Những câu truyện cổ tích về các nàng tiên hay nhất dành cho bé

Hạ Mây - Ngày 15/10/2021 21:24 PM (GMT+7)

Câu chuyện về những nàng tiên chiếm được sự yêu mến của đông đảo bạn đọc, đặc biệt là trẻ em.

Những câu truyện cổ tích chứa đầy thơ, chất trí tuệ, sự lãng mạn bay bổng nhưng vẫn mang một vẻ đẹp bình dị, rất đời thường.

Trong đó, những nàng tiên là nhân vật thường xuyên xuất hiện trong truyện cổ tích, đây là những nhân vật chiếm được sự yêu mến của đông đảo bạn đọc, đặc biệt là trẻ em. Bởi đa phần đây là tuyến nhân vật chính diện, tượng trưng cho công lý, công bằng.

Tuyến nhân vật này có năng lực siêu nhiên, có vai trò giúp đỡ những nhân vật chính, hoặc đảm nhận luôn vai trò chính. Dưới đây là những câu chuyện viết về các nàng tiên với nội dung hấp dẫn, cốt truyện mang đến nhiều bài học giá trí về cuộc sống.

Những câu truyện cổ tích về các nàng tiên hay nhất dành cho bé - 2

Nàng tiên Gạo

Ngày xưa, có một nhà nghèo. Người cha không may lâm bệnh nặng qua đời. Nhà chỉ còn hai mẹ con. Người mẹ già yếu, không còn đi nương làm rẫy được nữa.

Mọi việc trong nhà đều trông cậy vào một mình cô con gái. Cô gái thương mẹ lắm. Buổi sáng cô vào rừng hái quả, ra rẫy gieo hạt, buổi chiều cô xuống suối bắt cá. Suốt ngày cô chăm chỉ làm lụng nuôi mẹ già.

Năm ấy hạn hán to. Nước dưới sông suối cạn khô. Lúa trên nương cháy sém, không mọc được. Chim muông, thú rừng khát nước đều bỏ đi phương khác kiếm sống. Người đói chạy ăn nhao nhắc khắp nơi.

Nhà nghèo, chỉ còn ít gạo dành nấu cháo cho mẹ, nhưng thấy bà con trong buôn nhiều người không còn nước uống cầm hơi, cô gái nói với mẹ:

– Chẳng may phải khi đói kém thế này, con thấy không đành tâm! Thôi thì mẹ con mình chia cho mỗi người chút gạo ăn qua ngày.

Bà mẹ âu yếm nhìn con, nói:

– Mẹ cũng nghĩ như con vậy. Con mang gạo cho mọi người nhanh lên!

Cô gái vâng lời mẹ, mang hết thóc gạo chia cho mọi nhà. Còn hai mẹ con lại bữa rau bữa cháo qua ngày.

Trong buôn bấy giờ có một lão nhà giàu. Nghe nói ngày trước lão cũng nghèo đói lắm.

Có lần, lão đi đường, tình cờ gặp một bà cụ nằm ven đường, thều thào run rẩy giơ bát xin ăn. Lão lấy ống cơm ra sẻ cho bà cụ non rửa bát.

Hôm ấy, khi trở về nhà, lão vô cùng ngạc nhiên thấy cạnh bếp có một thùng thóc đầy ắp.

Câu chuyện khuyên chúng ta không nên ích kỷ chỉ nghĩ đến của cải vật chất, tục ngữ có câu “ Tham thì thâm”, biết vừa đủ bao giờ cũng tốt hơn. (Ảnh minh họa).

Câu chuyện khuyên chúng ta không nên ích kỷ chỉ nghĩ đến của cải vật chất, tục ngữ có câu “ Tham thì thâm”, biết vừa đủ bao giờ cũng tốt hơn. (Ảnh minh họa).

Rồi mùa đến, nương lúa nhà lão vàng rực, trĩu bông. Thóc đổ vào bồ không kịp đếm. Mấy năm liền, nương rẫy nhà lão được mùa, lão trở lên giàu có nhất vùng.

Nhưng khi đã thừa mứa của cải, lão bỗng đổi tính đổi nết, sinh ra tham lam, độc ác.

Trong nhà lão lúc nào cũng có rất đông người làm thuê. Lão bắt họ làm quần quật suốt ngày nhưng chỉ cho ăn đói mặc rách.

