Trẻ ở mỗi giai đoạn phát triển, bố mẹ cần tìm ra phương pháp nuôi dưỡng phù hợp với độ tuổi.
Nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ Marvin Marshall đã nói: Khi hoa chúng ta trồng không phát triển như mong đợi, chúng ta không nên đổ lỗi cho hoa, mà hãy tìm nguyên nhân từ chính việc trồng trọt của mình và các khía cạnh khác.
Việc giáo dục trẻ em cũng vậy. Khi sự phát triển của một đứa trẻ không tốt như bố mẹ tưởng tượng, điều nên làm không phải là đổ lỗi mọi vấn đề cho trẻ, mà kịp thời nhìn nhận những sai lầm trong quá trình giáo dục và sửa chữa chúng.
Trẻ lớn lên theo từng giai đoạn, mỗi thời điểm có những đặc điểm tâm lý và ưu tiên nuôi dạy con khác nhau.
Nếu bố mẹ hôm nay vẫn theo đuổi phương pháp dạy của ngày hôm qua, sẽ vô tình tước đi ngày mai của trẻ. Vì vậy, khi bố mẹ hiểu được những điều này, sẽ có phương pháp nuôi dưỡng những đứa con xuất sắc.
Trẻ 9-11 tuổi, cấp tiểu học: Nắm bắt thói quen
Một chuyên gia về nghiên cứu hành vi đã từng thực hiện cuộc khảo sát như sau: Ông quan sát tập hợp hàng ngàn trẻ em từ lớp 4 tiểu học đến lớp 3 trung học và tiến hành các bài kiểm tra về kiến thức, năng lực, thói quen.
Kết quả bài kiểm tra làm ông ngạc nhiên. Khi điểm số tăng lên, điểm kiến thức và năng lực của trẻ được cải thiện đáng kể, nhưng điểm thói quen không thay đổi nhiều.
Từ đó ông kết luận: Giai đoạn quan trọng trong việc phát triển thói quen của trẻ là ở trường tiểu học, lớp 4 đến lớp 6 là thời điểm quan trọng nhất để củng cố thói quen. Ở giai đoạn này, nếu trẻ phát triển được những thói quen tốt sẽ được lợi ích lâu dài cho việc học tập và cuộc sống sau này. Nếu vẫn còn nhiều thói quen xấu thì đây cũng là thời điểm tốt nhất để sửa chữa.
Chuyên gia Krylov nói “Nếu tài năng không có ích cho con người thì sẽ ngày càng suy yếu. Nếu tài năng bị sự lười biếng khống chế thì dù tham vọng có mạnh mẽ đến đâu cũng sẽ không còn hy vọng”.
Một đứa trẻ dù thông minh đến đâu nhưng nếu không biết kiềm chế bản thân và lười biếng trong thời gian dài sẽ chỉ tích tụ sự lười biếng, làm giảm tài năng. Do đó, việc phát triển những thói quen tốt rất khó và đòi hỏi vô số nỗ lực và kiên trì.
Việc hình thành những thói quen xấu rất đơn giản. Tất cả chỉ cần một đứa trẻ rảnh rỗi và bố mẹ bao dung.
Nhà giáo dục, ông Ye Shengtao cũng cho biết: “Bản chất của giáo dục là rèn luyện thói quen”.
Bản chất của trẻ là thích vui chơi, nếu không có thói quen tốt thì sẽ khó đối mặt với sự lôi cuốn và cám dỗ của thế giới bên ngoài.
Những bố cha mẹ có tầm nhìn dài hạn thường dạy con mình làm ba điều, nhằm nuôi dưỡng tính tự giác.
Chủ động học hỏi và phát triển những thói quen tốt
- Luyện tập thư pháp thường xuyên để nâng cao độ gọn gàng, làm việc cẩn thận, đảm bảo chất lượng và số lượng.
- Hãy siêng năng tư duy và chủ động tìm kiếm kiến thức khi gặp vấn đề, ôn tập thường xuyên để củng cố những kiến thức đã học.
Yêu thích đọc sách và mở rộng phạm vi nhận thức
- Trẻ thích đọc sách có vốn từ vựng phong phú hơn và kỹ năng diễn đạt ngôn ngữ mạnh mẽ hơn.
- Ở trường tiểu học, thời gian ngoại khóa tương đối nhiều hơn. Phụ huynh có thể tận dụng thời gian này để đưa con đến thư viện, đọc sách cùng con và giúp con phát triển thói quen đọc.
Tiếp tục tập thể dục và xây dựng một cơ thể khỏe mạnh
- Một cơ thể khỏe mạnh là điều kiện tiên quyết, nền tảng để hoàn thành mọi việc học tập và cuộc sống.
- Bố mẹ có thể đưa con đi chơi thường xuyên hơn như đi bộ, chơi bóng, leo núi,… để con bớt lo lắng, căng thẳng và có nhiều năng lượng hơn cống hiến cho việc học.
Trẻ 12-14 tuổi, giai đoạn trung học cơ sở: Dành nhiều thời gian cho con hơn
Trẻ vị thành niên cần bố mẹ nhiều hơn chúng nghĩ.
Đối với nhiều bậc phụ huynh, khi nhắc đến con ở tuổi vị thành niên, có vô số lời phàn nàn.
“Nhạy cảm, nổi loạn, khó quản lý, không vâng lời, không thể giao tiếp, thường xuyên rời gia đình…”
Vậy tuổi vị thành niên có phải là gốc rễ của mọi vấn đề ở trẻ?
