Top 4 câu truyện truyền thuyết Việt Nam hay nhất, mẹ nào cũng nên đọc cho con nghe

Hạ Mây - Ngày 12/12/2021 22:14 PM (GMT+7)

Những câu chuyện truyền thuyết với nội dung phong phú, tình tiết thú vị, giúp các bé có thêm kiến thức, khám phá màu sắc mới trong cuộc sống.

Những câu chuyện truyền thuyết Việt Nam thường có yếu tố tưởng tượng kỳ ảo, các nhân vật, sự kiện đều liên quan đến lịch sử, được truyền miệng kể lại, giải thích nguồn gốc các phong cảnh địa phương theo quan niệm của nhân dân, biện pháp nghệ thuật phổ biến của nó là khoa trương, phóng đại, đồng thời nó cũng sử.. thần kỳ như cổ tích và thần thoại để làm cho câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn.

Có lẽ chúng ta hầu như ai cũng quen thuộc với những câu chuyện truyền thuyết Việt Nam nổi tiếng như: Sơn Tinh Thủy Tinh, Thánh Gióng, Lạc Long Quân - Âu Cơ... Tuy nhiên, ở bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những câu chuyện khác, về các sự tích, địa danh, nhưng không kém phần hấp dẫn, thu hút về nội dung, các mẹ có thể tham khảo để giúp bé tiếp nhận thêm nguồn kiến thức mới và phong phú hơn. 

Top 4 câu truyện truyền thuyết Việt Nam hay nhất, mẹ nào cũng nên đọc cho con nghe - 2

Ông cố ghép

Ngày xưa, ở dưới chân núi Hồng Lĩnh về phía Đông Nam, có một xóm nhỏ gồm mấy gia đình đánh cá. Họ luôn sống giữa những tiếng gầm thét của sóng biển. Nhưng không may, một ngày kia, một trận bão lớn đã cuốn đi khá nhiều nhân mạng cùng thuyền mảng và lưới chài xuống thuỷ phủ. Những người sống sót hết đường sinh nhai, đành rủ nhau ngày ngày lên núi kiếm củi đem về bán ở chợ.

Đó là nghề ít vốn nhất nhưng lại là nghề mệt nhọc nhất đối với họ, vì sườn núi phía họ ở mọc dựng đứng như bức tường, muốn leo núi với gánh củi trên vai không thể không đi đường vòng ngoắt ngoéo qua bao nhiêu thôn xóm khác. Thành ra, rừng thì gần nhưng đường thì lại quá xa. Cho nên mọi người ước làm sao có một con đường từ xóm thẳng lên núi để đi được nhanh chóng.

Bấy giờ trong xóm có một ông lão nhà nghèo sống với vợ con trong một túp lều. Người ta gọi ông là cố Đương, là vì hễ gặp việc gì khó khăn, bất kì việc của ai, ông đều ra đương lấy và quyết làm kì được.

Thấy việc trèo núi phải đi đường vòng rất xa, cố Đương cho là việc vô lý hết sức. Thường những lúc rảnh rỗi, ông vẫn một mình lần mò bám đá leo cây để tìm con đường đi kiếm củi gần nhất.

Nhưng mỗi khi đứng trước sườn núi cheo leo ông vẫn bực mình, nghĩ bụng: “Nếu không ghép đá thành bậc thang thì đừng có hòng vượt lên khỏi mấy cái dốc này!”. Ông đem ý ấy hỏi vợ. Vợ ông cho là việc điên rồ. Ông hỏi thử một vài người làng, họ đều lắc đầu bảo:

– Không được đâu cố Đương ạ! Chúng ta còn phải lo miếng ăn hàng ngày đã chứ!

Cố Đương trầm ngâm bảo họ:

– Cứ mỗi lần phải đi “năm xóm cây đa, ba xóm cây thị” để vào nơi lấy củi, tôi lại muốn lộn tiết lên được!

