Cha mẹ nên tránh 5 quan niệm sai lầm dưới đây, việc chăm sóc trẻ sơ sinh sẽ phần nào dễ dàng hơn.
Dân gian thường ví von việc mang thai và sinh nở là “mang nặng, đẻ đau”, chỉ 4 chữ nhưng đã khiến ai cũng có thể hình dung được những khó khăn và đau đớn mà người mẹ phải trải qua. Những tưởng mang thai và sinh con xong, người mẹ sẽ được “giải thoát”, tuy nhiên, đó dường như chỉ là một sự bắt đầu cho một hành trình gian nan mới, mang tên “nuôi con”.
Thực tế, việc chăm sóc một em bé sơ sinh nói khó cũng không khó nhưng nói dễ cũng không phải dễ dàng. Tuy nhiên, vẫn có một số quy tắc khi chăm con dành cho các bậc phụ huynh, chỉ cần nắm vững, cha mẹ có thể tránh được nhiều rắc rối khi chăm sóc bé sơ sinh.
Đặc biệt, cha mẹ nên tránh 5 quan niệm sai lầm dưới đây, việc chăm sóc trẻ sơ sinh sẽ phần nào dễ dàng hơn.
Những quan niệm sai lầm cha mẹ nên tránh khi chăm sóc cho trẻ sơ sinh.
Lúc nào cũng đội mũ cho trẻ sơ sinh vì các bé dễ bị lạnh
Cha mẹ luôn lo lắng bé sơ sinh bị nhiễm lạnh, nên thường cho con mặc những bộ quần áo dày dặn hay thậm chí là mặc nhiều lớp. Không những thế, vì sợ đầu con bị lạnh sẽ làm suy giảm hệ miễn dịch của con, nhiều bà mẹ đội mũ cho con suốt ngày.
Tuy nhiên, quan niệm này hoàn toàn không chính xác, bởi khả năng miễn dịch của trẻ sơ sinh hoàn toàn không liên quan đến việc đầu trẻ có được giữ ấm hay không. Còn việc đội mũ cho bé hay không thì còn tùy thuộc vào nhiệt độ phòng lúc đó.
Vì trẻ sơ sinh điều hòa thân nhiệt kém, dễ bị lạnh và những cũng rất dễ nóng, vì vậy cha mẹ nên duy trì phòng trẻ nằm ở mức ổn định là 22-24°C, chỉ những khi nhiệt độ môi trường thấp hơn mức nhiệt này cha mẹ mới cần giữ ấm cho con.
Để biết con mình có đang bị lạnh hay không, cha mẹ có thể sờ vào gáy con, nếu gáy bé ấm chứng tỏ bé không bị lạnh.
Trẻ sơ sinh điều hòa thân nhiệt kém, dễ bị lạnh và những cũng rất dễ nóng, vì vậy cha mẹ nên duy trì phòng trẻ nằm ở mức ổn định thay vì đội mũ cho trẻ quá nhiều.
Đeo găng tay quá nhiều vì sợ con cào mặt mình
Trẻ sơ sinh dù chưa thể đi lại nhưng các bé đã có thể vận động tay chân một cách linh hoạt. Vì vậy, đôi khi các bé có thể vô tình tự dùng tay cào vào mặt mình. Nhìn thấy những cảnh như thế, nhiều cha mẹ không khỏi “xót ruột” nên thường xuyên đeo găng tay cho con để con không tự làm đau mình, lại còn giúp con giữ ấm.
Thực tế, ở giai đoạn này, sự tiếp xúc và hiểu biết của bé về thế giới xung quanh chủ yếu dựa vào sự tiếp xúc của tay và chân. Nếu cha mẹ cho bé đeo găng tay quá thường xuyên, không những cản trở sự tiếp xúc của con với các vật xung quanh mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển nhận thức của bé.
Không những thế, nếu cha mẹ vô tình sử dụng những loại găng tay có chất lượng không tốt, còn sót đường chỉ thừa bên trong, nguy cơ bé bị vướng ngón tay, dẫn đến tổn thương là rất cao.
