Truyện cổ tích: Vụ kiện châu chấu

Thi Thi - Ngày 13/01/2024 22:37 PM (GMT+7)

Câu chuyện giải thích quan niệm người xưa mang gà trống theo mỗi khi có kiện tụng.

Truyện cổ tích: Vụ kiện châu chấu - 2

Nội dung truyện cổ tích vụ kiện châu chấu

Ngày ấy có một con châu chấu mải mê kiếm ăn lạc mất đường về. Tối đến, trời rét lại mưa rơi rả rích, làm cho châu chấu ta run rẩy. Nó muốn tìm một chỗ ngủ, nhưng bóng đen dày đặc chẳng biết đường nào mà lần.

– “Ta có bò liều may gặp chỗ nào khỏi ướt thì nằm tạm một đêm”. Nghĩ vậy, chấu ta cứ lồm cồm bò mãi trên một cành cây mới bám được. Cuối cùng, không ngờ nó lại lọt vào nhà chim ri. Đến đây, châu chấu thấy ấm áp dễ chịu. Nhưng một tiếng hỏi cất lên:

– Đêm hôm khuya khoắt, ai vào nhà tôi đó ? Khéo kẻo đạp lên mấy đứa con tôi!

Thấy chim ri mẹ đứng lên hỏi thế, chấu rên rỉ đáp không ra hơi:

– Tôi là chấu đây!… Đêm lạnh quá… Làm ơn cho ngủ nhờ một đêm, sáng dậy là đi ngay.

– Nhà rách nát chật chội, mấy mẹ con nằm không đủ. Thôi chú tìm nơi khác đi!

Nhưng chấu vẫn van nài:

– Cho tôi ghé lưng nằm một tí phía ngoài này cũng được, kẻo tôi lạnh cóng không thể bước đi đâu được nữa.

Nghe nói, chim ri mẹ thương hại, bèn đáp:

– Thôi được, cho chú mày nằm ghé bên kia, nhưng phải co cẳng kẻo đạp vào mấy đứa con ta.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thế là chấu xếp hai càng vào bụng, đặt lưng ngay bên cạnh mấy con bé của chim ri. Chỉ một chốc sau, chấu cũng như chim ri ai nấy đều ngon giấc.

Đang ngủ say sưa, bỗng nhiên một tiếng nai kêu “tác” bên cạnh nhà. Tiếng kêu quá to làm cho châu chấu giật mình tỉnh dậy. Chấu vươn vai rồi quên mất lời chim ri dặn, duỗi thẳng đôi cẳng dài thượt của nó. Nhà chim ri vốn đặt lơ lửng trên một cành na, nhà quá rách nát vì gió đánh tả tơi lâu ngày chưa kịp chữa. Châu chấu duỗi mạnh đôi càng làm cho cả một chỗ nằm răng rắc:

– Ôi chao! Đổ mất, đổ mất.

Chim ri mẹ kêu tướng lên. Quả nhiên cái duỗi chân của chấu đã làm hại nó. Mấy con chim con bị đạp dồn về một phía, cái nhà nghiêng hẳn, chỉ một chốc rời khỏi cành na, một con chim non còn ngủ say cũng lăn theo và rơi tõm xuống sông. Mẹ con chim bay loạn xạ đi tìm thì nó đã bị nước cuốn trôi mất.

Tức giận, vì châu chấu tự dưng vô cớ đến gây tai họa cho nhà mình, sáng hôm sau mẹ con chim ri bèn đi kiện châu chấu với Bụt. Nghe nguyên cáo trình bày đầu đuôi, Bụt liền theo đến tận nơi xem xét rồi gọi châu chấu đến hỏi:

– Tại sao nhà ngươi đêm hôm đến làm hại nhà người ta?

Châu chấu cúi đầu nhận rằng quả nó có gây tang tóc cho nhà chim ri, nhưng nó cũng cho Bụt biết rằng nó vốn không có ác ý:

– Tôi không phải là kẻ vô ơn bạc nghĩa đâu. Vì con nai tự dưng ở đâu đến kêu thét vào tai làm cho tôi giật nảy mình. Chính vì thế mà tôi duỗi chân theo thói quen nên mới ra nông nỗi.

Thấy châu chấu thức tỉnh nên Bụt cũng thương hại, bèn cho gọi nai đến, kể cho nai biết đầu đuôi sự việc xảy ra, rồi bảo:

– Nhà đổ, con chết, rõ ràng là tại tiếng kêu thét của nhà ngươi. Tại sao nhà ngươi đêm hôm khuya khoắt đến đây kêu rống lên làm gì để gây nên tai vạ?

Nai vội vàng trả lời:

– Oan tôi quá! Lúc ấy tôi cũng đang lim dim đôi mắt. Tự nhiên một quả na xanh rơi xuống trúng vào mặt làm tôi toáng đảm kêu lên. Vậy là tại quả na chứ không phải tại tôi.

Nghe nai bày tỏ có lý, Bụt quay sang hỏi cây na:

– Vì sao ngươi lại để cho quả xanh rơi trúng vào mặt con nai, làm cho nó hét tướng lên, gây tai vạ cho nhà ngươi. Người đã biết tội chưa?

Na đợi Bụt buộc tội xong, lập tức trả lời:

– Bẩm ngài. Tôi đâu có muốn quả xanh của tôi rơi. Vì con sâu nó làm hại tôi, nó cắn cuống quả xanh, cho nên quả mới rụng đấy ạ!

