Truyện cổ tích: 3 câu chuyện về các loài vật, giúp bé thư giãn

Thi Thi - Ngày 02/09/2022 20:56 PM (GMT+7)

Những câu chuyện cổ tích giải thích một số hiện tượng tự nhiên, cũng như gửi gắm bài học hay trong cuộc sống.

Truyện cổ tích: 3 câu chuyện về các loài vật, giúp bé thư giãn - 2

Vụ kiện châu chấu

Ngày ấy có một con châu chấu mải mê kiếm ăn lạc mất đường về. Tối đến, trời rét lại mưa rơi rả rích, làm cho châu chấu ta run rẩy. Nó muốn tìm một chỗ ngủ, nhưng bóng đen dày đặc chẳng biết đường nào mà lần.

– “Ta có bò liều may gặp chỗ nào khỏi ướt thì nằm tạm một đêm”. Nghĩ vậy, chấu ta cứ lồm cồm bò mãi trên một cành cây mới bám được. Cuối cùng, không ngờ nó lại lọt vào nhà chim ri. Đến đây, châu chấu thấy ấm áp dễ chịu. Nhưng một tiếng hỏi cất lên:

– Đêm hôm khuya khoắt, ai vào nhà tôi đó ? Khéo kẻo đạp lên mấy đứa con tôi!

Thấy chim ri mẹ đứng lên hỏi thế, chấu rên rỉ đáp không ra hơi:

– Tôi là chấu đây!… Đêm lạnh quá… Làm ơn cho ngủ nhờ một đêm, sáng dậy là đi ngay.

– Nhà rách nát chật chội, mấy mẹ con nằm không đủ. Thôi chú tìm nơi khác đi!

Nhưng chấu vẫn van nài:

– Cho tôi ghé lưng nằm một tí phía ngoài này cũng được, kẻo tôi lạnh cóng không thể bước đi đâu được nữa.

Nghe nói, chim ri mẹ thương hại, bèn đáp:

– Thôi được, cho chú mày nằm ghé bên kia, nhưng phải co cẳng kẻo đạp vào mấy đứa con ta.

Thế là chấu xếp hai càng vào bụng, đặt lưng ngay bên cạnh mấy con bé của chim ri. Chỉ một chốc sau, chấu cũng như chim ri ai nấy đều ngon giấc.

Đang ngủ say sưa, bỗng nhiên một tiếng nai kêu “tác” bên cạnh nhà. Tiếng kêu quá to làm cho châu chấu giật mình tỉnh dậy. Chấu vươn vai rồi quên mất lời chim ri dặn, duỗi thẳng đôi cẳng dài thượt của nó. Nhà chim ri vốn đặt lơ lửng trên một cành na, nhà quá rách nát vì gió đánh tả tơi lâu ngày chưa kịp chữa. Châu chấu duỗi mạnh đôi càng làm cho cả một chỗ nằm răng rắc:

– Ôi chao! Đổ mất, đổ mất.

Chim ri mẹ kêu tướng lên. Quả nhiên cái duỗi chân của chấu đã làm hại nó. Mấy con chim con bị đạp dồn về một phía, cái nhà nghiêng hẳn, chỉ một chốc rời khỏi cành na, một con chim non còn ngủ say cũng lăn theo và rơi tõm xuống sông. Mẹ con chim bay loạn xạ đi tìm thì nó đã bị nước cuốn trôi mất.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tức giận, vì châu chấu tự dưng vô cớ đến gây tai họa cho nhà mình, sáng hôm sau mẹ con chim ri bèn đi kiện châu chấu với Bụt. Nghe nguyên cáo trình bày đầu đuôi, Bụt liền theo đến tận nơi xem xét rồi gọi châu chấu đến hỏi:

– Tại sao nhà ngươi đêm hôm đến làm hại nhà người ta?

