Truyện cổ tích: 3 câu chuyện cổ tích Andersen hay và ý nghĩa nhưng ít được kể

Thi Thi - Ngày 14/08/2022 20:35 PM (GMT+7)

Một số câu chuyện cổ tích Andersen hay và ý nghĩa, nhưng ít ai biết đến, mẹ hãy kể thêm cho bé nghe.

Truyện cổ tích: 3 câu chuyện cổ tích Andersen hay và ý nghĩa nhưng ít được kể - 2

Người nào, vật nào chỗ nấy

Cách đây hơn 100 năm.

Phía sau rừng, gần các hồ lớn, là một tòa lâu đài cổ có hào sâu bao quanh, trong hào mọc đầy cây cối và lau sậy. Sát bên cầu, đi vào cổng cái, có một gốc liễu cổ thụ nghiêng mình xõa cành lá trên mặt hào. Một cô bé chăn một đàn ngỗng đang qua cầu.

Trong khe núi bỗng vang lên tiếng kèn săn và tiếng vó ngựa.

Cô bé chăn ngỗng vội vã xua đàn ngỗng ra khỏi cầu để tránh đoàn người săn bắn đang phi ngựa về. Họ phóng nhanh đến nỗi cô phải nhảy vội xuống một bên thành cầu để khỏi bị hất ngã.

Cô bé xinh xắn, mảnh dẻ, nét mặt dịu hiền, đôi mắt sáng ngời. Lão chúa đất không nhận thấy điều đó. Trong lúc phóng ngựa hắn quay tít chiếc roi ngựa cầm trong tay. Vốn tàn bạo, hắn cảm thấy khoái trá khi quật cô một roi trúng giữa ngực làm cô ngã nhào.

– Người nào chỗ nấy! – Hắn quát lên rồi cười ồ, rất khoái trá về hành động của mình, và những đứa khác cũng cười theo. Cả bọn làm ầm ĩ, chó sủa vang và người ta nghe loáng thoáng câu hát cổ:

Đàn chim đẹp theo gió bay về…

Cô bé chăn ngỗng đáng thương bị quật ngã, khóc sướt mướt. Cô túm được một cành liễu rủ, nên người bị treo lửng lơ trên mặt nước.

Đoàn người săn bắn qua rồi, cô mới vùng vẫy để thoát thân, nhưng cành liễu gẫy và cô sắp rơi ngã lộn nhào vào bụi lau thì một bàn tay khỏe mạnh bỗng nắm lấy cô.

Đó là anh chàng bán giày rong đã nhìn thấy cô từ đằng xa và vội chạy lại cứu cô.

– Người nào chỗ nấy! – Anh vừa mỉa mai nhắc lại lời tên chúa đất rồi đặt cô bé lên lề đường.

Nói rồi anh cắm cành liễu gẫy vào chỗ của nó. Nói là “chỗ của nó” kể cũng quá đáng, đúng ra là anh cắm xuống đất xốp và bảo cây rằng:

– Nếu mọc được thì mọc lên và hãy cho cái bọn ở trên cao kia một cái sáo kêu tốt nhé.

Xong anh đi vào lâu đài, nhưng vì thân phận bé nhỏ nên anh không vào phòng khách. Anh trà trộn với bọn người hầu, họ xem hàng của anh và mua cho anh mấy đôi giày.

Xung quanh một cái bàn lớn, ở trên gác, vang lên một thứ tiếng huyên náo, đáng lẽ phải là tiếng ca lời hát, song bọn khách ấy chỉ cố gắng được đến thế, khiến tiếng hát của chúng nghe như tiếng la hét hoặc tiếng chó sủa, bọn chúng đang chè chén.

Rượu vang và rượu bia chảy như xối vào bình, vào cốc. Đàn chó cũng được vào phòng tiệc. Một gã trẻ tuổi cầm lấy tai dài của chó lau bọt mép cho chúng rồi lần lượt ôm lấy chúng mà hôn hít.

Bọn chúng cho gọi anh hàng giày lên, nhưng mục đích chỉ là để trêu chọc anh mà thôi. Chúng bắt anh chàng khốn khổ ấy uống rượu vang đựng vào một chiếc bít tất. Chúng giục anh:

– Mau lên!

Cái trò chơi quái dị đến nỗi chúng cười lên như phá. Đoạn chúng xoay ra cờ bạc. Hàng đàn súc vật, những trang trại và đất đai được chúng đem ra đặt cược với nhau.

– Người nào chỗ nấy! – Anh thợ giày kêu lên khi anh vừa thoát khỏi cái nơi dâm loạn, rượu chè cờ bạc ấy. Đường cái mới chính là chỗ của anh ta, chứ không phải nơi nhà cao cửa rộng kia.

Cô bé chăn ngỗng từ con đường nhỏ cũng ra hiệu tỏ vẻ đồng tình với anh.

Nhiều ngày tháng trôi qua. Cái cành liễu gẫy mà anh thợ giày đã cắm xuống bờ hào trở nên xanh tươi, nhú lên những mầm non. Cô bé rất lấy làm sung sướng thấy liễu đã bén rễ, vì cô cho rằng cây liễu ấy hình như là của mình.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nhưng, liễu càng tươi tốt lên thì ngược lại, ở lâu đài cuộc sống càng lụn bại vì cờ bạc và tiệc tùng, hai thứ đó là hai con tàu mà con người nhất thiết không nên leo lên.

Mười năm chưa kịp trôi qua mà lão chúa đất đã phải lìa lâu đài, vác bị, gậy đi ăn xin. Lâu đài phải bán cho một ông hàng giày giàu có, người mà xưa kia bọn chúng đã bắt uống rượu đựng trong bit tất.

Tính siêng năng và lòng chính trực là những người giúp việc tốt, chúng đã đưa anh hàng giày lên địa vị chủ nhân, nhưng có cái là từ khi ấy trong lâu đài không có nạn cờ bạc nữa.

Chủ nhân mới cưới vợ. Cưới ai thế? Chính cô bé chăn ngỗng từ trước đến nay vẫn đáng yêu, hiền từ và tốt bụng. Bận quần áo mới vào trông cô lộng lẫy như con nhà quyền quý vậy. Câu chuyện sao lại thành ra như thế nhỉ? À! Kể ra thì hơi dài dòng, nhưng sự thực là như thế đấy và đoạn sau lại đáng kể hơn.

Người ta sống êm ấm trong tòa lâu đài cổ kính. Bà chủ đích thân làm công việc nội trợ; ông chủ thì quán xuyến mọi việc bên ngoài. Thật là có phúc lắm thay! Vì nơi nào đã có hạnh phúc thì những sự thay đổi cũng chỉ mang thêm hạnh phúc đến mà thôi.

Tòa lâu đài được lau chùi và quét vôi lại. Người ta phát quang đường hào và trồng cây ăn quả. Phong cảnh trở nên hữu tình. Ngay sàn nhà cũng bóng nhoáng như đồng đánh bóng.

Trong những đêm đông dài, nữ chủ nhân cùng tất cả đầy tớ gái ngồi kéo sợi, se gai ở gian phòng lớn nhất. Mỗi tối chủ nhật, người ta cất cao giọng đọc một đoạn kinh thánh. Chính ông hội thẩm đọc kinh và ông hội thẩm chẳng ai xa lạ mà là anh hàng giày rong khi về già đã được cử vào chức vị ấy. Lũ trẻ con trong nhà lớn lên.

Tất cả chúng nó đều không có những thiên bẩm phi thường, như người ta thường thấy trong mỗi gia đình, nhưng ít nhất chúng đều được hưởng một sự giáo dục rất tốt. Còn gốc liễu thì đã trở nên một cây tuyệt đẹp, mọc tự nhiên, không bị tỉa xén gì cả. Ông bà cụ chủ nhà dặn dò con cháu:

– Đây là cây gia hệ của họ nhà ta, các con phải sùng kính, tôn trọng nó.

