Trẻ cãi lời cha mẹ luôn là nỗi khó khăn muôn thuở mà bất cứ phụ huynh nào cũng gặp phải trong quá trình con lớn lên.
Càng lớn thì ý thức độc lập của trẻ cũng ngày càng mạnh mẽ hơn. Thế nên đối với nhiều sự việc con sẽ có cái nhìn riêng của mình, khác hẳn với người lớn.
Có một đứa con bướng bỉnh, hay cãi lại là một vấn đề đau đầu không chỉ riêng với bất kỳ phụ huynh nào. Vì thế dạy con biết vâng lời hay biết cách phản biện đúng mức sẽ giúp cha mẹ - con cái hiểu nhau hơn.
Trẻ thường bắt chước hành vi của cha mẹ mình
Tranh luận hay cãi lại thường phản ứng chân thật những bất ổn từ nội tâm của trẻ. Có thể ở lớp con đã có va chạm với bạn học, bị cô mắng nên khi về nhà thì trút lên cha mẹ. Thực tế đối với cảm nhận của con cái thì cha mẹ luôn là nơi an toàn nhất để trút bỏ những cảm xúc.
Ngoài ra, thái độ của con được thừa hưởng nhiều từ cha mẹ. Bởi từ khi còn nhỏ, trẻ đã quan sát các hành động của người lớn trong nhiều tình huống khác nhau. Sau đó tính cách của con bắt đầu được thiết lập và dần "noi theo" mọi hành vi của cha mẹ.
Trẻ có thể sẽ bắt chước cha mẹ cách nói chuyện, cách phản ứng, thậm chí là cảm xúc cá nhân.. .Khi con không nghe lời, sự can thiệp quá thô bạo của cha mẹ khiến trẻ khó chịu, dẫn đến cãi vã. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của trẻ trong tương lai.
Tranh luận hay cãi lại thường phản ứng chân thật những bất ổn từ nội tâm của trẻ.
Cha mẹ có nên giải quyết xung đột với con bằng cảm tính?
Thông thường các bậc cha mẹ sẽ có thói quen hành xử với con một cách rất cảm tính. Nếu tâm trạng cha mẹ xấu thì con có thể con ăn bạt tai, bị mắng thậm tệ. Nhưng cũng là lỗi đó nếu tâm trạng tốt, có khi cha mẹ lại chỉ cười xòa, cho qua hoặc căn dặn vài câu rồi thôi. Tuy nhiên, đây không phải là cách hành xử tốt.
Bởi mục đích của việc trừng phạt trẻ không phải là để trẻ kinh sợ, xa lánh mà là để trẻ hiểu rằng cha mẹ đang nghiêm túc. Do đó cha mẹ cần giải thích cho trẻ biết lời nói, hành vi nào là không đúng.
Ngoài ra phải dạy con biết rằng nếu làm hoặc nói những lời không tốt thì sẽ bị trừng phạt ra sao. Quá nhân từ hoặc quá nghiêm khắc với con đều không phải là giải pháp tốt nhất cho trẻ cũng như mối quan hệ cha mẹ - con cái.
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh.
Vì sao trẻ thường xuyên cãi lời cha mẹ?
Việt Nam ta thường có câu: “Cá không ăn muối cá ươn. Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Điều này như một khẳng định về việc con cãi cha mẹ chắc chắn là con sai. Thế nhưng dù sai mà tại sao con vẫn thích cãi cha mẹ? Theo tâm lý phát triển, khi bước vào giai đoạn xung quanh 3 – 4 tuổi, đứa trẻ đã có nhận thức về bản thân, biết phân biệt được cái tôi (bản thân) và người khác.
Trẻ có ý thức về những gì thuộc về mình và cũng có suy nghĩ muốn xác định sự “tự chủ”. Vì thế ở lứa tuổi mà ta hay gọi là “khủng hoảng tuổi lên ba”, trẻ hay có phản ứng muốn cãi lại, muốn nói không trước các yêu cầu của người lớn. Đó không phải là con hư, mà đó chỉ là sự bộc lộ nhu cầu khẳng định bản thân của con.
Vì thế, cha mẹ không nên lấy đó làm bực mình mà nên biết uyển chuyển lèo lái cái chống đối của con sang những hoạt động giúp con phát triển tư duy tự chủ nhiều hơn. Như khi hỏi con: “Con muốn ăn bánh không?”, trẻ có thể trả lời: “Không” nhưng thật ra thì vẫn muốn. Phụ huynh sẽ nói: “Thế à? Vậy con muốn ăn gì? Hay ăn như thế nào?”, trẻ có thể õng ẹo một lúc rồi cũng đi đến quyết định ăn bánh.
Chính vì vậy, với lứa tuổi này, nếu được thì phụ huynh nên đưa ra các câu hỏi mở, tạo cơ hội cho trẻ có sự chọn lựa và quyết định hơn là những câu hỏi đóng. Các câu hỏi có/ không dễ đưa trẻ vào cái thế nói không. Để rồi sau đó con lại khóc vì bị cha mẹ cất đi cái nhu cầu mà mình đã từ chối.