Châu chấu cúi đầu nhận rằng quả nó có gây tang tóc cho nhà chim ri, nhưng nó cũng cho Bụt biết rằng nó vốn không có ác ý:

– Tôi không phải là kẻ vô ơn bạc nghĩa đâu. Vì con nai tự dưng ở đâu đến kêu thét vào tai làm cho tôi giật nảy mình. Chính vì thế mà tôi duỗi chân theo thói quen nên mới ra nông nỗi.

Thấy châu chấu thức tỉnh nên Bụt cũng thương hại, bèn cho gọi nai đến, kể cho nai biết đầu đuôi sự việc xảy ra, rồi bảo:

– Nhà đổ, con chết, rõ ràng là tại tiếng kêu thét của nhà ngươi. Tại sao nhà ngươi đêm hôm khuya khoắt đến đây kêu rống lên làm gì để gây nên tai vạ?

Nai vội vàng trả lời:

– Oan tôi quá! Lúc ấy tôi cũng đang lim dim đôi mắt. Tự nhiên một quả na xanh rơi xuống trúng vào mặt làm tôi toáng đảm kêu lên. Vậy là tại quả na chứ không phải tại tôi.

Nghe nai bày tỏ có lý, Bụt quay sang hỏi cây na:

– Vì sao ngươi lại để cho quả xanh rơi trúng vào mặt con nai, làm cho nó hét tướng lên, gây tai vạ cho nhà ngươi. Người đã biết tội chưa?

Na đợi Bụt buộc tội xong, lập tức trả lời:

– Bẩm ngài. Tôi đâu có muốn quả xanh của tôi rơi. Vì con sâu nó làm hại tôi, nó cắn cuống quả xanh, cho nên quả mới rụng đấy ạ!

Đến lượt sâu được Bụt sai gọi đến kể cho nghe sự tình rồi kết tội:

– Nhà ngươi đã thấy rõ chưa? Nếu nhà ngươi không cắn quả na xanh thì làm gì có tai vạ xảy đến cho nhà chim ri. Vậy ngươi không tránh được tội lỗi.

Nhưng Bụt không ngờ sâu cũng không nhận tội. Sâu đáp:

– Bẩm ngài, tôi vốn sống yên ở trong đám lá khô dưới kia. Ở đó tôi có nhiều thức ăn ngon lành. Nhưng mấy hôm nay có con gà ở đâu đến sục sạo tìm giết cả họ nhà tôi rất kinh khủng. May mắn làm sao, tôi ba chân bốn cẳng bò được lên đây.

Chẳng có gì nhét vài bụng nên tôi phải gặm chút vỏ quả na cho đỡ đói. Nếu có rơi trúng vào nai hay con gì khác thì điều đó không phải tại tôi mà là tại con gà kia.

Lại đến lượt gà được gọi đến đối chất. Gà vốn không phải quê tại khu vực này. Nó có một đàn con. Mẹ con thường dẫn nhau đi kiếm ăn. Nhưng thức ăn ngày một hiếm. Ngày hôm kia, mẹ gà nhờ được vịt, chỗ quen biết chở qua sông hứa sẽ xin ấp trứng để đến ơn.

Vì thế mấy hôm gà được no bụng. Nhưng khi nghe Bụt buộc tội vì đã gây vạ cho chim ri, gà đờ người không biết tìm câu gì để chống chế vì khu vực này không phải quê quán của mình. Hỏi đến ba lần, gà không trả lời được, nên bị Bụt giam lại.

Bầy con của gà có bốn con mái một con trống. Khi nghe vịt cho biết là mẹ mình bị giam ở bên kia sông thì chúng nó hết sức hốt hoảng. Chúng khẩn khoản nhờ vịt chở sang thăm mẹ. Bốn con gà mái nhớ thương mẹ quá tranh đi trước.

Chúng nó chỉ biết kiếm sâu tìm mồi nuôi mẹ mà không biết kêu van với Bụt để mẹ được tha, nên cuối cùng lại về không. Hôm sau đến lượt con trống con đi thăm, mẹ nó kể đầu đuôi sự tình vì sao Bụt bị bắt giam, gà trống con bèn đi tìm Bụt rồi phân trần:

– Bẩm ngài, ngài bắt giam mẹ con quả thật oan ức.