Gặp lúc đói kém, người đến xin làm thuê càng đông. Lão mừng thầm trong bụng: “Phen này ta vớ bẫm!”. Rồi lão bắt mọi người đi phá thêm rẫy, tra thêm ngô, lúa. Ruộng nương nhà lão ngày một trải rộng mãi ra.

Một hôm lão đi thăm rẫy, gặp cô gái đang đào củ mài về nuôi mẹ. Thấy cô gái nhanh nhẹn, chăm chỉ, lão lấy lời ngon ngọt bảo cô: “Về làm cho ta thì được ăn no, được cơm nuôi mẹ”.

Nhưng rồi lão lật lọng nuốt lời. Mỗi ngày lão chỉ cho cô ăn một bát cơm độn với bao nhiêu ngô sắn.

Lão bắt cô làm việc từ sáng sớm tinh mơ cho đến khi mặt trời xuống núi đi ngủ, mắt người không nhìn rõ đường đi nữa mới được nghỉ.

Mỗi ngày cô chỉ ăn nửa bát cơm, còn nửa bát gói lá mang về cho mẹ. Bà cụ cũng chỉ ăn mấy miếng, còn lại chia cho đám trẻ con trong bản mỗi đứa một tí.

Ban đêm, lão nhà giàu bắt cô gái nằm cạnh những quây thóc để canh chuột cho lão.

Một đêm, cô gái vừa chợp mắt, bỗng thoáng nghe có tiếng thở dài, rồi có một giọng nói dịu dàng văng vẳng đến tai cô:

– Con gái ngoan, con đói lắm phải không!

Cô gái khẽ trả lời:

– Con ngủ thì quên đó mà!

Cô lại thoáng nghe thấy tiếng thở dài và giọng nói lúc nãy lại vẳng đến:

– Ta là tiên Gạo đây. Ta đã nhầm khi giúp cho lão keo bần kia, có của mà không biết thương người. Để xem lão có giàu mãi được không?

Khi các lương lúa đã vàng ươm, chỉ còn đợi gặt, lão chủ liền trở mặt, bảo những người làm thuê:

– Nhà ta hết việc rồi. Các người xem có nơi nào mướn thì tới đó mà làm.

Lão nói rồi xua mọi người đi, không trả cho họ xu nào. Cô gái lại vào rừng đào củ mài, hái măng, hái nấm, tần tảo nuôi mẹ.

Năm ấy, sau kỳ đại hạn, trời lại mưa thuận gió hòa, khắp nơi đều được mùa. Thế mà nước ở đâu bỗng ào tới, tràn ngập đất đai của lão nhà giàu, bao nhiêu lúa má trên nương dưới ruộng của lão bị lũ cuốn sạch trơn.

Đến mùa nương sau, lào đi gọi người làm, nhưng không ai đến. Họ bảo nhau tránh xa lão tham lam, keo kiệt. Một mình lão thì chẳng gieo nổi một hạt thóc xuống đất. Nương rẫy nhà lão khô cằn, trơ khấc dưới nắng gió. Thóc để dành trong cót nhà lão không cánh mà bay hết. Lão trở nên khánh kiệt, không còn nổi một bát cơm ăn.

Còn cô gái, một hôm đi hái măng, vừa ra đến cửa rừng thì gặp bà lão ăn mày. Bà cụ run lẩy bẩy vì rét, miệng rên hừ hừ:

– Tôi… mệt…! … Tôi… đói…!

Cô gái vội vàng vơ lá đốt lửa sưởi, nướng măng cho bà cụ ăn. Bà cụ nhai ngon lành hết cái măng, rồi lại kêu khát nước. Cô gái nhanh nhẹn xách ống vầu ra suối lấy nước cho bà uống.

Khi cô mang ống nước trở lại thì không thấy bà cụ đâu. Chỗ bà cụ nằm chỉ còn một cái gùi không.

Cô gái đành đeo gùi về, định đem trả bà cụ, nhưng không hôm nào cô gặp lại bà nữa. Cô đành cất gùi lên gác bếp. Kỳ lạ thay, từ đó mỗi hôm đi làm về, cô lại thấy trong gùi có đầy thóc. Thì ra đó là những hạt ngọc nuôi sống người mà bà tiên đã ban tặng cho cô.

Cô gái mang thóc đến buôn gần bản xa, chia cho mọi người làm giống, khiến nương rẫy nhà nào cũng tốt tươi. Dân trong bản chả bao giờ biết cái đói cái rét nữa.

