Những câu chuyện sau đây sẽ đưa các bé bước chân vào những cuộc phiêu lưu hấp dẫn, đầy màu sắc thần kỳ trong thế giới cổ tích.
Cái cân thủy ngân
Ngày xưa, có một nhà làm nghề buôn bán, gian tham chế ra một cái cân cán rỗng, trong đổ thủy ngân, hai đầu bịt đồng, không ai biết. Khi cân hàng bán cho người ta thì dốc cán về đằng móc, còn khi cân hàng mua của ai thì dốc cán cân về đằng quả. Như vậy một cái cân vừa nặng vừa nhẹ được, và bao giờ phần lợi cũng về mình.
Không bao lâu nhà ấy trở nên giàu có, vì buôn bán lọc lừa. Nhà này sinh ra được hai đứa con mặt mũi khôi ngô, học hành thông thạo. Thiên hạ ai nấy đều khen là nhà có đại hồng phúc.
Một hôm hai vợ chồng ngồi bàn với nhau:
– Nhà ta bây giờ đã giàu có nhiều, lại được hai đứa con khôn ngoan, “một mặt người bằng mười mặt của”. Bây giờ ta đem phá bỏ cái cân thủy ngân kia đi, để dành đức lại cho con về sau.
Bàn xong, hai vợ chồng thuận tình sửa lễ sám hối, trên thì cúng Phật, dưới cáo cùng tổ tiên, rồi đem cái cân thủy ngân ra chẻ. Nhưng khi chẻ ra, thì thấy bên trong cái cân có đọng một cục máu đỏ.
Từ đó, hai vợ chồng bảo nhau ăn ở tu nhân tích đức, tránh điều dữ, làm điều lành. Nhưng cách đó vài năm, bỗng một hôm, đứa con đầu bị ốm nặng, không qua khỏi. Và chẳng bao lâu sau, đứa con thứ hai cũng theo anh mà đi.
Ảnh minh họa.
Hai vợ chồng kêu gào, khóc lóc thảm thiết, nghĩ rằng mình đã có bụng cải ác vi thiện mà Trời Phật không chứng quả. Hai vợ chồng rầu rĩ, cứ ngồi than dài thở vắn, không buồn động đến việc gì nữa.
Một đêm, hai vợ chồng cùng nằm mơ thấy có một ông Bụt đến, bảo rằng:
– Hai vợ chồng nhà ngươi hãy nên lo toan làm ăn, tu tỉnh lại. Chớ vội vội trách Trời không có mắt. Trước Trời thấy buôn bán lọc lừa, đã sai hai con quỷ xuống đầu thai làm con, để phá tan cho hết những của phi nghĩa mà các ngươi chắt bóp, nhặt nhạnh bao nhiêu năm nay.
May các ngươi sớm biết hối hận, cải tà quy chính, tránh dữ làm lành, Trời mới sai bắt hai con quỷ ấy về. Đừng thương tiếc chúng nó làm chi nữa. Các ngươi cứ ăn ở ngay lành, rồi Trời lại đền cho hai đứa con khác, để ngày sau mà nhờ”.
Hai vợ chồng nghe xong, nỗi buồn vơi bớt đi phần nào, lại chuyên tâm làm ăn. Lúc nào cũng luôn tâm niệm, cố gắng làm bao nhiêu điều từ thiện, phúc đức. Quả nhiên, sau đó họ đã sinh được hai đứa con trai khác. Hai đứa con hiền lành tử tế, văn hay chữ tốt, rồi sau lớn lên, làm cho cha mẹ được vẻ vang, vui sướng trong cảnh già.
Anh em sinh năm
Ngày xưa có hai vợ chồng nhà nọ chỉ sinh được có mỗi một người con gái. Vì thế họ nuôi nấng dạy dỗ rất chăm chút. Khi cô gái lớn lên, cha mẹ dạy cho đạo thánh hiền. Năm nàng mười lăm tuổi vẫn bị cấm cung không được tiếp xúc với người ngoài.
