Sự khác biệt giữa đứa trẻ im lặng và đứa trẻ cãi lại khi bị bố mẹ mắng

Kiều Trang - Ngày 28/04/2023 12:02 PM (GMT+7)

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Vui chia sẻ về cách bố mẹ phản ứng như thế nào là phù hợp khi trẻ cãi lại lời bố mẹ.

Người lớn thường coi việc trẻ cãi lại là biểu hiện của sự không nghe lời, để giúp con thoát khỏi tật này, nhiều bố mẹ sẽ dùng những biện pháp phê bình, trấn áp bằng lời nói, thậm chí là đánh đập, mắng mỏ để con không dám cãi lại.

Nhưng ít người nghĩ về lý do tại sao trẻ nói lại. Nếu người lớn không hiểu nguyên nhân khiến trẻ cãi lại, mà ngăn cản một cách mạnh mẽ thì điều này sẽ có tác động xấu đến tâm lý và nhân cách của trẻ.

Trên thực tế, việc một đứa trẻ cãi lại và chọn cách im lặng khi bị bố mẹ la mắng, sẽ có sự khác nhau rõ ràng khi trẻ lớn lên. Dĩ nhiên ở đây việc trẻ thường xuyên cãi lại không hoàn toàn là điều xấu, nhưng tuỳ vào tình huống mà sự cãi lại của trẻ sẽ thể hiện được những điểm mạnh trong quá trình phát triển của trẻ về sau.

Những đứa trẻ cãi lại và im lặng có một khoảng cách đáng kể khi lớn?

Thực tế đã chứng minh, chỉ khi một đứa trẻ đã trải qua việc nói lại, cãi lại thì trẻ mới có thể phát triển thành một cá nhân độc lập và tự chủ. Vì vậy, nếu con cãi lại không phải là con ngỗ nghịch, vô học, cố tình chống đối lại bố mẹ mà đó là một quá trình cần thiết để con tìm lại chính mình, hình thành nhân cách của mình trong cuộc đối đáp với bố mẹ.

Sau khi bố mẹ hiểu được nguyên nhân khiến con cãi lại, trước tiên nên học cách thay đổi thái độ, khi con cãi lại không nên tức giận mà có thể hướng dẫn trẻ biết điều gì đúng, điều gì sai. Cho phép trẻ nói lại trong những tình huống phù hợp, có thể giúp trẻ tiến xa hơn và vững chắc hơn trên con đường trưởng thành.

Đứa trẻ cãi lại dám thể hiện bản thân, dám nắm bắt cơ hội khi lớn lên; ngược lại thì đứa trẻ im lặng thường ngoan ngoãn, dễ nảy sinh tính cách nịnh nọt, dễ nổi nóng. Khi trẻ cãi lại, nếu bố mẹ ra lệnh hoặc bắt trẻ im lặng một cách mù quáng thì sẽ gây ra hậu quả không tốt.

Sự khác biệt giữa đứa trẻ im lặng và đứa trẻ cãi lại khi bị bố mẹ mắng - 2

Đứa trẻ im lặng và cãi lại khi bị bố mẹ mắng có sự khác nhau khi lớn (Ảnh minh hoạ internet).

Những đứa trẻ không cãi lại, mà lầm lầm lì lì, thường sẽ kìm nén sự quát mắng của bố mẹ trong lòng, khi lớn lên trẻ sẽ dễ tỏ ra thờ ơ với tình cảm gia đình, thậm chí có trẻ còn muốn xa lánh bố mẹ. Bởi việc âm thầm chịu đựng những lời la mắng của bố mẹ trong một thời gian dài, mà không dám bộc lộ cảm xúc và suy nghĩ cá nhân sẽ khiến cho đứa trẻ ngại thể hiện bản thân, khi lớn lên sẽ trở nên nhút nhát và thiếu tự tin hơn.

Về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Vui cũng có những lời chia sẻ đối với bố mẹ. Từ đó với mong muốn bố mẹ sẽ nhìn nhận và đưa ra cách giải quyết phù hợp trong tình huống con cãi lại. Điều này là rất quan trọng, bởi vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục của gia đình và quá trình hình thành nhân cách, phát triển toàn diện trong tương lai của mỗi đứa trẻ.

Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXHamp;NV ĐHQG - TPHCM.

Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXH&NV ĐHQG - TPHCM.

Sự khác biệt giữa đứa trẻ im lặng và đứa trẻ cãi lại khi bị bố mẹ mắng - 4

Thưa chuyên gia, nguyên nhân do đâu mà trẻ luôn cãi lời bố mẹ? Có phải trẻ ở độ tuổi dậy thì, việc cãi lại bố mẹ càng được bộc lộ mạnh mẽ?

