Top 3 câu chuyện cổ tích hay nhất về lòng hiếu thảo, dạy bé biết kính trọng cha mẹ

Hạ Mây - Ngày 14/11/2021 19:34 PM (GMT+7)

Những câu chuyện cổ tích dạy bé hiểu được ý nghĩa của lòng hiếu thảo, biết yêu thương và kính trọng cha mẹ hơn.

Top 3 câu chuyện cổ tích hay nhất về lòng hiếu thảo, dạy bé biết kính trọng cha mẹ - 1

Hiếu thảo là một trong những đức tính quan trọng cần có của mỗi người, là tình cảm yêu thương, kính trọng của con cái đối với ông bà, cha mẹ, những người thân trong gia đình, đối xử tốt với các thành viên và có hành động đền ơn đáp nghĩa.

Truyện cổ tích với nhiều chủ đề hay, nội dung ly kỳ nhưng đích đến cuối cùng vẫn là mong muốn con người trở nên hoàn thiện về cả nhân cách lẫn tâm hồn. Vì vậy, truyện cổ tích hướng tới các bài học nhân sinh, rèn luyện phẩm chất cho mỗi người.

Dưới đây là top 3 câu chuyện cổ tích nổi tiếng về lòng hiếu thảo, được cả người lớn và trẻ nhỏ yêu thích.

Top 3 câu chuyện cổ tích hay nhất về lòng hiếu thảo, dạy bé biết kính trọng cha mẹ - 2

Sự tích hoa đại

Từ thuở xa xưa, có hai mẹ con sống rất nghèo, hằng ngày phải đi làm mướn để kiếm bữa ăn tạm qua ngày. Cậu bé chỉ mới lên mười, dù rất thương mẹ nhưng em đành phải xa mẹ đi ở cho một lão nhà giàu chuyên nghề mổ lợn. Ngày ngày, lão đồ tể bắt em lên rừng hái củi để đun nước giết lợn, cạo lông.

Những ngày đầu lên rừng, em còn phải đi theo các bác đốt than để khỏi phải lạc đường, rồi sau đó em tự đi một mình. Cứ vài ngày một lần, em đi đường vòng xa hơn để ghé qua nhà thăm mẹ cho đỡ nhớ. Nhân tiện, em để cho mẹ một mớ củi và một ít sim rừng, ổi rừng.

Một hôm, em đang chặt củi ở bên sườn núi thì bỗng thấy một con hươu con bị sa xuống hố. Chú hươu con lo lắng và kêu lên một cách tuyệt vọng. Chú cứ mở to đôi mắt, ngẩng đầu lên nhìn quanh như đợi mẹ mình đến cứu.

Chú bé cũng nhìn quanh tìm kiếm xem có hươu mẹ ở đâu đây không, nhưng chỉ thấy cây rừng và tiếng gió thổi xào xạt. Em liền lần xuống hố ẵm chú hươu con lên. Thấy có người, lúc đầu chú hươu con sợ sệt né tránh, nhưng chỉ một lúc, chú để yên cho cậu bé vuốt ve.

Cậu bứt một ít cỏ non cho hươu con ăn, rồi lại bẻ một miếng cơm từ nắm cơm – bữa trưa ít ỏi của mình chấm muối bón thử cho hươu ăn. Hươu con chưa quen ăn cơm, nhưng hình như rất thích vị mằn mặn của muối. Cậu bé rất muốn đem hươu con về nhà mẹ nuôi nhưng sợ lão chủ biết.

Còn nếu đem về nhà lão đồ tể, chắc chắn lão sẽ thịt hươu con mất, bởi lão vẫn thường nói với mọi người rằng lão rất thèm thịt hươu. Cậu có ý trông đợi hươu mẹ trở lại để giao hươu con vì không ai là không muốn sống với mẹ. Cậu nhủ thầm với con hươu mà như là nói với chính mình vậy.

Trời đã xế chiều nhưng vẫn không thấy hươu mẹ đâu cả, cậu bé đành tìm một cái hang nhỏ, cho hươu con vào đó và lấy đá chặn kín lại.

– Ngày mai ta sẽ lên với hươu con! Hươu con đừng lo, cứ ngủ cho ngon nhé! – Cậu bé nói.

