Truyện cổ tích: Gươm chém thuồng luồng suối Rồng

Thi Thi - Ngày 13/04/2023 19:37 PM (GMT+7)

Câu chuyện ca ngợi tình yêu thủy chung và lòng kiên trì không bỏ cuộc của chàng hoàng tử.

Truyện cổ tích: Gươm chém thuồng luồng suối Rồng - 2

Nội dung câu chuyện gươm chém thuồng luồng suối rồng 

Ngày xửa ngày xưa, con trai út của vua Then và nàng xao con gái út của một vị xen cha ở trên Mường Bun (tiên giới) thương yêu nhau tha thiết. Nhưng khi chàng còn chưa kịp nhờ người mai mối tới dạm hỏi thì nàng đã bị con trai của vua thuồng luồng cướp đem về làm vợ.

Chàng út đi xuống Mường Lúm (trần gian) để tìm nàng. Chàng đi mãi khắp mọi nơi hang cùng ngõ hẻm mà vẫn không thể nào tìm được nàng.

Một buổi đang lang thang ở trong rừng, chàng út bỗng tình cờ gặp một vị xen cha đang cưỡi ngựa đi săn. Nhìn thấy bộ dạng thảm hại, thiểu não vì mãi vẫn chưa tìm được người yêu, nên xen cha mới xuống ngựa để hỏi thăm. Chàng út kể cho xen cha nghe chuyện.

Thương tình, xen cha liền đưa cho chàng một thanh gươm, và dặn, bao giờ chàng mài sắc được thành gươm này thì sẽ tìm lại được nàng xao út.

Chàng út cầm thanh gươm đi tìm chỗ mài, đợi ngày báo thù thuồng luồng đã cướp mất người yêu. Chàng đi cho đến khi gặp một bản nhỏ, nằm cạnh con suối tá xi (suối Rồng) thì dừng lại ở nơi này để mài gươm.

Chàng mài từ khi còn là một thanh niên cường tráng cho tới khi trở thành một ông lão, râu dài tóc bạc mà thành gươm vẫn cùn, chưa sắc. Không hề nản, ngày nào cũng như ngày nào, chàng út lúc bấy giờ đã là ông lão, cứ bắt đầu vào lúc mặt trời mọc là lại cầm gươm ra ngồi mài ở bến suối tá xí. Nếu có ai hỏi ông mài gươm làm gì, thì ông nói là mài gươm để đến mùa thi còn đem đi thi chém.

Nhưng rồi mặc cho tháng trôi, năm qua, mọi người vẫn chẳng thấy ông mang gươm đi thi thố ở đâu cả, mà chỉ thấy ngày ngày ông đem gươm ra cặm củi mài ở bờ suối. Dân bản chứng kiến cái chuyện kỳ dị này mãi rồi cũng quen, họ mặc kệ ông ngồi mài, không ai hỏi đả động gì đến ông nữa.

Thế rồi một hôm, có một đám buôn lớn đi qua chỗ ông lão đang ngồi mài gươm. Nhìn thấy thanh gươm sáng loáng đẹp quá, họ bèn nằn nỉ gạ hỏi mua với ông, và trả giá cực cao. Nhưng nói thế nào thì ông lão vẫn cũng cứ lắc đầu từ chối không bán. Họ hỏi lý do tại sao ông không muốn bán thanh gươm.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ông lão thủng thẳng đáp:

– Gươm này còn dùng để chém thuồng luồng suối tá xì!

Đám lái buôn đành ngao ngán thất vọng bỏ đi. Nhưng câu nói của ông lão thì đã bị bầy cá nghe thấy. Chúng liền đem tâu lại với vua thuồng luồng cai quản con suối tá xi. Vua thuồng luồng tức quá, mới lên bờ và hóa thành một cụ già lưng còng chống gậy tới gặp ông lão mài gươm.

Ban đầu, vua thuồng luồng giả vờ ngỏ ý hỏi mua thanh gươm. Ông lão từ chối không bán. Vua thuồng luồng hỏi tiếp:

– Vậy thanh gươm này anh định dùng để làm gì?

Ông lão đáp:

– Gươm ta dùng để đi chém, thứ gì cũng chém, con gì cũng chém, cái gì trôi qua trước mặt là chém! Và chém chỉ một nhát là đứt!

Vua thuồng luồng lại hỏi:

– Thế thần thuồng luồng ở dưới nước ông có chém được không?

Ông lão khẳng định:

– Chém được tất! Nếu chém một nhát mà không đứt thì ta sẽ chịu mất thanh gươm này.

Thế rồi ông lão vừa ngồi mài gươm vừa hát nghêu ngao:

– Gươm lưỡi thiêng ta mài từ thuở nhỏ

Mài cho đến già để chém thuồng luồng tá xi.

Cho tới mùa thi lưỡi gươm thật sắc bén

Già này đem chém thuồng luồng tá xi.

Nghe ông lão nghêu ngao hát vậy, vua thuồng luồng giật mình, trong lòng dạ cảm thấy không yên, bởi sợ sau này có lúc ông lão sẽ mang gươm đi chém họ hàng thuồng luồng sống dưới nước. Vua thuồng luồng bèn đánh cược với ông lão, nếu không chém chết được thồng luồng tá xi thì sẽ phải chịu mất thanh gươm của xen cha.

Vì lúc nãy đã trót nói mạnh, nên ông lão đành phải đòng ý và hẹn ngày đánh cược. Sau khi vua thuồng luồng đi rồi, nhìn lưỡi của thanh gươm vẫn còn cùn, lòng dạ buồn rười rượi nên ông lão bật ra những tiếng than thở. Đúng lúc này thì có một con rái cá chạy qua. Nhìn thấy ông lão buồn bã thở dài, rái cá cất tiếng hỏi:

– Tại sao ông lại buồn đến như vậy?

