Hành vi lấy trộm đồ của người khác ở trẻ em là vấn đề phức tạp, cần được giải quyết linh hoạt và tích cực.
Hành vi lấy trộm đồ của người khác ở trẻ em là vấn đề nhạy cảm và thường gây ra nhiều bối rối cho bố mẹ. Dù đây có thể chỉ là những hành vi vô tình hoặc do sự tò mò tự nhiên, việc hiểu rõ nguyên nhân và cách xử lý thích hợp là rất quan trọng để giúp trẻ phát triển lành mạnh và có trách nhiệm.
Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ, thường rất tò mò về thế giới xung quanh và có xu hướng khám phá mọi thứ. Ban đầu, trẻ có thể không hiểu rõ khái niệm về quyền sở hữu và cảm thấy hứng thú với những đồ vật mà mình nhìn thấy.
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, hành vi lấy trộm của trẻ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa trẻ và người khác, có thể để lại hậu quả lâu dài. Trẻ có thể phát triển những thói quen tiêu cực, cảm giác tội lỗi,... Nếu không được giải quyết kịp thời, hành vi này có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng hơn trong tương lai, như chống đối xã hội hoặc thiếu trách nhiệm.
Đảm bảo rằng trẻ cảm thấy an toàn và được yêu thương trong gia đình. Một môi trường tích cực sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn trong việc chia sẻ những lo lắng và khó khăn.
Nếu hành vi lấy trộm xuất phát từ những vấn đề tâm lý, bố mẹ nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia, nhằm giúp trẻ xử lý cảm xúc một cách tích cực hơn.
Vì vậy, nếu được giải quyết một cách nhạy bén và tích cực, có thể trở thành cơ hội để trẻ học hỏi và phát triển. Bằng cách tạo ra một môi trường yêu thương, giáo dục và giao tiếp cởi mở, bố mẹ giúp trẻ hiểu rõ hơn về giá trị của sự tôn trọng và trách nhiệm. Về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Vui đưa ra lời khuyên cụ thể hơn.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Vui.
Nhiều trường hợp trẻ lấy trộm đồ từ người khác (như đồ chơi của bạn, tiền bố mẹ...) Có phải do sự thiếu hiểu biết về quyền sở hữu hay là một cách để trẻ thể hiện cảm xúc?
Việc trẻ lấy trộm đồ của người khác đến từ nhiều nguyên nhân. Điều đầu tiên chúng ta có thể nhận thấy là xuất phát từ bản thân bên trong trẻ. Theo sổ tay chẩn đoán sức khỏe tinh thần có chỉ ra một loại "bệnh ăn vặt", kiểu người này có thói quen lấy những thứ mà mình không cần, mong muốn được trải nghiệm cảm giác hồi hộp, lấy được món đồ nào đó không phải của mình. Đây có thể được xem là một kiểu bệnh tâm lý.
Nguyễn nhân thứ hai, bố mẹ chưa dạy cho trẻ về giới hạn, hay nhận biết được đâu là đồ của mình, cái nào là của người khác, vật gì con không được tùy ý chạm vào,...
Thực tế, cũng không loại trừ trường hợp đây là một cách để trẻ thể hiện cảm xúc. Ví dụ, trẻ giận bố mẹ nhưng không biết cách bộc lộ, thường dùng hành động như ném chai nước hoa, giấu món đồ mà bố yêu thích...
Nguyên nhân tiếp theo có thể trẻ quan sát thấy các bạn cùng lớp cũng làm điều này để phục vụ nhu cầu nào đó (Ví dụ lấy trộm tiền mua đồ chơi, mua thức ăn...). Vì vậy, trẻ nghĩ rằng mình cũng nên làm theo bạn.
Khi trẻ lấy đồ của người khác, làm thế nào để trẻ nhận ra sai lầm mà không gây ra cảm thấy bị chỉ trích?
Điều đầu tiên bố mẹ nên tìm hiểu động cơ vì sao trẻ lấy trộm đồ, bản thân trẻ chỉ vô tình hay cố ý, độ tuổi của con, số lần vi phạm, đã được nhắc nhở, nhận hình phạt thích đáng chưa... Từ đó, xem xét mức độ nghiệm trọng của việc trẻ lấy trộm đồ.
Sau đó, bố mẹ cần cho trẻ biết đây là hành động sai, sẽ có hậu quả. Tiếp theo, hãy dạy trẻ chịu trách nhiệm với bản thân, không tái phạm vào lần tới, để tránh gây thiệt hại cho người khác và bản thân trẻ. Bởi hành vi này ảnh hưởng đến lòng tự tôn, giá trị, nhận thức của trẻ khi trưởng thành.
Bố mẹ có thể giáo dục trẻ bằng lời nói và hành động như thế nào để trẻ điều chỉnh hành vi phù hợp?
Thực tế, không có cách dạy dỗ nào tốt bằng việc chính bố mẹ là người tôn trọng. Ví dụ trường hợp bố mẹ lấy đồ của trẻ nhưng không xin phép, trẻ sẽ vô thức xem đây là điều hiển nhiên. Vì vậy, bố mẹ cần tôn trọng, hỏi ý kiến, và tuyệt đối không lấy đồ của trẻ nếu chưa được cho phép.
Bố mẹ nên thể hiện rõ ràng về ranh giới, trẻ cần tôn trọng ranh giới của người khác và họ cũng vậy. Hãy cho trẻ biết cần phải đối diện với nhu cầu của mình thế nào. Ví dụ, "Con đang cần tiền", "Con rất thích kẹp tóc của bạn"... giúp trẻ nhìn nhận ra chính bên trong mình, hiểu bối cảnh lúc đó. Nếu không, trẻ sẽ bối rối, khó chịu, vỡ òa... khi bị phát hiện hành vi lấy trộm.
Làm thế nào để trẻ có thể nhận thức được sự khác biệt giữa việc "thích" và "thuộc về", và tôn trọng đồ của người khác?
Hãy dạy trẻ hiểu về giá trị của bản thân, là cá thể riêng biệt, tự chịu trách nhiệm về hành động. Trẻ sẽ hiểu được "Tôi" và "Ranh giới của tôi", hay "Đây là đồ của tôi", "Đây là đồ của người khác", "Tôi thích món đồ này nhưng nó không thuộc về tôi",...
Đồng thời, giúp trẻ hiểu rằng hành động của mình có hậu quả. Hãy cùng trẻ thiết lập những quy tắc trong gia đình và thảo luận về những gì xảy ra khi tuân theo hay không tuân theo.
Dạy trẻ rằng hành vi lấy trộm đồ là sai, phân tích những sai lầm và nhắc nhở trẻ tuyệt đối không tái phạm.