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ cãi lời bố mẹ. Nguyên nhân thứ nhất có thể là vì bố mẹ nói sai. Nguyên nhân thứ hai có thể bố mẹ nói đúng, nhưng đứa trẻ không thích bị bố mẹ chỉ trích.

Nguyên nhân thứ ba là đứa trẻ bị tổn thương hoặc không đồng tình về thái độ của bố mẹ. Nguyên nhân tiếp theo có thể là vì đứa trẻ muốn thể hiện bản thân là người hiểu biết... Tóm lại, có nhiều lý do khác nhau tuỳ trong từng tình huống mà trẻ có thái độ cãi lời bố mẹ.

Hầu hết trẻ ở độ tuổi dậy thì, việc cãi lại bố mẹ càng được bộc lộ mạnh mẽ, bởi vì có nhiều đặc thù tâm lý ở độ tuổi dậy thì. Thứ nhất, trẻ trước tuổi dậy thì thì lời nói của bố mẹ và thầy cô sẽ luôn đúng và trẻ sẽ lấy đó làm chuẩn mực để học tập theo. Nhưng khi bước vào độ tuổi dậy thì, trẻ sẽ bắt đầu có những tư duy độc lập hơn, và đặc biệt là đứa trẻ rất dễ nhìn thấy lỗi sai từ người lớn. 

Thứ hai, đối tượng quan tâm của trẻ ở độ tuổi trước dậy thì chủ yếu là gia đình, học tập kiến thức từ gia đình và nhà trường. Nhưng trẻ ở độ tuổi dậy thì, thường mối ưu tiên sẽ là các mối quan hệ bạn bè. Vì vậy, khi trẻ đặt bạn bè lên hàng đầu thì chắc chắn trẻ sẽ phát sinh những mâu thuẫn với bố mẹ nhiều hơn.

Sự khác biệt giữa đứa trẻ im lặng và đứa trẻ cãi lại khi bị bố mẹ mắng - 5

Có ý kiến cho rằng: "Trẻ hay cãi lại là điều tốt. Chứng tỏ đứa trẻ đó có suy nghĩ, tư duy phản biện độc lập, nhanh nhẹn". Chuyên gia nghĩ gì về điều này?

Từ góc nhìn của tôi, tôi không kết luận rằng ý kiến này là đúng hay sai bởi vì chúng ta phải thực sự hiểu rõ được bản chất của vấn đề. Thứ nhất, đứa trẻ cãi bố mẹ vì điều gì? Về điều đứa trẻ biết hay điều mà đứa trẻ không biết?

Thứ hai đứa trẻ cãi bố mẹ trong hoàn cảnh nào? Trong hoàn cảnh gia đình đang có một buổi nói chuyện cởi mở, và cho phép các thành viên tranh luận, hay là đứa trẻ cãi bố mẹ trước mặt nhiều người? Và một điều vô cùng quan trọng, đó là đứa trẻ cãi như thế nào? Đứa trẻ cãi với thái độ tập trung vào vấn đề đó, hay đứa trẻ cãi để xoáy vào những điểm yếu của bố mẹ hoặc người khác.

Nghĩa là một cái sẽ tập trung vào sự việc, còn một cái sẽ tập trung vào con người. Nếu trẻ cãi để thể hiện sự tập trung vào sự việc thì sẽ được khuyến khích, ví dụ như đối với vấn đề bố mẹ đang nói, bản thân trẻ muốn bổ sung hoặc trình bày góc nhìn khác của mình.

Nhưng nếu đứa trẻ tập trung vào con người, sử dụng những lời lẽ khiếm nhã nhằm mục đích "làm xấu" bố mẹ, thì sự cãi lại của trẻ sẽ được xem là nói hỗn, chứ nó không thể hiện rằng đứa trẻ có tư duy phản biện độc lập hay nhanh nhẹn.

Sự khác biệt giữa đứa trẻ im lặng và đứa trẻ cãi lại khi bị bố mẹ mắng - 6

Chuyên gia đã gặp trường hợp nào đứa trẻ thường xuyên cãi lời bố mẹ, phản ứng tại thời điểm đó của bố mẹ như thế nào là phù hợp?

Bản thân tôi là một người mẹ, việc con mình có phản ứng lại những lời nói của bố mẹ là điều thỉnh thoảng sẽ xảy ra và nó là bình thường. Lúc đó, mình sẽ nhận diện xem phản ứng của đứa trẻ có đúng hay không? Rồi sau đó xem xét lại bản thân rằng mình có bị sai, bị thiếu thông tin hay sự phù hợp về bối cảnh khi phát ngôn câu đó không?

