Truyện cổ tích các dân tộc Việt Nam hay, bé khám phá màu sắc văn hóa mới

Hạ Mây - Ngày 12/06/2022 19:46 PM (GMT+7)

Những câu truyện cổ tích các dân tộc Việt Nam phản ánh về đời sống, phong tục của người dân, mở ra thế giới màu sắc về văn hóa và kiến thức mới cho trẻ.

Truyện cổ tích các dân tộc Việt Nam hay, bé khám phá màu sắc văn hóa mới - 2

Nù Dáo lấy con Trời - Truyện cổ tích dân tộc H’mông

Nhà kia có hai anh em trai, bố mẹ chết sớm. Em tên là Nù Dáo. Anh đã có vợ, làm ăn khá giả. Nù Dáo lớn lên, vẫn ở với anh trai và chị dâu.

Một hôm, Nù Dáo đi cắt cỏ ngựa cho anh. Khi qua rừng, gần đến bãi cỏ, Nù Dáo bỗng nghe tiếng chim hót:

– Nù Dáo! Nù Dáo! Mày ăn khóc qua khỏe quá!Tao làm không nổi cho Nù Dáo ăn.

Nù Dáo buồn quá, quay về nhà tay không. Anh hỏi tại sao về tay không. Nù Dáo kể lại chuyện gặp con chim nó hót. Người anh lấy làm lạ, nhưng không hỏi gì thêm.

Sáng hôm sau, anh lại bảo Nù Dáo đi cắt cỏ ngựa. Và người anh cũng đi, để xem Nù Dáo có gặp chim hót như thế thực không.

Hai anh em vừa đến khu rừng hôm qua, lại nghe tiếng chim hót vang lên rằng:

– Nù Dáo! Nù Dáo! Mày ăn khỏe quá!Tao làm không nổi cho Nù Dáo ăn.

Nghe rõ, người anh biết ngay đấy chính là vợ mình bắt chước tiếng chim. Anh không nói gì, định bụng chốc sẽ hỏi vợ xem tại sao lại làm ra thế. Nù Dáo nghe chim hót vậy, đòi quay về, không đi cắt cỏ ngựa nữa. Người anh bằng lòng quay về.

Về đến nhà, người anh gọi vợ ra một chỗ kín, hỏi vợ tại sao lại giả làm chim hót ra những lời như thế. Vợ đáp:

– Để đuổi nó đi. Nó lớn rồi, phải tự đi làm ăn mà lấy vợ đẻ con. Nó lớn, ăn khỏe, ta không nuôi nổi nó nữa.

Người anh hiểu ý vợ. Sáng hôm sau, anh dậy sớm nắm một nắm cơm to, cắt một miếng thịt ướp, rồi em dậy, rủ em vào rừng bẫy chim bẫy sóc.

Không nghi ngờ gì, Nú Dáo vội vàng theo anh đi.

Vào đến rừng sâu, người anh đưa cho Nù Dáo nắm cơm và miếng iếng thịt, bảo Nù Dáo ngồi chờ, để mình đi đặt bẫy. Người anh đi sâu nữa vào rừng, và lừa lúc Nù Dáo không chú ý, anh ta lẻn về thẳng nhà, bỏ mặc em giữa rừng.

Nù Dáo ngồi chờ anh, càng chờ càng mất hút. Trời ngả tối, sương bay mù mịt núi rừng, anh Nù Dáo vẫn chưa trở lại. Nù Dáo đành bẻ lá lau, che thành một túp lều con, định ngủ cho qua đêm, chờ sáng mai tìm đường về nhà.

Đêm đó, không có ai làm bạn ngủ cùng, Nù Dáo buồn lắm. Nù Dáo trằn trọc mãi, hết nằm lại ra ngồi nhìn trời. Nhìn thấy trên trời có bảy ngôi sao sáng lấp lánh đứng gần nhau, Nù Dáo thì thầm:

– Anh mình chẳng về trên trời có bảy ngôi sao kia, ước gì một ngôi rơi xuống làm bạn với mình thì sướng quá!

