Theo các chuyên gia, những đứa trẻ mạnh mẽ, dễ thành công thường có những đặc điểm sau đây.
Bố mẹ nào cũng mong có ngày được nhìn thấy con mình thành đạt, có cuộc sống hạnh phúc, sung túc. Vậy nên, nhiều phụ huynh bắt đầu áp dụng việc giáo dục sớm cũng như tạo điều kiện tốt nhất để con học tập, phát triển.
Theo các chuyên gia, một đứa trẻ có thể thành danh hay không thì nền tảng thường được xây dựng từ còn nhỏ, nếu khi còn nhỏ trẻ có những biểu hiện dưới đây thì khi lớn lên sẽ có nhiều triển vọng và dễ thành công hơn.
3 đặc điểm của đứa trẻ mạnh mẽ, dễ thành công
Biết bày tỏ ý kiến
Những đứa trẻ lạc quan có trái tim tích cực, không dễ dàng bỏ cuộc khi gặp khó khăn, điều quan trọng nhất là bản thân dám thể hiện.
Trong quá trình phát triển, trẻ học cách hình thành ý kiến cá nhân, mong muốn bày tỏ suy nghĩ và ý tưởng nhưng không phải đứa trẻ nào cũng biết cách thể hiện. Nếu nhận thấy có có thể bộc lộ bản thân một cách tích cực, cho thấy trẻ độc lập, có chính kiến rõ ràng và biết cách thể hiện mình tốt nhất. Đây được xem là tố chất quan trọng của những người thành công nói chung.
Việc bày tỏ ý kiến với người khác ở thời điểm phù hợp giúp trẻ trở nên mạnh mẽ hơn. Theo một chuyên gia tâm lý, việc này không dễ vì nhiều trẻ thường cảm thấy ngại. Bố mẹ có thể khuyến khích con nói lên suy nghĩ của mình và từ chối những yêu cầu con không muốn thực hiện.
Trẻ từ nhỏ được bố mẹ giáo dục đúng đắn lớn lên sẽ dễ thành đạt, có cuộc sống hạnh phúc, sung túc.
Đồng thời, để trẻ có một khả năng hùng biện tốt là rất quan trọng, bố mẹ nên rèn luyện kỹ năng diễn đạt cho trẻ nhiều hơn. Thông thường, mẹ có thể đưa trẻ tham gia một số hoạt động ngoài trời, để trẻ bày tỏ suy nghĩ của mình, để trẻ tham gia nhiều hơn khi có cơ hội lên sân khấu, rèn luyện lòng can đảm của trẻ.
Dám thừa nhận sai lầm
Nhiều trẻ thường giấu lỗi sai như quên làm bài tập, làm hư đồ đạc vì không muốn gặp rắc rối. Tuy nhiên, dám thừa nhận sai lầm là một trong những bước để trở nên mạnh mẽ. Trẻ đủ can đảm nhận lỗi sẽ xác định được sai lầm của bản thân và tự chịu trách nhiệm.
Như vậy, con cũng biết xin lỗi, tìm cách để không tái phạm. Trách nhiệm của phụ huynh là tạo cho con môi trường gọn gàng, ít cám dỗ và nhắc nhở khi con phạm sai lầm.
Trung thực và đáng tin cậy
Trung thực và đáng tin cậy là nền tảng của một con người, nếu trẻ từ nhỏ đã thích nói dối và không trung thực thì khó kết giao bạn bè và có được lòng tin của người khác.
Nhưng những người trung thực và đáng tin cậy thường sẽ nhận được sự tin tưởng của người khác. Vì vậy, rèn luyện cho trẻ tính trung thực và đáng tin cậy ngay từ khi còn nhỏ sẽ đưa trẻ tiến gần hơn đến thành công.
Nếu phát hiện ra trẻ có hành vi gian dối, bố mẹ nên giáo dục trẻ thật tốt, giúp trẻ biết đúng - sai, điều gì nên làm - không nên làm.
Trong quá trình trưởng thành trẻ sẽ gặp không ít khó khăn, điều này cần có sự đồng hành, hướng dẫn của bố mẹ.
Vậy bố mẹ cần dạy trẻ điều gì để con thành công?
Nhà tâm lý học người Mỹ đưa ra 4 kỹ năng trẻ cần học để phát triển sức mạnh tinh thần, năng lực xã hội, tự nhận thức, đạo đức nhằm thành công trong tương lai.