Một hôm người mẹ lên chùa lễ Phật. Lần đầu tiên bà đưa con gái ra khỏi nhà. Bấy giờ có một vị thiên thần muốn mượn cô gái đồng trinh làm chỗ đầu thai, mới nhân lúc cô gái ra vườn vãn cảnh, hiện làm một bông hoa có năm cánh rất đẹp. Cô gái thích quá ngắt lấy ngắm nghía hồi lâu, rồi bỗng dưng bỏ vào miệng nuốt đi.
Từ đó cô gái tự nhiên không chồng mà chửa. Cha mẹ nàng ngạc nhiên và xấu hổ vô cùng. Hết tra hỏi đến dụ dỗ nhưng cô gái ngây thơ ấy cũng chả làm sao mà hiểu được. Tất cả mối ngờ của cha mẹ đều đổ dồn vào nhà chùa. Đoán là có một sư ông đã quyến rũ con gái mình trong ngày lễ Phật dạo nọ, họ bèn đuổi con lên chùa và nói:
– Mày lên đó mà ở với sư, đừng vác mặt trở về bội nhọ nhà tao nữa!
Hòa thượng trụ trì chùa đó không biết làm thế nào, đuổi đi cũng không nỡ, đành phải nhận nuôi nàng và dựng một túp lều sau chùa cho nàng ra đó ở.
Khi gần đến ngày sinh, cô gái bỗng nằm chiêm bao thấy có một thiên thần đến trước mặt dặn rằng:
– Đừng đặt tên con vội, cứ để đến lúc chúng nó biết nói, tự chúng sẽ cho biết tên.
Thế rồi, cô gái sinh một lúc năm người con trai, đặc biệt khuôn mặt giống nhau như tạc. Cả năm anh em đều lớn nhanh như thổi, đứa nào đứa ấy sởn sơ mạnh khỏe. Khi chúng biết nói, người mẹ hỏi đến tên, thì đứa thứ nhất trả lời:
– Sức con có thể vác một quả núi, con là Mạnh Mẽ.
Đứa thứ hai nói:
– Người con dù có dao băm búa bổ cũng không chết, con là Mình đồng da sắt.
Đứa thứ ba tiếp:
Ảnh minh họa.
– Con có thể ngồi một nơi biết được mọi việc trong thiên hạ, tên con là Vén Mây Xem Trần.
Đứa thứ tư:
– Con có thể sống dưới nước cũng như trên cạn, tên con là Khô.
Đứa cuối cùng nói:
– Con thì dù ngủ trong lửa cũng cứ dễ chịu như thường, tên con là Ướt.
Năm anh em lớn lên lo làm việc nuôi mẹ. Hàng ngày Mạnh Mẽ lên rừng kiếm củi về đổi lấy gạo. Mỗi một gánh củi của chàng chứa đầy một sân.
Tiếng tăm của anh chàng truyền khắp mọi nơi trong nước. Hồi ấy nhà vua cần nhiều củi để dùng vào một buổi lễ rất long trọng của triều đình. Vua cho triệu Mạnh Mẽ đến, bảo kiếm củi cho mình và hứa cứ mỗi gánh củi đưa đến sẽ đổi một gánh gạo.
Mạnh Mẽ kiếm củi mau như chớp. Rừng tuy xa nhưng mỗi một ngày chàng đi đi về về không biết bao nhiêu lần, mỗi lần đưa củi đến lại gánh gạo đi. Đến nỗi lúc viên quan trông nom kho gạo cho nhà vua thấy gạo kho đã vơi quá nửa, hắn lật đật đến báo cho vua biết. Vua nói:
– Thế thì phải bắt nó chết mới được!
Vua bèn cho đòi Mạnh Mẽ đến và bảo:
– Nhà ngươi làm việc như thế chắc là mệt. Thôi cho về nghỉ sức, mười ngày nữa sẽ đến đây phục mệnh.
Mạnh Mẽ về kể chuyện cho anh em nghe. Vén Mây Xem Trần vốn đã đọc được những ý nghĩ không tốt trong đầu nhà vua bèn bảo Khô đi thay cho Mạnh Mẽ. Mười ngày sau, Khô đến gặp vua. Vua cứ tưởng hắn là anh chàng gánh vơi kho gạo của mình hôm nọ, bèn thét ngay lính bắt dìm xuống bể cho chết.