Đến lượt sâu được Bụt sai gọi đến kể cho nghe sự tình rồi kết tội:

– Nhà ngươi đã thấy rõ chưa? Nếu nhà ngươi không cắn quả na xanh thì làm gì có tai vạ xảy đến cho nhà chim ri. Vậy ngươi không tránh được tội lỗi.

Nhưng Bụt không ngờ sâu cũng không nhận tội. Sâu đáp:

– Bẩm ngài, tôi vốn sống yên ở trong đám lá khô dưới kia. Ở đó tôi có nhiều thức ăn ngon lành. Nhưng mấy hôm nay có con gà ở đâu đến sục sạo tìm giết cả họ nhà tôi rất kinh khủng. May mắn làm sao, tôi ba chân bốn cẳng bò được lên đây. Chẳng có gì nhét vài bụng nên tôi phải gặm chút vỏ quả na cho đỡ đói. Nếu có rơi trúng vào nai hay con gì khác thì điều đó không phải tại tôi mà là tại con gà kia.

Lại đến lượt gà được gọi đến đối chất. Gà vốn không phải quê tại khu vực này. Nó có một đàn con. Mẹ con thường dẫn nhau đi kiếm ăn. Nhưng thức ăn ngày một hiếm. Ngày hôm kia, mẹ gà nhờ được vịt, chỗ quen biết chở qua sông hứa sẽ xin ấp trứng để đến ơn. Vì thế mấy hôm gà được no bụng.

Nhưng khi nghe Bụt buộc tội vì đã gây vạ cho chim ri, gà đờ người không biết tìm câu gì để chống chế vì khu vực này không phải quê quán của mình. Hỏi đến ba lần, gà không trả lời được, nên bị Bụt giam lại.3. Minh oan cho mẹBầy con của gà có bốn con mái một con trống. Khi nghe vịt cho biết là mẹ mình bị giam ở bên kia sông thì chúng nó hết sức hốt hoảng.

Chúng khẩn khoản nhờ vịt chở sang thăm mẹ. Bốn con gà mái nhớ thương mẹ quá tranh đi trước. Chúng nó chỉ biết kiếm sâu tìm mồi nuôi mẹ mà không biết kêu van với Bụt để mẹ được tha, nên cuối cùng lại về không. Hôm sau đến lượt con trống con đi thăm, mẹ nó kể đầu đuôi sự tình vì sao Bụt bị bắt giam, gà trống con bèn đi tìm Bụt rồi phân trần:

– Bẩm ngài, ngài bắt giam mẹ con quả thật oan ức.

Bụt chau mày, hỏi:

– Lại còn oan nỗi gì. Nếu mẹ ngươi cứ kiếm ăn ở bên kia sông đừng qua bên này, thì làm gì có chuyện con sâu bò lên cắn quả na xanh, làm gì có chuyện quả na xanh ấy đứt cuống rơi vào mắt con nai để con nai kêu thét lên, rồi làm gì có chuyện con châu chấu giật mình duỗi chân đạp đổ nhà chim ri và làm cho con nó chết. Chính thủ phạm là mẹ ngươi, ngươi còn kêu oan nỗi gì.

Gà trống con lễ phép thưa:

– Bẩm ngài, chính vì thế mà con phải kêu oan cho mẹ con, vì rõ ràng trong lục súc sáu loài, loài nào loài ấy khi sinh con đẻ cái đều được trời cho có sữa nuôi con, riêng loài gà chúng con thì tuyệt nhiên không có lấy một giọt sữa.

Vì thế gà phải chạy vạy tần tảo nuôi con. Mẹ con phải vất vả đi các nơi khác kiếm ăn là vậy. Bên kia người khôn của khó nên phải lần mò sang bên này. Tình cảnh khó khăn buộc phải thế, đâu có phải là tội tại mẹ con!

Bụt thấy gà trống con cãi cho mẹ có lý có lẽ, đành phải thả cho mẹ nó về.

Thấy gà trống bé người mà khôn ngoan, ai nấy đều khen ngợi. Từ đó mỗi lần có kiện tụng việc gì, người ta thường mang gà trống theo, hy vọng nhờ sự có mặt của nó mới thắng kiện. Còn gà thì phải ấp trứng vịt để trả ơn, dòng dõi của nó sau này vẫn thế.

Truyện cổ tích: Vụ kiện châu chấu - 4

Thử tài trí nhớ qua những câu đố vui

Truyện cổ tích: Vụ kiện châu chấu - 5

1

Châu chấu đi lạc, cuối cùng nó lọt vào nhà con vật gì?

Chim ri.

Chim sẻ.

2

Mẹ con chim ri bèn đi gặp ai để kiện châu chấu?

Quan huyện.

Ông bụt.

3

Trong lúc xử, Bụt cho gọi con vật nào đến để kể lại sự việc?

Chim sẻ.

Con nai.

Nếu bạn trả lời đầy đủ các câu hỏi trên, hãy nhấn "Xem thêm kết quả"

Những câu truyện cổ tích hay về lòng nhân ái, dạy bé biết yêu thương
Dưới đây là những câu chuyện cổ tích phổ biến về lòng nhân hậu, dạy bé biết yêu thương và chia sẻ hơn.

Nuôi con khoẻ, dạy con khôn lớn

Theo Thi Thi Sưu tầm
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Câu chuyện kể về mối tình tuyệt đẹp của chàng hoàng tử bị dính lời nguyền phải biến hình thành con Ếch và nàng công chúa út.

Tin bài cùng chủ đề Dạy con 3-5 tuổi