Các chuyên gia tâm lý nhắc nhở, dù trong trường hợp nào, cha mẹ không nên nói những điều sau khi trẻ đang khóc.
Trẻ hay nhõng nhẽo, quấy khóc, ăn vạ là biểu hiện thường thấy. Đặc biệt, đối với những trẻ dưới 3 tuổi thì mức độ nhõng nhẽo thường xuyên xảy ra hơn. Trong giai đoạn phát triển này, trẻ vẫn chưa học được cách làm chủ cảm xúc tiêu cực hoặc cách thể hiện ra những mong muốn, những cảm xúc hợp lý với một sự việc nào đó.
Một nguyên nhân đặc biệt khiến trẻ thường xuyên quấy khóc là do được chiều chuộng quá mức bởi ông bà hoặc cha mẹ. Mỗi khi trẻ nhõng nhẽo, quấy khóc đều được đáp ứng theo ý trẻ cho dù đó có là điều nên hay không nên.
Có vẻ như việc làm cho trẻ nín khóc bằng cách hướng dẫn trẻ suy nghĩ sẽ hiệu quả hơn là phải lý luận với trẻ. Tuy nhiên, việc yêu cầu trẻ dưới 3 tuổi suy nghĩ và tự giải quyết hành vi của mình không phải là phương pháp hay, bởi ở giai đoạn này trẻ vẫn chưa đủ hoàn thiện về nhận thức.
Ví dụ, khi trẻ 7 tuổi và kiến thức về thế giới của trẻ đạt đến một mức độ nhất định, cha mẹ có thể áp dụng phương pháp trên, bằng một hình phạt nào đó để trẻ có thời gian tự suy nghĩ về hành vi của mình.
Nhưng các chuyên gia tâm lý khuyến cáo, đối với trẻ dưới 3 tuổi, dù trong mọi trường hợp, cha mẹ không nên nói những câu sau khi trẻ đang khóc.
"Con nín ngay đi, đừng khóc nữa"
Khi trẻ còn nhỏ, khả năng ngôn ngữ của trẻ chưa hoàn thiện và trẻ chỉ có thể thể hiện nhu cầu của mình bằng cách khóc. Chẳng hạn, khi đói, lúc thức, lúc đi tiểu hay cảm thấy khó chịu,… bé chỉ biết thông báo với cha mẹ về nhu cầu của mình bằng tiếng khóc như biểu đạt ý: Con cần mẹ giúp, hãy lại đây với con.
Ngay cả những đứa trẻ 3, 4 tuổi mới tập nói cũng sẽ khóc vì việc thể hiện mong muốn của bản thân chưa tốt.
Trong trường hợp này, nếu cha mẹ biểu hiện sự nghiêm khắc của mình bằng câu nói: "Con nín ngay đi, đừng khóc nữa" sẽ khiến cảm xúc của trẻ bị kìm nén và không được giải tỏa, nếu cứ tiếp tục như vậy sẽ gây trở ngại về nhận thức cảm xúc của trẻ, về sau trẻ không biết cách đối mặt với những cảm xúc tiêu cực của bản thân như thế nào.
Do đó, thay vì yêu cầu trẻ nín khóc ngay, cha mẹ hãy để trẻ có quyền được khóc, bởi khi trẻ được khóc chính là cho trẻ quyền được cảm nhận cảm xúc của mình, và khi lớn lên trẻ mới có thể trở thành một người tự do về cảm xúc.
"Nếu con khóc, mẹ sẽ đi chỗ khác ngay"
Một đứa trẻ 3 tuổi sẽ luôn có những mong muốn bất thường, đôi lúc trẻ muốn làm điều này nhưng sau đó lại thay đổi rất nhanh. Thực chất những cảm xúc này là phản ứng bình thường và bản năng nhất của trẻ, cha mẹ nên để trẻ diễn đạt cảm xúc và hành vi của chính mình.
Trong trường hợp này nếu trẻ quấy khóc, cha mẹ tuyệt đối không nên nói "Nếu con khóc, mẹ sẽ đi chỗ khác ngay". Bởi khi điều này được nói ra, có thể trẻ phải khóc dữ dội hơn, bởi vì trẻ đã chuyển cảm xúc từ thất vọng sang sợ hãi vì nghĩ rằng cha mẹ sẽ bỏ rơi mình.
Nếu cha mẹ thực sự đi xa vào thời điểm này, trẻ sẽ nghĩ rằng cha mẹ không quan tâm hoặc không yêu thương mình nữa. Vì vậy, trong tình huống này, thay vì dọa nạt con, cha mẹ nên ở bên cạnh con, để con giải tỏa cảm xúc, rồi cùng con lý giải.
Bằng cách này, không chỉ có thể giúp trẻ quản lý cảm xúc mà còn tăng cảm giác an toàn giữa cha mẹ và con cái, và cho trẻ biết rằng ngay cả khi chính bản thân cha mẹ có những cảm xúc tiêu cực, cha mẹ vẫn sẽ yêu thương và đồng hành cùng con.
"Nếu con không khóc nữa, mẹ sẽ mua món đồ chơi mới cho con"
Trên thực tế, trẻ nhỏ rất thông minh, và trẻ biết cách khiến cha mẹ phải thỏa hiệp. Ví dụ như hôm nay trẻ muốn mua ô tô đồ chơi, nếu không được đáp ứng, nhiều trẻ sẽ khóc để nhận được điều mà mình mong muốn.
Có rất nhiều trường hợp như vậy đã xảy ra, đặc biệt là ở các cửa hàng đồ chơi, trung tâm mua sắm và những nơi công cộng. Nói chung, hầu hết trong những tình huống này, cha mẹ sẽ chọn cách thỏa hiệp để không cảm thấy xấu hổ nơi đông người.
Cuối cùng, trẻ sử dụng cách này như một vũ khí lợi hại để thỏa hiệp, lâu dần tính khí của trẻ ngày càng trở nên lo lắng hơn, một khi nhu cầu không được đáp ứng trẻ sẽ có thể mất bình tĩnh.
Do đó, thay vì thỏa hiệp với trẻ bằng câu nói: "Nếu con không khóc nữa, mẹ sẽ mua món đồ chơi mới cho con", cha mẹ nên tìm cách giúp con giữ bình tĩnh và điều tiết cảm xúc của chính mình.
Cuối cùng các chuyên gia nhắc nhở, khi biết trẻ quấy khóc để đạt được mục đích nào đó, cha mẹ phải kiên quyết tuân thủ nguyên tắc. Trước tiên, cha mẹ có thể sử dụng những thứ khác để thu hút sự chú ý của trẻ, và sau đó sử dụng cách xoa dịu cảm xúc để trẻ bình tĩnh trở lại.
Nếu tình huống xảy ra tại nơi công cộng, cha mẹ thể đưa con đến một góc khuất nào đó ít người và để trẻ tự do khóc,điều này sẽ giúp trẻ bớt xấu hổ và có thể giải tỏa cảm xúc.
Khi đối mặt với tiếng khóc của trẻ, cha mẹ hãy dạy trẻ cách xác định cảm xúc tiêu cực. Chỉ khi trải qua cảm xúc tiêu cực, trẻ mới có thể học cách quản lý cảm xúc, giống như chỉ có thể học bơi bằng cách nhảy xuống nước.