Từ các già làng đến đám trẻ con, ai cũng tấm tắc khen: Bà cụ có cô con gái vừa đẹp người lại đẹp nết.

Những câu truyện cổ tích về các nàng tiên hay nhất dành cho bé - 4

Nàng tiên cóc

Ngày xưa, có hai vợ chồng nông dân hiếm hoi, cầu Trời khấn Phật mãi người vợ mới có thai, nhưng đến khi sinh ra, không phải là người mà lại là một con cóc.

Con cóc lớn lên, biết nói tiếng người, song hình thù sần sùi, xấu xí, khiến cha mẹ nó lấy làm buồn phiền, thường than thở với nhau: “Vợ chồng mình già cả, hiếm hoi, tưởng sinh được mụn con nối dòng, trông nom đỡ đần mình, ngờ đâu oan gia nghiệp báo lại sinh ra cóc, còn trông mong gì nữa”!

Cóc nghe thấy thế, khuyên cha mẹ đừng lo. Rồi ngay hôm sau cóc nhảy đi coi ruộng cho cha mẹ, và từ khi nó trông nom đồng áng thì chẳng có ai lấy trộm lúa ruộng nhà nó như trước nữa.

Một hôm, có mấy thư sinh đi qua ruộng nó, dẫm lên lúa, bỗng nghe có tiếng lanh lảnh như giọng con gái bảo rằng: “Xin các cậu đi cho có ý tứ kẻo làm nát lúa nhà em”. Lũ thư sinh nhìn vào ruộng lúa, chẳng thấy ai, chỉ thấy một con cóc đang ngồi đó.

Tiếng nói dịu ngọt làm cho một anh trong bọn đâm ra có cảm tình. Chàng thư sinh này bấy lâu đọc sách đạo thần tiên, tin tưởng có sự mầu nhiệm ở đời, nên về nhà nói với cha mẹ xin hỏi cóc làm vợ.

Ban đầu cha mẹ thư sinh tưởng con mình hóa dại, song anh ta cứ một mực đòi lấy cóc làm vợ cho kỳ được, nếu không thì thề quyết chẳng lấy ai. Người cha bèn kiếm cớ từ khước, bảo chỉ có một mình anh ta là con trai, cưới cóc về có sinh ra được con cái để nối dòng không?

Thư sinh tin là sẽ có sự nhiệm màu xảy đến trong ngày cưới cóc về, Tiên Phật sẽ giúp cho cóc thành người có đức hạnh, nhan sắc hơn đời. Thấy con đã nhất quyết như vậy, cha mẹ anh ta cũng đành phải chiều theo, đem trầu cau đi hỏi cóc.

Câu chuyện bắt đầu khi chàng thư sinh cưới vợ là nàng cóc. (Ảnh minh họa).

Câu chuyện bắt đầu khi chàng thư sinh cưới vợ là nàng cóc. (Ảnh minh họa).

Đến ngày cưới, bên nhà trai mang đủ lễ vật, đồ nữ trang, quần áo cho cô dâu như người thường, chàng rể hy vọng Tiên Phật hóa phép cho cóc thành một cô gái xinh tươi như chàng vẫn mộng tưởng. Cả hai họ cũng trông mong như vậy, nhưng đến khi rước dâu, mọi người phải tức cười và xấu hổ vì đưa đón một con cóc nhảy về nhà chồng.

Cha mẹ chồng vừa rầu, phiền cho con trai, vừa chua xót vì con dâu cóc, liền cấp ruộng cho đôi lứa đi ở riêng. Thư sinh cũng buồn lòng, cặm cụi học hành, nghiên cứu các khoa học thần bí, hy vọng gỡ rối cho gia đình, nhất là đối với cha mẹ già đang khát khao có cháu bế. Cóc thì siêng năng công việc ở nhà, thức khuya dậy sớm khuyên chồng chăm chỉ bút nghiên.

Ngày ngày anh ta đi học về thì đã thấy cơm nước sẵn sàng, nhà cửa sạch sẽ ngăn nắp, mới nghĩ bụng rằng trong lúc vắng mình, chắc vợ trút lốt cóc thành người, chứ một con cóc thì làm sao lo việc nội trợ khéo léo được thế kia? Mấy bận anh ta thử rình, ra đi rồi thình lình trở về bất ngờ, hy vọng bắt gặp vợ là một cô gái xinh đẹp, song chỉ thấy một con cóc sần sùi ở nhà. Anh van nài cóc hóa thành người đẹp cho mình được sung sướng, nhưng cóc vẫn thản nhiên không tỏ vẻ gì cả.

