Cắn răng mua cho con điện thoại xịn để bé được các bạn cùng lớp cho chơi cùng hội, chuyên gia Việt: Áp lực đồng trang lứa cũng là bạo lực học đường

Kiều Trang - Ngày 26/04/2023 11:52 AM (GMT+7)

Chuyên gia tâm lý Quang Thị Mộng Chi chia sẻ: "Áp lực của trẻ em hiện nay không chỉ đến từ học tập, gia đình mà còn từ bạn bè đồng trang lứa".

Cắn răng mua cho con điện thoại xịn để bé được các bạn cùng lớp cho chơi cùng hội, chuyên gia Việt: Áp lực đồng trang lứa cũng là bạo lực học đường - 1

Chị Cao Mẫn (sống ở Trung Quốc) là bà mẹ đơn thân, một mình nuôi dạy đứa con gái 16 tuổi tên là Tiểu Quyên. Cô bé hiện đang theo học tại một trường cấp 3 trong tỉnh. Cuộc sống làm mẹ đơn thân của chị Cao Mẫn không hề dễ dàng, dù đã cố gắng làm lụm kiếm tiền để lo cho con gái, nhưng gia cảnh của chị cũng không dư dả là bao, chỉ đủ để 2 mẹ con duy trì cuộc sống hàng ngày và nộp tiền học cho con gái Tiểu Quyên.

Tiểu Quyên đang trong độ tuổi dậy thì, với nhiều biến đổi trong tâm sinh lý, nên cô bé rất dễ nổi loạn. Đặc biệt là trên lớp, Tiểu Quyên hầu như không có một người bạn thân thiết nào. So với các bạn học khác, gia cảnh của Tiểu Quyên thuộc hàng thấp hơn, nên nhiều bạn học gia đình giàu có luôn chế giễu và tỏ thái độ vô cùng khinh rẻ cô bé. 

Ở trên lớp, bạn học nào cũng được bố mẹ sắm sửa cho rất nhiều đồ dùng có giá trị vật chất cao, chẳng hạn như cặp hiệu, đồng hồ hiệu, giày dép đắt tiền. Một lần, có một cô bạn là tiểu thư của một tập đoàn giàu có nức tiếng trong vùng, đã mang chiếc điện thoại iPhone 14 mới nhất đến lớp để khoe với các bạn học.

Cắn răng mua cho con điện thoại xịn để bé được các bạn cùng lớp cho chơi cùng hội, chuyên gia Việt: Áp lực đồng trang lứa cũng là bạo lực học đường - 2

Trẻ sẽ dễ hình thành tâm lý so sánh, ghen tỵ khi thấy các bạn khác có những thứ tốt hơn mình (Ảnh minh hoạ Internet).

Nhìn thấy chiếc điện thoại đẹp và xịn như thế, các bạn học khác đều trầm trồ khen và nói sẽ về xin bố mẹ mua cho một chiếc giống như thế. Lúc này, Tiểu Quyên cũng ngồi ở một góc liếc nhìn chiếc điện thoại không rời mắt. Có lẽ cô bé cũng rất thích nó.

Vì để "bằng bạn, bằng bè", Tiểu Quyên đã lập tức bày tỏ với mẹ mong muốn mua chiếc điện thoại giống như bạn gái trên lớp. Nhưng sau khi biết giá chiếc điện thoại từ con gái, chị Cao Mẫn đã rất sốc bởi vì dù có bán nhà, chị cũng không có đủ tiền để mua chiếc điện thoại đắt đỏ đó cho con.

Thế nhưng Tiểu Quyên sau khi nhìn thấy thái độ thất thần, do dự của mẹ liền khóc nức nở và nói: "Các bạn trên lớp thứ gì cũng có, chỉ có con là không có gì cả. Con cảm thấy rất xấu hổ và ghen tỵ với các bạn. Nếu mẹ không mua nó cho con, con sẽ bỏ nhà ra đi, me coi như chưa từng có đứa con gái này".

Trước thái độ kiên quyết và có phần "hăm doạ" của con gái, chị Cao Mẫn mặc dù biết bản thân không đủ khả năng, nhưng vì thương con nên chị vẫn đồng ý mua chiếc điện thoại iPhone 14 cho con gái. Để đủ tiền, chị đã vay mượn khắp nơi, làm việc cả ngày lẫn đêm và cuối cùng cũng tích góp được đủ số tiền để đáp ứng nhu cầu của Tiểu Quyên.

Sau khi nhận được điện thoại từ tay mẹ, Tiểu Quyên đã rất vui mừng nên ngày đến trường hôm sau, liền ngay lập tức mang theo đến trường để khoe với bạn học. Các bạn học nhìn thấy Tiểu Quyên có chiếc điện thoại đó đã không ngừng "mắt chữ A, mồm chữ O", thậm chí thay đổi thái độ trước kia mà chủ động giao tiếp, làm bạn với Tiểu Quyên.

