Một số cách khen ngợi con phù hợp, giúp kích thích nội lực bên trong trẻ, tiến bộ hơn mỗi ngày.
Trong hành trình nuôi dạy con, khen ngợi là một nghệ thuật. Đôi khi, bố mẹ muốn đưa ra những phản hồi tích cực cho con nhưng chưa tìm được từ ngữ phù hợp.
Vậy làm thế nào để kích thích nội lực, nuôi dưỡng sự tự tin cho trẻ thông qua lời khen? Chuyên gia gợi ý 5 cách có thể mang lại cho bố mẹ nguồn cảm hứng khen ngợi con phù hợp hơn.
Khen ngợi nỗ lực hơn là kết quả
Khi đánh giá kết quả của trẻ, nhiều phụ huynh dễ dàng tập trung vào chính những con số, thành tích mà bỏ qua nỗ lực và tiến bộ. Điều này vô tình ảnh hưởng đến động lực và sự tự tin của trẻ.
Thay vào đó, bố mẹ nên nhận ra cả quá trình nỗ lực, bất kể kết quả cuối cùng như thế nào.
Ví dụ, khi trẻ hoàn thành một mục tiêu nào đó, bố mẹ có thể nói: "Mẹ thấy con đã nỗ lực rất nhiều, mẹ thực sự ngưỡng mộ sự tập trung, kiên trì của con". Những lời khen ngợi như vậy nhằm khẳng định sự nỗ lực, khuyến khích trẻ duy trì thái độ làm việc chăm chỉ, tích cực khi đối mặt với những thử thách trong tương lai.
Khen ngợi nỗ lực hơn là kết quả.
Điều này cũng giúp trẻ xây dựng động lực nội tại, biết trân trọng quá trình học tập và cố gắng, thay vì chỉ hướng tới thành tích bên ngoài.
Từ đó, trẻ sẽ phát triển được tính kiên nhẫn, sẵn sàng vượt qua khó khăn để hoàn thành mục tiêu, thay vì dễ bị ảnh hưởng bởi những thất bại hay kết quả không như mong đợi.
Ngoài ra, trẻ sẽ cảm thấy được bố mẹ thấu hiểu, ủng hộ, từ đó sẽ càng tin tưởng, chia sẻ nhiều hơn về những khó khăn, thử thách mà mình đang gặp phải.
Lời khen cụ thể và chân thành
Những lời khen ngợi mơ hồ, chung chung thường khiến trẻ cảm thấy hời hợt và không thực sự có tác động tích cực. Thay vào đó, những lời khen ngợi cụ thể, sẽ giúp trẻ cảm nhận rõ ràng hơn về tác động tích cực của mình.
Ví dụ, bố mẹ có thể nói với con: "Hôm nay con đã giúp anh trai sắp xếp đồ chơi. Việc này giúp chúng ta tiết kiệm thời gian dọn dẹp nhà cửa gọn gàng hơn". Những lời khen ngợi nnày chỉ ra rõ ràng hành động cụ thể, thể hiện sự ghi nhận từ bố mẹ đối với những đóng góp của con.
Điều này có tác dụng rất lớn đối với sự phát triển của trẻ. Khi được bố mẹ ghi nhận những hành động tích cực, trẻ sẽ cảm thấy được công nhận, được động viên và sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa.
Ngược lại, những lời khen chung chung như "Con giỏi lắm", "Con ngoan lắm" dù có ý tốt nhưng thường khiến trẻ cảm thấy hời hợt, không thể hiện rõ ràng những đóng góp cụ thể.
Lời khen cụ thể và chân thành.
Khen ngợi nhấn mạnh sự tiến bộ
Mỗi một bước tiến, dù chỉ là nhỏ, cũng đều xứng đáng được bố mẹ ghi nhận và khuyến khích. Điều này rất quan trọng để trẻ nhận thức rõ sự trưởng thành của bản thân, từ đó tăng cường động lực học tập và phát triển hơn nữa.
Ví dụ, bố mẹ có thể nói với con: "Mẹ nhớ lần trước con học điều này đã thấy khá khó khăn, nhưng bây giờ con đã thành thạo hơn, con đang thực sự tiến bộ". Lời khen này không chỉ ghi nhận rõ ràng sự tiến bộ, mà còn giúp trẻ nhìn thấy được quá trình trưởng thành của bản thân.
Việc nhìn nhận và tôn vinh những bước tiến, dù nhỏ, của trẻ mang lại nhiều lợi ích quan trọng. Trước hết, điều này giúp củng cố lòng tự tin và động lực học tập của trẻ.
Khi được bố mẹ ghi nhận những nỗ lực, trẻ sẽ càng tin vào khả năng của bản thân, cảm thấy hạnh phúc và tự hào về những gì mình đạt được. Điều này sẽ thúc đẩy trẻ tiếp tục cố gắng, vượt qua những thách thức để đạt được những bước tiến lớn hơn.
Bên cạnh đó, việc nhìn nhận những tiến bộ nhỏ cũng giúp trẻ phát triển thói quen coi trọng quá trình, chứ không chỉ quan tâm đến kết quả cuối cùng.
Khen ngợi nhấn mạnh sự tiến bộ.
Những lời khen khuyến khích sự đổi mới và độc đáo
Mỗi đứa trẻ đều có những điểm độc đáo, sáng tạo riêng. Việc khám phá những điều này chính là cách tốt nhất để truyền cảm hứng cho trẻ phát triển những phẩm chất tích cực như sáng tạo, dám nghĩ dám làm.
Ví dụ, khi trẻ giải quyết một vấn đề theo một cách thức độc đáo, bố mẹ có thể nói: "Đó là một giải pháp thực sự sáng tạo và mẹ thích cách con nghĩ về nó". Những lời khen ngợi như vậy truyền tải thông điệp rằng sự khác biệt và sáng tạo của trẻ được đánh giá cao.
Khi cảm thấy bản thân được coi trọng và quý giá, trẻ sẽ tự tin hơn trong việc bày tỏ ý tưởng, không ngại thử nghiệm những cách tiếp cận mới lạ. Đây chính là nền tảng để trẻ phát triển năng lực sáng tạo, tư duy phản biện và khả năng giải quyết vấn đề.
Những lời khen khuyến khích sự đổi mới và độc đáo.
Khen ngợi nhấn mạnh tinh thần đồng đội và kỹ năng hợp tác
Trong xã hội hiện đại ngày nay, kỹ năng làm việc nhóm, tinh thần đồng đội đóng vai trò quan trọng. Việc bố mẹ ghi nhận và khen ngợi những biểu hiện tích cực của trẻ trong hoạt động nhóm sẽ giúp phát triển những kỹ năng và phẩm chất này.
Những lời khen ngợi phù hợp, giúp cải thiện kỹ năng giao tiếp, xây dựng mối quan hệ xã hội, nhận ra giá trị và tầm quan trọng của sự hợp tác.
Khi được bố mẹ ghi nhận hành vi thể hiện tinh thần đồng đội, trẻ sẽ càng nhận thức sâu sắc về giá trị của sự hợp tác, từ đó chủ động và tích cực hơn trong các hoạt động nhóm.
Khen ngợi là một loại sức mạnh có thể kích thích tiềm năng bên trong, giúp trẻ tiến xa hơn trên con đường trưởng thành.