Mỗi độ tuổi sẽ có biểu đồ phát triển khác nhau. Nếu trẻ 2 tuổi chậm phát triển, bố mẹ có thể quan sát thấy những dấu hiệu này của con.
Hầu hết trẻ nhỏ khi đến 2 tuổi, đều sẽ có sự phát triển mạnh mẽ về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Lúc này nhận thức, hành vi, trí tuệ,... của trẻ bắt đầu bộc lộ khi có sự tương tác nhiều hơn với mọi thứ xung quanh.
Em bé có thể chạy nhảy, chơi đùa với đồ chơi hoặc với mọi người. Đôi khi, trẻ có thể chơi đùa rất lâu mà không có dấu hiệu bám lấy mẹ. Sự hoạt bát, năng động và vui vẻ của trẻ có thể nói lên được trẻ đang phát triển rất tốt, không gặp bất kỳ trở ngại nào.
Tuy nhiên, có một số đứa trẻ 2 tuổi hoàn toàn ngược lại. Khác biệt này có thể được gây ra bởi tính cách hoặc tốc độ phát triển của trẻ.
Đối với những đứa trẻ có sự chênh lệch lớn so với biểu đồ tăng trưởng chung theo độ tuổi, khả năng rất cao em bé gặp phải tình trạng chậm phát triển, có thể chậm phát triển về vận động hoặc trí tuệ. Nhưng dù là một trong hai hay cả hai thì bố mẹ cùng cần đặc biệt lưu ý, nếu không tương lai của trẻ sẽ thua kém bạn bè, rất khó thành công.
Dựa trên đánh giá của các chuyên gia, trẻ em 2 tuổi khi xuất hiện 4 dấu hiệu sau, chứng tỏ trẻ đang chậm phát triển.
Thường xuyên bị ngã, không thể leo cầu thang
Kỹ năng vận động thô sẽ được cải thiện và phát triển khi trẻ đủ 2 tuổi, các cơ xương đạt được sự cứng cỏi và săn chắc hơn. Vì vậy, không có gì là lạ khi bố mẹ nhìn thấy trẻ xuất hiện những hành động leo trèo, chẳng hạn như leo cầu thang.
Mặc dù tốc độ di chuyển còn khá chậm chạm, nhưng bằng cách bám vào các đồ vật xung quanh, trẻ có thể chậm rãi bước từng bước lên bậc thềm, hoặc bậc thang trong nhà.
Tuy nhiên, nếu đến 2 tuổi mà con vẫn còn gặp khó khăn trong vấn đề lên xuống các bậc hoặc tần suất bị ngã khá cao, thì bố mẹ nên cảnh giác. Trẻ có thể đang gặp vấn đề về kỹ năng vận động thô, vùng não gặp tổn thương. Vì vậy, trẻ cần được điều trị và phục hồi càng sớm càng tốt.
Em bé chậm phát triển sẽ gặp khó khăn trong việc đi đứng; leo trèo, thường xuyên bị ngã.
Thường xuyên chảy nước dãi
Miệng trẻ bắt đầu chảy nước dãi khi đứa trẻ bước vào tháng thứ 4, kể từ lúc mới sinh. Bởi vì lúc này, tuyến nước bọt được kích hoạt phát triển nên trẻ sẽ tiết nước dãi thường xuyên.
Bên cạnh đó, khả năng nuốt của trẻ còn yếu nên không thể kịp thời xử lý, khiến cho nước bọt chảy ra bên ngoài. Nhưng nếu trẻ bước vào giai đoạn ăn dặm, sự tăng lên của thể tích miệng sẽ giúp trẻ hạn chế tình trạng chảy nước dãi.
Trên thực tế, hiện tượng này diễn ra khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Các chuyên gia khuyến cáo bố mẹ cần tỉnh táo để theo dõi, và đánh giá tình trạng chảy nước dãi ở trẻ là bình thường hay bất thường. Bởi vì xét về mặt sinh lý, nước bọt giúp quá trình tiêu hóa của trẻ diễn ra tốt hơn.