Năm tuần trăng trôi qua. Nghề kiếm củi đã trở nên nghề chính của mấy gia đình đánh cá thất bại kia. Họ đã yên tâm với nghề nghiệp mới. Chỉ trừ có cố Đương là chưa thật yên tâm. Một hôm cố bảo vợ:

– Từ ngày mai trở đi, bà gắng đi kiếm củi một mình. Còn tôi, tôi sẽ tìm cách trổ một con đường mới lên núi. Ngày nào tôi làm xong, hai vợ chồng mình tha hồ đi củi.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Người vợ vốn biết tính chồng hễ nói là làm, nhưng lần này thì bà hết sức can ngăn:

– Ông đừng có địch với vua, đừng có đua với trời. Già kề miệng lỗ rồi chứ còn trẻ trai gì nữa đâu!

Nhưng cố Đương an ủi:

– Bà đừng lo! Biển kia rất rộng người ta cũng vượt được. Dãy Giăng Màn rất cao người ta cũng trèo qua. Bạt núi này thành đường thực ra không khó. Một mình tôi cũng làm được. Bà hãy chịu khó ít lâu. Mai kia ta sẽ đi đốn củi gấp đôi gấp ba hôm nay, lúc ấy cả xóm chúng ta sẽ sung sướng.

– Ông định ghép bao lâu thì xong?

– Không nói trước được. Một năm chưa xong thì hai, hai năm chưa xong thì bốn. Nếu tôi chết đi mà vẫn chưa làm xong thì sẽ có người khác tiếp tục…

Thế là từ hôm đó, cố Đương ngày ngày mang một mo cơm lên núi. Ông bạt đất. Ông nhổ cây. Ông khiêng đá. Và ông ghép đá thành con đường tam cấp hướng thẳng lên núi.

Công việc biết bao nặng nề! Nhưng quả không có gì cản được cái chí con chim hồng chim hộc. Ông càng làm càng khoẻ, càng nhọc càng hăng. Cứ thế trong năm sáu tuần trăng, ông vẫn sớm đi tối về như không biết mỏi là gì. Người vợ không nhịn được nữa, một hôm kêu lên:

– Tội gì để cho mình ông đầu tắt mặt tối, cả nhà ông nheo nhóc rách rưới như thế. Ốc mang mình ốc chưa nổi lại còn mang cả cọc! Đường làm thành thì ai cũng đi, đâu có riêng mình ông. Thôi! Từ nay ông đi đâu thì đi, đừng có về nhà này làm gì nữa.

Nghe nói thế, cố Đương lựa lời dỗ dành vợ. Nhưng người đàn bà cố tình làm cho chồng nản chí. Bà ta nhất định không nuôi báo cô ông nữa.

Từ đấy ông thôi không về nhà, dựng một túp lều ngay bên chỗ mình làm việc. Hễ ghép được đến đâu ông lại dời lều đến đó. Thấy ông đói, những con vượn mang hoa quả đến cho ông.

Thấy ông đuối sức, những con bò rừng, những con nai ghé sừng nạy những tảng đá giúp ông. Rồi những con chim thay nhau ca hát suốt ngày để cho ông quên mệt. Về sau có mấy người trong xóm cũng tình nguyện đến làm với ông. Thấy thế, cố Đương như tăng thêm sức mạnh, càng miệt mài với công việc.

Cứ như thế, sau năm lần sim có quả, cố Đương đã mở được một con đường truông ngắn nhất từ xóm mình thông lên những đỉnh cao trên dãy Hồng Lĩnh. Ông đã ghép đá thành tam cấp của ba dốc núi khó đi nhất. Dân xóm lên núi xuống núi rất tiện và từ đó họ có thể trong một ngày kiếm được mấy lần củi.

Ngày nay, ở phía Nam Hồng Lĩnh, chỗ giáp giới hai huyện Nghi Xuân và Can Lộc có một cái truông gọi là truông Vắn hoặc gọi là truông Ghép. Cái tên cố Đương người ta quen gọi là cố Ghép.