Một tối, anh cho cóc hay tin mình được bổ đi dạy ở trường tỉnh, ngỏ thật rằng mình không thể đưa vợ đi theo nếu vợ vẫn giữ lốt cóc. Từ ngày cưới về anh ta đã chịu biết bao lời chế diễu của hàng xóm, bè bạn. Hơn nữa, cha mẹ vẫn thúc dục anh lấy thêm vợ khác để có con nối nghiệp tông đường. Cóc lặng yên nghe chồng than thở, khuyên chồng chớ nên quá buồn phiền, và xin phép hôm sau về nhà thăm cha mẹ.

Sáng ngày, cóc đi theo chồng, được một quãng thì nhảy vào một cái bụi bên đường. Thư sinh dừng bước lại thì thấy ở bụi cây đi ra một cô gái xinh đẹp lạ lùng, quá sức ước mong của anh bấy lâu. Anh sung sướng ngẩn ngơ nhìn người vợ đẹp lại gần, say đắm ngắm nghía vợ từ đầu đến chân rồi thiết tha xin vợ từ đây cứ giữ hình người. Biết là vợ đã trút lốt cóc ra trong bụi, anh ta kiếm cớ đi lùi lại sau rồi chạy lẻn đến bụi tìm lốt cóc mà dấu vào mình.

Đến nhà, cha mẹ thư sinh mừng rỡ thấy con dâu cóc đã hóa ra người xinh đẹp, dịu dàng. Anh chồng hân hoan thừa lúc mọi người không để ý đến, đem lốt da cóc bỏ vào bếp lửa cho tiêu tan. Hai vợ chồng ở lại nhà cha mẹ cả đôi bên luôn mấy ngày, vui vẻ tiệc tùng liên tiếp rồi mới trở về nhà.

Trên đường về vợ kiếm cớ vào bụi cây để tìm lại lốt cũ, không thấy, chồng mới cho hay là mình đã lấy đốt đi rồi. Vợ đành phải giữ nguyên hình người để về với chồng.

Hai vợ chồng ăn ở với nhau đằm thắm vui vẻ, vợ sinh được nhiều con cái, chồng học thi đỗ cao làm nên chức lớn, sống một đời sung sướng.

Những câu truyện cổ tích về các nàng tiên hay nhất dành cho bé - 6

Nàng tiên trong ngà voi

Ngày xưa, có một nhà kia sinh được ba người con, hai trai và một gái. Rôn là con trai lớn, làm ăn rất siêng năng, săn bắn giỏi. Ngày nào anh cũng mang về hai ba chục con sóc, con chuột, con rắn mối.

Thấy Rôn có tài, bọn nhà giàu ghen tị, tìm cách hãm hại. Chúng bảo rằng Rôn bắn hết chim muông trên rừng, bắn hết chuột, hết sóc sẽ bắn đến trâu bò của dân làng. Bọn chúng lại dọa cha mẹ Rôn rằng, lúc nào Rôn bắn chết trâu bò của làng thì làng sẽ giết chết cả nhà. Cha Rôn lo sợ, nghĩ rằng nếu để thế này, có ngày nguy mất. Ông bèn nghĩ cách đem con bỏ vào rừng sâu, để cả nhà khỏi vạ.

Hôm sau, người cha để đứa con trai thứ hai là Rắc ở nhà, dẫn Rôn và đứa con gái đi. Ông bảo với hai con là đi săn con chuột, con sóc. Vì thương con, nên ông ta mang đi đủ thứ: gạo, muối, nồi, bát,… Đi mấy ngày đường, cha con đến một đỉnh núi cao ngất, ông che lều nghỉ tạm. Đêm đến, đợi cho hai con ngủ say rồi, ông bỏ con mà về, vừa đi vừa khóc.

Lúc ngủ dậy, hai anh em cùng than khóc, kêu cha suốt một ngày ròng. Lúc mặt trời đã lặn, Rôn bảo em:

– Thôi đừng khóc nữa, có gạo, có muối rồi, bây giờ chặt củi nấu cơm mà ăn!