Nếu bản thân mình sai, mình sẽ nhìn nhận để mà có những cảnh giải quyết phù hợp, ví dụ như xin lỗi con. Hoặc trong tình huống mình không sai, nhưng tại thời điểm đó con của mình tâm trạng không ổn và lời nói của mình gây ra sự nhạy cảm đối với con,... Dù mình không sai về nội dung, nhưng sai về thời điểm thì mình cũng sẽ xin lỗi con.

Tuy nhiên trong trường hợp con cãi bố mẹ chem chẻm, cãi bất chấp mọi thứ để bảo vệ bản thân, thì rõ ràng lúc đó bố mẹ nên ngừng lại việc đối thoại với con. Tại vì tại thời điểm đó, sự phòng thủ của con quá mạnh mẽ và nó đang thể hiện một sự bất hợp tác. Vậy nên lúc này, bố mẹ sẽ không có khả năng giải quyết được vấn đề nếu tiếp tục đối thoại với trẻ.

Như vậy, trong trường hợp bố mẹ sai, tôi tin rằng lời xin lỗi dành cho con là hoàn toàn cần thiết. Nhưng ngược lại, nếu con sai thì đầu tiên bố mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân rồi sau đó hãy đưa ra cách giải quyết phù hợp, nếu hình phạt lúc đó dành cho con là đúng đắn thì bố mẹ cũng nên thực hiện để uốn nắn trẻ.

Tóm lại, trong tình huống này thì bố mẹ nên luôn luôn giữ thái độ điềm tĩnh. Ngoài ra thực tế cũng có những bố mẹ thể hiện thái độ không phù hợp, chẳng hạn như bố mẹ sai nhưng khi con cái cãi lại thì sẽ dùng những lời lý sự như "Tao là mẹ mày mà mày dám cãi", "Tao là mẹ mày, nên tao sẽ luôn đúng" để la mắng, chửi con và không cho con quyền được nêu ra ý kiến.

Cách hành xử này của bố mẹ hoàn toàn không được khuyến khích, vì sẽ gây cho trẻ sự tổn thương, ức chế và thậm chí là gây nên phản ứng ngược, vô tình khiến đứa trẻ ngày càng khó dạy bảo hơn.

Sự khác biệt giữa đứa trẻ im lặng và đứa trẻ cãi lại khi bị bố mẹ mắng - 7

Giữa đứa trẻ im lặng và đứa trẻ cãi lại khi bị bố mẹ mắng, khác nhau như thế nào? Đâu mới là tốt cho trẻ? Chuyên gia có lời khuyên nào cho bố mẹ khi giáo dục con về vấn đề này?

Cả hai tình huống, trẻ im lặng và trẻ cãi lại khi bị bố mẹ mắng đều là không tốt cho trẻ. Nhưng nếu trẻ phản ứng đúng trường hợp, đúng thái độ thì điều này cũng sẽ phù hợp để nâng cao kỹ năng tư duy, phản biện độc lập của trẻ.

Trước khi bố mẹ muốn nói điều gì đó với con, đặc biệt là lúc dạy con thì bố mẹ phải chắc chắn về những thông tin mà mình sắp đưa ra là đúng. Bố mẹ đừng chỉ nghe thông tin một chiều, rồi vội vã có thái độ la mắng hoặc chỉ trích con. Như vậy thì chắc chắn đứa trẻ sẽ cãi lại, và hơn hết là trẻ sẽ dễ bị tổn thương tâm lý trong tình huống này.

Bên cạnh đó, việc bố mẹ làm gương, sử dụng lời ăn tiếng nói và cách hành xử phù hợp đối với con cái cũng là một yếu tố mang tính quyết định để giáo dục con về vấn đề này.

Khi bố mẹ thể hiện thái độ cởi mở và bình tĩnh hơn để lắng nghe con, và tìm hiểu nguyên nhân vì sao con phản ứng như vậy, thì mọi chuyện sẽ được giải quyết hiệu quả, đồng thời mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái cũng sẽ ngày càng gần gũi hơn.

Cắn răng mua cho con điện thoại xịn để bé được các bạn cùng lớp cho chơi cùng hội, chuyên gia Việt: Áp lực đồng trang lứa cũng là bạo lực học đường
Chuyên gia tâm lý Quang Thị Mộng Chi chia sẻ: "Áp lực của trẻ em hiện nay không chỉ đến từ học tập, gia đình mà còn từ bạn bè đồng trang lứa".

Trẻ tuổi dậy thì

Theo Kiều Trang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Phương pháp giáo dục sớm