Và cả nhà, ngay đến những người chậm hiểu nhất cũng nghe theo những lời khuyên đó.

Truyện cổ tích: 3 câu chuyện cổ tích Andersen hay và ý nghĩa nhưng ít được kể - 4

Thiên đường

Ngày xưa có một ông hoàng tử có nhiều sách quý nhất trần gian. Tất cả các sự kiện trên đời đều được ghi vào đó bằng lời văn và tranh ảnh. Lịch sử các dân tộc được kể lại rất chi tiết, nhưng không có cuốn sách nào tả đến hoặc nói đến Thiên đường.

Chính Thiên đường lại là nơi mà Hoàng tử luôn mơ tưởng đến.

Khi hoàng tử còn nhỏ tí, hoàng thái hậu thường kể rằng ở trên ấy, mỗi bông hoa là một cái bánh ngọt và trong đài hoa chứa một loại rượu vang hảo hạng. Trên mỗi bông lại có một vài sử ký, hoặc một bài địa lý, hoặc một bản cửu chương. Người ta chỉ cần ăn hoa là sẽ thuộc bài, và càng ăn nhiều lại càng biết nhiều về địa lý và sử ký.

Hồi còn nhỏ, hoàng tử rất tin chuyện ấy. Nhưng lớn lên, trí tuệ được mở mang, hoàng tử cảm thấy Thiên đường phải chứa đựng nhiều cái thú vị hơn thế. Chàng tự hỏi:

– Tại sao bà Eva lại đi hái quả táo ở cây Trí tuệ làm gì nhỉ? Và tại sao Adam lại ăn quách quả táo ấy nhỉ?

Và cứ thế, tất cả tâm trí chàng hướng về Thiên đường.

Một hôm, chàng đi dạo một mình trong rừng; đó cũng là cách giải trí mà chàng ưa thích nhất. Chiều đến, mây kéo ùa tới mà mưa xuống như thác đổ. Đêm tối như mực, hoàng tử hết dẫm phải đá lại trượt chân trên cỏ ướt. Mưa thấm ướt quần áo chàng.

Bỗng chàng nghe thấy tiếng nổ lép bép kì lạ và thấy mình đang ở trước một cái hang sáng rực. Giữa hang một đống lửa lớn đang cháy, trên đó người ta đang quay một con nai, có sắt xuyên qua, hai đầu xiên đặt trên hai cành cây.

Một bà cụ to lớn và cứng cáp như đàn ông, đang ngồi quẳng từng bó cành cây vào đống lửa. Bà lão nói với hoàng tử:

– Lại đây mà hơ quần áo!

– Ở đây gió lùa rợn cả người! – Hoàng tử vừa đáp vừa ngồi xuống đất.

– Lát nữa các con già về, còn lộng hơn thế này kia – bà lão đáp. – Đây là hang Gió và các con già là gió bốn phương. Hoàng tử hiểu không?

– Hiểu, nhưng họ đi đâu cả thế, hở cụ?

– Hỏi vớ vẩn! Chúng nó sống tự do và muốn đi đâu thì đi, chẳng cần xin phép già. Chúng đang chơi đá bóng với các đám mây ngoài trời kia kìa! (Vừa nói bà vừa nhìn lên trời). Chàng phải biết là lũ con già cứng đầu cứng cổ lắm nhá!

Chàng có trông thấy bốn cái bao treo trên tường kia không? Lũ con già nhìn thấy mấy cái bao ấy cứ gọi là run lên như trẻ con nhìn thấy roi ấy. Già cứ nhét chúng vào bao là chứng nào tật nấy phải chừa tuốt. Đây này, một đứa về đấy.

Đó là Gió Bấc. Hắn mang về một luồng gió lạnh buốt. Hắn rải trên đất những hạt mưa đá và bông tuyết. Hắn mặc một chiếc quần chẽn và một chiếc áo choàng bằng da gấu, đội một chiếc mũ bịt cả tai bằng da hải cẩu. Từng mảnh băng dài bám lủng lẳng vào râu hắn.

– Chớ có vào gần lửa – Hoàng tử nói – Nứt nẻ chân tay ra đấy!

Gió cười:

– Nứt nẻ! Đối với tôi nứt nẻ da là khoái nhất! Nhưng này, cậu bé là ai thế nhỉ? Sao cậu lại vào được cái hang này?

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

– Khách của mẹ đấy – Bà lão nói – Nếu con còn thắc mắc hãy chui vào bao một lát sẽ rõ. Hiểu chưa?

Thế là đủ rồi. Gió vội vàng kể chuyện gió vừa ở đâu về và tháng trước gió đã làm gì.

– Con vừa ở bể băng về. Con đã ở trên đảo Gấu với một đoàn người Nga đi săn hải báo.

Bà lão nói:

– Con hãy tả tỉ mỉ hơn một chút! Thế là con ở đảo Gấu về đấy ư?

– Vâng, và đảo Gấu quả thật là đẹp. Giá mà khiêu vũ trên đảo ấy thì thật là tuyệt. Nhẵn và bóng như gương ấy, chỉ trông thấy một chút rêu nổi rải rác trên mặt tuyết. Nhưng chẳng bao giờ thấy ánh mặt trời cả, hình như mặt trời không chiếu tới nơi ấy thì phải.

Trên đảo có một ngôi nhà làm bằng mảnh tàu vỡ, sơn màu đỏ và xanh lá cây, trên mái nhà có một con gấu trắng đang gầm gừ. Gần bờ biển, đàn hải cẩu đang trườn trên băng giá, đầu như đầu lợn và răng thì dài đến hơn một mét… À, anh Gió Tây đã về kia rồi! Con thích anh ấy nhất, anh ấy mang theo gió bể về đây, hơi lạnh, nhưng dễ chịu.

– Có phải là Gió May không? – Hoàng tử hỏi.

– Phải – Bà mẹ đáp – Nhưng nó cũng chẳng dễ chịu lắm đâu! Trước kia nó là một đứa bé xinh xắn, nhưng nay đã thay đổi nhiều.

Thật vậy, trông gió như một người rừng, cầm trong tay một cây trùy bằng gỗ đào hoa tâm chặt ở một khu rừng bên châu Mỹ.

– Con ở đâu về? – Bà mẹ hỏi.

– Ở những khu rừng hoang vu đầy sư tử và rắn rết, nơi mà loài người không sinh sống được.

– Con làm gì ở đấy?

– Con rong ruổi trên thảo nguyên, và có lúc lồng lộn lên, làm lắc lư những đám cây dừa và làm cho lũ ngựa rừng hoảng sợ. Nhiều chuyện lắm, kể không hết được. Cũng không nên nói tất cả những chuyện mình biết, phải không mẹ?

Gió ôm bà lão mà hôn, thô bạo đến nỗi suýt nữa bà lão ngã lăn kềnh.

Gió Nam cũng vừa về tới nơi, mình khoác áo choàng kiểu Ả Rập, đầu chít khăn.

– Chà! Ở đây rét khiếp! (Gió vừa nói vừa quẳng thêm củi vào đống lửa). Đúng là gió Bấc về rồi.

Gió Bấc nói:

– Dào! Nóng đến nỗi có thể quay cả một con gấu trắng ấy chứ!

– Này, ngu như gấu ấy! – Gió Nam gắt.

– Liệu có cần cho chúng mày vào bao không? – Bà lão nói. Gió Nam hãy ngồi xuống và kể cho mẹ nghe con ở đâu về.

– Ở Châu Phi về đấy, mẹ ạ. Con đã gặp một đoàn người băng qua sa mạc, phải giết con lạc đà cuối cùng để lấy nước uống. Nhưng dạ dày lạc đà ít nước quá. Mặt trời như thiêu như đốt, cát nóng bỏng. Con bốc cát lên, cuộn thành một cơn lốc, thành những cột cát khổng lồ.