Hôm sau, cậu bé lại lên rừng. Em thở phào mừng rỡ khi thấy hươu con vẫn còn đó. Gặp lại em, hươu con tỏ vẻ mừng rỡ, cứ lấy mũi ngửi ngửi vào tay em.

– À! Mày muốn ăn cơm với muối chứ gì? – Cậu bé bẻ một miếng cơm chấm vào muối rồi bón cho hươu con, sau đó đi hái cỏ non cho nó. Trong lúc chặt củi, em cho hươu con đứng bên cạnh. Có hươu con, em chặt củi không biết mệt một chút nào cả. Từ đó, cậu bé và hươu con trở thành đôi bạn thân, ngày nào cũng gặp nhau, chỉ có đêm là cả hai đành phải tạm xa nhau.

Thương hươu con không có mẹ nên quấn quít với mình, nhiều đêm em nằm mơ gặp hươu con và đùa giỡn với nó. Một đêm nọ, lão đồ tể thức dậy ra sân xem trời gần sáng chưa để giết lợn. Bỗng hắn nghe ở dưới bếp tiếng cậu bé đang nằm nói mê rất rõ như đang thức:

– Hươu à, hươu ăn chóng lớn, hươu mọc đôi sừng thật cao, thật đẹp nhé!

Lần ấy lão không để ý mấy, nhưng sau đó lão nghe bọn người làm mách là cậu bé cứ thường nói mê như thế. Lão đồ tể cau mày nghĩ bụng:

Câu chuyện ngoài việc giải thích về nguồn gốc cây hoa Đại, còn ngợi ca tình bạn gắn bó giữa một em bé và chú hươu con. (Ảnh minh họa)

Câu chuyện ngoài việc giải thích về nguồn gốc cây hoa Đại, còn ngợi ca tình bạn gắn bó giữa một em bé và chú hươu con. (Ảnh minh họa)

– Biết đâu thằng bé gặp hươu thật!

Thế là lão sai người nhà lén theo cậu lên rừng. Hắn chứng kiến cảnh em cùng chú hươu con gặp nhau và quấn quýt bên nhau suốt ngày nên liền về mách với lão chủ. Lão chủ liền nói:

– Đúng vậy thì ngày mai tao sẽ đi xem, chúng mày theo tao bắt cho kỳ được con hươu đem về.

Hôm sau, cậu bé lại lên rừng và mong gặp hươu con biết bao. Chỉ trong một thời gian ngắn, hươu con đã to lớn trông thấy và ngày càng tỏ ra khôn ngoan hơn. Hình như cậu bé nói gì, nghĩ gì, hươu con đều hiểu được cả và ngoan ngoãn làm theo. Nhưng hôm đó, khi em vừa đón hươu con từ trong hang ra, chưa kịp cho ăn, thì lão đồ tể cùng hai tên người làm ập tới chỗ hươu đứng. Cậu bé đành quát to:

– Chạy đi hươu ơi! Chạy đi!

Thấy hươu còn chần chừ, cậu bé bèn phát vào cổ nó một cái thật mạnh và quát:

– Chạy nhanh đi!

Hươu con hiểu ý phóng như bay vào rừng. Lão đồ tể và hai tên người làm đuổi theo nhưng không kịp. Hươu con đã phóng mất dạng khiến bọn họ không biết đâu mà tìm. Lão đồ tể giận lắm, quay lại đánh cậu bé một trận.

Trong cơn điên tiết, lão lấy một hòn đá nện vào lưng cậu. Không may hòn đá đánh trúng vào đầu khiến cậu bé ngã lăn ra nằm không động đậy. Lão đồ tể bỏ mặc em giữa rừng, cùng hai tên người làm trở về nhà.

Hươu con chạy rất xa, lên đỉnh đồi nhìn xuống. Thấy lão đồ tể độc ác cùng hai tên người làm đã về thật rồi, hươu con chạy xuống với người bạn thân thiết của mình. Hươu con hà hơi ấm vào lưng và ngực của cậu bé. Một lúc sau, cậu bé tỉnh dậy. Thấy hươu con, cậu mừng quá, ôm lấy cổ hươu mà khóc.

– Không có hươu thì ta chết mất rồi!

Thế là người và hươu kéo nhau đi sang khu rừng khác, tránh ngày mai lão đồ tể có thể đưa người và chó lên lùng sục. Phải đi nhanh thật xa nơi này.