Trời nghe Nù Dáo than thở vậy bèn nói:

– Dưới trần, có chàng trai nghèo khổ nhưng tốt bụng,Trên trời, ta cho con gái út xuống làm bạn với mồ côi.

Nói xong, Trời gọi cô gái út là cô gái thứ bảy đến trước mặt, đeo vào ngón tay út của cô một chiếc nhẫn vàng và bảo rằng:

– Nù Dáo là người tốt. Anh chị nó không tốt, tìm cách đuổi nó đi. Nay nó đang khổ sở vì chưa có bạn. Ta cho con xuống làm vợ nó ít lâu. Con phải làm cho nó được giàu sang sung sướng.

Con gái út của Trời vâng lời cha, xuống trần ngay đêm đó.

Trong lều lau, Nù Dáo vẫn chưa ngủ. Đang nằm, Nù Dáo bỗng thấy một bàn tay sáng rực thò vào mở cửa lều. Nù Dáo sợ hãi hỏi:

– Ma hay người?

Có tiếng trả lời ở ngoài vào:

– Người thôi! Bố bảo về ở theo anh làm vợ chồng đấy, anh mau mở cửa cho em vào với!

Nù Dáo mừng quá, nhỏm dậy, mở cửa lều. Một cô gái đẹp Nù Dáo chưa từng thấy bước vào, làm sáng rực cả căn lều tăm tối. Nù Dáo bàng hoàng cả người. Cô gái kêu đi đường xa mệt, bảo Nù Dáo cho đi ngủ ngay. Hai người thành vợ thành chồng từ đêm ấy.

Sáng hôm sau, vợ chồng Nù Dáo cùng dậy sớm. Thấy lều chẳng có đồ ăn thức dùng gì, vợ Nù Dáo bèn tháo chiếc vòng tay làm một chiếc chảo, tháo nhẫn làm chiếc chõ, nàng lấy trong túi ra một hạt gạo mang từ trên trời xuống, cho vào chảo nấu. Hạt gạo biến thành vô số hạt gạo khác.

Gạo sắp chín, nàng vớt ra rá, rồi bỏ vào chõ đồ chín lên. Được cơm rồi, nàng lấy trong túi ra một cái lông lợn cũng mang từ trên trời xuống.

Nàng bỏ chiếc lông lợn vào chảo luộc. Lông lợn biến thành thịt lợn. Nàng bày thịt và cơm ra tàu lá chuối trải giữa lều, gọi Nù Dáo đến cùng ngồi ăn cơm. Trong bữa ăn, nàng cho chồng biết là ngay đêm nay, bố mẹ họ hàng nàng ở trên trời sẽ xuống làm giúp vợ chồng nàng một ngôi nhà lớn và cho đủ đồ ăn thức dùng.

Đêm đó, trời làm mưa to gió lớn, sấm chớp ì ầm. Vợ chồng Nù Dáo mặc trời mưa gió, cứ ngủ say một mạch đến sáng. Sáng hôm sau, vừa mở mắt, vợ chồng Nù Dáo đã thấy mình đang ở trong một ngôi nhà lớn, cao chín tầng ở gần một con suối. Trong nhà đủ đồ ăn thức dùng, sang trọng như nhà vua.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Một hôm, bọn lính đi bắn chim cho vua ăn, qua nhà vợ chồng Nù Dáo. Thoáng thấy bóng vợ Nù Dáo trong nhà, biết đấy là một người đẹp, bọn lính về kể chuyện với vua:

– Vua có chín bà vợ cai quản chín phương trời, nhưng không một bà nào đẹp bằng vợ thằng muể nhô ở trong khu rừng mà chúng tôi vừa đi qua.

Vua nghe bọn lính nói, bèn giận dữ, bắt bọn lính đưa đi xem mặt người đàn bà đẹp ấy ngay. Bọn lính khiêng kiệu, đưa vua đến nhà vợ chồng Nù Dáo.

Vợ Nù Dáo đang nằm trong buồng. Vua quát hỏi Nù Dáo:

– Thằng dân hèn này, mau gọi vợ mày ra đây để tao xem mặt.

Nù Dáo thản nhiên đáp:

– Vợ tôi xấu lắm, bẩn lắm. Tôi không gọi.