Giờ đây cả đoàn đã bị chôn vùi dưới cát rồi. Trên xác họ, cát đã chất thành núi. Nếu lần sau qua nơi ấy, con sẽ thổi vào đống cát, xương cốt sẽ lộ thiên, mặt trời sẽ làm trắng xương ra và ai qua đó sẽ thấy rằng trước họ đã có người bỏ xác ở đó.

– Thế là mày toàn làm những điều ác, bà mẹ nói, chui ngay vào trong bao!

Và hắn chưa kịp chống cự thì và đã ôm chặt lấy hắn, tống cổ vào bao. Hắn lồng lộn ở trong bao. Nhưng bà lão ngồi lên bao làm hắn phải nằm yên. Hoàng tử nói:

– Các ông con của bà thật là đáo để!

– Đúng thế – Bà lão đáp – Nhưng chàng thấy tôi cũng chẳng phải tay vừa đấy chứ? À, thằng thứ tư về đây rồi!

Đó là gió Đông, mặc quần áo kiểu Trung Quốc.

– Ơ kìa! Con ở Trung Quốc về đấy ư? – Bà mẹ hỏi – Mẹ cứ tưởng con lên Thiên đường.

– Không, mai con mới lên trên ấy, Gió Đông nói. Thế là vừa đúng một trăm năm con mới trở lên trên ấy. Con ở Trung Quốc về, ở đấy con đã lắc chuông trên lầu Hoàng cung.

Bà mẹ nói:

– Toàn chuyện tếu cả. Mai con lên Thiên đường có lẽ bổ ích hơn. Lên đấy, nhớ lấy cho mẹ vài chai nước ở suối Chân lý.

– Con sẽ nhớ – Gió Đông nói – Nhưng sao mẹ lại nhét anh gió Nam vào bao thế? Cho anh ấy ra ngoài đi để anh ấy kể chuyện về Phượng hoàng cho con nghe.Vì cứ trăm năm một lần, khi con lên thăm, lần nào nàng công chúa trên ấy cũng hỏi thăm tin tức của Phượng hoàng. Thôi đi mẹ, mở bao thả anh ấy ra. Con mang về cho mẹ một ít chè tươi, tự tay con hái đấy.

– Chỉ vì nể con, con cưng của mẹ, và cũng vì con đã hái chè mang về biếu mẹ, nên mẹ cũng vui lòng tha cho anh con.

Bao vừa mở ra. Gió Nam liền chui ra. Hắn ta xấu hổ, hẳn vì có hoàng tử ngồi đấy. Hắn nói:

– Đây là một tàu lá cọ để em đưa cho công chúa. Chính Phượng hoàng con đã trao cho anh. Phượng hoàng bố đã viết lại chuyện mình trong một trăm năm qua, đã tự tay đốt tổ mình. Nằm giữa khói lửa, Phượng hoàng vẫn điềm nhiên lấy mỏ viết vào lá cọ, tự thiêu sống như phụ nữ Ấn Độ tuẫn táng chết theo chồng.

Cuối cùng, Phượng hoàng chỉ còn lại là một đống tro tàn, và trong đống lửa, chỉ còn lại một quả trứng màu đỏ. Trứng nổ, Phượng hoàng non chui ra. Giờ đây phượng hoàng con là vua các loài chim.

Bà mẹ nói:

– Đến giờ ăn rồi.

Tất cả ngồi lại ăn thịt nai quay. Hoàng tử ngồi bên Gió Đông và chẳng bao lâu đã trở thành đôi bạn thân. Hoàng tử bắt đầu câu chuyện:

– Gió hãy cho tôi biết về nàng công chúa và cái Thiên đường các anh vừa nói tới.

– Thế à! Nếu hoàng tử muốn lên đấy thì mai đi với tôi. Nhưng tôi cần phải nói trước cho hoàng tử biết là từ thuở Adam và Eva đến nay chưa có một người nào vào đến nơi đó. Chắc hoàng tử đọc kinh thánh, cũng biết chuyện ấy chứ?

– Tất nhiên, Hoàng tử đáp.

– Khi Adam và Eva bị đuổi, Thiên đường lún xuống đất, nhưng khu vườn nơi đó vẫn còn giữ được ánh nắng, không khí ấm áp và cảnh tượng huy hoàng, ở đấy có một hòn đảo và là nơi ở của nàng tiên Hạnh phúc. Đời sống ở đấy thật là sung sướng. Ngày mai hoàng tử cưỡi lên lưng tôi, tôi sẽ đưa đi.

Sáng sớm, hoàng tử tỉnh giấc và ngạc nhiên thấy mình đang ở trên mây. Chàng ngồi vững chắc trên lưng Gió Đông. Rừng núi, đồng cỏ, sông ngòi và biển cả hiện ra dưới mắt chàng như một bản đồ đủ màu sắc.

Gió Đông nói:

– Ngủ một giấc ngon lành đấy chứ, thưa hoàng tử? Hoàng tử có thể ngủ thêm tí nữa, vì ở đấy chẳng có gì đáng xem, ngoài cái việc đếm gác chuông nhà thờ cho đỡ buồn.

Hoàng tử nói:

– Thật tôi chẳng lễ độ chút nào, tôi ra đi mà chẳng có lời từ biệt cụ và các anh kia.

– Khi người ta đang ngủ thì từ biệt thế quái nào được?

Nói rồi gió bay nhanh hẳn lên.

Tối đến, quang cảnh các thành phố lớn đẹp tuyệt vời. Đèn dần dần thắp lên. Hoàng tử thích quá vỗ tay lia lịa. Gió Đông bảo chàng nên cẩn thận, kẻo vô phúc mà lăn nhào xuống thì có mà tan xác.

Gió bay nhanh hơn cả con chim ưng đang lướt trên khu rừng âm thầm. Một kỵ binh người Nga đang phi nước đại ở dưới đất, gió cũng phóng nhanh hơn.

Gió Đông nói:

– Hy Mã Lạp Sơn đây rồi! Đó là ngọn núi cao nhất thế giới. Chúng ta sắp đến Thiên đường.

– Đến Thiên đường rồi ư? Hoàng tử hỏi.

– Không, chưa đến! – Gió đáp – Nhưng chẳng còn xa nữa đâu, Hoàng tử có trông thấy cái cửa động đằng kia không?

Nói rồi gió hạ xuống trước cửa động.

Họ vào trong động. Rét khủng khiếp. Nhưng chỉ rét một lát thôi. Gió Đông dang đôi cánh lấp lánh như một luồng ánh sáng chói chang.

Đường xuyên qua động có đoạn hẹp lại, phải bò sát đất mới tiến được, có đoạn lại cao và rộng thênh thang.

Hoàng tử nói:

– Đường lên Thiên đường khúc khuỷu đến thế này ư?

Gió Đông không đáp lại, nhưng lấy tay chỉ về phía trước, một luồng ánh sáng xanh lộng lẫy đang rực lên ở phía ấy.

Những ngọn nhũ thạch trong vắt rủ xuống trên đầu họ, trông như những đám mây trắng dưới ánh trăng. Không khí ở đây êm dịu và thơm phức, trong sạch như trên núi cao, ngát hương như những bông hồng dưới thung lũng.

Một con suối chảy qua đấy, trong vắt như không khí, cá vàng cá bạc bơi theo dòng suối. Những con lươn đỏ xậm nhoi lên lặn xuống, làm tung toé lên những tia ánh sáng.

Những tàu lá sen to lấp lánh đủ màu cầu vồng, hoa sen nom như những ngọn lửa đỏ rực. Một nhịp cầu bằng đá hoa, một tác phẩm nghệ thuật kỳ diệu, trông như làm bằng đăng ten và ngọc trai, vắt qua suối sang đảo Hạnh phúc, ở giữa Thiên đường.

Gió Đông cắp hoàng tử trong nách. Hoa lá cất tiếng hát những bài hát tuyệt diệu mà chàng đã được nghe trong thời thơ ấu, nhưng với một giọng du dương hơn giọng người.