Nghĩ vậy, dù trời đã tối và đau đớn khắp người, nhưng cậu bé và hươu con vẫn nương vào nhau mà đi nhanh. Vết thương trên đầu đau nhức nhưng muốn cứu hươu và cứu mình, cậu bé cố bước đi. Đến những lúc mệt quá, cậu lại ngồi bệt xuống cỏ nghỉ ngơi.

Lúc đó, hươu con lại quấn quýt bên cạnh như vỗ về, an ủi và lại hà hơi ấm vào lưng và ngực cho cậu. Hôm sau, lão đồ tể đưa người và chó lên thật. Nhưng lùng sục mãi, lão vẫn không tìm thấy hươu và cậu bé đâu cả nên đành hậm hực trở về.

Cậu bé ở với hươu mấy ngày liền trong khu rừng sâu và tự tìm lá để chữa vết thương. Cả người và hươu cố kiếm quả rừng, cỏ rừng để ăn tạm. Nhưng được mấy ngày nhớ mẹ quá, cậu bé nói với hươu con rằng:

– Hươu ơi, ta nhớ mẹ quá. Ta muốn về thăm nhà một bữa rồi sẽ trở lên ngay với hươu.

Hươu con như hiểu ý của cậu bé. Nó mở to đôi mắt nhìn người chủ nhỏ và rơm rớm nước như đang khóc, rồi gật đầu liền mấy cái. Hươu con đưa người chủ nhỏ ra tận bìa rừng, sau đó đứng trên một hòn đá to nhìn theo cho đến khi dáng nhỏ nhắn của cậu bé khuất hẳn.

Cậu bé về gặp mẹ và biết được cách đây vài hôm, lão đồ tể có sai người đến dò hỏi cậu có trốn về không. Mẹ cậu không hề hay biết cậu đã bị lão đánh suýt chết. Cậu bé về lần này đúng vào dịp người chú chèo thuyền thuê cũng ghé về thăm nhà. Nghe cậu kể chuyện, người chú liền nói:

– Đã vậy thì cháu nên đi theo chú. Chú sẽ giúp cháu ăn học nên người.

Nhưng cậu bé lo lắng nói:

– Nhưng còn hươu con thì sao?

– Hươu con ở trong rừng thì cháu cần lo gì?

– Cháu đã hẹn với hươu con là sẽ trở lại với nó mà!

– Hươu làm sao hiểu được lời người nói?

– Chú ơi, nó hiểu được đấy! Nó tiễn cháu đi và còn khóc nữa kia mà!

– Thì cháu cứ theo chú ăn học. Ngày sau khôn lớn trở về, lúc đó cháu gặp lại hươu con vẫn không muộn mà.

– Liệu hươu con có chờ cháu không?

– Có chứ! Nó khôn vậy thì nó sẽ biết chờ.

– Cháu chỉ thương nó sống một mình như thế thì sẽ buồn lắm!

– Cháu đừng lo! Rồi nó sẽ tìm bầy đàn của nó để sống mà.

– Nhưng như thế nó có quên cháu không?

– Nó thương cháu nhiều như thế thì chắc sẽ không quên cháu đâu.

Không biết làm gì hơn, cậu bé đành nghe theo lời dỗ dành của chú và mẹ. Ngay tối hôm đó, người chú ra đi cho kịp ngày hẹn với chủ thuyền. Và cũng đêm đó, cậu bé ngồi ở đầu mũi thuyền nhìn về hướng núi cao và nói vọng lên “Hươu con ơi! Hươu chờ ta nhé! Ta sẽ về, và sẽ đưa hươu xuống dưới này sống với mẹ con ta”.

Lòng cậu bé muốn vậy, nhưng cuộc đời đâu phải muốn gì được nấy. Cậu bé đi với chú mình, và được ông gửi cho đi học ở một ông đồ nghèo nhưng rất thương người. Và trong một chuyến đi xa, thuyền của chú cậu bé bị đắm và ông mãi mãi không trở về nữa. Cậu bé được ông đồ nuôi dạy, nhưng từ đó phải ở luôn với ông. Đường về quê mẹ xa quá, cậu càng nhớ thương mẹ gấp bội.

Sau đó vài năm, cậu nghe tin mẹ mình đã mất. Hết thương mẹ, cậu lại nhớ đến hươu. Chú hươu con ngày nào không biết bây giờ đã lớn và đã nhập đàn sống với đồng loại chưa? Chú hươu con còn nhớ mình hay đã quên rồi?