Bụt chau mày, hỏi:

– Lại còn oan nỗi gì. Nếu mẹ ngươi cứ kiếm ăn ở bên kia sông đừng qua bên này, thì làm gì có chuyện con sâu bò lên cắn quả na xanh, làm gì có chuyện quả na xanh ấy đứt cuống rơi vào mắt con nai để con nai kêu thét lên, rồi làm gì có chuyện con châu chấu giật mình duỗi chân đạp đổ nhà chim ri và làm cho con nó chết. Chính thủ phạm là mẹ ngươi, ngươi còn kêu oan nỗi gì.

Gà trống con lễ phép thưa:

– Bẩm ngài, chính vì thế mà con phải kêu oan cho mẹ con, vì rõ ràng trong lục súc sáu loài, loài nào loài ấy khi sinh con đẻ cái đều được trời cho có sữa nuôi con, riêng loài gà chúng con thì tuyệt nhiên không có lấy một giọt sữa.

Vì thế gà phải chạy vạy tần tảo nuôi con. Mẹ con phải vất vả đi các nơi khác kiếm ăn là vậy. Bên kia người khôn của khó nên phải lần mò sang bên này. Tình cảnh khó khăn buộc phải thế, đâu có phải là tội tại mẹ con!

Bụt thấy gà trống con cãi cho mẹ có lý có lẽ, đành phải thả cho mẹ nó về.

Thấy gà trống bé người mà khôn ngoan, ai nấy đều khen ngợi. Từ đó mỗi lần có kiện tụng việc gì, người ta thường mang gà trống theo, hy vọng nhờ sự có mặt của nó mới thắng kiện. Còn gà thì phải ấp trứng vịt để trả ơn, dòng dõi của nó sau này vẫn thế.

Truyện cổ tích: 3 câu chuyện về các loài vật, giúp bé thư giãn - 4

Thỏ thầy kiện 

Ở một làng kia, có hai người láng giềng, một người tốt, siêng năng, hiền lành, một người tham lam, quỷ quyệt. Người tốt tên là Rốc-say. Người xấu tên là Thi-say.

Một hôm hai người rủ nhau vào rừng đặt bẫy thú. Rốc-say đặt bẫy dưới đất, còn Thi-say đặt bẫy trên cây. Xong đâu đấy, cả hai cùng quay về nhà ngủ.

Mờ sáng hôm sau, Thi-say trở dậy, lần ra rừng. Chàng ta trèo lên cây, thấy bẫy rỗng không, chẳng có con thú nào mắc bẩy của mình cả. Thi-say liền mò sang bẫy của Rốc-say. Một con hươu đã bị mắc bẫy. Thi-say liền tháo ngay bẫy của Rốc-say, vác con hươu, trèo lên cây, mắc vào bẫy của mình. Xong đâu đấy, anh ta quay về nhà, làm nốt giấc ngủ còn dở dang.

Khi Rốc-say ra xem bẫy thì thấy bẫy của mình đã sập, trong bẫy còn vết máu, nhưng thú thì chẳng thấy đâu. Anh biết ngay là có kẻ đã vớt phỗng tay trên mất con thú của mình. Anh lần theo vết máu dưới đất để tìm. Vết máu dẫn Rốc-say tới gốc cây có bẫy của Thi-say. Chàng ta vội trèo lên cây thì thấy con hươu của mình nằm gọn trong bẫy của ông bạn láng giềng.

Anh về nhà, kể lại chuyện ấy cho vợ nghe, rồi nói:

– Chuyện đâu có chuyện lạ đời. Hươu mà lại biết chạy lên cây chui vào bẫy! Đúng là Thi-say đã đánh tráo con hươu của mình.

Vợ Rốc-say liền xui chồng đi kiện. Anh chàng nghe lời, vội đi trình quan ngay. Quan cho đòi cả hai bên nguyên, bị [1] lên hầu, rồi xử rằng:

– Xưa nay vật nào đã nằm ở đất của nhà ai, thì thuộc về nhà ấy. Con hươu đã nằm trong bẫy của Thi-say, vậy thì Thi-say được con hươu ấy.