Trên thảm cỏ, đàn công đang xoè đuôi. Hoàng tử lại gần. Thần diệu thay! Không phải là chim công tuyệt đẹp. Sư tử và hổ báo nhảy qua hàng rào ô liu đang nở hoa, nhẹ nhàng và hiền lành như những con mèo con. Đàn chim cu đến đậu trên bờm sư tử. Mấy con sơn dương đứng bên cạnh sư tử mà chẳng sợ hãi tí nào.

Nàng tiên xuất hiện, nét mặt hiền từ, xiêm y lóng lánh như ánh thái dương. Một đoàn thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần đi theo nàng, trên làn tóc của mỗi người có đính một ngôi sao vàng.

Gió Đông đưa cho nàng tiên tấm lá cọ. Đôi mắt nàng ánh lên niềm vui sướng. Nàng cầm tay hoàng tử và dắt chàng vào lâu đài: tường lâu đài lóng lánh như những cánh hoa uất kim hương dưới ánh mặt trời. Trần nhà chạm trổ như một đoá hoa khổng lồ sáng lấp lánh, càng nhìn càng thấy cao mãi lên.

Hoàng tử đi lại phía cửa sổ và nhìn ra ngoài. Chàng trông thấy Adam và Eva đang đứng gần gốc cây Trí tuệ. Hoàng tử nói:

– Tôi tưởng họ đã bị đuổi ta khỏi Thiên đường kia mà!

Nàng tiên mỉm cười và cho chàng hay rằng cảnh tượng chàng nhìn thấy chỉ là hình ảnh tạc trên kính mà thôi. Đó là tác phẩm của thời gian, người thợ khéo nhất trong tất cả những người thợ khéo.

Nàng nói tiếp:

– Chúng ta hãy ra sông, lên thuyền để đi dạo mát một chút, Thuyền sẽ bập bềnh, nhưng không chuyển động, danh lam thắng cảnh trên thế gian sẽ lần lượt diễu qua trước mắt chúng ta.

Họ ra sông và trèo lên thuyền. Cảnh vật thật là kỳ diệu, không bút nào tả xiết. Hai bên bờ hình như đang chuyển động.

– Tôi có thể ở đây mãi được không? – Hoàng tử nói.

– Cái đó tuỳ ở chàng! Nàng tiên đáp. Nếu chàng không bị cám dỗ như Adam, chàng có thể ở lại đây suốt đời.

– Được, tôi sẽ không sờ vào quả của cây Trí tuệ. Ở đây còn khối quả đẹp như thế!

– Hãy nghĩ cho kỹ. Nếu chàng cảm thấy không vững vàng lắm thì nên quay về với gió. Một trăm năm nữa gió mới trở lại đây. Thời gian đó đối với người ở đây không dài hơn một giờ, nhưng cũng đủ để chàng sa ngã. Chiều chiều, khi chia tay, tôi sẽ nói với chàng: “Lại đây với tôi!”. Tôi sẽ vẫy tay làm hiệu, nhưng chàng chớ có theo tôi.

Mỗi bước theo tôi, ý chí của chàng sẽ yếu đi và cuối cùng chàng sẽ theo tôi tới gian phòng có cây Trí tuệ. Tôi ngủ ở dưới bóng cây, ngào ngạt hương thơm. Chàng sẽ cúi xuống gần tôi, lúc đó nếu chàng hôn lên môi tôi thi lập tức Thiên đường sẽ tụt xuống đất.

Hoàng tử nói với một giọng quả quyết:

– Tôi xin ở lại!

Gió Đông hôn lên trán chàng.

– Hãy giữ vững ý chí ấy. Trăm năm nữa chúng ta sẽ lại gặp nhau.

Nói rồi, gió tung đôi cánh sáng rực như ánh chớp.

Hoa lá, cỏ cây chúc gió lên đường bình yên.

Đàn cò và đàn chim bồ nông bay thành hàng dài tiễn đưa gió đến tận địa giới Thiên đường. Nàng tiên nói:

– Chúng ta bắt đầu nhảy và khi mặt trời lặn tôi sẽ rủ chàng đi với tôi. Chàng nhớ là đừng nghe tôi. Suốt một trăm năm tôi sẽ rủ rê chàng nhiều lần như vậy, nhưng nếu chàng tự kiềm chế được thì qua mỗi lần thử thách, ý chí chàng càng thêm vững chắc, và cuối cùng cũng không nghĩ đến chuyện theo tôi nữa.

Nói rồi, nàng tiên dẫn chàng tới một gian phòng trang trí toàn hoa huệ trắng trong suốt, mỗi nhụy hoa hình thành một chiếc thụ cầm nhỏ bằng vàng, tiếng thụ cầm réo rắt như tiếng sáo. Một đoàn thiếu nữ xinh đẹp, xiêm áo toàn bằng lụa, hát lên những bài hát ca ngợi cuộc sống êm dịu, cuộc sống bất diệt, và cầu mong Thiên đường đời đời nở hoa.

Mặt trời lặn. Bầu trời nom như một biển cả đầy ánh sáng, các đoá hoa huệ trong phòng rực sáng lên.

Cây Trí tuệ lấp lánh. Một bài hát du dương vang lên. Hoàng tử nghe thấy giọng nói quen thuộc của hoàng thái hậu:

– Con, con yêu quý của mẹ!

Nàng tiên ra hiệu cho chàng và reo lên:

– Lại đây với tôi! Lại đây với tôi!

Lập tức chàng quên lời hứa. Nàng vẫn ra hiệu cho chàng và mỉm cười duyên dáng. Hoa toả hương thơm, thụ cầm vang lên du dương trầm bổng, hàng triệu cặp môi đang mỉm cười trong gian phòng có cây Trí tuệ.

Thụ cầm hát bài: “Phải nếm đủ mùi đời, người là chúa tể trên trái đất”.

Vẫn có tiếng gọi:

– Lại đây với tôi! Lại đây với tôi!

Qua mỗi bước đi, má hoàng tử càng nóng bỏng lên, mạch càng đập mạnh. Chàng nói to:

– Nghe theo tiếng gọi trái tim, phải đâu là tội lỗi? Say mê sắc đẹp và đi tìm thú vui cũng là chuyện người ta thường tình, huống chi ta chỉ ước mong được ngắm nàng đắm chìm trong giấc mộng. Miễn là đừng có hôn vào môi nàng là chẳng có thể xảy ra chuyện gì cả. Nhất định ta sẽ giữ được mình. Ta cảm thấy vững vàng và cương quyết hơn bao giờ hết.

Hoàng tử lại nói:

– Ta chưa sa ngã và nhất định ta sẽ không sa ngã.

Nàng tiên rẽ cành và dấu mình vào trong lá cây.

Hoàng tử vén cành lá lên và trông thấy nàng tiên đang nằm ở đấy. Nàng mỉm cười trong giấc mơ. Chàng cúi xuống mặt nàng và nhìn thấy những giọt lệ tuôn từ trong mắt nàng ra như những viên ngọc trai.

– Có phải vì tôi mà nàng khóc không? – Chàng thì thầm – Đừng khóc nữa, bạn rất thân yêu của tôi! Chỉ đến phút này tôi mới cảm thấy thế nào là Thiên đường, thế nào là Hạnh phúc.

Hạnh phúc đang hòa vào máu tôi, đang tràn ngập trái tim tôi. Trong con người trần tục của tôi bỗng nhiên có một sức sống gần như vô tận. Cầu mong cho bóng đêm vĩnh cửu hãy ôm ấp lấy tôi! Một phút như phút này cũng thoả đời rồi.

Và chàng hôn lên những giọt nước mắt của nàng tiên, môi chàng ép vào môi nàng…

Bỗng một tiếng sét xé tan bầu trời, một tiếng sét khủng khiếp chưa từng thấy. Nàng tiên, vườn Thiên đường, tất cả sụp xuống đất. Hoàng tử rơi xuống, rơi mãi. Chàng thấy mọi vật cùng theo chàng rơi vào vực thẳm tối om, chỉ còn một ngôi sao nhỏ tí đang lấp lánh ở đằng xa.