Vì vậy, cha mẹ không nên đeo bao tay cho bé, thay vào đó nếu sợ bé bị xước mặt, cha mẹ có thể cắt móng tay cho con thường xuyên.
Nếu cha mẹ cho bé đeo găng tay quá thường xuyên sẽ cản trở sự tiếp xúc của trẻ với các vật xung quanh.
Không dám cắt móng tay cho bé sơ sinh
Nhiều quan niệm dân gian cho rằng không nên cắt móng tay cho trẻ sơ sinh vì khi lớn móng tay các bé sẽ bị dày và cứng. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn sai.
Trẻ sơ sinh trao đổi chất rất nhanh vì vậy móng sẽ rất nhanh dài, nếu không cắt bớt, bé sẽ rất dễ cào vào mặt, vào người gây tổn thương. Vì vậy, cha mẹ nên cắt móng tay cho con.
Cha mẹ có thể lựa chọn những lúc con nằm ngoan ngoãn, tâm trạng vui vẻ để để cắt móng tay cho con. Cha mẹ có thể vừ cắt vừa chơi đùa, trò chuyện với con, tránh làm các bé sợ hãi, hay lo lắng.
Để an toàn hơn, cha mẹ nên chọn mua những dụng cụ bấm, cắt móng tay chuyên dụng dành cho trẻ sơ sinh và tiến hành cắt cho con khoảng 2 lần/ tuần.
Trẻ sơ sinh trao đổi chất nhanh, móng mọc nhanh nên phải cắt móng thường xuyên.
Không chăm sóc tốt phần cuống rốn của trẻ
Dây rốn là phần nối cơ thể con với mẹ trong quá trình mang thai. Sau khi trẻ chào đời, dây rốn sẽ bị cắt đứt, khi đó trên bụng bé sẽ xuất hiện một vết cuống rốn tương đương với vết thương, nếu cha mẹ không chăm sóc cẩn thận, sẽ dễ khiến phần cuống rốn của trẻ dễ bị nhiễm trùng.
Về công tác chăm sóc, ngoài việc sát trùng hàng ngày đúng cách theo lời khuyên của bác sĩ, cha mẹ cũng nên giữ cho dây rốn của con luôn được khô ráo, tránh bị thấm nước, ẩm ướt. Khi tắm hay thay tã cho con, cha mẹ nên che chắn phần dây rốn kỹ càng để tránh bị ướt.
Sau 1-2 tuần từ khi chào đời, nếu được chăm sóc đúng cách, dây rốn của bé sẽ dần khô lại và rụng hoàn toàn và từ đó, phát triển thành một chiếc rốn nhỏ.
Cha mẹ nên giữ phần dây rốn của con khô ráo và khử trùng hàng ngày.
Trẻ nổi mẩn đỏ là do chất lượng bỉm
Nhiều trẻ nhỏ bị nổi những mẩn đỏ li ti ở mông vài ngày sau sinh. Nhiều ông bố bà mẹ cho rằng điều này do sử dụng bỉm không chất lượng. Tuy nhiên, đây hoàn toàn không phải là nguyên nhân, nguyên nhân chính là do cha mẹ chăm sóc trẻ chưa đúng cách.
Cho dù bỉm có chất lượng tốt đến đâu, nếu cha mẹ không thường xuyên thay bỉm và vệ sinh cho con, những mẩn đỏ sẽ liên tục xuất hiện.
Vì vậy, ngoài việc mua bỉm từ các kênh chính thống đảm bảo chất lượng, điều quan trọng hơn là cha mẹ phải thường xuyên thay bỉm cho con. Khi thấy bỉm đã đầy hoặc khi con đi nặng phải thay ngay để đảm bảo vệ sinh cho cơ thể của con.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên thường xuyên kiểm tra và vệ sinh vùng da mông của bé để kịp thời phát hiện những trường hợp trên.
Cha mẹ nên chú ý thay bỉm cho con thường xuyên và chăm sóc kỹ càng phần da mông của con.