Nhưng trong trường hợp nó kéo dài và tần suất quá thường xuyên, đây có thể là dấu hiệu trẻ mắc các bệnh lý, nặng như bệnh dại, bại não, dị tật bẩm sinh,...
Tình trạng bé 2 tuổi thường xuyên chảy nước dãi, cũng là biểu hiện của việc trẻ chậm phát triển.
Phát âm không rõ, giao tiếp kém
2 tuổi, những đứa trẻ phát triển bình thường đã biết nói những câu đơn giản, ngắn gọn, chẳng hạn như “uống sữa”, “đi ngủ”,... sau một khoảng thời gian, trẻ có thể sử dụng được những câu dài hơn. Đồng thời, phát âm của trẻ cũng khá rõ ràng. Lượng từ vựng ở trẻ 2 tuổi có thể đạt khoảng 50 đến 75 từ, giúp trẻ tự tin xâu chuỗi chúng lại với nhau để tạo thành một cụm từ hoặc một câu.
Ngược lại, trẻ có dấu hiệu chậm phát triển ngôn ngữ sẽ rất hạn chế trong lượng từ vựng. Trẻ không có tư duy logic để sắp xếp các câu từ một cách hợp lý, đồng thời phát âm của trẻ cũng không tròn vành rõ chữ. Vì vậy mọi người xung quanh hầu như sẽ không hiểu trẻ nói gì.
Phản ứng của trẻ đối với âm thanh cũng rất kém, khi bố mẹ gọi trẻ hoặc nhờ trẻ thực hiện một nhiệm vụ nào đó, phải mất một khoảng thời gian để trẻ tiếp nhận và xử lý thông tin. Thậm chí, đôi lúc trẻ còn tỏ ra ngơ ngác, vì không hiểu ý nghĩa câu nói mà bố mẹ đã nói với mình. So với các bạn đồng trang lứa, trẻ chậm phát triển sẽ im ắng và kiệm lời hơn.
Kỹ năng ngôn ngữ ở trẻ có dấu hiệu chậm phát triển sẽ khá kém, thường phát âm không rõ và giới hạn về lượng từ vựng.
Không hứng thú với đồ chơi
Hầu hết đứa trẻ nào cũng thích đồ chơi, thậm chí trẻ còn tỏ ra hứng thú và sẵn sàng chơi đồ chơi trong suốt một khoảng thời gian kéo dài. Điều này chứng tỏ kỹ năng vận động tinh và vận động thô ở trẻ đang vô cùng linh hoạt, nhuần nhuyễn. Tuy nhiên, đứa trẻ chậm phát triển trong nhận thức, hành vi và trí tuệ sẽ thường xuyên bám mẹ thay vì tự chơi, vì trẻ hoàn toàn không có hứng thú.
Đặc biệt, đối với các loại trò chơi liên quan đến tư duy như xếp hình khối, để kiểm tra tốc độ phát triển của trí não và sự khéo léo của đôi tay. Nhưng sẽ có điều gì đó không ổn, nếu trẻ 2 tuổi hoàn toàn không có khả năng xếp chồng từng khối lên nhau.
Ngược lại, trẻ sẽ tìm mọi cách để né tránh, lơ là. Trong trường hợp bị ép buộc, cưỡng chế thì trẻ sẽ lập tức mất bình tĩnh và tỏ thái độ cáu ghét, giận dữ.
Ngoài ra, bố mẹ cũng rất khó để tạo cơ hội cho trẻ tiếp cận với các bạn bè đồng trang lứa, mặc dù trẻ 2 tuổi đã có thể tự tin chơi đùa cùng bạn bè. Trở ngại về giao tiếp và xây dựng các mối quan hệ xã hội cũng là một đặc điểm phổ biến ở những đứa trẻ chậm phát triển.
Trẻ chậm phát triển có biểu hiện "bám mẹ" nhiều hơn, thay vì tự chơi. Thậm chí, trẻ còn không có hứng thú với các đồ chơi.