Xử xong, quan cho hai người về. Nhưng Rốc-say không chịu. Anh ta xin quan hoãn việc thi hành bản án lại một ngày để anh ta tìm thầy kiện. Quan bằng lòng và hẹn đến sáng sớm ngày sau sẽ xử lại vụ kiện này. Rốc-say ra về, lòng buồn phiền, mặt cau có, giận dữ vì nỗi thua kiện oan. Dọc đường anh tình cờ gặp một con thỏ đang gặm cỏ ở bên đường. Thỏ hỏi:

– Này bác, có việc gì mà vẻ mặt bác buồn phiền làm vậy?

– Đang bực mình vì thua kiện đây – Rốc-say trả lời. Rồi anh chàng Rốc-say đem đầu đuôi câu chuyện kể cho Thỏ nghe.

Nghe xong, Thỏ nói:

– Này bác, để đấy tôi giúp cho. Nhưng nếu mà được kiện thì bác trả công tôi những gì?

Rốc-say trả lời:

– Được ta sẽ biếu chú năm “bất”.

Thỏ cười:

– Tôi thì cần gì tiền. Chỉ cần bác cho tôi một nải chuối thật to, chín là tốt rồi.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Rốc-say trả lời:

– Cái đó thì có khó gì! Nếu chú giúp ta được kiện, ta sẽ biếu chú cả buồng chuối, chứ chẳng phải là một nải chuối đâu.

Hai bên tạm biệt nhau, hẹn sáng mai lại gặp.

Sáng sớm hôm sau, Rốc-say ra chỗ hẹn gặp Thỏ. Nhưng đợi hoài mà chẳng thấy Thỏ đâu. Mãi đến lúc mặt trời đã lên cao bằng con sào mới thấy Thỏ lững thững đi tới. Thỏ gặp Rốc-say chào hỏi vồn vã, nhưng chẳng nói gì tới việc kiện cáo cả. Nó hỏi Rốc-say:

– Thế nào, bác đã sắp sẵn chuối cho tôi chưa?

Rốc-say sốt ruột trả lời:

– Đâu đã vào đấy rồi. Nhưng này, ta đi hầu kiện thôi chứ, quá muộn rồi!

Nhưng thỏ vẫn nhở nhơ gặm cỏ, chơi đường, làm như không biết gì đến vẻ sốt ruột của Rốc-say. Nó bảo:

– Trời hôm nay nóng thật!

Rốc-say ừ hừ cho qua chuyện, rồi lại giục:

– Này, chú Thỏ, đi thôi chứ? Quan hẹn là sáng sớm đã phải có mặt rồi!

Lúc ấy, Thỏ mới nói:

– Đừng có cuống lên thế. Mọi việc đã có tôi thu xếp, bác cứ để mặc tôi.

Nói đoạn, Thỏ lại nằm khểnh, gãi đầu, gãi bụng. Rốc-say nén lòng đợi một lúc, nhưng rồi ruột nóng như lửa đốt, anh lại nói:

– Chú định thế nào, chú Thỏ! Quá hẹn lâu rồi!

Thỏ bực quá, gắt lên:

– Đã bảo là cứ mặc tôi mà lại! Lúc nào tôi thấy cần đi, tôi khắc bảo.

Thỏ đợi đến lúc mặt trời gần đứng bóng mới cùng Rốc-say đi đến quan hầu kiện. Lúc ấy đã gần tan buổi hầu. Quan thấy Rốc-say đến liền mắng:

– Sao bây giờ ngươi mới vác mặt đến? Đã đến muộn như vậy thì ta cho ngươi biết tay: ta sẽ không xử lại nữa, cứ y án [3] hôm qua mà thi hành!