Vua quát to hơn

– Ta mặc kệ, phải gọi nó ra đây ngay!

Quát xong, lão ngồi xuống ghế đợi.

Nù Dáo phải vào gọi vợ ra cho vua xem mặt. Vợ Nù Dáo vừa bước ra, lão vua đã ngã quay xuống đất vì nàng đẹp quá. Lão lồm cồm bò dậy, thét quân lính dựa lão vào ghế cho khỏi ngã, để lão được nhìn vợ Nù Dáo. Một lát sau, lão ngọt ngào gạ:

– Nù Dáo à! Ta có chín vợ cai quản chín phương trời, ta đổi tất cả cho anh để lấy một vợ anh và ngôi nhà này. Anh đổi cho ta nhé!

– Vợ tôi xấu xí, không đáng đổi cho vua đâu.

Vợ Nù Dáo nói nhỏ vào tại chồng:

– Em là người trời, em sẽ về trời, anh cứ bằng lòng đổi cho hắn đi rồi làm vua. Khi đi, anh đừng đi thẳng. Anh phải quay lại đây hai lần. Lần thứ hai, em sẽ dặn anh một điều rồi em mới về trời được.

Nù Dáo nghe lời vợ. Anh bằng lòng đối vợ cho vua. Bọn lính khiêng kiệu đưa Nù Dáo về kinh thành. Đi một quãng, nhớ lời vợ dặn, Nù Dáo quay lại nhà. Anh thấy vợ đang ngồi đun bếp với lão vua, lửa đỏ cháy ngùn ngụt. Trông thấy anh, vợ anh nói:

– Được rồi! Đi đi, chốc trở lại đây lần nữa!

Nù Dáo lại lên kiệu đi. Một lát sau, anh bắt quân lính khiêng kiệu trở lại nhà. Về tới nơi, nhà đã cháy trụi, lão vua bị chết cháy. Vợ anh đứng trên một đám mây đỏ, nói xuống:

– Em phải về trời rồi. Em đã có mang. Sau này, nếu sinh con trai thì vợ chồng sẽ sống với nhau, nếu sinh con gái thì thôi. Anh cứ đi làm vua đi. Em có đồng tiền vàng, bẻ đôi, chia ra mỗi người giữ một nửa, ngày sau lấy làm của tin mà nhận nhau.

Nói xong vợ anh chia cho anh nửa đồng tiền vàng, rồi theo đám mây đỏ bay thẳng lên trời. Nù Dáo nhìn theo vợ cho tới lúc không trông thấy nữa mới chịu lên kiệu về kinh thành làm vua.

Gần kinh thành có hai vợ chồng già không con. Hai vợ chồng tìm lên núi hỏi một ông tiên. Ông tiên cho họ biết là trời sắp cho họ một đứa con trai tài giỏi.

Vợ chồng già mừng lắm, về nhà, đêm nào cũng chẻ đóm đốt đuốc ngồi chờ con Trời cho đến nửa đêm.

Một đêm, về gần sáng, trời mưa to gió lớn, vợ chồng già đang ngủ bỗng nghe tiếng trẻ con khóc. Họ mở cửa chạy ra, thấy một bé trai đẹp đẽ nằm khóc giữa sân. Vợ chồng già vội bế đứa bé vào, thấy thêm một cái bút, một cái nghiên và một sải lụa đỏ buộc vào ngực nó bằng một sợi tóc dài ba sải tay. Vợ chồng già bèn cất tất cả những thứ đó vào hòm. Họ cho đứa bé ăn, nó nín khóc.

Vợ chồng già nuôi nấng chăm nom đứa bé rất cẩn thận. Nó lớn lên như thổi, khỏe mạnh hơn tất cả trẻ khác. Khi được đi học, nó học giỏi hơn tất cả các học trò khác.

Bọn trẻ cùng học ghen ghét, thường mắng nó:

– Đồ con nuôi không cha không mẹ, có học giỏi cũng chẳng làm gì!”.

