Nếu không thay đổi, những kiểu người mẹ này sẽ hại tương lai con.
Trong quá trình lớn lên, trẻ em có nhiều cơ hội tiếp xúc với mẹ hơn bất kỳ ai khác. Mỗi từ ngữ mẹ nói, mỗi cử chỉ mẹ thể hiện, cách mẹ đối xử với người khác và cách mẹ đối xử với chính bản thân mình - tất cả đóng góp vào việc xây dựng tính cách, có vai trò quan trọng trong quá trình trưởng thành của con.
Người Trung Quốc thường đề cập đến quy luật hình tròn và hình vuông để chỉ ra vai trò của người mẹ trong việc nuôi dạy con. Theo đó, họ cho rằng tính cách của người mẹ quyết định rất lớn đến chuyện thành bại của con trẻ về sau.
Hình vuông thể hiện tính cách cứng nhắc, quá vuông vức, luôn theo đuổi sự hoàn hảo của người mẹ. Còn hình tròn đại diện cho sự mềm dẻo, khéo léo. Khi giáo dục trẻ, người mẹ nên kết hợp linh hoạt cả hai kiểu tính cách này.
Nếu chỉ có một trong hai thì tính cách của con cũng có thể trở nên quá cứng rắn hoặc quá yếu đuối. Điều này sẽ gây khó khăn cho trẻ trong việc thích nghi với các tình huống khác nhau trong cuộc sống.
Trên thực tế, có nhiều kết quả nghiên cứu đã chứng minh, có 3 kiểu người mẹ sau dù dùng cả đời vẫn không thể dạy con thành tài.
Mong muốn kiểm soát mạnh mẽ
Người mẹ có mong muốn kiểm soát mạnh mẽ thường muốn định đoạt mọi quyết định và hành động của con cái. Họ có xu hướng can thiệp quá mức vào cuộc sống của con, không cho phép con tự lựa chọn và trải nghiệm độc lập. Mục đích chính của mẹ là con trẻ có thể đạt được sự hoàn hảo và tuân thủ theo những quy tắc mà mẹ đặt ra, thay vì khuyến khích con phát triển tự nhiên với đúng bản chất vốn có.
Tuy nhiên, đây là một cách nuôi dạy không hiệu quả và có thể gây hại cho sự phát triển của trẻ. Bằng cách kiểm soát quá mức, người mẹ không thể tạo điều kiện cho con phát triển kỹ năng độc lập và sự tự quản lý. Từ đó trẻ sẽ không có cơ hội để học từ những sai lầm và trải nghiệm tự thân, tuy nhiên điều này lại rất cần thiết để phát triển sự sáng tạo, sự tự tin và khả năng giải quyết vấn đề của con trẻ.
Hơn nữa, kiểu người mẹ này có thể gây áp lực và căng thẳng cho con cái. Con cảm thấy không tự do và bị hạn chế trong việc thể hiện bản thân, dẫn đến tự ti, lo lắng và thiếu niềm tin vào khả năng của mình. Đồng thời, trẻ cũng sẽ không có động lực nội tại để khám phá và phát triển tốt hơn trong cuộc sống tương lai.
Mẹ kiểm soát và mong cầu sự hoàn hảo quá mức sẽ khiến trẻ gặp nhiều áp lực.
Để tạo điều kiện cho sự phát triển toàn diện của con cái, người mẹ cần có lòng tin vào khả năng của con và cho phép trẻ tự mình khám phá thế giới xung quanh. Bằng cách mẹ khuyến khích con thể hiện ý kiến riêng, tìm hiểu và học hỏi từ những sai lầm và thử thách. Đồng thời, người mẹ cần truyền đạt cho con cái giá trị của tính tự lập, sự tự tin.
Quan trọng nhất, mẹ cần hiểu rằng con cái là những cá nhân riêng biệt và có quyền tự quyết định về cuộc sống của trẻ. Một người mẹ thông minh là người biết tạo ra một môi trường an toàn và hỗ trợ, nơi mà con có thể phát triển và khám phá tiềm năng của mình một cách thoải mái nhất.
Hay cáu kỉnh, nóng giận
Khi mẹ thường xuyên cáu kỉnh và nổi giận, con cái có thể trở nên sợ hãi, lo lắng và căng thẳng. Trẻ sẽ cảm thấy không an toàn và không biết cách dự đoán hoặc đáp ứng đúng với những tình huống khó khăn. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển và gây tổn thương tâm lý của trẻ.
Vì mẹ có tính cách như thế nên trẻ sẽ rất ngại và hạn chế chia sẻ với mẹ những vấn đề hàng ngày, sợ nếu nói sai sẽ bị mắng, chê bai. Mối quan hệ giữa mẹ và con cũng từ đó mà trở nên xa cách. Mặc dù có thể những lời chỉ trích, chê bai của mẹ nhằm mục đích muốn trẻ rút kinh nghiệm và trở nên tốt hơn.
Đa số với trẻ nhỏ, la mắng không có tác dụng giống như khi mẹ dùng sự mềm mỏng để dạy con.
Nhưng vì phương pháp truyền tải của mẹ quá cứng nhắc, không đủ sự mềm mỏng và khéo léo cần thiết nên đôi khi con sẽ không lắng nghe những lời khuyên dạy đúng đắn của mẹ dành cho mình. Đặc biệt ở tuổi thiếu niên, trẻ rất dễ nhạy cảm và có cái tôi cao, con sẽ rất cần được mẹ tôn trọng.
Nếu mẹ có thể điều chỉnh tính khí của mình trở nên dịu dàng, tinh tế hơn thì con trẻ sẽ dễ dàng chấp nhận những lời khuyên, lời chỉ dạy của mẹ hơn.
Dễ thoả hiệp, mềm lòng
Kiểu người mẹ không nóng nảy, dễ mềm lòng và thoả hiệp có vẻ tốt, nhưng thực chất lại đang âm thầm gây hại cho con cái. Nếu mẹ quá dễ tính, không áp dụng quy tắc giáo dục và kỷ luật khi con khi phạm lỗi, điều này có thể khiến con trở thành một đứa trẻ ương bướng và lì lợm.
Trong quá trình giáo dục con, mẹ cần phải biết khi nào nên nghiêm khắc và khi nào nên mềm mỏng. Việc lập ra các quy tắc rõ ràng và truyền đạt cho con biết những hành vi nên làm và không nên làm, sẽ giúp trẻ hiểu và tuân thủ các nguyên tắc một cách phù hợp.
Nếu mẹ lờ đi và không chịu đối mặt với các hành vi của con chỉ vì muốn tạo sự thoải mái, nhàn hạ cho bản thân, trẻ sẽ dễ đi vào con đường sai trái khi lớn.
Trẻ có trở nên ưu tú hay không có thể nhìn vào người mẹ để xác định. Dù mẹ không có sự nghiệp lẫy lừng thì tính cách, khí chất và phương pháp giáo dục con cái cũng có thể một phần nói lên được đứa trẻ sau này có thành công hay không.
Nuôi dạy con hiệu quả, bố mẹ nên biết khi nào cần nhẹ nhàng và khi nào cần nghiêm khắc.