Chuyên gia giáo dục Chen Yu từng nói: "Đừng đổ lỗi cho những vấn đề của con là do 'sự nổi loạn ở tuổi vị thành niên'. Không phải đứa trẻ nào cũng có xu hướng nổi loạn khi đến tuổi thiếu niên. Nếu sự phát triển cá nhân của trẻ không bị kìm hãm, những nhu cầu bên trong được thỏa mãn đầy đủ, thiết lập được cơ chế giao tiếp tốt, thì tại sao trẻ phải nổi loạn?"
Cuốn sách “Giải mã tuổi dậy thì” viết: Ở tuổi thiếu niên, những thay đổi về thể chất và tinh thần giống như một cơn bão dữ dội. Mọi đứa trẻ có vẻ nổi loạn và khó gần đều cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ bố mẹ.
Dù trẻ có tỏ ra mạnh mẽ và lạnh lùng đến đâu thì cũng chỉ là ngụy trang. Mỗi lần tránh xa, chỉ là để đến gần hơn mà thôi.
Vì vậy, bố mẹ phải hiểu rằng trẻ vị thành niên cần gia đình nhiều hơn chúng ta nghĩ. Khi bố mẹ đủ kiên nhẫn, thấu hiểu và đồng hành thì sẽ gần gũi với con hơn.
Nhà văn Rao Xueman đã nói: "Tình bạn là cách giáo dục trẻ tốt nhất, chỉ là những hình thức đồng hành khác nhau."
Khi đối mặt với trẻ vị thành niên, bố mẹ nên đồng hành cùng con làm 3 điều này để giúp vượt qua giai đoạn tốt đẹp hơn.
Học cách kiểm soát cảm xúc
- Những người có thể kiểm soát được cảm xúc, có thể làm chủ được cuộc sống của chính mình.
- Bốa mẹ nên dạy con đối mặt với những cảm xúc của chính mình, dù học tập mệt mỏi hay những cảm xúc lo lắng, trầm cảm, hãy tìm ra nguyên nhân sâu xa và tích cực xử lý, giải quyết.
Luyện tập khả năng chống lại căng thẳng
- Áp lực ở bậc trung học cơ sở tuy rất lớn nhưng không lớn bằng kỳ thi tuyển sinh đại học.
- Điều thích hợp nhất là rèn luyện cho trẻ khả năng chịu đựng căng thẳng vào thời điểm này, dạy trẻ đối mặt với thất bại, không ngại thử thách. Chỉ cần trẻ cố gắng, dù có thất bại thì đó vẫn là thành tựu.
- Tạo thêm niềm tin và sự kiên trì để đối mặt với những giông bão lớn hơn trong tương lai.
Biết cách xử lý cảm xúc
- Thanh thiếu niên có cảm xúc về bạn khác giới là điều bình thường, nếu bố mẹ can thiệp quá nhiều vô tình ảnh hưởng đến nhu cầu phát triển tâm sinh lý cá nhân.
- Bố mẹ hãy tạo ra những cuộc trò chuyện thân mật, nói cho chúng biết những tiềm ẩn của việc yêu sớm, giúp trẻ xây dựng mối quan hệ lành lạnh khi cả hai bên cùng nỗ lực để đạt được mục tiêu của mình.
Trẻ 15-17 tuổi, giai đoạn cấp 3: Biết buông bỏ
Triết gia Fromm đã nói: “Không có sự tôn trọng, tình yêu dễ dàng biến thành sự thống trị và sở hữu.”
Một đứa trẻ là cá thể độc lập, có con đường riêng và cuộc sống mong muốn.
Trẻ không phải là công cụ để bố mẹ hiện thực hóa lý tưởng của mình, cũng không phải là vốn để bố mẹ thể hiện.
Khi bố mẹ biết buông bỏ sẽ dễ dạy con tự lập và xuất sắc.
Tác giả Anna Quindlen đã nói: Tình yêu thành công nhất của bố mẹ không phải là giữ con ở bên, mà là nuôi dưỡng tính tự lập và buông bỏ đúng lúc.
Bố mẹ nên làm ba điều để buông bỏ và cho con không gian tự do.
Hãy để con tự lựa chọn
- Phụ huynh có thể đưa con đi thăm quan các khuôn viên trường đại học, tìm hiểu về các chuyên ngành khác nhau của trường, đưa ra những gợi ý nhưng không quyết định.
- Việc cho phép trẻ đặt mục tiêu dựa trên sở thích của bản thân cũng có thể huy động được sự nhiệt tình học tập, khiến trẻ sẵn sàng học tập tích cực vì mục tiêu.
Hãy để trẻ thử và dám phạm sai lầm
- Cuộc đời còn dài, có sai cũng không sao.
- Trẻ mắc lỗi không phải là điều đáng sợ. Đó là vì trẻ đang khám phá thế giới và hiểu rõ bản thân. Đó là một quá trình học hỏi và hoàn thiện bản thân không ngừng.
- Dạy con nhận diện sai lầm một cách đúng đắn là điều bố mẹ nên làm.
Để trẻ sống tự lập
- Tình yêu thương tốt nhất mà bố mẹ có thể dành cho con không phải là che chở khỏi mưa gió, mà là dạy con khả năng tự sinh tồn.
- Bao gồm giặt giũ, nấu ăn cơ bản,.., cũng như giao tiếp, ứng xử với người khác...
- Hãy để trẻ sống một cuộc sống tốt đẹp sau khi rời xa bố mẹ.
Có đoạn trong “Kafka bên bờ biển” viết: Đứa trẻ như một cây non, môi trường gia đình là nguồn nước tưới. Nếu chất lượng nước quá kém, cây con không thể phát triển, mà dần lụi đi.
Giáo dục trẻ là một quá trình lâu dài. Không chỉ trẻ cần trưởng thành mà bố mẹ cũng cần không ngừng hoàn thiện bản thân. Điều may mắn lớn nhất của trẻ là có được bố mẹ sẵn sàng thay đổi vì mình.