Trẻ nên hiểu lòng tốt cũng cần có giới hạn? Chuyên gia dạy các bé câu từ chối khéo

Thi Thi - Ngày 18/12/2024 16:31 PM (GMT+7)

Trẻ cần hiểu rằng lòng tốt không chỉ là việc cho đi mà còn là sự trao đổi hai chiều.

Lòng tốt là một trong những giá trị quan trọng trong cuộc sống, giúp xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với nhau, góp phần tạo ra một xã hội nhân văn hơn. Tuy nhiên, việc dạy trẻ hiểu rằng lòng tốt cũng cần có giới hạn là một bài học không thể thiếu.

Trẻ em cần hiểu rằng việc giúp đỡ người khác là tốt, nhưng không nên làm tổn hại đến chính mình. Khi không có giới hạn, trẻ có thể trở thành đối tượng bị lợi dụng, dẫn đến cảm giác mệt mỏi, chán nản và thậm chí là mất niềm tin vào con người.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ngoài ra, trẻ có thể phát triển thói quen hy sinh nhu cầu cá nhân vì sự hài lòng của người khác, điều này làm tổn thương bản thân, tạo ra một mẫu hình không lành mạnh trong các mối quan hệ trong tương lai. Vì vậy, nếu trẻ không biết cách đặt ra giới hạn, dễ gặp khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ tích cực, dẫn đến cảm giác cô đơn và thiếu kết nối.

Hơn nữa, khi trẻ học cách từ chối hoặc yêu cầu người khác tôn trọng không gian và nhu cầu của mình, sẽ trở nên tự tin hơn. Từ đó giúp trẻ bảo vệ bản thân, tạo ra một môi trường tích cực, nơi lòng tốt được thể hiện chân thành và tự nguyện, mà không bị áp lực hay cảm giác thiếu thốn.

Một trong những cách hiệu quả để dạy trẻ về lòng tốt có giới hạn là giúp trẻ phát triển khả năng nhận thức về tình huống và cảm xúc. Bố mẹ có thể bắt đầu bằng cách thảo luận về các tình huống trong cuộc sống hàng ngày.

Về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Quang Thị Mộng Chi đưa ra những phân tích sâu hơn, hỗ trợ bố mẹ tìm ra phương pháp giáo dục con đúng hướng.

Chuyên gia tâm lý Quang Thị Mộng Chi.

Chuyên gia tâm lý Quang Thị Mộng Chi.

Trẻ nên hiểu lòng tốt cũng cần có giới hạn? Chuyên gia dạy các bé câu từ chối khéo - 3

Thưa chuyên gia nhiều trẻ tốt tánh, biết giúp đỡ người khác nhưng vô tình mang họa vào người, vậy làm thế nào để trẻ có thể phân biệt giữa lòng tốt thực sự và sự lợi dụng từ người khác? 

Để giúp trẻ phân biệt giữa lòng tốt thực sự và sự lợi dụng, phụ huynh nên bắt đầu bằng cách giải thích rằng lòng tốt là giúp đỡ người khác khi họ thực sự cần và khi trẻ có thể làm điều đó mà không gây hại cho bản thân.

Đồng thời, cần dạy trẻ nhận biết các dấu hiệu của sự lợi dụng, như khi người khác chỉ tìm đến trẻ khi cần giúp đỡ, liên tục đòi hỏi mà không biết ơn hoặc tôn trọng. Tạo các kịch bản thực tế để trẻ thực hành cách phản ứng:  

Tình huống 1: Bạn gặp khó khăn và cần giúp đỡ hướng dẫn bạn làm bài tập một lần hoặc cho bạn mượn đồ dùng học tập 1 lần, con có thể vui vẻ giúp đỡ bạn    

Tình huống 2: Bạn bè luôn yêu cầu trẻ làm hết các bài tập cho bạn hoặc yêu cầu bạn cho đồ ăn, cho đồ dùng học tập và không bao giờ nói lời cảm ơn hay thể hiện sự trân trọng những giúp đỡ của con. Trong tình huống này, cha mẹ hướng dẫn con nói “Không” một cách lịch sự nhưng dứt khoát.

Phụ huynh có thể diễn tập các tình huống thực tế để trẻ thực hành từ chối một cách lịch sự nhưng kiên quyết, ví dụ: “Xin lỗi, mình bận rồi nên không thể giúp được.” 

Thêm vào đó, cha mẹ có thể khuyến khích trẻ lắng nghe cảm xúc của mình: Nếu cảm thấy vui vẻ, thoải mái khi giúp đỡ, đó là lòng tốt thực sự; ngược lại, nếu cảm thấy mệt mỏi hay bị ép buộc, đó có thể là dấu hiệu của sự lợi dụng.