Thỏ lúc ấy mới tiến ra. Nó vái chào quan rất cung kính, rồi nói:

– Xin quan hãy bớt giận. Để cho bác Rốc-say đến hầu kiện muộn, chính là tại tôi. Tôi đã giữ bác Rốc-say lại đường để cùng xem chuyện kì lạ! Từ thuở cha sinh mẹ đẻ, quả là bây giờ tôi mới thấy là một! Quan mà trông thấy việc kì lạ như vậy, thì chắc chắn là quan cũng không thể nhấc chân mà bước đi được.

Quan nghe Thỏ nói thế, lấy làm lạ, ra lệnh:

– Ngươi hãy kể chuyện ấy cho ta nghe xem nào!

Thỏ liền nói:

– Bẩm vâng! Số là tôi đang đi ở giữa đường, thì bỗng thấy một đàn cá đông không biết đâu mà kể. Chúng bò lên đường rồi nối đuôi nhau leo thẳng lên cây, hái quả ăn. Bẩm quan, quả là như vậy, tôi cứ đứng sững mà nhìn, không sao đi được nữa.

Quan nghe đến đây thì đập bàn quát:

– Nói láo. Ngươi nói không thể tin được. Đời thuở nhà ai mà lại có chuyện cá trèo lên cây hái quả ăn.

Thỏ đợi quan nói xong, liền mỉm cười, nói:

– Bẩm quan, thế mà có người lại cho là thực đấy. Có đời thuở nhà ai hươu lại trèo lên cây chui vào bẫy không? Quan không tin là cá biết trèo cây thì sao quan lại cho là hươu biết trèo? Tại sao quan lại cho Rốc-say thua kiện?

Nghe Thỏ nói vậy, quan tỉnh ngộ, hỉu ngay bản án hôm trước, cho Rốc-say được kiện, bắt Thi-say phải trả con hươu lại cho Rốc-say.

Rốc-say sung sướng vác hươu, cùng Thỏ đi về. Và tất nhiên, Thỏ đã được chén một bữa chuối no nê, thỏa thích.

Truyện cổ tích: 3 câu chuyện về các loài vật, giúp bé thư giãn - 6

Con ngựa mù

Ngày xưa lâu lắm rồi, trên đất nước Nga có một thành phố buôn bán sầm uất ở gần cửa biển. Ở thành phố ấy có một thương nhân rất giàu có.

Thuyền ông ta chở hàng đi khắp bốn biển năm châu nên ông ta thu được nhiều bạc vàng, mua sắm được nhiều vật quý. Nhưng quý nhất là con ngựa, một con ngựa tuyệt vời, chạy nhanh như gió, ông ta đặt tên nó là Truy phong. Trừ ông ta, chẳng ai dám cưới và ông ta cũng chỉ thích cưỡi con ngựa ấy mà thôi!

Một hôm, ông ta cưỡi con Truy phong đi đâu về, phải qua một cánh rừng. Trời đã tối. Cánh rừng âm u, xung quanh vắng lặng, chỉ nghe tiếng gió rì rào trên ngọn cây. Đường còn xa, con ngựa đã thấm mệt, ông ta cho nó đi nước kiệu.

Bỗng, sau gã, mặt hung dữ, từ trong bóng cây nhảy ra, giật lấy dây cương con Truy phong. Không phải con ngựa quý ấy, có lẽ ông ta không bao giờ còn nhìn thấy thành phố quê hương của mình nữa!

Con Truy phong lồng lên, đưa ngực ẩy hai tên cướp ngã dụi, giẫm lên thằng thứ ba, rồi phi nước đại, bụng sát đất, vút đi như cơn lốc. Những tên còn lại nhảy lên ngựa đuổi theo. Nhưng đuổi sao kịp con Truy phong!

Nửa giờ sau, nó đã về đến thành phố. Thương nhân thoát nạn, mừng rỡ, nhảy xuống vuốt ve con ngựa quý, bấy giờ đã mệt lả, bọt mép chảy ròng ròng. Thấy mà thương, ông ta thề sẽ nuôi dưỡng nó đến già, không bán cho ai bằng bất cứ giá nào!