Sự tự tin
Theo nhà tâm lý học, chuyên gia nuôi dạy con người Mỹ Michele Borba, nhiều nghiên cứu chỉ ra những trẻ xem điểm số phụ thuộc vào năng lực và nỗ lực của bản thân sẽ thành công hơn trẻ nghĩ mình không thể kiểm soát kết quả học tập.
Sự tự tin sinh ra từ quá trình làm tốt việc cần làm, đối mặt với trở ngại, tìm ra giải pháp và tự khắc phục. Bố mẹ giải quyết vấn đề giúp con sẽ ảnh hưởng tới quá trình xây dựng lòng tự tin ở trẻ.
Nếu trẻ là người năng động trong suy nghĩ, trẻ sẽ có trí tưởng tượng rất lớn, có thể liên tưởng một việc thành nhiều điểm, điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho công việc sau này.
Đối với một số hoạt động công việc đòi hỏi phải đổi mới, trẻ có tư duy chủ động sẽ đưa ra những gợi ý mang tính xây dựng hơn, vì vậy việc trau dồi khả năng tư duy và sự tự tin của trẻ cũng vô cùng quan trọng.
Bố mẹ cũng có thể đưa trẻ đi thăm các viện bảo tàng, cùng trẻ thực hiện các hoạt động tương tác giữa bố mẹ - con cái nhiều hơn, cho trẻ chơi một số trò chơi trí tuệ để rèn luyện khả năng tư duy của trẻ và khiến trẻ trở nên năng động, tự tin hơn.
Sự tự tin và tính kiên trì giúp trẻ làm tốt việc cần làm, đối mặt với trở ngại, tìm ra giải pháp và tự khắc phục.
Lòng kiên trì
Lòng kiên trì giúp trẻ tiếp tục cố gắng khi gặp khó khăn, thử thách. Một số trẻ dễ bỏ cuộc khi cảm thấy quá tải. Vì thế, để rèn tính kiên trì cho con, phụ huynh nên chia nhỏ khối lượng công việc, bài tập để trẻ tập trung hoặc sẵn sàng bắt tay vào thực hiện hơn.
Ai cũng cần bỏ thời gian, công sức mới đạt mục tiêu. Khi trẻ không muốn nỗ lực, bộ não sẽ thuyết phục con từ bỏ. Trong khi đó, đứa trẻ mạnh mẽ sẽ kiên trì, tiếp tục chăm chỉ kể cả khi không thích.
Thông thường, người kiên trì sẽ thành công và nhận ra bản thân mạnh hơn mình tưởng. Bố mẹ có thể ở bên cạnh, động viên để con kiên cường theo đuổi mục tiêu.
Bố mẹ cũng nên dạy con hiểu được ý nghĩa của sự thất bại, đôi khi thất bại có thể khiến trẻ thấy xấu hổ, thất vọng, bực bội. Nhưng thực tế, sẽ giúp trẻ thêm mạnh mẽ biết cách học hỏi từ sai lầm, điều này giúp con tự tin và chuẩn bị tâm lý tốt để đương đầu với khó khăn, thử thách sau này.
Biết làm chủ cảm xúc
Bố mẹ nên dạy trẻ khả năng kiểm soát sự chú ý, cảm xúc, suy nghĩ, hành động và mong muốn. Hãy rèn cho trẻ tính tự chủ bằng cách sử dụng tín hiệu để trẻ tuân thủ, hướng dẫn con tạm dừng khi căng thẳng, ví dụ, họ có thể dặn con dừng lại, đếm đến 10 khi cảm thấy tức giận.
Bố mẹ cũng có thể đưa trẻ đi thăm các viện bảo tàng, hay cùng trẻ thực hiện các hoạt động tương tác giữa bố mẹ - con cái nhiều hơn.
Tinh thần lạc quan
Tinh thần lạc quan giúp trẻ coi những khó khăn, thử thách chỉ mang tính tạm thời và mình có thể vượt qua được. Nhờ đó, khi trưởng thành, với tính cách này, trẻ dễ thành công hơn.
Cách tốt nhất để dạy con lạc quan là bố mẹ nêu gương, tức bản thân cần sống lạc quan, để con cảm nhận được tinh thần đó.