Top 4 câu truyện truyền thuyết Việt Nam hay nhất, mẹ nào cũng nên đọc cho con nghe - 4

Sự tích sông Cửu Long

Cửu Long có nhiều tên, trong đó một tên rất quen thuộc với Việt Nam cũng như trên thế giới là sông Công. Công, tiếng Lào Thái có nghĩa là “chờ”. Tại sao lại gọi sông Chờ? Có một sự tích lí thú kể ra như sau:

Vào một thời xa lắc xa lơ có hai vị thần khổng lồ. Cả hai đều có tấm thân vĩ đại, sức lực rất khoẻ, có thể dời núi lấp biển chỉ trong khoảnh khắc. Tuy vậy mỗi thần lại kiếm ăn bằng một nghề khác nhau, do đó tính nết cũng không giống nhau.

Một bên thường ngày len lỏi núi rừng săn bắt thú vật; còn một bên thì ngồi một chỗ làm nghề câu. Một bên tính nóng nảy nhưng chân thật; còn một bên thì điềm đạm nhưng hay tính toán. Hai vị thần này chơi với nhau thân thiết. Mỗi lần bên này săn được mồi ngon hay bên kia câu được cá béo, thường đem biếu nhau hoặc mời nhau ăn uống vui vẻ.

Một hôm, chẳng hiểu vì sao giữa hai thần lại nổ ra một cuộc tranh cãi gay go. Suốt mấy ngày liền chẳng ai chịu nghe ai. Cuối cùng họ đi tìm trọng tài để nhờ phân xử. Gặp một thiên thần, cả hai bên đến trình bày đầu đuôi. Nghe xong câu chuyện của họ, vị thiên thần bảo:

– Chuyện này thật là khó xử. Thôi, bây giờ ta tạm giải quyết bằng cách thế này. Cả hai hãy làm một cuộc chạy đua, ai đến đích trước thì coi như người đó thắng cuộc. Hai vị có bằng lòng chăng?

Thấy cả hai đều gật đầu, thiên thần bèn dẫn họ đến một nơi cao ráo làm điểm xuất phát, giao hẹn rằng sau khi nghe một tiếng trống, hai bên phải chạy đúng hướng về góc đông nam, lấy biển làm đích.

“Thùng” tiếng trống lệnh vang lên. Hai cặp giò khổng lồ bắt đầu cất bước. Nhưng đoạn đường mở đầu này lại đầy hiểm trở. Khắp nơi núi non dựng đứng như bức trường thành hết lớp này đến lớp khác, muốn chạy cho nhanh đâu phải là dễ.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thần Săn vốn quen leo đồi vượt dốc nên chạy miết bất kể trở lực. Còn Thần Câu tỏ ra ngần ngại : “Dại gì leo trèo cho mệt. Ta cứ chạy theo thế núi, tuy có quanh co một chút nhưng đỡ mất công lên lên xuống xuống, đã nhọc lại lâu”. Nghĩ sao làm vậy.

Nhưng Thần đâu có ngờ rằng trong khi mình còn loanh quanh giữa những dãy núi trập trùng, thì đối phương cứ cắm cổ phóng tới, đạp bằng mọi bên, vọt qua các vực.

Chẳng bao lâu, Thần Săn đã bước đến cánh đồng bát ngát và bằng phẳng. Thần bèn ngồi lại nghỉ vì quá mệt. Thần Câu men theo chân núi chạy hoài, hồi lâu thấy sốt ruột, mới bay vọt lên cao để tìm.

Khi thấy Thần Săn đã sắp tới đích, Thần Câu rất lo, vội đáp xuống chạy rẽ về phía tây nam cho mau đến bờ biển gần nhất. Nhưng cũng muộn mất rồi. Thần Săn sau khi xả hơi, vội làm một mạch đến đích và được thiên thần cồng nhận thắng cuộc.