Đứa bé tức lắm, về hỏi bố mẹ nuôi. Bố mę nuôi không nói. Nó lên núi hỏi ông tiên. Ông tiên dặn:

– Cháu muốn tìm bố mẹ đẻ thì phải về lấy đất trát kín ba cái ống nước ở nhà lại, để đấy cho ông bà già. Cháu xin ông bà già cái bút, cái nghiên, sải lụa đỏ và sợi tóc dài ba sải mà đi tìm bố mẹ.

Đứa bé về, làm theo lời ông tiên. Nó lấy đất trát kín ba ống nước, đựng vào góc nhà cho ông bà già, rồi xin cái bút, cái nghiên, sải lụa đỏ và sợi tóc để đi tìm bố mẹ. Ông bà bằng lòng cho nó đi. Đứa bé đi được ba ngày, vợ chồng ông già mở ba ống nước ra, thấy trong đó đựng đầy vàng bạc. Hai vợ chồng dùng chỗ vàng bạc ấy nuôi thân cho tới lúc cuối đời.

Đứa bé đi lang thang tìm mẹ tìm bố, nhưng tìm mãi chẳng biết mẹ biết bố ở đâu. Nó lại lên núi hỏi tiên. Tiên mách:

– Ngày mai, cháu lên đầu đèo kia sẽ thấy bảy người đàn bà đẹp đi bảy con ngựa đẹp tới ăn cưới con gái Xính Chử Lầu [3]. Người cuối cùng chính là mẹ cháu.

Sáng hôm sau, đứa bé lên đầu đèo từ sáng sớm, đứng chờ. Gần trưa, quả nhiên có bảy bà trẻ đẹp cưỡi bảy con ngựa đẹp qua đèo. Đứa bé bèn túm lấy bờm con ngựa thứ bảy đi sau cùng nói với lên với người cưỡi:

– Mẹ ơi, cho con bú!

Người đàn bà cưỡi ngựa cầm roi quất đứa bé một cái và mắng rằng:

– Con nhà ai láo! Sao mi dám giữ ngựa lại mà đòi bú? Ta có phải là mẹ mi đâu?

Sáu người đi trước quay lại nhìn và cùng nói:

– Đúng con em đấy. Em không nhớ em xuống trần lấy Nù Dáo rồi có con à?

Người đàn bà cưỡi ngựa ấy chính là con gái thứ bảy của Trời. Nàng sực nhớ ra, bảo đứa bé:

– Nếu phải con ta thực thì phải đưa ta xem cái bút, cái nghiên, sải lụa đỏ và sợi tóc ba sải.

Đứa bé bèn đưa ra đủ bốn vật ấy. Nàng vội ôm lấy con mà khóc. Lát sau, nàng bảo con:

– Mẹ con ta phải đi tìm bố con thôi!

Rồi nàng từ biệt sáu chị, bỏ dở việc đi ăn cưới con gái Xính Chử Lầu, để đi tìm chồng.

Hai mẹ con đi mãi, gặp một rặng núi cao chắn ngang không còn đường sá gì. Đứa bé bèn cầm bút chấm mực, viết lên mảnh giấy ba chữ rồi ném mảnh giấy vào rặng núi. Rặng núi biến mất, đường cái hiện ra trước mắt. Hai mẹ con lại đi. Một quãng sau, ngang đường có một con sông chảy qua. Sông rộng, sóng to, thuyền bè không thấy chiếc nào. Đứa bé lại lấy bút viết ba chữ lên mảnh giấy, ném mảnh giấy xuống sông. Trong chớp mắt, nước sông cạn hết. Hai mẹ con qua sông một cách dễ dàng.

Ba ngày sau, hai mẹ con đi đến một nơi đông đúc, có thành lũy kiên cố. Trong thành bỗng có ba phát súng nổ bắn về phía hai mẹ con. Đứa bé bèn viết ba chữ lên mảnh giấy rồi ném mảnh giấy xuống đất. Tức thì dưới đất nổ lên sáu phát súng bắn trả vào trong thành. Trong thành lại bắn ra sáu phát nữa. Dưới đất nổ lên chín phát bắn trả lại. Sau chín phát súng này, đứa bé dắt mẹ đến trước cổng thành, bảo quân canh vào mời vua ra nói chuyện.