Cái chết lạnh ngắt làm chân tay chàng run rẩy. Chàng nhắm mắt lại. Mưa lạnh buốt quất vào mặt chàng. Một luồng gió rét cắt ruột nổi lên. Dần dà chàng hồi tỉnh và kêu lên:

– Ta đang làm gì thế? Trời! Ta đã sa ngã như Adam! Ta đã phạm tội và mất cả Thiên đường!

Chàng mở mắt ra. Ngôi sao lấp lánh từ lúc Thiên đường sụp đổ, vẫn còn loé sáng. Chàng ngồi dậy và thấy mình đang ở trong khu rừng lớn, gần hang Gió, bà mẹ Gió đang ngồi gần chàng. Bà ta bất bình và giơ tay doạ:

– Ngay từ tối đầu tiên! Ta đã biết mà! Nếu chàng là con ta thì ta sẽ tống cổ vào bao!

Vào lúc đó, Thần Chết hiện ra và nói:

– Thôi để ta xử lý cho!

Thần là một ông lão rất khoẻ, có đôi cánh đen, tay cầm lưỡi hái.

– Giờ ta chỉ đánh dấu vào người hắn và cho hắn ngao du trên mặt đất, hối lỗi để rồi trở nên người tốt. Lúc nào hắn ít nghĩ tới sự chết nhất, ta sẽ đặt hắn vào một cỗ quan tài đen và mang hắn lên các vì sao. Nơi ấy cũng có một Thiên đường. Nếu hắn đứng đắn và phúc hậu, hắn sẽ được vào đấy.

Trái lại, nếu trái tim hắn đầy tội lỗi, hắn sẽ cùng quan tài rơi xuống vực sâu. Và chỉ sau hàng ngàn năm ta mới có thể gặp lại hắn để tống hắn xuống sâu hơn nữa, hoặc đưa hắn lên ngôi sao đang lấp lánh trên cao kia, tuỳ mức độ tu dưỡng của hắn.

Truyện cổ tích: 3 câu chuyện cổ tích Andersen hay và ý nghĩa nhưng ít được kể - 6

Câu chuyện Vađơma Đa và các nàng con gái

Khi gió lướt trên đồng cỏ, cỏ rạp xuống như sóng gợn; khi gió lướt trên đồng lúa, lúa nhấp nhô như biển cả. Hãy nghe gió kể chuyện. Tiếng ca của gió khi gió rung chuyển cây cối trong rừng không giống lúc gió lùa vào các khe và lỗ thủng trên tường thành.

Hãy nhìn lên trên cao kia, gió đang lùa mây như lùa một đàn cừu. Bạn có thể nghe thấy tiếng gió như tiếng gió rít qua cổng cái không? Nghe như tiếng kèn của người gác đêm vậy. Giờ thì gió lọt qua ống khói vào lò sưởi. Lửa bùng lên, nổ tí tách, chiếu sáng cả gian phòng.

Ngồi trầm tĩnh ở nơi ấy nghe tiếng gió thổi thì thú biết bao! À! Gió có thể kể cho bạn nghe những truyện phiêu lưu và truyện cổ tích nữa đấy! Gió còn biết nhiều hơn tất cả chúng ta kia! Hãy nghe gió reo: “Vi vu, vi vu… Mọi việc trôi qua! Mọi việc trôi qua!”. Đó là điệp khúc bài ca của gió.

Gió kể:

Bên bờ sông Ben có một toà lâu đài cổ tường dày màu đỏ. Ta biết rõ từng viên đá xây lâu đài vì xưa kia ta đã từng thấy chúng ở lâu đài Macxtich. Người ta đã phá lâu đài ấy đi và chở đá đi nơi khác để xây một lâu đài mới. Đó là lâu đài Bôrơby, hiện đang còn.

Ta đã được biết các chủ nhân của lâu đài Bôrơby, nhưng ở đây ta chỉ muốn thuật chuyện Vanđơma Đa và các nàng con gái của ông ta.

Vốn dòng dõi vua chúa nên ông ta rất kiêu hãnh.

Ông ta săn băn và uống rượu giỏi hơn ai hết.

Bà vợ thường bận quần áo thêu vàng dát bạc. Sàn nhà bao giờ cũng bóng loáng. Các phòng ở trang hoàng bằng những tấm thảm rực rỡ và những đồ đạc quý giá, chạm trổ tinh vi.

Bà chủ lâu đài đã mang về đây rất nhiều của hồi môn, toàn là vàng bạc châu báu. Hầm nhà đầy ắp rượu quý. Đàn ngựa đen lực lưỡng hí trong chuồng. Tất cả nói lên cảnh giàu sang của lâu đài Bôrơby.

Họ có ba nàng con gái xinh đẹp tuyệt vời: Iđa, Gian và Đôrôtê. Tôi vẫn còn nhớ tên các nàng.

Họ là những người giàu sang, quý phái sống trong cảnh xa hoa, gấm vóc. Vi vu… Tất cả đều trôi qua!

Gió kể tiếp:

– Ở nơi đây, không như ở các lâu đài khác, ta chẳng hề thấy bà chủ quý phái ngồi quay tơ trong phòng cùng với bọn thị tì. Bà thường chơi đàn, hát các bài hát cổ Đan Mạch và cả những bào hát bằng tiếng nước ngoài nữa.

Cuộc sống trong lâu đài thật là náo nhiệt! Khách khứa gần xa thường ra vào tấp nập. Tiếng ca nhạc và tiếng cốc chén chạm nhau vang lên không ngớt, át cả tiếng gió thổi. Đây là nơi ngự toạ của khoái lạc và kiêu hãnh.

Một buổi sáng tháng năm ta ở phía Tây thổi về, sau khi đã thổi dạt nhiều tàu bè vào bờ bán đảo Giuytlăng. Ta rong ruổi qua đồng bằng và trên bờ biển có những khu rừng xanh tươi. Ta thổi qua Fiôni, rồi ào ào vượt qua sông Ben.

Tới khu rừng dẻ gai, gần lâu đài Bôrơby, trên bờ Xêlăng, ta dừng lại nghỉ ngơi. Trẻ con trong làng vào rừng nhặt cành củi khô, những cành dài nhất và khô héo nhất, đem về bãi rộng trong làng chất thành đống, nhen lửa rồi ca hát, nhảy múa xung quanh.

Đến đây ta im lặng. Bỗng ta thổi nhè nhẹ vào cành cây khô mà một em trai xinh nhất đám vừa đặt lên đống củi. Ngọn lửa bùng lên và em bé châm lửa được bầu làm chúa tể cuộc vui.

Em được ưu tiên chọn một em làm bạn trong số các em gái. Thật là một cuộc vui lành mạnh, vui hơn tất cả các cuộc vui trong lâu đài Bôrơby cao ngất kia.

Vừa lúc đó, một chiếc xe dát vàng, có sáu ngựa kéo, đi tới. Trên xe có một bà bá tước và ba nàng con gái xinh đẹp, dịu dàng, một người trông như đoá hoa hồng, một người như đoá hoa huệ và người thứ ba như đoá dạ hương lan màu xanh nhạt. Bà mẹ cũng đẹp rực rỡ như một đoá uất kim hương. Bà ta ngồi cứng như gỗ, chẳng thèm nhìn đến những đứa trẻ đã ngừng nô đùa và đang cúi đầu chào.

Ta trông rõ ba cô con gái xinh đẹp và tự hỏi ai sẽ xứng đáng làm bạn với họ? Có lẽ phải là những trang hiệp sĩ, hoặc những bậc hoàng tử mới sánh vai được với các nàng.

Vi vu, vi vu… Tất cả sẽ trôi đi!

Chiếc xe qua rồi, lũ trẻ con lại tiếp tục nhảy múa. Trong khắp làng mạc ở Bôrơby, Giarơby, dân làng đều vui chơi như vậy để đón chào mùa hạ.