Khô cứ để mặc cho bọn lính vây bắt trói lại và dìm xuống nước, nhưng dìm lần đầu lôi lên, Khô vẫn sống trơ trơ. Dìm lần thứ hai, thứ ba, Khô vẫn vui vẻ ca hát. Họ lại dìm nữa, nhưng dù dìm thế nào cũng không làm cho chàng chết được.
Tức mình, lại sợ mệnh vua, bọn chúng mới làm một cái cũi bỏ Khô vào cùng với rất nhiều đá tảng dòng dây đem thả xuống đáy biển, nhưng mấy tuần sau vớt lên vẫn thấy hắn sống như thường. Cuối cùng chúng phải đưa anh chàng về kể chuyện cho vua hay. Vua chưa tìm ra cách gì giết được, bèn bảo anh về, hẹn mười ngày sau nữa lại đến.
Vén Mây biết lần này vua dùng mưu độc đốt chết nên bảo Ướt đi thay. Ướt đến nơi thì vua đã sai dọn sẵn một căn lầu bằng gỗ dựng riêng biệt sau vườn, xung quanh chất đầy củi. Vua cũng tưởng Ướt là anh chàng hôm nọ, bèn mời gã lên lầu sai dọn mâm cỗ đầy rượu và thức ăn ngon cho ăn. Đoạn bảo quân lính đóng chịt mọi cửa lại rồi phóng hỏa. Lửa liếm rần rật cháy khắp mọi nơi. Nhưng Ướt ta vẫn ngồi một nơi chén tì tì. Và khi cánh cửa đổ xuống, chàng nói vọng ra cho chúng nghe:
– Ồ! Ở đây mát quá!
Vua lắc đầu, chưa biết làm thế nào để giết cho được, đành thả cho về nhà, mười ngày sau nữa lại đến.
Lần này Vén Mây bảo Mình Đồng Da Sắt. Khi anh chàng này đến nơi, vua thét đao phủ mang ra xử trảm. Nhưng bao nhiêu gươm đao đụng vào người đều quằn cả lại mà không làm cho anh chàng chết được. Đao phủ tức giận đâm mũi mác vào nách gã, gã chỉ cười rú lên như bị ai cù.
Thấy vậy, vua rất bực mình, nhảy xuống rút bao kiếm, cầm bằng cả hai tay chém xuống rất mạnh, nhưng bảo kiếm chỉ gãy đôi mà tội nhân thì không việc gì. Cuối cùng vua lại thả cho về nhà, bảo mười ngày nữa lại đến.
Thấy chàng kiếm củi có phép lạ nên lần này vua không có ý định làm hại nữa. Vén Mây biết được ý đồ nên mười ngày sau cùng với bốn người kia dắt nhau đến kinh đô. Vua thấy cả năm anh em giống nhau như tạc, hỏi chuyện mới biết họ đều là con thiên thần. Vua dắt Vén Mây lên ngai vàng, nhường chỗ và gả con cho, rồi bỏ đi tu.
Phân xử tài tình
Ngày xưa có một quan án phân xử tài tình. Trong dân gian có vụ án nào rắc rối gay go nhất, ông ta đều có cách tìm ra manh mối và phán xử rất công bằng.
Một hôm, có hai người đàn bà dắt nhau đến công đường [2] với một tấm vải dài. Trước mặt quan, một người mếu máo thưa:
– Bẩm quan, sáng nay con mang một tấm vải đi chợ bán, bà này hỏi mua, con đưa ra cho bà ta xem. Thế rồi tự dưng bà ta cướp không tấm vải rồi bảo là của bà ấy, nhất định không chịu trả lại cho con nữa. Thật là một chuyện ngược đời vô lí hết sức, xin quan đèn trời soi xét.
Quan án nhìn sang người đàn bà thứ hai thì thấy bà này cũng dưng dưng nước mắt kể lể:
– Bẩm quan, chính bà ta mới là đồ ăn cắp. Tấm vải này là của con vừa dệt xong mang đi chợ. Con để trong cái thúng khảo, thế mà vừa ngoảnh đi một lát, bà ta dám thò tay vào lấy. Chính con bắt được quả tang. Thế mà bà ta còn dám đặt điều để vu oan giá họa.