Quan trọng nhất, phụ huynh cần tạo môi trường an toàn để trẻ chia sẻ các tình huống khó xử và nhận được sự hướng dẫn phù hợp. Dạy trẻ nguyên tắc “giúp trong giới hạn” bằng cách đặt ra các quy tắc rõ ràng, như chỉ giúp đỡ khi trẻ có thể và không làm ảnh hưởng đến bản thân.

Trẻ nên hiểu lòng tốt cũng cần có giới hạn? Chuyên gia dạy các bé câu từ chối khéo - 4

Khi trẻ gặp khó khăn trong việc từ chối yêu cầu của người khác (ví dụ như bị bạn bè cô lập, người khác đe dọa..), trẻ nên ứng xử thế nào? (Chuyên gia có thể gợi ý câu nói để trẻ từ chối khéo khi cần) 

Khi trẻ gặp khó khăn trong việc từ chối yêu cầu của người khác, đặc biệt trong trường hợp bị bạn bè cô lập hoặc đe dọa, phụ huynh nên dạy trẻ cách từ chối khéo léo nhưng dứt khoát để bảo vệ bản thân. Trẻ cần hiểu rằng nói “không” không khiến mình trở thành người xấu và việc bảo vệ bản thân là hoàn toàn chính đáng.

Phụ huynh có thể hướng dẫn trẻ các cách từ chối lịch sự như: “Mình rất muốn giúp nhưng hôm nay mình bận rồi” hoặc “Xin lỗi, mình không thể làm điều đó.” 

Trong trường hợp bị ép buộc, trẻ có thể nói thẳng: “Không, mình không đồng ý” hoặc “Dừng lại, bạn không có quyền ép mình.” Nếu trẻ cảm thấy bị đe dọa hoặc cô lập, cần dạy trẻ bình tĩnh, giữ khoảng cách. Khuyến khích trẻ giữ khoảng cách với người gây áp lực và không phản ứng tiêu cực, tránh làm tình huống trở nên tồi tệ hơn, sau đó báo ngay với người lớn đáng tin cậy.

Đặc biệt, trẻ càng nhỏ thì phụ huynh càng nhắc nhở trẻ không giữ im lặng khi bị đe dọa mà trẻ phải kể với phụ huynh, thầy cô hoặc người đáng tin cậy. Ngoài ra, cha mẹ có thể cùng con đóng vai, diễn tập các tình huống giả định để trẻ luyện cách từ chối tự tin và xử lý áp lực xã hội một cách an toàn.

Trẻ nên hiểu lòng tốt cũng cần có giới hạn? Chuyên gia dạy các bé câu từ chối khéo - 5

Có những câu chuyện hoặc bài học nào hữu ích để giúp trẻ hiểu về lòng tốt và giới hạn của nó? 

Có nhiều câu chuyện có thể giúp trẻ hiểu về lòng tốt và giới hạn của nó. Câu chuyện “Người bạn chân chính” là một câu chuyện ngắn mang tính giáo dục, thường được dùng để dạy trẻ em về lòng tốt, sự giúp đỡ và việc đặt ra giới hạn trong các mối quan hệ bạn bè.

Dưới đây là phiên bản phổ biến của câu chuyện: Có một cậu bé tên Minh rất tốt bụng, luôn sẵn lòng giúp đỡ bạn bè trong lớp. Khi bạn Nam quên bút, Minh cho bạn mượn ngay. Khi bạn Hoa không làm kịp bài tập, Minh vui vẻ làm giúp. Ban đầu, Minh cảm thấy rất vui vì mình là người hữu ích.

Nhưng thời gian trôi qua, các bạn trong lớp bắt đầu ỷ lại vào Minh. Họ không thèm chuẩn bị bài tập và luôn đến nhờ cậu làm giúp. Thậm chí, khi Minh không giúp vì mình cũng có việc bận, một số bạn còn tức giận và nói cậu keo kiệt, ích kỷ.

Minh cảm thấy buồn bã và bắt đầu nghi ngờ liệu mình có làm đúng hay không.Một ngày nọ, cô giáo kể một câu chuyện trong lớp về lòng tốt và sự tôn trọng lẫn nhau. Cô nói: “Giúp đỡ người khác là điều đáng quý, nhưng một tình bạn chân chính cần phải dựa trên sự quan tâm và tôn trọng từ hai phía, chứ không phải là sự lợi dụng.” Minh hiểu ra rằng không phải lúc nào cũng cần giúp đỡ người khác nếu điều đó làm tổn hại đến bản thân mình.

