Nếu trẻ đòi hỏi một số yêu cầu không phù hợp, bố mẹ nên từ chối, điều chỉnh hành vi của trẻ.
Nhiều phụ huynh vì yêu thương con nên sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu. Nhưng ham muốn của con người là vô tận. Sau khi được thỏa mãn dễ dàng, trẻ thường nâng cấp một số yêu cầu khác cao hơn.
Có rất nhiều trường hợp bố mẹ quá chiều chuộng, vô tình khiến trẻ hình thành tính cách xấu. Vì vậy, chuyên gia tâm lý khuyên bố mẹ không nên thỏa mãn mọi nhu cầu của trẻ một cách vô điều kiện. Bố mẹ nhất định phải từ chối khi con đòi hỏi 3 điều.
Trẻ đòi mua những thứ xa hoa vượt quá khả năng chi trả của gia đình
Những món đồ xa xỉ không chỉ giới hạn ở các sản phẩm trang sức, túi xách giá trị cao, mà còn bao gồm tất cả những thứ mà gia đình bình thường khó có thể sở hữu được. Đây là một vấn đề đáng lo ngại đối với sự phát triển tâm lý và hành vi của trẻ.
Nhiều trẻ ngày nay rất chú trọng đến việc sở hữu các thương hiệu nổi tiếng, như giày thể thao đắt tiền. Khi thấy bạn bè xung quanh sử dụng những món đồ như vậy, các em cũng muốn được bố mẹ mua cho. Tuy nhiên, điều này dễ dẫn đến tình trạng chi tiêu vượt quá khả năng tài chính của gia đình.
Bố mẹ nuông chiều quá mức dễ khiến trẻ hình thành tính cách xấu.
Hơn nữa, nếu trẻ quen với việc dễ dàng có được những món đồ xa xỉ, có thể cảm thấy rằng mình cần phải sử dụng những thứ đắt tiền như vậy để thể hiện quyền lực, sự vượt trội của bản thân. Đây là một xu hướng rất nguy hiểm và có thể là khởi đầu của tính ích kỷ, "bất hiếu" ở trẻ.
Khi bố mẹ không thể đáp ứng được những nhu cầu xa xỉ này, trẻ có thể sẽ trách móc rằng bố mẹ không đủ năng lực, không thể cho mình cuộc sống như mong muốn. Điều này không chỉ gây ra mâu thuẫn trong gia đình, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển về nhân cách, giá trị và quan hệ gia đình.
Vì vậy, việc giáo dục trẻ về giá trị thực sự của cuộc sống, tránh tạo thói quen ham muốn những thứ xa xỉ là rất cần thiết. Bố mẹ cần trang bị cho con cái những kỹ năng sống, biết trân trọng những gì mình đang có và không lệ thuộc vào những món đồ đắt tiền để khẳng định bản thân.
Khi trẻ đổ mọi sai lầm mình mắc phải lên bố mẹ
Việc bố mẹ hỗ trợ và hướng dẫn con cái là rất cần thiết trong quá trình trưởng thành. Tuy nhiên, khi trẻ mắc lỗi, bố mẹ cũng nên để con tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Điều này sẽ giúp trẻ nhận thức rõ hơn về sai phạm, từ đó rút ra bài học, sửa chữa lỗi lầm và không tái phạm.
Ví dụ, nếu trẻ đánh nhau ở trường và vi phạm các nội quy, bố mẹ không nên can thiệp bằng cách tặng quà cho thầy cô, những người có liên quan để con thoát khỏi sự trừng phạt. Nếu làm như vậy, trẻ có thể không nhận ra mức độ nghiêm trọng của hành vi và tiếp tục sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề trong tương lai.
Trẻ đổ mọi sai lầm mình mắc phải lên bố mẹ.
Thay vào đó, bố mẹ nên để con tự chịu trách nhiệm về hành động của mình. Việc này sẽ giúp trẻ nhận thức rõ hơn về sai lầm, từ đó rút ra bài học và cải thiện hành vi. Đồng thời, giúp trẻ học cách chịu trách nhiệm, một kỹ năng rất quan trọng cho sự trưởng thành và thành công trong cuộc sống sau này.
Bố mẹ không thể giúp đỡ con cái cả đời được. Trong xã hội tương lai, trẻ phải luôn để con tự mắc lỗi và tự chịu trách nhiệm. Nếu bố mẹ luôn hứa rằng sẽ bao che, hoặc giúp con thoát khỏi mọi hậu quả, trẻ có thể sẽ bị quen với thói quen trốn tránh trách nhiệm trong học tập, công việc và cuộc sống, không đảm nhận những nghĩa vụ đúng hạn và dễ mắc phải những sai lầm tương tự.
Trẻ đòi hỏi sự tự do quá mức và quyền lực vô hạn
Khi trẻ lớn lên, việc cấp cho con quyền lựa chọn và trau dồi khả năng tự lập là rất quan trọng. Tuy nhiên, trẻ cũng cần phải hiểu rằng sự tự do không phải là vô hạn và cần tuân thủ các quy định nhất định.
Ví dụ, khi trẻ yêu cầu có thể nghỉ học bất cứ lúc nào và làm bất cứ điều gì mình muốn, nếu bố mẹ đồng ý, trẻ có thể sẽ bỏ bê, mất đi động lực, cũng như mục tiêu học tập. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tương lai.
Thay vào đó, bố mẹ nên tìm hiểu lý do tại sao trẻ không muốn đến trường. Nếu trẻ cảm thấy chán nản, mệt mỏi với việc học tập, có thể tạm dừng một thời gian. Tuy nhiên, cần phải có một kế hoạch có mục tiêu để khơi dậy lại động lực học tập.
Trao cho trẻ quyền tự do, lựa chọn nhưng nên ở mức độ phù hợp.
Đối với việc trẻ muốn tự do, bố mẹ cũng nên trao mức độ tự do hợp lý. Tuy nhiên, cần phải giải thích rằng sự tự do đó cũng có những giới hạn và quy định nhất định. Điều này là cần thiết bởi vì vùng não trước trán của trẻ chưa phát triển đầy đủ, khiến bản thân thiếu khả năng tự quản lý và kiềm chế.
Nếu cho trẻ quá nhiều tự do, sẽ dễ dàng thực hiện những hành vi nguy hiểm hoặc không phù hợp, chẳng hạn như nghiện trò chơi điện tử, thức khuya...
Ngoài ra, trong cuộc sống xã hội, các quy tắc và chuẩn mực ứng xử được áp dụng ở khắp mọi nơi. Nếu trẻ không được hình thành thói quen tuân thủ các quy tắc ở nhà, sẽ gặp khó khăn trong việc thích nghi với trường học và xã hội, dễ xung đột với người khác hoặc thậm chí vi phạm pháp luật.
Do đó, bố mẹ cần cân bằng giữa việc cấp cho trẻ quyền lựa chọn và tạo điều kiện để trau dồi khả năng tự lập, đồng thời vẫn phải thiết lập những giới hạn và quy tắc cần tuân thủ. Điều này sẽ giúp trẻ phát triển và hình thành ý thức trách nhiệm trong tương lai.