Đến đêm, gió kể tiếp, khi ta nổi lên ào ào, bà chủ lâu đài đã ngủ lịm đi để rồi không bao giờ thức giấc nữa. Bà ta đã qua đời, như tất cả mọi người.

Vanđơma sống trong một thời gian âm thầm và lo âu.

Ông ta tự nhủ: “Ngọn cây cứng cáp nhất cũng có lúc phải uốn mình, nhưng nó vẫn có thể vươn lên được”. Các nàng con gái và gia nhân trong lâu đài ai cũng khóc và thương xót bà quý phái. Bà đã mất và ta cũng sẽ bay đi nơi khác, vì tất cả mọi vật đều trôi đi! Vi vu, vi vu…

Gió kể tiếp:

Nhưng rồi ta lại trở lại xứ Fiôni và sông Ben. Ta đã từng ngồi trên bờ biển, gần Bôrơby và trong khu rừng sến huy hoàng. Nơi ấy là nơi trú ngụ của loài cò diệc, chim cu, quạ lam và cả cò đen nữa. Lúc ấy đã sang xuân. Một số chim cò đã đẻ trứng, một số trứng đã nở. Bỗng nhiên có sự huyên náo khác thường; chim cò bay vút cả lên mà gào.

Có tiếng rìu đốn cây đều đều; người ta sắp phá trụi cả khu rừng! Vanđơma Đa muốn đóng một chiếc thuyền cao ba tầng mà hẳn là nhà vua sẽ mua cho ông ta. Vì thế, ông đã ngả rừng, nơi trú ngụ của chim chóc và cũng là mục tiêu của các thuỷ thủ nữa.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đàn cú sợ hãi bay đi trốn vì tổ của chúng đã bị phá tan. Điên lên vì đau đớn và tức giận, chúng bay lượn trên khu rừng mà kêu gào. Ta hiểu những tiếng kêu thất vọng ấy. Quạ đen và quạ khoang gào lên: “Bị tống cổ rồi! Bị tống cổ rồi! Quạ! Quạ!”.

Và ở giữa khu rừng, Vanđơma Đa và ba cô con gái cùng một đoàn tiều phu đứng đó phá lên cười khi nghe thấy tiếng kêu man rợ của bầy quạ. Riêng cô con gái út, Anơ Đôrôtê, thấy mủi lòng thương xót khi người ta định ngả một gốc cây trên đó có tổ quạ đen, một lũ quạ con đang thò đầu ra ngoài. Cô khóc lóc van xin người ta tha cho chúng. Thế là cây ấy được để lại.

Họ đẵn cây, cưa gỗ và đóng một chiếc tàu ba tầng. Người trông nom việc đóng tàu không phải là con nhà quyền quý nhưng trí thông minh có thừa. Đôi mắt và vầng trán anh biểu lộ trí óc sáng tạo của anh. Vanđơma và Iđa, cô con gái cả mười lăm tuổi, rất thích nghe anh nói chuyện.

Trong khi thiết kế một chiếc tàu cho người cha, anh cũng xây dựng trong mộng một toà lâu đài mà anh và Iđa sẽ ngồi bên nhau như đôi vợ chồng. Nhưng nếu lâu đài không được xây bằng đá, trang hoàng lộng lẫy, có vườn hoa và rừng cây bao quanh thì giấc mộng ấy sẽ không thể thành sự thực được.

Mặc dù có một số kiến thức khoa học, khả năng của anh cũng rất có hạn. Vi vu, vi vu… Mọi việc trôi qua! Ta đi xa. Và anh ta cũng phải đi xa, không thể lưu lại ở nơi đây. Cô bé Iđa đã quên anh, tất nhiên là như thế. Đoàn ngựa đen được mọi người tấm tắc khen ngợi đang dậm chân trong tàu.

Một vị thủy sư đô đốc được nhà vua cử đến để xem tàu và bàn việc mua bán. Ông ta không ngớt khen ngợi đàn ngựa tuyệt đẹp kia. Ta nghe rất rõ vì ta bay theo đoàn người, lọt vào cổng chuồng ngựa và làm tung bay những mảnh rơm xung quanh họ.

Vanđơma thích vàng, đô đốc thích đàn ngựa mà ngài rất mực ca tụng. Chả ai hiểu ra sao cả. Chiếc tàu không bán được, nằm lì trên bến. Tàu được bọc toàn bằng gỗ ván như một chiếc tàu của ông già Nôê trong kinh thánh. Chẳng bao giờ tàu được hạ thuỷ cả. Vi vu, vi vu…

Mọi việc trôi qua, trôi qua! Đó là thất bại đầu tiên của Vanđơma.

Mùa đông, tuyết phủ khắp mặt đất, những tảng băng trôi dạt trên dòng sông Ben. Ta đẩy chúng sang hai bờ. Từng đàn quạ, đủ các loại, đen thũi như nhau, kéo đến. Chúng đậu trên chiếc tàu bị bỏ chỏng chơ trên bờ sông.

Chúng lớn tiếng kêu than về cánh rừng đã trụi thui lủi, về các tổ chim đã bị phá hoại, về cảnh quạ con, quạ già không có chỗ ở, về tất cả những tai hoạ đã xảy ra do việc đóng chiếc tàu gây nên, chiếc tàu kiêu căng chẳng bao giờ được nổi trên mặt nước!

Ta cuộn tuyết lên từng đám. Tuyết đánh đống quanh thân tàu và lên đến tận nóc. Thế rồi ta cất cao giọng lên như lúc ta thổi thành cơn giông tố. Ta làm đủ cách để cho tàu biết thế nào là cuộc đời trên biển cả. Vi vu, vi vu… Mọi việc trôi qua!

Đông qua, hạ tới. Các mùa nối tiếp nhau như gió thoảng qua. Tuyết tan, hoa táo nở, lá vàng lại rụng.

Tất cả đều trôi qua. Đời người cũng vậy. Các cô con gái Vanđơma hãy còn trẻ măng. Nàng Iđa mơn mởn như một bông hồng, vẫn đẹp như lúc anh chàng đóng tàu phải lòng nàng. Có lúc ta thổi vào bộ tóc màu hạt dẻ của nàng khi nàng ngồi trầm ngâm dưới gốc táo trong vườn; ta rũ tóc nàng ra và phủ đầy hoa lên. Qua hàng cây, nàng đang ngắm vầng thái dương đỏ sẫm và chân trời màu vàng.

Gian, cô em nàng, tựa như bông huệ tươi tắn và thanh tú; nhưng điệu bộ nàng cứng nhắc, kiêu kì, giống như mẹ nàng.

Nàng hay vào gian phòng lớn, nơi treo những bức chân dung của gia đình. Các bà trong tranh ăn vận toàn nhung và lụa, trên bộ tóc xõa úp một chiếc mũ nạm ngọc. Các bà nom thật có duyên! Các ông chồng thì phủ đầy giáp thép hoặc áo choàng lông loại sang nhất. Các ông không đeo gươm bên sườn mà lại đeo bên đùi.

Một ngày kia chân dung của Gian treo ở đâu nhỉ? Và người chống quý phái của nàng diện mạo sẽ ra sao? Nàng nghĩ ngợi nhiều đến chuyện đó. Nàng lẩm bẩm một mình. Ta bay theo nàng suốt dọc hành lang dài đi tới gian phòng lớn nên ta nghe thấy hết.

Anơ Đôrôtê, như một đoá dạ hương xanh nhạt là một cô bé mười bốn tuổi. Tính nàng trầm lặng và chín chắn. Nàng có cặp mắt to, xanh tựa làn sóng, bao giờ cũng mơ màng; một nụ cười tươi tắn luôn luôn nở trên môi nàng. Ta không thể nào thổi mất nụ nười ấy đi, vả chăng ta cũng không muốn làm việc ấy.