Quan án ngắt lời hai người, bảo mỗi bên phải cử ra ít nhất một người tận mắt nhìn thấy tấm vải của mình bị lấy cắp. Nhưng cả hai đều không tìm ra được người làm chứng vì sự việc xảy ra ở một nơi vắng vẻ, lúc đó chưa có người qua lại.
Quan cho lính tìm về tận nhà mỗi bên để xem có đúng là vải của họ dệt ra như lời khai không. Nhưng lính thấy cả hai bên đều có khung cửi như nhau, khổ vải bằng nhau. Quan án xử kiện cố nhìn vào sắc mặt từng người để dò ý tứ, nhưng quan chỉ thấy vẻ đau xót vì mất của hiện trên nét mặt hai người, không có biểu hiện gì khác hơn. Suy nghĩ một lúc, quan ôn tồn bảo họ.
Ảnh minh họa.
– Cả hai người đều nói có lí cả. Biết làm sao bây giờ. Thôi, ta phân xử cho thế này: giờ đem cắt tấm vải ra làm đôi, chia mỗi người một nửa. Thế là ổn. Hãy về nhà mà làm ăn.
Nói xong, quan sai lính đo vải xé ngay, giao cho mỗi người một nửa. Thấy thế, một bà bỗng ôm mặt khóc thút thít. Lập tức quan sai trả tấm vải cho người đàn bà ấy, rồi kêu lính trói người kia lại, vì chỉ có người chủ thực sự của tấm vải mới đau xót bật ra tiếng khóc kia. Quả nhiên, thấy quan phân xử tài tình sau một hồi tra hỏi, người đàn bà kia phải cúi đầu nhận tội.
Một lần khác, quan đi qua một ngôi chùa lớn, ghé vào vãn cảnh. Sư cụ trong chùa ra đón tiếp kính cẩn, mời vào uống trà. Sư cụ than thở với quan rằng mình có giữ cho chùa một số tiền lớn, không may bị kẻ trộm lấy mất hết. Nhưng sư cụ không dám ngờ cho một ai, lại cũng không muốn trình quan, sợ làm khổ lây bọn đồ đệ. Nay sự cụ có ý muốn nhờ quan kín đáo dò xét hộ mình.
Quan hỏi rõ sự tình vụ trộm trước sau, rồi chỉ lên tượng Phật bảo sư cụ:
– Đức Phật ngài thiêng lắm, sao hòa thượng không cầu Người tìm giúp cho, chả hơn nhờ tôi ư? Đức Phật có phép làm cho kẻ gian cầm hạt thóc nảy mầm. Nếu hòa thượng muốn, tôi sẽ xin vì nhà chùa làm thử một phen.
Nói rồi, quan bảo sư cụ biện lễ cúng Phật. Trong khi hòa thượng làm lễ, quan cho gọi tất cả sư vãi và những kẻ ăn, người ở trong chùa ra để chạy đàn. Quan án xử kiện bảo mỗi người một tay cầm cành phan và tay kia cầm nắm thóc đã ngâm nước, rồi nói:
– Sư cụ cho biết là chùa ta trước đây có mất một số tiền mà không rõ ai đã lấy trộm. Ta chắc chỉ có người trong chùa lấy mà thôi. Ta nghe đức Phật ngài rất thiêng. Bây giờ mỗi người cầm một nắm thóc đã ngâm nước, rồi vừa chạy đàn, vừa niệm Phật. Nếu đúng là kẻ gian, đức Phật sẽ làm cho thóc trong tay nảy mầm. Như vậy ngay gian tỏ rõ, khỏi phải tra hỏi phiền phức.
Cả đoàn người mới chạy được vài vòng thì quan đã thấy có một chú tiểu [5] thỉnh thoảng lại hé tay cầm thóc ra xem. Liền đấy, quan bảo mọi người dừng lại, bắt chú tiểu, vì chỉ có những kẻ có tật mới hay giật mình, nên thỉnh thoảng mới nhìn trộm như thế. Chú tiểu thấy quan phân xử tài tình, vạch đúng lí, phải nhận tội.