Từ câu chuyện trên có thể thấy, "áp lực đồng trang lứa" là một nguyên nhân lớn dẫn đến quá trình hình thành nhân cách của trẻ bị lệch lạc. Theo chuyên gia tâm lý Quang Thị Mộng Chi, áp lực của trẻ em hiện nay không chỉ đến từ học tập, gia đình mà còn từ bạn bè đồng trang lứa. Vì vậy, nếu bố mẹ không can thiệp kịp thời và đúng đắn để uốn nắn và giáo dục trẻ thì quá trình phát triển lành mạnh trong tương lai của con, rất khó tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực.

Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXHamp;NV ĐHQG - TPHCM.

Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXH&NV ĐHQG - TPHCM.

Cắn răng mua cho con điện thoại xịn để bé được các bạn cùng lớp cho chơi cùng hội, chuyên gia Việt: Áp lực đồng trang lứa cũng là bạo lực học đường - 4

Khái niệm "áp lực đồng trang lứa" không còn là vấn đề xa lạ ngày nay. Thưa chuyên gia, đâu là nguyên nhân tạo nên khái niệm này? Áp lực đồng trang lứa sẽ tạo ra đứa trẻ có tính cách rụt rè, nhưng cũng sẽ tạo ra đứa trẻ có xu hướng bạo lực vì ganh ghét, đố kỵ, điều này có đúng không thưa chuyên gia?

"Áp lực đồng trang lứa" là thuật ngữ nói về sự ảnh hưởng của nhóm đồng đẳng lên một cá nhân, thường ảnh hưởng đến người chưa định hình về nhân cách, đặc biệt là thanh thiếu niên.

Lý giải cho điều này là các em trong độ tuổi vị thành niên vừa tách rời khỏi ảnh hưởng của gia đình, bố mẹ và bước vào môi trường xã hội nhưng chưa định hình rõ được giá trị, chưa có kinh nghiệm trong các mối quan hệ xã hội và gặp khó khăn trong việc giải quyết các tình huống phức tạp.

Ngoài ra, với lứa tuổi “gần bạn xa mẹ” này, bạn bè là một giá trị rất to lớn đối với các em nên dễ chiều theo nhóm để được tham gia và hoà nhập vào nhóm. Ông bà ta nói, "gần mực thì đen gần đèn thì rạng". Sẽ có những áp lực đồng trang lứa tiêu cực và tích cực tuỳ theo giá trị mà nhóm theo đuổi.

Nếu như đó là sự nỗ lực khẳng định bản thân bởi sự trưởng thành, đo lường bằng hiểu biết và thành công trong các lĩnh vực như học thuật, thể thao, tài năng âm nhạc, hội hoạ,… thì trẻ tham gia vào nhóm sẽ được khích lệ để trở nên tốt hơn.

Ngược lại, giá trị mà nhóm theo đuổi là tiêu cực: phá phách, bạo lực để thể hiện sức mạnh, quyền lực và gây sự chú ý… thì trẻ sẽ bị ảnh hưởng xấu theo. Nếu trẻ có thể “ngầu” như nhóm mong đợi thì rất có thể thực hiện những hành vi nguy hiểm cho bản thân, cũng như gây ảnh hưởng đến các thành viên khác trong cộng đồng. Những người không thể tuân theo những giá trị này có thể bị bắt nạt, trở nên tự ti, rụt rè,…

Cắn răng mua cho con điện thoại xịn để bé được các bạn cùng lớp cho chơi cùng hội, chuyên gia Việt: Áp lực đồng trang lứa cũng là bạo lực học đường - 5

Chuyên gia có thể chia sẻ một câu chuyện bản thân đã gặp về vấn đề trẻ bị áp lực đồng trang lứa. Biểu hiện nào để bố mẹ nhận biết con đang bị ảnh hưởng từ điều này, và hậu quả ra sao nếu người lớn không can thiệp kịp thời?

Tôi đã gặp trường hợp của một bạn học sinh lớp 11, bạn không được gia đình cho sử dụng điện thoại và nói rằng gia đình không có điều kiện, nhưng các bạn trong lớp ai cũng có và sử dụng điện thoại khi đến trường. Bạn bè thường khoe nhau về điện thoại của mình xịn hơn, đời mới hơn, hay dùng điện thoại trong lớp và thường bàn tán về những chủ đề trong nhóm chat chung.

Khi ở trong lớp, bạn học sinh này thường bị cô lập vì không có chủ đề chung với các bạn khác để nói chuyện, cảm thấy mình bị tách biệt bởi đám đông nên ngày càng thu rút khỏi các mối quan hệ bạn bè. Em học sinh này còn tự so sánh mình với các bạn, cảm thấy tự ti hơn về bản thân và hoàn cảnh gia đình. Lâu dần, em thậm chí muốn bỏ học, chuyển trường vì mình không giống với các bạn.

