Trả lời các câu hỏi này để biết thêm về con.
Để bước đầu lượng giá về lĩnh vực tương tác liên cá nhân của trẻ, bố/mẹ hãy đánh dấu Có hoặc Không với câu mô tả đúng nhất với trẻ ở thời điểm hiện tại.
Trí thông minh liên cá nhân (hay còn gọi là trí thông minh tương tác cá nhân) là năng lực nhận thức và tương tác hiệu quả với những người xung quanh. Trí thông minh liên cá nhân được xem là một trong những yếu tố quan trọng giúp thiết lập và duy trì các mối quan hệ xã hội tích cực, đồng thời làm việc cùng nhau một cách hiệu quả. Những người sở hữu loại trí thông minh này thường có năng lực giao tiếp và xử lý các tình huống xã hội một cách phù hợp, linh hoạt và hiệu quả; lắng nghe và dễ dàng chia sẻ với những người xung quanh; đồng thời có năng lực tương tác và thích ứng tốt với cá nhân đến từ các nhóm xã hội khác nhau.
Ở tuổi mẫu giáo (3-6 tuổi), trẻ có ưu thế về trí thông minh liên cá nhân thường có các biểu hiện sau:
- Bày tỏ suy nghĩ, mong muốn, cảm xúc của mình một cách phù hợp trong các tình huống tương tác xã hội (có thể bằng hành vi, cử chỉ và/hoặc lời nói).
- Bày tỏ sự quan tâm đến cảm xúc, tâm trạng của những người xung quanh, đặc biệt là của những người trong gia đình và bạn bè của trẻ.
- Nhận biết và thực hiện các chuẩn mực xã hội cơ bản (chẳng hạn như lễ phép, tôn trọng, lịch sự,…) trong các tình huống tương tác xã hội.
- Cư xử phù hợp trong các tình huống tương tác xã hội (chẳng hạn như chào hỏi người lớn, trả lời khi được hỏi, không nói leo,…).
- Thích chơi với bạn, đặc biệt là các trò chơi theo nhóm, tập thể, đặc biệt là các trò chơi sắm vai theo chủ đề.
- Dạn dĩ, độc lập và tự tin trong quá trình tương tác với người khác.
- Chủ động bắt chuyện, làm quen và tương tác với bạn cùng trang lứa và những người xung quanh một cách phù hợp.
- Trẻ dễ dàng hoà nhập với nhóm (đặc biệt là các nhóm bạn bè ở lớp mẫu giáo) và tích cực tham gia vào các tiến trình hoạt động của nhóm.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trí thông minh liên cá nhân của trẻ mẫu giáo vẫn đang trong quá trình hình thành và phát triển. Do đó, cần cung cấp cho trẻ môi trường giáo dục tích cực, an toàn, để thúc đẩy trẻ phát triển các loại hình trí thông minh nói chung và trí thông minh liên cá nhân nói riêng.
Để giúp trẻ mẫu giáo phát triển trí thông minh liên cá nhân, bố mẹ có thể:
- Tạo ra và duy trì bầu không khí gia đình tích cực: Bố mẹ nên tạo ra và duy trì bầu không khí đình vui vẻ và tích cực để trẻ có thể học hỏi, thực hành và phát triển kỹ năng xã hội. Môi trường gia đình an toàn và cởi mở sẽ giúp trẻ tự tin trong việc trao đổi, tương tác với người khác.
- Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động xã hội: Bố mẹ có thể khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động câu lạc bộ, đội nhóm, trại hè cũng như các hoạt động xã hội khác. Quá trình tham gia các hoạt động này sẽ tạo điều kiện cho trẻ giao lưu, tìm hiểu, học hỏi từ những người khác, từ đó, thiết lập và nuôi dưỡng các mối quan hệ xã hội tích cực.
- Đồng hành cùng trẻ để phát triển kỹ năng giao tiếp: Bố mẹ có thể đồng hành cùng trẻ để phát triển kỹ năng giao tiếp bằng cách tích cực lắng nghe, trò chuyện và thực hành thấu cảm với trẻ. Bố mẹ cần khuyến khích trẻ nói chuyện, trao đổi với những người xung quanh và hướng dẫn trẻ cách thể hiện quan điểm, suy nghĩ của mình một cách hiệu quả cũng như bày tỏ sự quan tâm đến những người xung quanh một cách phù hợp.
- Hướng dẫn và hỗ trợ: Bố mẹ có thể giúp trẻ có thêm kiến thức, kinh nghiệm ứng xử với các tình huống xã hội bằng cách cung cấp và hướng dẫn cho trẻ về các phong tục, tập quán, các chuẩn mực giao tiếp, ứng xử cũng như chia sẻ kinh nghiệm của bản thân khi đối diện với các tình huống xã hội, đặc biệt là những tình huống có xung đột, mâu thuẫn.
- Làm gương: Bố mẹ chính là hình mẫu để trẻ học hỏi, vì vậy, bố mẹ phải làm gương khi giao tiếp, ứng xử không chỉ với trẻ mà còn với những người xung quanh.
- Khuyến khích, động viên và đồng hành cùng trẻ, góp phần giúp trẻ tự tin và phát huy tài năng của mình, từ đó giúp trẻ phát triển trí thông minh liên cá nhân một cách toàn diện và hiệu quả.
Bài viết có sự tham khảo của Tiến sĩ Kiều Thị Thanh Trà - Trưởng bộ môn Tâm lý học giáo dục, khoa Tâm lý học, trường Đại học Sư phạm TP.HCM