Nhưng con hươu không quên. Nó vẫn nhớ người bạn, người chủ nhỏ của mình. Hằng ngày nó vẫn đến nơi chia tay với cậu bé để ngóng trông người bạn đã từng hứa sẽ trở lại với mình, nhưng chẳng thấy bóng dáng đâu cả. Nhiều năm trôi qua, hươu lớn lên, sừng bắt đầu mọc. Đôi sừng ngày càng to lớn, nhưng chú hươu vẫn hiền lành như xưa. Hươu vẫn luôn mong chờ người bạn cũ của mình. Nhưng đời hươu không dài bằng đời người được.

Bây giờ hươu đã trở thành con hươu đầu đàn. Một hôm, hươu bỗng gặp một đoàn người đốt than. Hươu muốn đến gần nhưng rất ngại họ. Chờ cho đến khi mọi người về hết, hươu mới rời đàn, một mình đến gần chỗ họ đã ngồi trước đó. Trông thấy một ít muối rơi vãi dưới đất, hươu nếm vị mằn mặn của muối mà bỗng nhớ người bạn của mình khôn tả xiết.

Thế là, nó để bầy đàn lại cho một con hươu khác dẫn đầu, rồi một mình tìm đến chốn cũ, nơi có cái hang năm xưa hươu đã sống ở đó hằng ngày và chờ cậu bé. Cái hang vẫn như xưa và nó sống quanh quẩn ở đó. Bấy giờ cỏ mọc quanh miệng hang um tùm và hươu mỗi ngày một già đi.

Đến một ngày nọ, mặt trời sắp lặn, hươu già nằm xuống, giấu mình trong bụi rậm ở ngay bên cạnh hang và chết. Lúc này, người bạn của hươu đang ở một nơi rất xa và đã có vợ con. Một hôm, thấy người đi bán sừng hươu, anh bỗng nhớ lại chuyện cũ và kể cho vợ con nghe. Anh nhắc lại câu nói năm xưa mỗi khi cho hươu ăn:

– Hươu à, hươu ăn chóng lớn, hươu mọc đôi sừng thật cao, thật đẹp nhé!

Đứa con lập tức đòi bố đưa về thăm quê, viếng mộ bà và lên rừng tìm xem chú hươu còn không? Thương con, nhớ mẹ và nhớ hươu, anh liền thu xếp đưa vợ con về quê. Về đến làng xưa, hỏi ra mới biết lão đồ tể độc ác một hôm dẫn chó lên rừng đi săn đã bị rắn độc cắn chết. Sau khi thăm mộ mẹ xong, anh liền đưa con lên rừng.

Thỉnh thoảng cơn gió rừng thổi thoang thoảng đem lại mùi hương vừa gần gũi, vừa xa xôi như chào đón như dẫn đường anh.

Theo mùi hương, hai bố con đến ngay cái hang ngày xưa mà anh đã giấu chú hươu con. Cả hai bố con chợt sửng sốt và đứng im lặng mãi với cảnh tượng trước mắt. Bên cạnh miệng hang mọc lên một loài cây lạ và đang nở đầy hoa.

Mùi hương của nó thật đậm đà. Nhìn kỹ thì cành cây rất giống sừng hươu. Lúc đó, có mấy người đốt than đi ngang. Họ kể rằng, trước đây ngay tại chỗ cây hoa đang nở, có một con hươu già từ đâu không biết, đến ở đó rồi nằm chết luôn.

Sau đó, ở gần miệng hang bỗng mọc lên loài cây này, lá to giống tai hươu và cành giống sừng hươu. Người bố nghe nói, liền đoán ngay đấy là chú hươu con ngày xưa. Thì ra chú vẫn nhớ tới người bạn nhỏ của mình và vẫn chờ đợi mình. Lòng đầy ân hận, anh liền nói:

– Hươu ơi, ta muốn về với hươu nhưng nào có được. Dù sao bây giờ ta cũng đã gặp lại nhau.

Hai bố con cùng khấn xin hươu cho mình mang giống cây lạ về quê trồng, và để luôn nhớ tới hươu. Ngày nay, loài cây trổ hoa có cành giống như sừng hươu ấy được gọi là cây hoa Đại. Có người bảo, chữ Đại là từ chữ Đợi, chờ đợi mà có.

