố mẹ đọc sách, kể chuyện cho trẻ là phương pháp đem lại hiệu quả rất cao trong vấn đề “dẫn dắt” trẻ đi vào giấc ngủ.
Bố mẹ nên dạy trẻ tính tự giác, thay vì kiểm soát và ép buộc trẻ phải ngủ trưa.
Tăng cường vận động vào buổi sáng
Tiêu hao năng lượng vào buổi sáng là một cách hiệu quả để trẻ dễ dàng đi vào giấc ngủ trưa. Khi trẻ thấm mệt và cạn kiệt năng lượng, trẻ sẽ cảm thấy cần được nghỉ ngơi để có thể “sạc pin” cho buổi chiều.
Lúc này, giấc ngủ trưa của trẻ sẽ đạt được chất lượng tốt nhất. Bởi vì khi cơ thể hoạt động nhiều, trẻ sẽ ngủ ngon và sâu hơn.
Đồng thời, bố mẹ cũng sẽ không cần nhắc nhở mà trẻ sẽ tự giác chìm vào giấc ngủ một cách tự nhiên. Thế nhưng, nếu năng lượng của trẻ có thể đủ để vui chơi và học tập cả ngày thì bố mẹ không nên tốn công sức dỗ trẻ. Bởi vì nó hoàn toàn không có tác dụng.
Ngoài ra, bố mẹ không nên để trẻ hoạt động quá sát giờ đi ngủ. Điều này chỉ càng khiến cho trẻ mất nhiều năng lượng để ngủ hơn mà thôi!
Giấc ngủ trưa sẽ rất tốt để trẻ nạp lại năng lượng sau những giờ tiêu hao cho các cuộc vui chơi.
Không gian ngủ yên tĩnh, thoải mái
Sự yên tĩnh là rất cần thiết để giấc ngủ của trẻ được đảm bảo chất lượng. Bố mẹ cần chú trọng tạo cho trẻ một không gian ngủ “lý tưởng”, chống những tiếng ồn ào. Có thể cho trẻ nghe một vài bản nhạc nhẹ nhàng, để trẻ dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn.
Các đồ dùng phục vụ cho giấc ngủ của trẻ, cần được bố mẹ chuẩn bị tốt nhất như: giường, gối, chăn, nệm,... Ngoài ra, bố mẹ có thể cho trẻ ngủ cùng với một đồ vật mà trẻ yêu thích như gấu bông, đồ chơi,... Điều này sẽ giúp cho trẻ đi ngủ với một tinh thần yên tâm, vui vẻ và thoải mái nhất
Để giấc ngủ của trẻ được trọn vẹn, bố mẹ nên có sự đầu tư vào không gian nghỉ ngơi của trẻ.