Quân canh vào báo, nhưng hai mẹ con đúng chờ mãi chẳng thấy vua ra. Đợi hai ngày nữa cũng chẳng thấy vua ra. Hai mẹ con đành ngồi xuống trước cổng thành, nấu cháo sèo [4] ăn để chờ.

Chờ lâu quá, sốt ruột, người mẹ bèn làm một cái bánh sèo, nhét sợi tóc ba sải vào giữa, rồi nhờ quân lính gửi vào biếu vua.

Vua bóc bánh ra ăn, thấy sợi tóc ba sải thì biết ngay là tóc của vợ. Vua vội cho kiệu ra đón vợ và con vào. Vừa trông thấy vua, vợ vua đã chỉ tay vào mặt mà mắng rằng:

– Ngày xưa anh khổ, không thành người, bố tôi cho tôi xuống giúp anh nên người, sao anh mau quên, để mặc mẹ con tôi đói khổ ở ngoài cửa mãi thể? Anh không còn giữ nửa đồng tiền vàng như này nữa hay sao?

Vua vội vàng mang nửa đồng tiền vàng ra chắp với nửa đồng vợ vừa ném xuống trước mặt. Đồng tiền liền lại. Người vợ chưa hết giận, xông vào đánh, vua phải xin mãi, vợ mới tha cho. Từ đấy, cả nhà chung sống vui vẻ sung sướng. Đứa bé lại được đi học, càng học càng giỏi. Về sau, nó được lên thay cha, làm vua cai quản chín phương trời.

Truyện cổ tích các dân tộc Việt Nam hay, bé khám phá màu sắc văn hóa mới - 4

Nữ thần Đăng Giai - Truyện cổ tích dân tộc Xơ Đăng

Ngày xửa ngày xưa, có hai vợ chồng một ông vua lấy nhau đã lâu, nhưng vẫn chưa có con. Nhà vua có nhiều quyền thế nên sai quân lính đi bắt trong dân gian khắp nơi rất nhiều cung nữ để làm vợ mình, nhưng vẫn chẳng thể nào có một chàng hoàng tử hay một công chúa nào ra đời để nhận ngai vàng.

Nhà vua buồn bã vô cùng, ông bèn đi cầu cúng khắp nơi, khắp cả thần sông, thần núi, mong các vị thần cho mình một đứa con.

Thần Mykây thấy tấm lòng thành khẩn của nhà vua nên động lòng thương bèn về nhà bàn với vợ là nữ thần Đăng Giai tìm kế giúp nhà vua. Nhưng ngặt vì hai lẽ, lẽ thứ nhất là nhà vua quá hiếm hoi, lẽ thứ hai là phép thuật của hai vị thần Mikây và Đăng Giai có hạn, nên không có cách gì tìm một đứa con cho nhà vua.

Chỉ còn cách giúp nhà vua là tự mình hạ thế xuống đầu thai làm con của nhà vua mà thôi. Vì việc của thần Mikây nặng nhọc không thể bỏ đi được, thần Mikây nhờ cậy vợ mình xuống trần đầu thai làm con nhà vua. Thần Đăng Giai nể lời chồng bằng lòng đi ngay xuống trần gian.

Ngay đêm hôm đó, hoàng hậu nằm mơ thấy một điềm rất lạ: đang đi chơi trong vườn hoa thì đột nhiên thấy bầu trời sáng rực rỡ. Trên trời muôn vì sao bỗng nhiên sáng lấp lánh như muôn ngàn viên kim cương. Có một viên kim cương sao sa chập chờn ở ngay trước mặt hoàng hậu làm hoàng hậu chói mắt vì vẻ đẹp rực rỡ đầy ánh sáng lung linh của nó.

Hoàng hậu bỗng nảy ra ý muốn nuốt hạt kim cương sao sa ấy vào bụng. Nghĩ thế, hoàng hậu vừa há miệng, thì lạ quá, viên kim cương sao sa đó sa ngay vào miệng hoàng hậu, và hoàng hậu nuốt vào trong bụng một cách dễ dàng.