Anh em sinh sống như vậy suốt mười ngày trời. Đến ngày thứ mười, hột gạo hết, anh em hái đọt móc mà ăn. Ăn đọt móc mấy ngày lại ăn đọt mây, ăn củ mài.

Đang ngồi nhai mấy đọt mây, đứa em gái trông thấy dưới bụi cây có đàn kiến đang tha thóc. Nó nhặt thóc của kiến được một ô định lấy đá giã thóc. Người anh bảo:

– Một ô thóc thì ăn được một bữa là cùng! Ăn làm gì, đem thóc ấy gieo vào rẫy thành lúa sẽ được nhiều thóc.

Thế là anh em dành ô thóc kia làm giống và định hôm sau sang phía mặt trời mọc phát rẫy gieo lúa.

Đêm hôm ấy, đứa em nằm mộng thấy thần Núi không cho phát rẫy phía mặt trời mọc. Anh em lại bàn với nhau sẽ làm rẫy phía mặt trời lặn. Đêm thứ hai, đứa em gái lại mộng thấy thần Núi cũng không bằng lòng. Anh em bảo nhau:

– Cha đem bỏ chúng ta trong rừng. Thần Núi không cho phát rẫy làm nương. Chắc anh em ta phải chết thôi!

Đêm thứ bam đứa em gái lại được thần Núi bảo cho rằng đi tìm nơi nào có tảng đá lớn, bằng phẳng thì gieo lúa trên đó, lúa sẽ mọc tốt.

Nàng tiên trong ngà voi là truyện cổ tích của người Cơ Tu (Việt Nam), kể về hai anh em đáng thương, bị bỏ trong rừng sâu được nàng tiên xinh đẹp giúp đỡ. (Ảnh minh họa).

Nàng tiên trong ngà voi là truyện cổ tích của người Cơ Tu (Việt Nam), kể về hai anh em đáng thương, bị bỏ trong rừng sâu được nàng tiên xinh đẹp giúp đỡ. (Ảnh minh họa).

Theo lời dặn của thần, hai anh em tìm mãi mấy ngày liền thì gặp một nơi đá phẳng lì, đẹp lắm. Anh em gánh đất đắp thật dày trên đá rồi gieo lúa. Mấy hôm sau, lúa lên tươi tốt. Một tháng sau, lúa trổ cành nào cũng trĩu hạt. Nhưng không may cho anh em Rôn, lúa vừa chín thì đứa em gái được thần báo mộng, lúa bị voi ăn rồi.

Tỉnh dậy, vội chạy ra xem thì quả thật, một con voi to lớn phá hết lúa vàng.

Anh em rủ nhau đuổi voi đi. Voi đứng lại, bảo:

– Đừng đuổi voi đi! Muốn gì voi sẽ cho.

Rôn bảo:

– Chẳng muốn gì cả! Chẳng xin gì cả! Bao nhiêu lúa tốt voi phá sạch rồi! Anh em tôi chỉ có chết đói thôi!

Voi trả lời:

– Không lo!

Nói xong, voi rút một chiếc ngà đưa cho Rôn.

– Này! Chiếc ngà này sẽ làm ra lúa đấy! Khiêng về đi!

Dốc hết sức lực, mất một ngày anh em mới đưa ngà về đến lều.

Anh em Rôn lại ra rẫy nhặt thóc rụng. Trưa về anh em đã thấy ở nhà có sẵn một mâm cơm, thức ăn ngon lành, hơi bốc thơm phức! Anh em lấy làm lạ và nghi rằng ăn vào sẽ bị độc nên người anh không cho em ăn. Người anh chỉ ăn thử một hạt. Cả ngày đó, chẳng thấy mệt mỏi gì, người anh vừa mừng nhưng lại vừa lo.

Cứ như thế, ngày hôm sau lại cũng có cơm canh ngon lành.

Muốn biết tay ai đã dọn nên cơm canh như thế, họ bàn với nhau:

– Hôm nay mình sẽ đi thật xa để săn con chim, con sóc, con chuột.

Bàn như vậy, nhưng anh em Rôn chỉ ra ngồi sau nhà, để xem thử ai dọn cơm.

Bữa ấy, lúc mặt trời đã lên rồi, anh em Rôn nhìn vào khe cửa của vách thì thấy một nàng tiên trong ngà voi xinh đẹp tuyệt trần bước ra… Anh em Rôn nhảy vào nhà, ôm chầm lấy cô.