Ông lão đem chuyện kể cho rái cá nghe. Rái cá bèn bảo ông:

– Khó gì đâu! Muốn lưỡi gươm sắc thì trong khi mài ông hãy khóc và nhỏ những giọt nước mắt của ông vào đó.

Ông làm đúng theo như lời của rái cá, không ngờ rằng lưỡi gươm đã nhanh chóng trở nên sắc bén. Và để cho thanh gươm sắc bén hơn nữa, hôm nào ông cũng vẫn mang gươm ra bờ suối mài và thấp thỏm chờ mong đến ngày hẹn.

Sắp tới ngày hẹn, vua thuồng luồng lại hóa thành người tìm đến gặp ông lão. Vua thuồng luồng hỏi thăm dò:

– Ông định làm thế nào để chém chết thuồng luồng?

Đoán biết đó chính là vua thuồng luồng hóa thành người để dò hỏi, ông lão tỉnh bơ đáp lại:

– Cho dù thuồng luồng hóa thành bất cứ con vật gì, hay là các loại gỗ gì thì cũng chỉ chém một nhát là đứt. Chỉ khi nào thuồng luồng hóa thành cây chuối rừng thì lão mới chịu không thể chém đứt được!

Vua thuồng luồng không tin nên tìm cách thử ông lão. Vua cho quân hóa thành còn chim dữ bay đến mổ ông lão. Ông chém một nhát đứt đôi con chim.

Vua lại cho quân hóa thành thân cây chuối rừng trôi qua trước mặt ông lão. Ông lão bỏ qua không chém. Thấy mọi điều đúng như ông lão nói, vua thuồng luồng yên tâm trở về Mường Nước.

Đến ngày hẹn, ông lão cầm gươm ra đứng đợi sẵn ở bền bờ suối. Họ hàng thuồng luồng tất cả đều hóa thành cây chuối rừng cứ thế lững thững trôi qua trước mặt ông lão.

Ông không dám chém, vì sợ chém nhầm phải cả người yêu. Bối rối quá, ông lão ôm đầu rồi ngửa mặt lên trời than, kêu vua Then giúp đỡ. Vua Then bèn hóa thành một con diều hâu bay xuống giúp con trai.

Diều hâu bảo:

– Thân cây chuối nào mà ta bay tới đậu thì đó chính là nàng xao út! Đừng có chém phải!

Không sợ nhầm nữa, vậy là ông lão vung gươm chém lia lịa vào thân các cây chuối trôi qua trước mặt. Nhưng chém đã mỏi tay mà vẫn chẳng thấy diều hâu đậu xuống đâu cả, nên ông lão rất sốt ruột. Ông vừa chém, vừa ngóng nhìn lên bầu trời để tìm bóng diều hâu.

Bỗng dưng, từ trên không trung nổ ầm vang một hồi sấm, bầu trời tối sầm lại. Rồi từ phía thượng nguồn lững thững trôi xuống một bè chuối, trên bè có một con nôộc cháu phạ (chim thiên nga) đang đậu. Đúng lúc này, chim diều hâu bất thình lình xuất hiện, nó lao vút xuống, cắp chặt lấy nôộc cháu phạ rồi bay vút lên trời.

Đoán biết được là người yêu đã được diều hâu cứu thoát đem trở về Mường Bun, nên ông lão yên tâm ra sức chém hết số thuồng luồng còn lại. Sau đó, ông ném thanh gươm vào rừng trả lại cho xen cha, rồi lập tức bay theo một ngọn gió để trở về trên Mường Bun.

Trở về đến Mường Bun, thì ông lão thấy đám cưới cho mình và nàng xao út đã được chuẩn bị chu đáo đâu vào đấy. Mọi người chỉ còn đợi ông lão về tới nơi là bắt đầu cuộc vui.

Đám cưới diễn ra linh đình, ai ai cũng chúc phúc cho hai người, dù cho nay đã tóc bạc, da mồi, nhưng được ở bên nhau như hằng mong ước.

Sau đám cưới, hai người không ở lại sống cùng vua Then, mà họ, hai mái đầu bạc, cùng nắm tay nhau biến thành đám mây trắng, bay lang thang nay đây mai đó khắp mọi nơi, nhàn du rong chơi ngắm nhìn thiên hạ.

Người Mường Lúm thấy vậy mới đặt thơ hát về họ:

– Đời người tự như mây trắng bay

Nắm tay nhau rong chơi khắp bản mường.

Khi trời nắng, ta hóa mây che đầu cho mẹ

Làm bóng mây râm, che mát cho mẹ yêu!

Truyện cổ tích: Gươm chém thuồng luồng suối Rồng - 4

Bài học hay từ truyện cổ tích

Câu chuyện ca ngợi tình yêu thủy chung, cũng như lòng kiên trì, dũng cảm không bỏ cuộc của con người trước khó khăn.

Câu chuyện ca ngợi tình yêu thủy chung, cũng như lòng kiên trì, dũng cảm không bỏ cuộc của con người trước khó khăn.

Truyện cổ tích: Trạng Quỳnh và sứ thần
Câu chuyện đề cao tài trí thông minh của người dân trong việc đấu tranh chống uy quyền nước lớn thời xưa.

Dạy con 3-5 tuổi

Theo Thi Thi Sưu tầm
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Truyện cổ tích cho bé