Top 3 câu chuyện cổ tích hay nhất về lòng hiếu thảo, dạy bé biết kính trọng cha mẹ - 4

Người tiều phu hóa nai

Ngày xưa, ở đất Cao Bằng, có một người tiều phu mộc mạc hiền lành và hiếu thảo. Anh có một bà mẹ già hay đau ốm. Thầy thuốc bảo là cần có sữa nai tẩm bổ, mới mong chữa lành bệnh cho mẹ. Anh không quản ngại khó khăn, mỗi ngày vào rừng quyết tâm đi tìm kiếm sữa nai về cho mẹ, nhưng rất khó vì vừa thấy bóng người, nai đã bỏ chạy mất rồi.

Không lấy được sữa nai, người tiều phu buồn bực, không dám về nhà. Anh ngồi giữa rừng ôm mặt khóc. Bỗng nhiên, thấy có một ông lão chống gậy đến bảo rằng: “Nếu con muốn có sữa nai thì phải mang lốt nai, mới đến gần loài nai được”. Rồi ông lão trao cho anh tiều phu một bộ da nai khoác vào người.

Anh làm theo và quả nhiên, sau đó, anh lại gần được các con nai cái, vắt được nhiều sữa đem về nhà chữa bệnh cho mẹ già. Một hôm, ông lão lại hiện ra, ngỏ lời khen lòng hiếu thảo của anh, rồi truyền cho anh các phép đạo thần tiên. Anh học thuộc lòng, không nói cho ai hay biết. Sau khi mẹ già qua đời, anh liền bỏ đi lên núi biền biệt, không trở về nhà nữa.

Nhắc nhở chúng ta rằng, con cái phải hiếu thảo với cha mẹ, nhất là khi cha mẹ về già. (Ảnh minh họa)

Nhắc nhở chúng ta rằng, con cái phải hiếu thảo với cha mẹ, nhất là khi cha mẹ về già. (Ảnh minh họa)

Sau đó khá lâu, một hôm, có một người con của ông tiều phu vào núi lấy củi. Anh bỗng gặp một con nai nói được tiếng người. Nai bảo: “Cha đây. Cha đã hoá thành nai rồi, không thể trở lại lốt người được nữa. Cha cho con cái gạc (sừng) đây, con hãy buộc dây mà kéo về. Đến chỗ nào mà gạc vướng, không đi được nữa, thì con hãy lấy chỗ đất ấy mà khai khẩn làm ăn, về sau sẽ khá”.

Nói xong, con nai húc đầu vào thân cây cho rụng gạc ra. Rồi nai biến mất vào rừng sâu. Người con trai vâng lời, làm theo nai dặn. Quả nhiên, về sau được sung túc. Người đời khi biết chuyện, đã gọi người tiều phu hoá nai là Lộc Giác Chân Nhân, cho rằng ông đã tu luyện được thành tiên.

Top 3 câu chuyện cổ tích hay nhất về lòng hiếu thảo, dạy bé biết kính trọng cha mẹ - 6

Người con hiếu thảo

Nhà kia có ba người con trai tính nết khác hẳn nhau. Hai người anh thì lười nhác, ích kỷ, tham lam. Còn người con út đã siêng năng, lại thật thà, hiếu thảo. Gặp việc khó khăn thì hai anh đùn cho em, được lợi lọc thì hai anh giành nhau hết.

Một ngày kia, người cha lâm bệnh nặng. Hai anh bỏ mặc em nâng giấc, đỡ đần, thuốc thang, cơm cháo. Khi bệnh tình của cha đã đến lúc nguy kịch, thầy thuốc bảo:

– Bệnh của ông là bệnh nan y. Bây giờ chỉ còn có một vị thuốc quý là chữa khỏi, nhưng khó mà kiếm được nổi.

Người con út nói:

– Xin thầy cứ dạy, khó mấy chúng tôi cũng đi lấy về được.

– Đây là thứ hương thảo trên núi Trúc Lĩnh. Đến đó phải đi qua cái cầu chỉ giăng bằng một sợi dây, bắc qua một con suối sâu, phải vượt một con sông rộng không có đò ngang, lại phải leo lên một ngọn núi cao, bốn phía đá dựng đứng như bức tường thành mới tới được ngôi chùa cổ có thứ cỏ thơm ấy.