Ngày nay con đường Thần Săn chạy, đá văng đất lún, trở thành dòng sông. Dòng sông này thường thẳng nhưng đặc biệt có nhiều ghềnh thác.

Chỗ Thần Săn ngồi lại nghỉ nay là Biển Hồ. Còn con đường mà Thần Câu chạy thì không được liên tục. Một đoạn của nó cũng thành dòng sông, dòng sông này chảy hiền từ, ít ghềnh thác nhưng đặc biệt có lắm khúc quanh co.

Vì Thần Câu đến đích chậm nên con sông ấy cũng có tên là sông Chậm. Còn Thần Săn đến trước phải đợi chờ nên người ta cũng gọi con sông ấy là sông Chờ. Người ta còn nói vì Thần đi đi lại lại chờ đợi nên chỗ ấy trở thành chín cửa sông như chín con rồng, vì thế còn có tên là Cửu Long.

Top 4 câu truyện truyền thuyết Việt Nam hay nhất, mẹ nào cũng nên đọc cho con nghe - 6

Sự tích đầm Mực

Ngày ấy, vào đời nhà Trần có một cụ đồ nho ở xã Quang Liệt tên là Chu An. Học vấn của cụ sâu và rộng. Cũng vì tiếng tăm của cụ truyền khắp mọi nơi nên học trò xa gần đến học rất đông.

Về sau nhà vua nghe tiếng, vời cụ về kinh giao cho trông nom trường Quốc tử và dạy thái tử học. Cụ để nhà lại cho vợ con rồi đi nhậm chức. Nhưng được hơn một năm đã thấy cụ chống gậy trở về. Cụ bảo mọi người rằng:

– Ta không thể chịu được bảy tên quyền thần dối vua hại nước!

Từ đó, người ta thấy cụ trở lại nghề dạy học. Lần này những người đến xin “Nhập môn” đông vô kể. Cả một cái gò cao ở xóm Văn phải dựng thêm ba bốn mái nhà nữa mới đủ chỗ để chứa học trò. Nhà trong xóm chật ních những anh đồ nho, đủ mặt người kinh, người trại. Đó là chưa kể những người ở quanh vùng hàng ngày cơm đùm cơm gói đi về học tập.

Trong số học trò của cụ có hai anh em con vua Thủy. Nghe tiếng cụ đồ, vua Thủy cũng cho con lên học. Ngày ngày hai anh em đến bờ sông trút lốt thuồng luồng ở nước rồi lên đất, nói năng, cử chỉ không khác gì người trần.

Một hôm cụ đồ đang chấm bài thì anh trưởng tràng đến kể cho biết rằng sáng hôm nay, khi chưa rõ mặt người, anh có việc đi chợ huyện đến cầu Bưa tình cờ dưới sông có hai người đi trên mặt nước tiến vào bờ:

– Đúng là hai anh em nhà Gàn thầy ạ! Con đầu tiên sợ nhưng cũng cố đi theo. Quả nhiên họ vào đây. Thầy bảo bây giờ nên làm thế nào?

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cụ đồ gật gù đáp:

– Con cứ để yên mặc họ, con ạ! Nếu là quỷ thần mà họ chuộng đạo thánh hiền thì lại càng hay chứ sao!

Năm ấy, vùng Thanh Đàm trời làm đại hạn. Suốt từ cuối năm ngoái cho đến tháng Hai năm nay không có lấy một giọt mưa. Đồng ruộng nứt nẻ. Mấy đám lúa, đám ngô cứ héo dần. Thấy mọi người nhao nhác, cụ đồ sốt ruột không kém.

Một chiều kia sau buổi học, cụ đồ lưu hai anh em chàng Gàn ở lại rồi bảo:

– Thầy muốn các con thương đến dân một chút.

Hai anh em là bộ ngơ ngác không nói gì. Thấy họ còn giấu mình, ông cụ nói:

– Các con bất tất phải giấu. Thầy đã biết cả. Bây giờ đây chỉ có các con là cứu được dân sự. Các con hãy làm mưa cho họ nhờ.