Sau chuyến đó, con Truy phong ốm, quỵ dần, chân yếu hẳn, hai con mắt trắng dã. Nó mù rồi! Chủ nó buồn. Nhưng ông ta vẫn nhớ lời thề. Có điều nhớ lời thề là một chuyện, mà thực hiện lời thề lại là chuyện khác!

Được sáu tháng, ông ta mua một con ngựa mới, tuy không bằng con Truy phong, nhưng cũng là ngựa tốt. Một cái chuồng mà nhốt hai con ngựa thì không ổn, ông ta đành phải cột con Truy phong ra ngoài, dành chỗ cho con ngựa mới.

Sáu tháng nữa, ông ta nhận thấy con ngựa mù không còn được việc gì, mà cũng mỗi ngày ăn hai đấu thóc như con kia thì không công bằng. Chỉ nên cho mỗi ngày một đấu, dành phần cho con kia ăn lấy sức.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Càng nghĩa, ông ta càng thấy mình phải. Cuối cùng, ông ta quên hẳn những lời mình thề thốt. Mỗi ngày một đấu thóc, vẫn còn tốn, chi bằng thả nó ra, nó đi đâu thì đi, mình không tự tay giết nó là được rồi!

Con Truy phong không còn biết đi đâu, cũng chẳng thấy đường mà đi. Thả ra, nó đứng một hồi trước cổng, đầu gục xuống, tai vẫy vẫy xua muỗi. Trời tối. Tuyết xuống.

Con vật tội nghiệp, bụng đói, phải mò đi kiếm cái ăn. Nó bước từng bước một, thỉnh thoảng ngửng đầu lên đánh hơi xem có nắm cỏ, nắm rơm nào chăng, đâm vào bụi rậm không biết bao nhiêu lần!

Thuở ấy, nhiều thành phố của Nga không phải do một vị hoàng tử nào cai quản, mà người dân tự cai quản lấy, tự quyết định những việc hệ trọng. Cho nên giữa quảng trường có treo một quả chuông trên cái chòi tranh. Ai có điều oan khuất thì đến đó kéo chuông, người dân sẽ tụ tập lại mà xử.

Con ngựa mù ấy vô tình đến đây, vấp phải chòi tranh, định rút một nắm tranh ăn đỡ đói. Không ngờ, ngậm phải sợi dây chuông, nó giật giật. Tiếng chuông vang lên.

Nghe tiếng chuông đổ hồi, mọi người kéo nhau ra. Người dân chẳng ai lạ gì con Truy phong, họ còn biết chuyện nó cứu chủ như thế nào, những lời chủ thề thốt với nó ra sao. Bây giờ, họ rất đỗi ngạc nhiên thấy nó giữa quảng trường, mắt mù, bụng lép kẹp, mình đầy tuyết, đang run lẩy bẩy.

Mọi người hiểu ngay, liền cho đòi chủ nó ra trước tòa. Ông ta viện hết cớ này có nọ nhưng người dân không tha thứ cho một con người bội bạc như thế, bắt ông ta phải tôn trọng lời thề, nuôi dưỡng con Truy phong cho đến ngày nó chết. Quyết định được khắc vào tấm đá đặt trước quảng trường, ông ta không trốn tránh được nữa.

Truyện cổ tích: 3 câu chuyện về các loài vật, giúp bé thư giãn - 8

Bài học hay từ những câu chuyện cổ tích

Những câu chuyện cổ tích giải thích một số hiện tượng tự nhiên, cũng như gửi gắm bài học hay trong cuộc sống.

Những câu chuyện cổ tích giải thích một số hiện tượng tự nhiên, cũng như gửi gắm bài học hay trong cuộc sống.

Truyện cổ tích: 3 câu chuyện cổ tích chủ đề khác nhau nhưng mang đến bài giá trị
Những câu chuyện cổ tích với các chủ đề khác nhau nhưng nội dung thú vị, truyền tải bài học ý nghĩa.

Nuôi con khoẻ, dạy con khôn lớn

Theo Thi Thi
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Nuôi con khoẻ, dạy con khôn lớn