Anh chàng họ Đào
Ngày xưa ở huyện Đông Sơn có một anh học trò họ Đào. Anh đẹp trai, học giỏi, chỉ phải một tội là nhà rất nghèo. Thường ngày anh cắp sách sang làng bên cạnh học với một ông đồ. Nhưng cũng có những lúc anh phải đi làm thuê, làm mướn để kiếm tiền gạo nuôi thân.
Cuộc sống bữa no bữa đói khá là vất vả. Trong năm năm, mặc cho kẻ cười người chê, anh vẫn vừa làm vừa học không chịu bỏ dở. Ở chỗ làng anh đến học, có một cô gái con nhà khá giả yêu anh và cũng được anh yêu lại. Hai bên có tình ý với nhau như vậy đã được vài năm.
Ít lâu sau, anh chàng họ Đào mượn mối đến dạm cô gái. Nhưng cha mẹ cô gái chê nhà anh nghèo, không gả. Họ bảo thẳng người mối:
– Nhà anh ấy một thân một mình kiếm ăn còn chật vật thay. Con gái tôi về đấy càng làm cho anh thêm bấn.
Khi người mối cho biết tài học của anh chàng có thể mai sau thay đổi được số phận, thì họ trả lời:
– Nếu thế thì đợi lúc ngựa xe võng lọng trở về hãy hay.
Thấy vậy, anh chàng họ Đào vừa giận vừa thẹn. Anh nghĩ bụng phải bỏ nhà ra đi, quyết chí lập được công danh mới trở về để cho cha mẹ nàng không dám giở giọng khinh bạc với mình nữa. Nghĩ vậy anh bỏ nhà đến kinh đô. Ở đây anh vẫn vừa làm thuê, vừa học. Nhờ sáng dạ, anh học rất tấn tới. Sau năm năm, anh đi thi đỗ luôn cử nhân.
Hôm vinh quy trở về nhà, lòng anh mừng khấp khởi. Bụng bảo dạ: “Nhất định bố mẹ cô ta sẽ vui lòng gả con cho mình và hối hận về những câu nói khinh người trước đây”.
Nhưng không ngờ, khi anh đến chào thầy học cũ, người ta cho biết là cô gái, sau khi anh bỏ làng ra đi, đã bị cha mẹ ép gả cho một người làng, mặc dầu cô không ưng thuận và có bụng chờ anh.
Ảnh minh họa.
Nghe nói, chàng họ Đào hết sức buồn. Anh bỏ dự định đến nhà cha mẹ người yêu và cũng chẳng bụng dạ nào đến nhà vợ chồng người yêu, vì sự gặp mặt lúc này chỉ làm anh thêm đau khổ, cũng có thể khiến chồng nàng ngờ vực.
Nhưng lúc trở về, trên con đường cắt ngang qua cánh đồng, anh bỗng gặp nàng đang mang cơm ra đồng cho chồng. Hai người e lệ nhưng cũng dừng lại hàn huyên: họ bày tỏ nỗi đau khổ vì sự éo le của duyên phận. Khi chàng họ Đào từ giã, cô gái gạt nước mắt nhìn theo.
Nàng đâu có ngờ rằng, từ đằng xa, người chồng của mình đã nhìn thấy được cảnh chuyện trò vừa rồi, và cơn ghen của hắn bốc lên bừng bừng. Nàng vừa đến nơi, hắn lấy cớ cơm canh chậm chạp, liền xông lại gây sự.
Vợ nói lại mấy câu thì con người vũ phu đó nổi xung lên không đợi tìm hiểu phải trái, trong tay đang cầm cái cuốc để cuốc khoai, thuận đà hắn ném vào người vợ. Không ngờ phạm nhằm chỗ hiểm, nguời vợ gục xuống bất tỉnh nhân sự. Hắn lo sợ, lén lút vực vợ về nhà nói dối là ngộ cảm, rồi sau đó tiến hành chôn cất không để cho một ai sinh mối nghi ngờ.