Cô vội kêu:

– Đừng bắt tôi! Đừng bắt tôi!

Anh em Rôn chẳng chịu thả cô. Người anh xé khố của mình cho cô mặc.

Nàng tiên bảo anh em Rôn đi chặt mây song về, và dặn:

– Khi kéo mấy song về, dọc đường có nghe như tiếng ngựa trâu chay theo thì đừng ngoái cổ lại nhé.

Theo lời dặn của cô, anh em Rôn kéo mây song đến nhà thì cũng kéo luôn về một bầy trâu, bò nhiều vô kể. Từ đó Rôn lấy nàng tiên. Nàng tiên cũng hóa thêm một người con trai đẹp đẽ phi thường làm chồng cô em gái. Sau đó, cô biến túp lều thành nhà cao cửa lớn. Hai đôi vợ chồng sống với nhau rất hòa thuận. Dân ở đâu cũng kéo đến ở vùng này, làm cho đỉnh núi càng thêm vui.

Một hôm, cha con Rắc đi săn trong rừng. Con chó săn chạy lên vùng nhà Rôn. Dân làng không biết chó của ai, định bắt làm thịt. Rôn không đồng ý cho dân làng thịt con chó, vì thấy con chó này giống con chó của cha mình. Rôn lại đem thịt, cơm, rượu cột vào bụng chó và thả cho về. Chó chạy đi chạy về mấy lần như vậy, mỗi ngày đem thêm gạo, thêm rượu cho cha con Rắc. Ông ta lấy một gói hạt mè buộc dưới bụng chó. Lúc chó chạy thì hạt mè rơi xuống đất. Ba tháng sau, mè mọc lên. Cha con Rắc theo dấu cây mè để tìm xem ai là người đã cho mình cơm rượu nhiều như vậy.

Đến nơi, cha con Rắc gặp lại anh em Rôn rất lấy làm lạ. Vì đã mấy năm rồi, ông ta tưởng Rôn đã chết, không ngờ Rôn cnf sống, lại có vợ đẹp, có nhà cửa lộng lẫy. Vợ chồng Rôn và hai vợ chồng cô em đối đãi với cha vè em Rắc rất tử tế.

Kể lại chuyện cũ, cha con Rôn, Rắc rất căm tức bọn nhà giàu tham ác ở làng. Họ gọi dân làng kéo về làng cũ, bắt hết bọn chúng. Từ đó, dân hai làng đi lại với nhau, làm ăn vui vẻ.

Những câu truyện cổ tích về các nàng tiên hay nhất dành cho bé - 8

Bài học hay từ những câu chuyện về các nàng tiên

Mỗi câu chuyện cổ tích là sự kết tinh giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đó là lòng nhân ái và bản lĩnh kiên cường, hiện thực và ước mơ, niềm vui và nỗi buồn, hạnh phúc và khổ đau. 

Đồng thời lưu truyền những bài học quý của ông cha để lại cho thế hệ sau. Hầu hết các câu chuyện đều thể hiện quan niệm sống của ông cha ta thông qua việc xây dựng các hình tượng nhân vật với các mối quan hệ của nó trong gia đình cũng như ngoài xã hội.

Truyện về các nàng tiên đề cao vẻ đẹp bên trong của một người, khuyên chúng ta nên lấy vẻ đẹp tâm hồn làm thước đo chứ không phải vẻ đẹp ngoại hình. Còn khuyên chúng ta không nên ích kỷ chỉ nghĩ đến của cải vật chất, tục ngữ có câu “ Tham thì thâm”, biết vừa đủ bao giờ cũng tốt hơn.

Truyện về các nàng tiên đề cao vẻ đẹp bên trong của một người, khuyên chúng ta nên lấy vẻ đẹp tâm hồn làm thước đo chứ không phải vẻ đẹp ngoại hình.

Truyện về các nàng tiên đề cao vẻ đẹp bên trong của một người, khuyên chúng ta nên lấy vẻ đẹp tâm hồn làm thước đo chứ không phải vẻ đẹp ngoại hình.

Những câu chuyện cổ tích hay nhất về mẹ, ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng
Dưới đây là những câu chuyện cổ tích về người mẹ vô cùng cảm động, bất cứ ai cũng nên đọc qua một lần.

Nuôi con khoẻ, dạy con khôn lớn

Hạ Mây Dịch từ: Sohu
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Nuôi con khoẻ, dạy con khôn lớn