Từ đó, Minh học cách đặt ra giới hạn: cậu vẫn giúp đỡ bạn bè khi thực sự cần thiết, nhưng không làm bài tập thay hay cho mượn đồ một cách vô điều kiện. Minh nhận ra rằng, những người bạn tốt sẽ không rời bỏ mình chỉ vì cậu từ chối giúp đỡ khi họ không cần thiết. Và đúng như vậy, những người bạn chân chính vẫn ở bên Minh vì họ trân trọng cậu, chứ không phải vì những gì cậu có thể cho đi.

Câu chuyện này dạy trẻ rằng lòng tốt không có nghĩa là hy sinh bản thân hoặc chịu sự lợi dụng, mà cần đi kèm với sự sáng suốt và sự tôn trọng từ hai phía trong tình bạn.

3 điều phụ huynh có thể giúp trẻ đúc kết từ câu chuyện:

- Lòng tốt phải đi kèm với sự tỉnh táo: Chỉ giúp khi người khác thật sự cần và khi mình có thể.

- Đặt ra giới hạn: Không phải mọi yêu cầu đều cần được đáp ứng.

- Tình bạn chân chính: Những người bạn thực sự sẽ trân trọng bạn vì con người bạn, chứ không phải vì những gì bạn có thể cung cấp.

Trẻ nên hiểu lòng tốt cũng cần có giới hạn? Chuyên gia dạy các bé câu từ chối khéo - 6

Có những cách nào để dạy trẻ biết cách đặt ra giới hạn trong lòng tốt của mình? Biếu đưa ra quyết định về khi nào nên giúp đỡ và khi nào nên từ chối?

Dạy trẻ biết cách đặt ra giới hạn trong lòng tốt là giúp trẻ cân bằng giữa việc giúp đỡ người khác và bảo vệ bản thân. Phụ huynh có thể bắt đầu bằng cách giải thích rằng giúp đỡ là điều tốt nhưng không nên làm tổn hại đến chính mình.

Trẻ có thể áp dụng nguyên tắc “3 câu hỏi” trước khi quyết định giúp đỡ: Người đó có thực sự cần không? Con có khả năng giúp không? Việc giúp đỡ có làm con gặp rắc rối không?

Nếu câu trả lời là “không” cho bất kỳ câu hỏi nào, trẻ nên từ chối một cách lịch sự như: “Mình rất muốn giúp nhưng mình cũng bận làm bài tập của mình” hoặc “Xin lỗi, mình không thể giúp bạn lúc này.” 

Phụ huynh cũng nên tạo các tình huống giả định để trẻ thực hành cách xử lý, đồng thời kể các câu chuyện như người bạn chân chính ở trên để trẻ hiểu rằng giúp đỡ cần có giới hạn.

Quan trọng nhất, hãy khuyến khích trẻ chia sẻ cảm xúc hàng ngày. Phụ huynh nên hỏi trẻ mỗi ngày: “Hôm nay con đã giúp ai? Con cảm thấy thế nào sau khi giúp đỡ?” Nếu trẻ cảm thấy vui, đó là dấu hiệu giúp đỡ đúng cách.

Trường hợp trẻ cảm thấy buồn hoặc bị ép buộc, hãy hướng dẫn trẻ cách từ chối.Đồng thời, phụ huynh có thể làm gương bằng cách đặt ra giới hạn trong các mối quan hệ của chính mình.

Ví dụ: Từ chối giúp đỡ khi quá bận, nhưng vẫn sẵn lòng hỗ trợ trong khả năng cho phép. Điều này giúp trẻ nhận ra rằng ngay cả người lớn cũng không thể giúp đỡ mọi người mọi lúc.

Tóm lại, dạy trẻ đặt ra giới hạn trong lòng tốt không phải là làm trẻ trở nên ích kỷ, mà là giúp trẻ biết bảo vệ chính mình và hiểu rằng lòng tốt cần đi kèm với sự tỉnh táo. Trẻ sẽ học cách giúp đỡ một cách có ý nghĩa mà không để bản thân bị tổn thương hoặc lợi dụng.

Trẻ nên hiểu lòng tốt cũng cần có giới hạn? Chuyên gia dạy các bé câu từ chối khéo - 7

Làm gì khi trẻ thích lấy trộm đồ? Chuyên gia nói đây là cách xử lý tinh tế và khéo léo
Hành vi lấy trộm đồ của người khác ở trẻ em là vấn đề phức tạp, cần được giải quyết linh hoạt và tích cực.

Dạy con 3-5 tuổi

Theo Thi Thi
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Phương pháp giáo dục sớm