Vừa về đến làng mình, chợt nghe tin người yêu chết một cách đột ngột, anh chàng họ Đào không ngăn được kinh ngạc và thương cảm.
Anh bèn làm một cỗ cúng, rồi vì không tiện đến nhà, chờ lúc đêm khuya, đem sang cúng ở mộ người yêu. Nhưng điều không ngờ là trong lúc sụt sùi khấn khửa thì bỗng nghe trong mộ có tiếng động phát ra. Thấy sự lạ, anh vội trở về gọi người nhà đem quốc thuổng đến đào lên.
Khi nạy nắp áo quan mới biết là người chết sống lại. Số là cô nàng bị chồng ném cuốc ngất lịm đi, nhưng chưa chết thật, còn người chồng thì sợ mang tội giết người nên vội khâm liệm rồi đem chôn cất sơ sài, cho chóng xong. Sau khi bị chôn, người chết mới dần dần hồi tỉnh và co cẳng đập vào cầu cứu, đúng lúc người yêu đang đứng ở mộ.
Anh chàng họ Đào trong lòng mừng rỡ, bèn cùng người nhà đắp mộ lại như cũ, rồi vực nàng về nhà hết sức chữa chạy. Khi đã bình phục trở lại, cô gái kể tất cả mọi chuyện cho anh nghe. Anh dặn người nhà giữ rất kín chuyện này và sau đó kín đáo đưa người yêu đến chỗ làm quan. Hai người trở thành vợ chồng không cheo cưới.
Lại nói chuyện anh chồng cũ cũng như mọi người trong làng vẫn không ngờ rằng người chết đã được cứu chữa sống lại. Cho nên, hàng năm hắn vẫn cúng đơm theo đúng tục lệ.
Ba năm sau, một hôm nhân có dịp trẩy hội chùa ở một trấn đàng ngoài. Trên đường đi tới chùa hắn bỗng thoáng gặp một bà quan đi cáng trông nét mặt hao hao giống vợ mình. Hắn lấy làm lạ, vội đuổi theo để mong được nhìn kỹ càng tận mắt.
Đứng đón nấp đằng sau cổng chùa, hắn thấy bà quan ấy từ mặt mũi dáng đi đến giọng nói quả đúng là vợ mình, không nghi ngờ gì nữa. Rồi hỏi thăm mấy người lính hầu, hắn lại biết thêm rằng chồng nàng không ai xa lạ mà chính là người học trò thi đậu cử nhân ở làng bên cạnh đã đứng nói chuyện với vợ mình trước khi hắn ném cuốc vào người nàng.
Nhưng tại sao hắn đã chôn nàng hai năm rõ mười mà bây giờ nàng lại sống đường hoàng như thế kia? Trong bụng hắn nghi nghi hoặc hoặc, đoán chắc có sự lừa gạt chi đây.
Cho nên vừa trở về tới làng, hắn đã bày ra chuyện bói toán cải táng để đào mộ vợ lên xem cho rõ sự thật. Và khi thấy áo quan rỗng, hắn vội phát đơn kiện anh chàng họ Đào tội đã quyến rũ vợ mình.
Nhưng sau khi nắm được mọi uẩn khúc, quan xử cho hắn không những mất vợ mà còn bị án khổ sai chung thân về tội đã phũ phàng đánh chết vợ và lén lút đem chôn, có đầy đủ tang chứng do tội nhân tự khai ra. Còn vợ hắn thì được phép lấy anh chàng họ Đào, người đã có công giành lại nàng khỏi tay tử thần.
Bài học hay từ những câu chuyện cổ tích
Những câu chuyện cổ tích thú vị, hấp dẫn cùng với bao bài học bổ ích, ý nghĩa về cuộc sống. Mặc dù mang một số yếu tố hoang đường, nhưng phản ánh nhiều mặt về cuộc sống vật chất và tinh thần, về tâm tư và ước vọng của con người thời xưa.
Những câu chuyện đưa các bé bước chân vào những cuộc phiêu lưu hấp dẫn, đầy màu sắc thần kỳ trong thế giới cổ tích.