Giấc mơ lạ làm hoàng hậu tỉnh giấc. Sáng hôm sau hoàng hậu mang điểm lạ trong mơ kể cho vua nghe, nhà vua và tất cả mọi người đều đến mừng hoàng hậu vì họ tin đấy là điềm hoàng hậu sắp có con.

Quả nhiên, hoàng hậu thụ thai. Nhưng hoàng hậu vô cùng lo sợ. Vì từ lâu trong xứ sở hoàng triều có một con quái vật hung ác. Đó là một con chim hung thần có sừng nhọn cứng như sừng tê giác, có mỏ cứng và dài như hai lưỡi gươm kẹp lại với nhau.

Cánh của chim hung thần rộng che kín mái nhà rông. Mỗi lần nó bay thì nhà tốc mái, rừng bạt cây, sông suối nổi sóng ầm ầm. Chim hung thân thường bay đi bắt người ăn thịt làm cho dân chúng trong vùng đều khiếp sợ. Cái họa của chim hung thần bao trùm khắp đất nước, bao trùm lên hoàng thành, ám ảnh cả niềm vui của hoàng hậu.

Dù vậy, đúng chín tháng mười ngày hoàng hậu vẫn sinh hạ một nàng công chúa mà ngay từ lúc mới chào đời cả thiên hạ đã đoán biết được mai sau lớn lên nàng sẽ là một trang tuyệt thế giai nhân. Nhà vua hết sức nâng niu và chăm sóc công chúa, coi hơn cả hạt ngọc quý nhất trên thế gian này.

Ngày tháng thấm thoắt trôi qua, công chúa đã tròn mười sáu tuổi. Đúng như lời dự đoán của mọi người, công chúa đúng là một thiếu nữ có vẻ đẹp lộng lẫy, lại nết na thùy mị ít ai bì kịp. Vua và hoàng hậu nghĩ ngay đến việc tìm cho công chúa một chàng phò mã đẹp trai, dũng mãnh.

Trong khi đó con chim hung thần ngày càng say máu người, nó càng hoành hành, gây nhiều thảm họa cho dân chúng, gieo nỗi khiếp sợ cho toàn vương quốc. Người dân khổ đau quá kêu đến tận tai vua, xin vua phải có cách trừ khử tai họa này cho họ bớt khổ đau.

Nhà vua không còn biết làm thế nào đành phải hạ chiếu kén người tài giỏi. Vua hứa rằng, nếu ai giết được chim hung thần thì sẽ nhường ngôi cho, vì ai trừ được họa cho dân, kẻ đó xứng đáng giữ ngôi báu trị vì vương quốc. Lời ban bố của nhà vua truyền đi khắp nước, nhưng không có ai dám đứng ra nhận công việc khủng khiếp này. Nhà vua vô cùng lo buồn.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Công chúa thấy vẻ mặt vua cha luôn ủ rũ bèn lân la hỏi nguồn cơn. Nhà vua ban đầu giấu con vì không muốn tai họa ám ảnh tâm hồn trong trắng ngây thơ của con. Nhưng con gái gặng hỏi mãi, nhà vua đành phải kể thật mọi nhẽ, kể cả chuyện nhà vua kêu gọi người tài nhưng không ai dám đứng ra nhận lãnh việc diệt trừ loài chim ác.

Công chúa xin với vua cha một điều mà vua cha không bao giờ dám ngờ tới.

– Xin vua cha cho con đi đánh loài chim hung ác. Vua cha cứ yên lòng, thế nào con cũng diệt được nó, trừ mối đe dọa cho thần dân.

Nghe công chúa nói như vậy nhà vua sững sờ gần như chết đứng.

Vua chưa biết phải quyết định ra sao thì cả kinh thành náo động vì chim ác xuất hiện. Lần này chim ác không chừa cả hoàng cung, nó cứ lao xuống bắt quân lính, quần thần, xé xác mà ăn thịt.

Công chúa xin vua cho mình một trăm quân lính. Vua không muốn cho con gái yêu của mình đi, nhưng trong triều các vua quan, dũng sĩ nghe tiếng chim vỗ cánh đều bỏ chạy cả, chẳng còn ai nên đành phải nghe theo lời con vậy. Công chúa bắt quân lính của mình mặc toàn quần áo mới.