Nghe vậy, hai người anh sợ run cầm cập, còn người em thì hăm hở nói:

– Khó thế chứ khó nữa, con cũng xin đi. Mệnh cha là trọng chứ thân con có sá gì.

Người cha gắng gượng bảo:

– Nếu trong số các con, ai kiếm được thuốc về cho cha, sẽ được hưởng toàn bộ gia sản này.

Hai người anh lại sợ em chiếm mất gia sản, liền nói:

– Thôi, chú ở nhà chăm sóc cha, hai chúng tôi sẽ đi.

Hôm sau, hai người anh lên đường. Đi đến con suối sâu, họ vừa run lẩy bẩy đặt chân lên cái cầu bắc bằng sợi dây liền rụt lại. Bỗng có cụ già gánh củi đi tới nói:

– Nhờ hai anh đưa giúp gánh củi qua cầu.

Hai người anh cáu kỉnh đap:

– Chúng tôi đi không mà chưa dám qua, lại còn gánh củi cho ông được sao?

Họ lại cố bặm môi bước liều lên dây đang đung đưa, chao đảo như muốn hất họ suống suối. Nhìn dòng nước chảy xiết, hai người thấy chóng mặt ù tai, đành bảo nhau quay lại.

Thấy hai anh trở về không, người em út sửa soạn ra đi. Đến bên suối, anh cũng gặp ông lão gánh củi qua cầu.

Anh lễ phép thưa:

– Cụ cứ đưa gánh củi cháu gánh sang trước. Qua bên kia, cháu sẽ quay lại dắt cụ sang.

Anh đỡ gánh củi lên vai và mạnh dạn bước qua cầu. Lạ thay, đi trên sợi dây mà anh thấy như đi trên đường cái.

Đến bờ bên kia, ông cụ nhìn anh mỉm cười rồi khen:

– Con thật gan dạ, tốt bụng. Vậy bây giờ con định đi đâu?

Người con trai đáp đi tìm thuốc cho cha và hỏi đường đến núi Trúc Lĩnh.

– Cụ ở đây chắc quen thuộc vùng này, mong cụ dạy bảo cho.

Ông lão gật đầu:

– Đúng là một người con hiếu thảo. Ta sẽ giúp con. Con cứ theo con đường này, đi năm ngày nữa thì đến một con sông lớn. Sông không có đò, nhưng có bạch hạc là chiếc thuyền của tiên. Con gọi: “Bạch hạc, bạch hạc, hãy giúp ta sang sông”. Đi tiếp năm ngày nữa, con sẽ đến núi Trúc Lĩnh. Con lần tới phía Nam, gõ vào vách đá ba tiếng, gọi: “Hỡi núi cao, hãy mở đường cho ta lên đỉnh núi”. Đến một ngôi chùa cổ, sư trong chùa sẽ giúp con.

Anh con trai bái tạ ông lão, hăm hở lên đường. Đến con sông rộng hun hút, sóng đang cuồn cuộn, theo lời ông lão, anh lên tiếng gọi:

– Bạch hạc, bạch hạc, hãy giúp ta sang sông!

Quả nhiên có con hạc trắng bay tới, đậu ghé xuống xông cho anh cưỡi lên lưng rồi cất cánh, trong nháy mắt đã tới bờ bên kia. Anh cảm ơn chim, hối hả đi tới ngọn núi cao chọc trời, đá dựng đứng. Anh lần tới vách núi phía Nam, gõ ba tiếng. Đã bỗng nứt ra thành một nối đi nhỏ thoai thoải. Anh men theo con đường hẹp ấy, qua ba mươi sáu khúc quanh co thì tới rừng trúc trên đỉnh núi.

Băng qua rừng trúc, anh bỗng nhận ra ngôi chùa ẩn sau vòm lá. Cổng chùa đóng kín. Anh ngơ ngác không biết hỏi ai thì thì thấy một vị sư già chống gậy trúc từ phía sau chùa bước ra. Vị sư ấy chẳng phải ai xa lạ mà chính là ông lão gánh củi hôm trước.

Anh vừa kinh ngạc, vừa mừng rỡ, toan sụp xuống lạy ta, thì nhà sư đã cầm tay anh dắt vào vườn chùa, bảo anh lấy nắm hương thảo và dặn:

– Con hãy bỏ một nắm vào túi trong, còn nắm kia để túi áo ngoài. Về nhà, con ngắt lấy bảy cái hoa bưởi bỏ thêm vào, sắc với rượu cho đến khi còn một chén nhỏ thì rót cho người bệnh uống.