Ta thường gặp nàng trong vườn hay trên đồng nội. Nàng hái hoa và bứt cỏ, những loại hoa cỏ mà cha nàng có thể nấu thành thuốc. Vanđơma là người cứng rắn và kiêu ngạo, nhưng rất thông thái. Mọi người đều thấy thế và thường bàn tán về ông ta. Ngay trong mùa hè ông cũng đốt lò. Cửa buồng ông đóng kín mít.

Cả ngày lẫn đêm ông ở trong ấy và chẳng bao giờ nói với ai công viêc của ông. Trong sự yên tĩnh con người mới nghiên cứu được những bí hiểm của thiên nhiên. Ông lại muốn tìm ra vật quý báu nhất trên đời, ấy là vàng đỏ.

Chính vì thế mà khói luôn luôn nhả trên ống khói của lâu đài. Chính vì thế mà trong buồng Vanđơma lúc nào cũng có những ngọn lửa và tia lửa từ trong lò phụt ra. Ta biết, vì ta có mặt ở nơi ấy! – Gió nói tiếp.

Mọi vật trôi qua, trôi qua! Ta rít lên trong ống khói. Mọi vật sẽ phải biến thành than, tro và sẽ tan ra thành khói. Ngay cả Vanđơma nữa rồi cũng bị cháy tan ra thành khói thôi! Vi vu, vi vu… Mọi vật trôi qua! Nhưng Vanđơma vẫn ngồi yên không động đậy.

Những con ngựa oai phong trong chuồng biến đâu cả rồi nhỉ? Tất cả vàng bạc, súc vật, trang trại, lâu đài biến đi đâu rồi nhỉ? Than ôi, chúng chảy thành nước cả rồi, chảy tan trong chiếc nồi nấu vàng, nhưng chẳng nấu ra tí vàng nào cả.

Chẳng còn chút gì trong các ngăn tủ và trong kho lúa. Người hầu thì giảm đi mà chuột nhắt thì tăng lên. Một mảnh kính cửa sổ nứt, rồi thêm mảnh nữa vỡ tan tành; ta chẳng còn cần phải vào lối cửa lớn nữa!

Ta thổi thấu khắp lâu đài như người gác đêm thổi tù và. Nói thế thôi chứ người gác đêm cũng chẳng còn nữa. Ta làm quay chiếc chong chóng trên chòi canh, chong chóng rít lên như tiếng ngáy của người gác đêm trước kia. Bữa ăn của chủ nhà cũng trở nên rất đạm bạc. Cửa lớn đã bật tung ra khỏi ngõng. Ta ra vào tự do nên trông thấy rõ tất cả.

Sống giữa khói than và tro bụi, qua bao lo âu và nhiều đêm không ngủ, râu tóc Vanđơma đã ngả thành màu xám, nước da tái nhợt, nhưng đôi mắt của Vanđơma vẫn ánh lên một niềm hy vọng, vì ông ta thèm khát chế ra vàng.

Ta thổi hắt khói và than vào mặt vào râu ông ta. Lão già khốn khổ! Không phải là vàng mà là những món nợ lão tìm thấy trong chiếc nồi nấu vàng. Còn ta, ta ca hát qua những tấm kính vỡ và khe tường.

Ta thổi vào tận tủ của các cô con gái, nơi treo những tấm áo đẹp trước kia, giờ đã rách gần hết. Khi còn trẻ con chẳng bao giờ các nàng được nghe bên nôi bài hát cổ: “Cuộc đời những người quyền quý là một cuộc đời đầy phiền muộn”.

Chẳng còn củi để đốt mà cũng chẳng còn rừng mà lấy củi nữa. Băng giá trắng toát, vỡ lạo sạo dưới chân. Ta luồn qua hàng hiên, qua các khe kẽ. Ta thấy các nàng con gái của Vanđơma nằm trong giường để cho đỡ rét.

Còn Vanđơma thì đắp lên người một tấm da. Chẳng còn gì ăn, chẳng còn gì để sưởi nữa! Cuộc đời một vị quý tộc phá sản là như thế đấy! Vi vu, vi vu… mọi việc trôi qua! Ta thét lên. Nhưng Vanđơma vẫn không cựa quậy.

“Đông qua, rồi mùa xuân sẽ tới, lão nói. Sau cơn bĩ cực tới tuần thái lai. Lâu đài đã cầm cố rồi, thế là hết! Không! Ta sẽ có vô số vàng; hãy gắng chịu đựng đến ngày lễ Phục sinh”.

Sáng ngày lễ Phục sinh, tiếng chuông nhà thờ vang lên. Vầng thái dương làm tươi vui hẳn bầu trời. Trong cơn lo lắng đến phát sốt lên, Vanđơma đã thức thâu đêm, nấu chảy rồi để nguội, pha trộn, rồi gạn chắt.

Ta nghe thấy lão thở dài như một tâm hồn đang đau khổ, rồi lão lại cầu nguyện, nín thở. Đèn đã tắt ngúm mà lão cũng chẳng để ý gì đến cả. Ta thổi vào đám củi tàn; ánh lửa soi sáng bộ mặt lão, trắng bệch như vôi. Mắt lão sâu hoắm, trợn tròn, to ra, to mãi như muốn bật ra ngoài.

“Vàng đây rồi! Lão reo lên. Nó lấp lánh, đặc sệt và tinh khiết biết bao!”. Lão nhấc bình thuỷ tinh đựng nước luyện kim lên, tay run run, mồm lắp bắp: “Vàng! Vàng!”.

Lão choáng váng, chỉ thổi khẽ thôi ta cũng có thể xô lão ngã; nhưng ta chỉ thổi vào đám than hồng đỏ rực, rồi ta theo lão vào phòng các cô con gái đang rét cầm cập. Quần áo, râu tóc lão phủ đầy tro bụi.

Lão đứng vươn cao giữa phòng, giơ cao bình thuỷ tinh và hét lên: “Chế ra vàng rồi!”. Thuỷ tinh lấp lánh trong ánh mặt trời. Tay lão run lên. Chiếc bình rơi xuống đất vỡ tan thành muôn mảnh. Thế là đi đời niềm hy vọng cuối cùng của Vanđơma. Vi vu, vi vu… Mọi việc trôi qua, trôi qua! Thế là ta ra khỏi lâu đài của kẻ tìm vàng.

Vào những ngày ngắn ngủi cuối năm ở phương Bắc, sương sáng đọng hạt trên những quả bạc màu đỏ và trên những cành cây trụi lá, ta lại trở lại vui vẻ; ta tẩy sạch bầu trời bằng hơi thở của ta và làm gãy vài cành cây, công việc thường phải làm, chẳng có gì là nặng nhọc lắm.

Ở lâu đài Bôrơby, Ovơ Ramen, chủ nợ của Vanđơma đang ngồi ở đấy với bản khế ước cầm cố gia sản và lâu đài của Vanđơma. Ta gõ nhịp vào những tấm kính vỡ, làm đập các tấm cửa sắt han rỉ, rít qua các lỗ và các khe cửa. Vi vu, vi vu… Ovơ Ramen có lẽ không thích ở đây lắm.

Iđa và Anơ-Đôrôtê oà lên khóc. Gian ngồi cắn ngón tay, cứng nhắc và xanh xao. Ovơ Ramen mời Vanđơma ở lại suốt đời ở lâu đài, nhưng việc ấy đề ra chẳng được một lời cảm ơn của Vanđơma.

Ta thấy Vanđơma ngửng đầu lên, kiêu hãnh hơn bao giờ hết. Ta bèn tỏ ý thán phục bằng cách thổi mạnh vào lâu đài, vào rặng cây bồ đề, mạnh đến nỗi một cành to, không bị mục nát, cũng gẫy tan ra, rơi xuống trước cửa.

Hôm ấy là một ngày nặng nề, một bước gian nan phải vượt qua, nhưng Vanđơma đã tỏ ra can đảm và kiêu hãnh.

Họ chỉ còn quần áo mặc trên người và một bình thuỷ tinh mới mua đựng nước luyện kim vét dưới đất, thứ nước quý báu hứa hẹn nhiều, nhưng thực tế chẳng đem lại kết quả gì.