Hai anh em đưa mắt nhìn nhau, hồi lâu bảo cụ:

– Dạ, nhưng hiềm vì sông hồ đều có lệnh “phong bế” cả thì lấy đâu ra nước bây giờ.

Ông cụ khẩn khoản:

– Các con nghĩ thử xem có thể lấy nước ở đâu được không. Không cứu được nhiều thì ta hẵng tạm cứu ít vậy!

Hai anh em ngần ngừ hồi lâu rồi chỉ vào nghiên mực đặt trên án thư, bảo cụ đồ:

– Dạ, oai trời thì rất nghiêm nhưng lời của thầy thì rất trọng. Chúng con xin vâng lời thầy. Chúng con sẽ dùng nước ở nghiên mực này tạm thấm nhuần trong một vùng vậy.

Cụ đồ mừng rỡ chạy lại án thư bê cái nghiên mực lớn còn đầy mực và cả quản bút lông của mình thường dùng, đưa cho họ. Hai anh em đỡ lấy rồi cả ba người cùng tiến ra bờ sông. Đến nơi họ xắn ống tay áo rồi sau đó em bưng nghiên mực, anh cầm quản bút nhúng mực vẩy lên trời nhiều lần. Đoạn họ vứt cả nghiên lẫn bút xuống nước, cúi vái cụ đồ rồi biến mất.

Đêm hôm ấy quả nhiên mây mù tối tăm rồi mưa một trận như trút. Cụ đồ vừa mừng vừa sợ, suốt đêm chạy ra chạy vào không ngủ. Sáng dậy, điều mà ai nấy đều lấy làm lạ là nước chỉ lênh láng suốt mấy cánh đồng trong vùng Thanh Đàm mà thôi. Hơn nữa sắc nước chỗ nào chỗ nấy đều đen như mực. Trận mưa đêm hôm đó quả cứu vớt được biết bao nhiêu là ruộng lúa, ruộng ngô và các hoa màu khác. Dân trong vùng Thanh Đàm lại vui vẻ như xưa.

Nhưng trong lúc đó ở thiên đình, các thiên thần đều lấy làm lạ về một trận mưa bất ngờ. Ngọc Hoàng nổi giận sai một thiên thần đi bắt cho được thủ phạm trị tội. Và cả hai anh em đều không thoát được khỏi lưới trời nghiêm ngặt: cả hai đều rơi đầu dưới lưỡi búa của thần Sét.

Xác của họ hiện nguyên hình là hai con thuồng luồng song đầu một nơi mình một nẻo, dạt vào gậm cầu Bưu. Cụ đồ nghe tin rất thương xót. Cụ khóc và cụ bắt tất cả học trò đưa đám chôn hai con thuồng luồng. Khăn áo hôm ấy trắng phau cả một bờ sông. Xác hai con vật được chôn cất một cách tử tế ở bên trên cầu và cũng đắp thành nấm như mộ của người.

Cái nghiên mực của cụ đồ Chu An sau đó trôi về làng Quỳnh Đô làm đen cả nước cái đầm ấy, ngày nay người ta vẫn quen gọi là đầm Mực. Còn quản bút thì trôi về làng Tó cho nên cho nên các cụ thường truyền rằng nhờ thế làng Tó tức làng Tả Thanh Oai bây giờ mời có lắm người học hành đỗ đạt. Còn chỗ ngôi mộ hai anh em thuồng luồng sau đó người ta lập miếu thờ ngày nay còn có tên là miếu Gàn.

Top 4 câu truyện truyền thuyết Việt Nam hay nhất, mẹ nào cũng nên đọc cho con nghe - 8

Sự tích núi Tản Viên

Ngày xưa, có một người tiều phu nghèo, hàng ngày từ sáng tinh mơ đã phải vác búa vào rừng đốn củi. Mọi lần anh thường chặt cây khô ở bìa rừng, được nặng gánh thì gánh về, nhưng lần này anh định chặt thêm một cây gỗ cứng để đem về chống túp lều tranh nên phải đi vào sâu trong rừng.