Người con hiếu thảo ca ngợi tấm lòng thật thà, can đảm của người em út đã tìm được thuốc tiên chữa bệnh cho cha và cảm hóa hai anh trai trở thành người tốt. (Ảnh minh họa)

Người con hiếu thảo ca ngợi tấm lòng thật thà, can đảm của người em út đã tìm được thuốc tiên chữa bệnh cho cha và cảm hóa hai anh trai trở thành người tốt. (Ảnh minh họa)

Người con trai từ giã vị sư già, lần theo lối cũ trở xuống. Nhưng anh vô cùng ngạc nhiên thấy chẳng có núi, chẳng có sông, chẳng có cầu qua suối, mà chỉ thấy một con đường bằng phẳng, rộng rãi trước mặt. Chẳng mấy chốc, anh đã về tới quê nhà. Đến gốc đa, anh gặp hai người anh đang đứng đợi mình. Người anh cả vồn vã:

– Chú thật vất vả, cha ở nhà ngày đêm trông ngóng, nen sai anh đến đón chú. Thôi, chú cứ trao thuốc cho hai anh đưa về, chú ngồi nghỉ một lúc cho đỡ mệt, anh sẽ đợi chú cùng đi về.

Người em út không nghi ngờ gì, vui vẻ trao nắm thuốc cho người anh thứ hai. Anh ta hí hửng chạy như bay về nhà, vội vàng sắc lên đưa cho cha và nói:

– Đây là thuốc trên núi Trúc Lĩnh. Con và anh cả đi lấy về sắc cho cha, cha uống đi.

Người cha vui mừng khen ngợi hai con. Nhưng cha vừa uống thuốc vào cổ ông đã thấy choáng váng và đau đơn không chịu nổi, giữa lúc ấy, người em út cũng vừa về tới nhà. Anh lặng lẽ làm theo lời của vị sư, sắc thuốc đưa lên hầu cha. Vừa uống xong, ông lập tức khỏe khoắn và tỉnh táo.

Vài hôm sau, bệnh ông giảm dần rồi khỏi hẳn.

Ông gọi ba người con đến và nói với con út:

– Trước đây cha đã nói sao thì nay cha làm đúng như vậy. Con đã không quản khó nhọc, nguy hiểm đi tìm thuốc cứu cha, con sẽ có tất cả gia tài cha để lại.

Ông quay lại nói hai người con lớn, nói:

– Còn các con, các con đã nói dối cha, lừa em, đáng lẽ không được hưởng gì cả. Nhưng…

Người cha ngẫm nghĩ một lúc, rồi nói tiếp với con út:

– Con là đứa con có hiểu, đứa em thảo, hẳn là con không để hai anh con đói khổ.

Từ đó, hai người anh dần dần thảy đổi tính nết và cả ba anh em sống bên nhau thuận hòa tới già.

Top 3 câu chuyện cổ tích hay nhất về lòng hiếu thảo, dạy bé biết kính trọng cha mẹ - 8

Bài học hay từ những câu chuyện về lòng hiếu thảo

Những câu chuyện cổ tích hướng đến cái thiện, đức tính tốt đẹp của con người trọng cuộc sống, đặc biệt là lòng kính trọng hiếu thảo với cha mẹ. 

Dạy bé biết yêu thương, hiểu được giá trị về lòng hiếu thảo, cũng như có trách nhiệm, cách đối xử đúng đắn với đấng sinh thành. 

Những câu chuyện cổ tích dạy bé biết yêu thương, hiểu được giá trị về lòng hiếu thảo, cũng như có trách nhiệm, cách đối xử đúng đắn với đấng sinh thành.

Những câu chuyện cổ tích dạy bé biết yêu thương, hiểu được giá trị về lòng hiếu thảo, cũng như có trách nhiệm, cách đối xử đúng đắn với đấng sinh thành. 

Những câu chuyện cổ tích dân gian hay nhất, mẹ nên kể cho bé ngủ ngon hơn
Dưới đây là top 3 câu chuyển cổ tích hay, với nội dung đơn giản, gần gũi, mẹ nên kể cho bé nghe.

Nuôi con khoẻ, dạy con khôn lớn

Hạ Mây Dịch từ: Sohu
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Kiến thức dạy con