Ngoài gươm giáo ra công chúa còn bắt mỗi người lính đeo thêm hai giỏ đầy những hoa thơm ngát của nương rẫy và rừng già. Trước khi xuất quân đánh nhau với loài chim hung thân, công chúa xin với vua cha lập đàn để cúng.

Bước lên đàn, công chúa cầu xin người chồng của kiếp trước trên thiên đình hiện lên giúp đỡ nàng. Nghe người vợ kiếp trước lập đàn kêu gọi, thần Mikây hiện xuống giao cho công chúa một cái cung và một mũi tên thần. Có cung và tên thần công chúa mới ra lệnh nổi chiêng dẫn quân đi đánh nhau với loài chim ác.

Chim hung thần thấy công chúa xinh đẹp dẫn quân đến chỗ mình thì trong bụng vui như mở cờ. Nó tự nhủ, sẽ bắt nàng công chúa xinh đẹp làm vợ và bắt quân lính của nàng để làm thức ăn trong đám cưới. Nghĩ vậy chim hung ác há mỏ chờ sẵn và đập cánh gây nên gió bão chuyển động cả núi rừng.

Nàng công chúa ra lệnh cho quân tung gươm giáo cùng với hoa thơm lên trời. Giông bão do chim tạo nên cuốn hoa thơm vào trong bụng chim, cuốn cả gươm giáo vào bụng. Gươm giáo sắc làm chim bị thương đầm đìa máu chảy. Chim hung ác bèn vỗ cánh bay bổng lên định bắt cóc nàng công chúa xinh đẹp.

Đến lúc ấy, nàng công chúa mới lắp tên thần vào cây nỏ thần, nhắm thẳng vào ức chim phóng tên đi. Mũi tên thần có sức mạnh kỳ lạ làm cho tất cả những vết thương của chim trở nên nặng nề đau đớn hơn. Vì thế mà chim ác giãy chết.

Cả Kinh thành và dân chúng trong vương quốc hò reo mừng chiến công kỳ lạ của nàng công chúa xinh đẹp. Nhà vua mừng quá, giữ lời hứa từ trước, nhất quyết nhường ngôi vua cho con gái.

Nàng công chúa từ chối mãi không được đành phải nhận làm vua. Nàng không lấy chồng vì trong thiên hạ đâu có thể tìm được một chàng dũng sĩ nào có can đảm và anh tuấn xứng với nàng để xin cưới nàng làm vợ. Trị vì được hai năm thì nàng mất. Lúc đó nàng nhường lại ngôi cho vua cha và nói rằng:

– Con chính là vợ thần Mikây, tên thật là nữ thần Đăng Giai. Vì cảm thương số phận hiếm hoi của vua cha, nên xuống trần đầu thai làm con gái của vua cha. Nay thời hạn đã hết, chồng con lại gọi con về làng trời, con xin kính chào vua cha!

Vua cha và dân chúng cầu mong thế nào nàng cũng không ở lại. Nàng mất vào đúng năm mười tám tuổi xuân trong trắng.

Truyện cổ tích các dân tộc Việt Nam hay, bé khám phá màu sắc văn hóa mới - 6

Bơ Tin Chung - Truyện cổ tích dân tộc Cơ Tu

Có anh A Hênh mồ côi cha từ nhỏ, ở với mẹ trong một căn nhà xinh xắn. A Hênh chăm chỉ làm lụng, nên cuộc sống của hai mẹ con cũng tạm đủ.

Đã lâu rồi, A Hênh đem lòng yêu Bơ Tin Chung – một cô gái đẹp nhất vùng và thuộc dòng tiên. Anh đã ngỏ lời mấy lần nhưng đều bị cô từ chối. Càng nhìn Bơ Tin Chung, A Hênh càng ưng cái bụng.

Mặt cô không tròn nhưng rất đẹp, người cô không thấp không cao, cánh tay cô thẳng băng và tròn trĩnh như trái bắp. Cô đi đến đâu, mọi vật xung quanh cô bỗng sáng lên như có ánh mặt trời chiếu rọi. Nếu không lấy được cô, A Hênh thấy mình khó sống nổi đến mùa sau.