Lão chúa đất, trước kia giàu có biết bao, nay ôm chặt cái bình trước ngực, một tay cầm gậy, cùng các con ra khỏi lâu đài Bôrơby. Ta thổi hơi lạnh buốt vào đôi má nóng rực, lay chòm râu xám và bộ tóc bạc của lão. Ta hát như mọi khi! Vi vu, vi vu… Mọi việc trôi qua, trôi qua! Thế là hết hạnh phúc.

Iđa và Anơ-Đôrôtê đi cạnh lão. Gian, trước khi đi theo chị và em, ngập ngừng một lát, rồi bỗng quay lại ngưỡng cửa. Nàng ngắm nghía những viên đá đỏ trên tường thành, mang từ lâu đài Máctít về, và nàng liên tuởng đến các cô con gái đã sống trong lâu đài ấy.

Nàng cả cầm tay nàng útVà cả hai ra đi khắp thế gian.

Phải chăng nàng nghĩ tới bài hát ấy? Ngày nay, các nàng gồm ba người và thêm cả ông bố cùng đi.

Các nàng đi qua con đường mà trước kia nàng đã từng ngồi xe dạo qua. Các nàng lếch thếch như những kẻ ăn xin, đi đến ngôi nhà bằng đất ở miền Xmittrớp mà Vanđơma thuê 10 mác một năm.

Tường nhà trần trụi. Đàn quạ bay lượn xung quanh nhà vừa gào lên: “Bị tống cổ ra! Bị tống cổ ra! Quạ! Quạ!” như chúng đã từng kêu trong khu rừng Bôrơby khi người ta triệt hạ cây cối.

Vanđơma và các cô con gái rất hiểu chúng muốn nói gì. Ta vội thổi ngay vào tai họ vì họ chẳng cần nghe những lời ấy. Họ bước vào ngôi nhà bằng đất, còn ta, ta vượt qua đồng bằng và đầm lầy, qua các bờ rào bờ giậu và những khu rừng trụi lá để thổi tới biển cả và các xứ sở khác. Vi vu…

Mọi việc trôi qua! Mọi việc trôi qua! Vanđơma và các cô con gái sau này ra sao nhỉ? Gió kể tiếp. Người mà ta đã gặp lại là đoá dạ hương lan xanh nhạt. Lúc ấy nàng đã già cả, lưng còng. Năm mươi năm đã qua. Nàng là người cuối cùng trong gia đình còn sống và còn nhớ lại mọi chuyện cũ.

Giữa đồng bằng, trong thành phố Viho, mọc lên toà nhà mới và sang trọng của ông mục sư, xây bằng đá đỏ, khói nghi ngút bốc lên từ ống khói.

Bà chủ nhà đáng yêu và các cô con gái đứng gần cửa sổ nhìn qua cành lá leo trên cửa sổ về phía đồng bằng màu nâu nhạt. Họ ngắm gì thế nhỉ? Họ ngắm một tổ cò làm trên một túp lều tiều tụy. Mái lều phủ đầy rêu và rạ, hay nói cho đúng hơn, phủ bằng tổ cò.

Cái lều thật là thảm hại! Người ta có thể nhìn ngó nó, nhưng không nên đụng vào nó.

Gió nói: Ta thận trọng thổi qua. Nếu không có tổ cò thì có lẽ người ta đã phá cái túp lều ấy đi rồi, vì nó làm xấu cả cánh đồng. Ông mục sư chẳng nỡ đuổi người ở trong lều đi, thế là túp lều còn lại và người đàn bà đáng thương còn được ở trong ấy.

Bà ta phải cảm ơn con chim của xứ Ai Cập, hay chính cò phải cảm ơn bà đã cứu sống anh em nó ở khu rừng Bôrơby năm xưa. Lúc ấy người đàn bà đáng thương mới chỉ là một em bé, một đoá dạ hương lan xanh nhạt và dịu dàng: Anơ-Đôrôtê. Bà ta còn nhớ tất cả các chuyện cũ.

– Phải, bà nói, con người ta có thể thở dài như gió qua các bụi cây và lau sậy! Chẳng có lấy một tiếng chuông thỉnh trên mồ Vanđơma Đa! Không có em học trò nghèo nào hát bản kinh cầu nguyện khi người ta đem đi chôn ông chúa lâu đài Bôrơby. Mọi sự trên đời đều có ngày kết thúc, ngay cả cảnh nghèo khổ cũng vậy.

Chị Iđa tôi đã lấy một người nông dân. Cha tôi rất đau khổ về việc đó. Chả là con rể ông chỉ là một người bình dân mà ông thường khinh rẻ. Than ôi! Cha nằm dưới đất có lẽ sướng hơn trên này. Cả chị Iđa nữa. Còn tôi, mụ đàn bà đáng thương này, bao giờ mới hết kiếp? Thượng đế chí minh, xin người hãy giải thoát cho tôi!

Trên đây là lời khấn nguyện trong túp lều của Anơ-Đôrôtê. Nói về Gian, chính ta đã cứu nàng, người táo bạo nhất trong ba cô, gió kể tiếp. Nàng xung vào làm thủy thủ trên một chiếc tàu. Nàng luôn lầm lì và mặt mày ủ rũ, nhưng nàng có nghị lực và không than phiền gì cả. Một hôm ta thổi thành bão táp và đã đẩy nàng xuống biển. Ta nghĩ rằng như thế là ta đã giải thoát cho nàng.

Lại đến ngày lễ Phục sinh, ngày mà trước kia Vanđơma tưởng đã chế ra vàng. Bên dưới tổ cò, qua bốn bức tường đổ nát, ta nghe có tiếng người hát nguyện. Đó là tiếng hát cuối cùng của Anơ-Đôrôtê. Nhà không có cửa kính mà chỉ có một lỗ trên tường. Mặt trời như một quả cầu bằng vàng chiếu sáng rực gian phòng!

Đôi mắt và trái tim của người hấp hối tỉnh lại; nhưng chẳng bao lâu nữa bà ta chẳng cần đến ánh sáng mặt trời. Chú cò vẫn đứng trên mái nhà cho đến khi bà ta tắt thở. Chính ta đã hát nguyện khi đưa đám bà, cũng như ta đã hát nguyện khi chôn Vanđơma và chỉ có ta biết mộ ông ta ở chỗ nào.

Một thế hệ khác, một thế hệ mới đã đến. Những đường cái cũ trở thành đất đai riêng, những nấm mồ yên tĩnh bị san thành đường đi mới, tiếp đến những con đường sắt chạy trên các nấm mồ và xoá nhoà tên tuổi những người nằm bên dưới. Vi vu, vi vu… Mọi việc trôi qua! Trôi qua cả!

Truyện Vanđơma Đa và các nàng con gái thế là hết đấy. Các bạn có thể kể hay hơn được thì cứ kể đi. Gió nói rồi ngoắt đi, biến mất.

Truyện cổ tích: 3 câu chuyện cổ tích Andersen hay và ý nghĩa nhưng ít được kể - 8

Bài học hay từ truyện cổ tích Andersen

Truyện cổ tích Andersen nhắc nhở chúng ta cần phải luôn giữ cho tâm trí tỉnh táo để tránh xa những cám dỗ, mê hoặc trong cuộc sống.

Truyện cổ tích Andersen nhắc nhở chúng ta cần phải luôn giữ cho tâm trí tỉnh táo để tránh xa những cám dỗ, mê hoặc trong cuộc sống.

Truyện cổ tích: 4 câu chuyện cổ tích ngắn, dạy bé bài học đạo đức lớn
Những câu chuyện cổ tích mượn hình ảnh loài vật để phản ánh cuộc sống, ca ngợi cũng như phê phán đức tính đẹp và xấu của con người.

Nuôi con khoẻ, dạy con khôn lớn

Theo Thi Thi
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dạy con vâng lời