Khi trẻ gặp vấn đề áp lực đồng trang lứa, trẻ sẽ mất một thời gian đấu tranh để quyết định sẽ theo nhóm hay đi ngược lại với nhóm. Nếu trẻ thay đổi mình để theo một nhóm mà có giá trị tiêu cực, trẻ có vẻ sẽ trở thành một người khác hoàn toàn, từ cách ăn nói, hành xử, thay đổi diện mạo để tuân theo một chuẩn mực nhóm như nhuộm màu tóc lạ, nói tục, bỏ tiết, nói dối để đi chơi cùng nhóm khiến kết quả học tập giảm sút.

Như vậy, trẻ từ một đứa con ngoan trong mắt bố mẹ giờ đây trở thành một đứa trẻ xa lạ với những hành vi nghịch ngợm, thậm chí dại dột, nguy hiểm. Rất dễ để bố mẹ có thể nhận ra nếu bố mẹ thực sự dành thời gian cho con. Nếu bố mẹ hiểu vấn đề con đang gặp phải, dành thời gian giải thích cho con hiểu, đồng thời cung cấp cho con một hình mẫu để phản ứng phù hợp thì sẽ có thể giúp con lấy lại niềm tin, biết được cách hành xử phù hợp với từng hoàn cảnh hơn.

Ngược lại, hậu quả có thể lớn dần và càng khó kiểm soát khi trẻ trượt dài trong những hành vi không phù hợp, ảnh hưởng đến kết quả học tập, sức khoẻ thể chất và tinh thần, thậm chí có trẻ còn từ bỏ cuộc sống của mình.

Cắn răng mua cho con điện thoại xịn để bé được các bạn cùng lớp cho chơi cùng hội, chuyên gia Việt: Áp lực đồng trang lứa cũng là bạo lực học đường - 6

Áp lực đồng trang lứa cũng là nguyên nhân dẫn đến các vấn đề về bạo lực học đường, chuyên gia nghĩ trách nhiệm thuộc về ai? Người lớn nên làm gì để giúp trẻ vượt qua điều này?

Áp lực đồng trang lứa có thể trở thành bạo lực học đường khi trẻ xây dựng những giá trị sai lệch và tham gia vào việc bắt nạt, tẩy chay hay tấn công trên mạng xã hội với các bạn có giá trị khác mình. Bạo lực học đường xảy ra thì trách nhiệm thuộc về những người liên quan: trẻ, gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội.

Với mỗi chúng ta, kể cả người lớn vẫn gặp những áp lực đồng trang lứa chứ không riêng gì trẻ. Tuy nhiên, như trên đã nói, trẻ có khả năng bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi áp lực này vì sự phát triển nhân cách của trẻ chưa hoàn thiện, thiếu kỹ năng và kinh nghiệm sống, giao tiếp.

Do đó, phụ huynh và thầy cô giáo cũng như cộng đồng cần để ý, giáo dục trẻ nhiều hơn, nhắc nhở trẻ về những điều tích cực, hạn chế những tác hại tiêu cực và cung cấp những tấm gương cho con noi theo. Hướng trẻ đến việc xây dựng những giá trị cá nhân tích cực, phù hợp với giá trị cộng đồng. Tạo nhiều sân chơi lành mạnh, cơ hội học tập và phát triển bản thân cho trẻ, đồng thời khuyến khích trẻ tham gia và khen ngợi, động viên mỗi khi trẻ có tiến bộ.

Khi con lỡ tham gia vào những hành vi nguy hiểm vì áp lực nhóm, thì bố mẹ cần bình tĩnh chỉ cho con thấy những hậu quả đã xảy ra, và nếu tiếp tục thì có thể xảy ra điều gì tồi tệ hơn. Bố mẹ có thể lấy các minh chứng những điều tương tự từ sách báo, và chỉ luôn cho con cách vượt qua những điều này như thế nào.

Sau đó, mở rộng ra, giải thích cho con hiểu đâu là những điều không bao giờ nên làm, những điều nên làm để trẻ biết và làm theo. Tuy nhiên, cần đặc biệt nhấn mạnh với trẻ sự khác biệt của mọi người nên được tôn trọng, bất cứ ai cũng có quyền lựa chọn và khác biệt để không ép người khác phải giống mình và buộc mình phải giống người khác.

Mẹ phát hiện trên răng con bỗng xuất hiện nhiều chấm đen, nghĩ bị sâu nhưng kết luận của bác sĩ khiến mẹ giật mình
Tục ngữ có câu "Cái răng, cái tóc là góc con người", việc bảo vệ sức khoẻ răng miệng cho trẻ là rất quan trọng. Vì răng miệng liên quan đến sức khoẻ thể chất, lẫn ngoại hình của trẻ.

Dạy con 1-3 tuổi

Theo Kiều Trang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Trẻ tuổi dậy thì