Đang đi, anh chợt nghe có tiếng trẻ khóc. Người tiều phu đứng lại nghe xem tiếng khóc ấy ở đâu đưa lại thì thấy ở phía trước mặt, dưới một lùm cây to có một con dê rừng rất lớn đang lấy chân trước bới một đống cỏ khô, tiếng khóc trẻ ở đống cỏ đó đưa ra.

Người tiều phu rón rén nấp sau một gốc cây lớn ở gần rình xem con dê làm gì. Con vật bới đống cỏ rất nhẹ nhàng, lộ dần ra một đứa trẻ còn đỏ hỏn, bụ bẫm, rồi nó nằm xuống cho đứa trẻ bú.

Đứa trẻ rít lấy rít để bầu sữa căng. Sau một lúc, con dê dứng dậy liếm mớ tóc bờm xờm của đứa trẻ rồi chạy đi. Con dê vừa đi khỏi thì một đàn chim bay đến, phủ những cỏ khô lên người đứa bé, chỉ trong chớp mắt lại bay vù cả đi. Người tiều phu lẩm bẩm một mình: “Số mệnh đứa trẻ này thật kỳ lạ”.

Anh đến bới đống cỏ khô thì thấy là một bé trai. Nhìn đứa trẻ tội nghiệp nên anh ta bế lên đem về nhà nuôi. Đứa bé rất chóng lớn, người tiều phu chăm nom đứa trẻ như chính con mình đẻ ra. Tin là đứa trẻ có một số mệnh kỳ lạ, anh đặt tên cho nó là Kỳ.

Lớn lên, Kỳ rất khoẻ mạnh, ngày ngày Kỳ vác búa theo cha nuôi vào rừng đốn củi. Một hôm, Kỳ chặt một cây lớn đến hai người ôm, chặt từ sáng tinh mơ đến nhá nhem tối mà vẫn chưa xong, nên đành bỏ dở ra về. Sáng hôm sau, đến gốc cây định chặt tiếp thì anh hết sức ngạc nhiên: Cái cây lớn chặt dở hôm qua bây giờ lại liền ruột, liền vỏ như chưa có một vết búa nào chạm đến.

Thấy thế, Kỳ không ngả lòng, anh lại giáng những nhát búa thật mạnh vào chỗ thân cây đã chặt hôm trước. Tuy anh gắng hết sức nhưng đến nhá nhem tối mà vẫn chưa hạ xong cây.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Sáng sớm hôm sau, Kỳ lại vác búa vào rừng định tiếp tục công việc còn đang bỏ dở thì anh lại thấy vết chặt hôm trước liền lại như cũ.

Không nản chí, anh lại bắt đầu chặt, nhưng đến lúc mặt trời khuất núi rồi mà vẫn chưa chặt xong. Lần này anh không về nhà nữa, mà quyết định leo lên một cây cao gần đó để rình xem ban đêm cây tự liền da liền thịt như thế nào.

Đến nửa đêm, trăng sao vằng vặc đầy trời, bỗng có một ông già chống gậy đi từ từ đến cái cây chặt dở. Ông cụ cầm gậy chỉ vào cây, trong chớp mắt vết chặt lại liền như cũ. Kỳ vội tụt xuống chạy đến hỏi ông già:

– Thưa cụ, tôi khó nhọc lắm mới sắp hạ được một cây lớn, sao cụ lại phá hỏng công việc của tôi như thế?

Ông cụ đáp:

– Ta là Thái Bạch tinh quân đây. Ta không muốn ngươi chặt cây cổ thụ này. Thôi, ta cho người cái gậy này, người đi tìm cây nhỏ mà chặt.

Nói xong, ông cụ trao cho Kỳ một cái gậy chống ở tay rồi biến mất.