Với những trẻ lớn hơn, khi trẻ thường xuyên cãi lời bố mẹ thì đây không còn là sự khẳng định bản thân mà là những chống đối do cách ứng xử của cha mẹ rèn luyện. Nói cách khác, việc chống đối, cãi lời mà trẻ bộc lộ là do chính cách ứng xử không nhất quán của cha mẹ.
Có những điều chúng ta dặn trẻ không được làm, nhưng chính ta lại ung dung thực hiện trước mặt trẻ. Có những điều mà chúng ta đã hứa với trẻ, rồi không thực hiện mà coi đó là chuyện bình thường. Có những quyết định “sáng nắng chiều mưa”, lúc đầu thì không, một hồi sau hay đến chiều thì lại được.
Tóm lại, trẻ hay cãi bởi vì trẻ không còn tin tưởng những lời nói “gió bay” của cha mẹ. Và trong nhiều trường hợp, cha mẹ cũng phải “cứng họng” trước những phản ứng của trẻ. Lúc đó có khi lại lấy quyền “phủ quyết” của người lớn ra buộc trẻ phải theo, điều này chỉ khiến cho trẻ càng thêm chống đối.
Nhiều người cho rằng trong nhà đứa con nào hay làm cha mẹ bực mình và hay bị mắng chính là đứa giống cha mẹ nhất? Điều này có đúng không?
Cũng có thể đúng nếu như cha mẹ lại có tính cách “tiền hậu bất nhất”, nói vậy mà không phải vậy. Và việc hay cãi của trẻ chỉ là một hậu quả tất yếu. Còn với các bậc cha mẹ mà lời nói và việc làm đi đôi, luôn giữ lời hứa với trẻ và biết cách ứng xử để trẻ có thể phát huy tính tự chủ của mình. Thì chắc chắn trẻ vẫn có thể học và giống tính cha mẹ, nhưng không phải ở chỗ hay cãi, mà là trở nên một đứa trẻ tự tin, biết quyết định và chịu trách nhiệm về những gì mình muốn và làm, không cãi cọ lôi thôi mất thời gian.
Cha mẹ trước hết là hãy nhìn lại chính cách ứng xử của mình với trẻ. Khi chúng ta không còn là tấm gương về sự nhất quán trong lời nói và việc làm thì việc trẻ hay chống đối là chuyện dễ hiểu. Nhưng điều đó chắc chắn sẽ tốt hơn nếu chúng ta có một đứa con nói gì nghe đấy, đặt đâu ngồi đó, thụ động trong mọi hoạt động, chỉ biết làm theo người khác.
Cha mẹ nên làm thế nào khi trẻ có biểu hiện của sự chống đối, thường xuyên cãi lời?
Nếu như chúng ta không có gì sai sót trong ứng xử, mà trẻ vẫn thích chứng tỏ bản thân thì đừng đưa mình vào cái bẫy chống đối của trẻ bằng 2 cách.
Không đặt ra những câu hỏi đóng có/ không như: “Con có muốn đi chơi không?” mà hãy hỏi: “Con muốn đi chơi đâu?”. Ngay cả khi trẻ muốn gây hấn bằng việc từ chối việc yêu cầu đi chơi thì chúng ta cũng có thể nói: “Vậy con muốn làm gì khi ở nhà?”. Điều này cho thấy là việc đi chơi hay không, không còn là sự quyết định của trẻ, mà chỉ là sự chọn lựa. Và trẻ sẽ chịu trách nhiệm về sự chọn lựa của mình.
Chúng ta không buộc trẻ phải làm những điều trẻ không mong muốn như yêu cầu trẻ cứ phải tập trung vào việc học. Sau khi trẻ đã mệt nhoài vì khối lượng bài vở thì chúng ta cũng không nên đưa ra những tình huống hay yêu cầu bất ngờ. Mọi hoạt động từ việc học hành, vui chơi hay nghỉ ngơi đều cần có sự trao đổi, sắp xếp trước. Cha mẹ đừng ngẫu hứng theo nhịp sống của mình mà quên rằng trẻ con cũng có nhịp sống riêng và con cần chúng ta thấu hiểu, tôn trọng.
Lời khuyên nào cho cha mẹ trong việc nuôi dạy con?
Việc nuôi con làm sao để cho ngoan hơn có lẽ không nên là mục đích của giáo dục trong gia đình. Bởi nó cũng giống như việc nhà trường chỉ muốn học sinh trở nên giỏi thay vì trở thành một học sinh có sự hiểu biết.
Điều quan trọng trong việc nuôi dưỡng con cái là hãy làm sao cho con trở nên tốt hơn, tự tin và hạnh phúc hơn. Việc một đứa con hay cãi lời là điều không hay nhưng thực tế chúng ta lại cần có những đứa con biết cãi. Các con biết cãi tức là biết nhận thức cái đúng cái sai, biết chọn lựa cho mình một tính cách, biết được năng lực của bản thân. Một đứa con biết hỏi, biết trả lời và biết cãi lẽ là một đứa trẻ thành công và hạnh phúc.