Một hôm, đang đi chơi ở men sông, Kỳ nhìn thấy một con rắn lớn bị đánh dập đầu chết từ lâu, Kỳ cầm gậy chỉ vào đầu rắn. Đột nhiên rắn sống lại, vẫy đuôi, ngẩng đầu nhìn Kỳ, rồi bò xuống sông mất.

Một buổi tối, Kỳ đang ngồi trong túp lều tranh thì có một chàng trai tuấn tú, khăn áo chỉnh tề, đem châu báu đến tạ ơn Kỳ. Chàng xưng là Tiểu Long hầu – con của Long Vương ở biển Nam, bị lũ trẻ chăn trâu đánh dập đầu chết ở bờ sông và được Kỳ cứu sống hôm nọ.

Kỳ nhất định không nhận lễ vật. Chàng trai tỏ ý băn khoăn, cố mời cho được Kỳ xuống thủy cung chơi. Chàng đưa cho Kỳ một ống linh tê để rẽ nước đi xuống.

Thấy Kỳ xuống chơi, Long Vương rất lấy làm mừng rỡ, mở yến tiệc linh đình thiết đãi. Đến khi về, Long Vương đưa tiễn đủ các vật lạ dưới biển nhưng Kỳ vẫn nhất định không nhận. Sau Long Vương đưa tặng Kỳ một quyển sách và nói:

– Ngươi đã cứu sống con trai ta, ta không biết lấy gì đáp lại. Ban thưởng vật gì ngươi cũng không nhận. Ta có quyển sách ước này tặng cho ngươi. Dùng quyển sách này, ngươi muốn ước gì sẽ đều được như ý.

Kỳ nhận quyển sách ước và trở lại trần gian. Từ đó chàng cầu được ước thấy, có phép biến hoá trở thành một vị thần cứu nhân độ thế. Thần đi qua cửa biển Thần Phù, theo dòng sông lớn, đổ ngược mãi lên, tìm nơi đất cao phong cảnh đẹp để cắm chỗ ở.

Đến một nơi thấy có ngọn núi cao chót vót ba tầng, tròn như cái tán, thần hoá phép mở một con đường qua các động và các suối lên đỉnh núi và hoá phép thành lâu đài để ở.

Khi đã định cư rồi thần thường xuống núi đi xem khắp phong cảnh đẹp và dùng phép cứu giúp người dân gặp nạn. Ngọn núi thần là núi Tản Viên, nên người tai gọi thần là thần Tản Viên hay Sơn Tinh.

Top 4 câu truyện truyền thuyết Việt Nam hay nhất, mẹ nào cũng nên đọc cho con nghe - 10

Bài học hay từ những câu chuyện truyền thuyết Việt Nam

Truyền thuyết Việt Nam là những truyện truyền miệng kể lại truyện tích các nhân vật lịch sử đã được linh thiêng hóa hoặc giải thích nguồn gốc các phong vật địa phương theo quan điểm của con người, chứa đựng nhiều bài học giá trị lớn, không chỉ là kiến thức mới về cuộc sống mà còn bao hàm cả những bài học đạo đức, tình nghĩa của các mối quan hệ. 

Truyền thuyết Việt Nam không chỉ là kiến thức mới về cuộc sống mà còn bao hàm cả những bài học đạo đức, tình nghĩa của các mối quan hệ.

Truyền thuyết Việt Nam không chỉ là kiến thức mới về cuộc sống mà còn bao hàm cả những bài học đạo đức, tình nghĩa của các mối quan hệ. 

Truyện cổ tích hay nhất về các vì sao, giúp bé khám phá thế giới đầy sắc màu
Những câu chuyện cổ tích về các vì sao với nội dung đơn giản nhưng gửi gắm bài học hay về con người, cuộc sống.

Nuôi con khoẻ, dạy con khôn lớn

Hạ Mây
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Truyện cổ tích cho bé