Một buổi sớm tinh sương, A Hênh vào rừng săn bắt. Nhìn lên ngọn cây cao thấy có tổ chim bù cành, anh liền trèo lên định bắt chim con và lấy trứng về làm cơm cho mẹ. Nhưng không ngờ anh bị chim mẹ mổ mù mắt bên phải. Đau quá, anh rơi xuống gốc cây ngất đi. Khi tỉnh lại anh lấy tay bịt chặt mắt bị thương, chạy về nhà kể hết sự tình với mẹ:

– Con khổ quá mẹ ơi, biết làm sao lấy được vợ bây giờ, xấu cái mặt rồi!

Thương con, mẹ A Hênh bàn mẹo đưa anh lên nằm úp sấp mặt trên giàn nhà để cối giã gạo phía dưới. Một lát sau, Bơ Tin Chung cùng các cô gái làng ra giã gạo dưới nhà. Bất chợt Bơ Tin Chung quá tay, cái chày đụng phải giàn đánh “bốp” một cái. A Hênh ở trên giàn liền kêu ầm lên:

– Trời ơi, vỡ mặt tôi rồi, đui mắt tôi rồi!

Hoảng sợ, Bơ Tin Chung tưởng mình gây ra tai vạ thật, xin hứa về nhà lấy nhiều trâu bò, chiêng ché sang đền. Nhưng A Hênh một mực lắc đầu không nhận.

Dân làng bàn góp:

– Thôi, gây vạ thì đền vạ. Bơ Tin Chung phải lấy A Hênh đi thôi!

Suy nghĩ một ngày một đêm, Bơ Tin Chung đành phải về làm vợ anh chàng chột mắt đó.

Ít lâu sau, Bơ Tin Chung sinh được một đứa con trai đặt trùng tên cha, gọi là “Hênh con”. Hai vợ chồng mừng lắm và càng ngày họ càng yêu quý nhau hơn. Một hôm, Bơ Tin Chung ra rẫy tuốt lúa, A Hênh gửi cháu cho bà rồi xách ná vào rừng. Bà ở nhà vừa bế cháu vừa vui miệng hát rằng:

– Hỡi ơi, chim bù cành vàng vàng đẹp đẹpMổ mắt cha mày nên được mẹ mày chiềuGiá A Hênh không ham bắt chim vàngĐến bây giờ cũng chẳng được cháu yêu…

Tiếng hát lọt vào tai con rệp, nó vội đi tìm bạn thân của nó là mụ Cơ Rúa kể cho nghe tất cả. Cơ Rúa ra rẫy nói hết sự tình với Bơ Tin Chung:

– Không phải mày làm đui mắt A Hênh đâu. Nó lừa mày đấy! Nó nằm trên giàn thì làm sao đui mắt được?

Biết chuyện, Bơ Tin Chung tự nhiên thấy rã rời chân tay. Cô lặng lẽ trở về nhà làm như không biết gì, ngồi trong bếp. Bà mẹ A Hênh ở nhà trên không để ý, lại cất tiếng ru cháu:

– Hỡi ơi, chim bù cành vàng vàng đẹp đẹp…

Tiếng hát theo gió lọt vào tai Bơ Tin Chung. Cô buồn rười rượi vì biết chắc chắn A Hênh nói sai cho cô rồi. Bơ Tin Chung múc nước đầy ắp mấy bầu, chặt củi để chật mấy gian, xay hết mười gùi thóc, hái được mười xâu lá… xong tất cả, cô bảo mẹ chồng:

– Con đi tắm một chút, mẹ ở nhà trông cháu nhé!

Bơ Tin Chung không ra suối mà vào rừng lấy đôi cánh thần cô vẫn giấu ở đó ra, chắp vào mình, vỗ cánh “vập, vập”. Nghe có tiếng động, mẹ A Hênh nói vọng ra:

– Cái gì thế con ơi?

– Không có gì đâu, con “đập cái nia, lia cái nong” đó mà.

Vỗ cánh một hồi, Bơ Tin Chung nhìn lại nhà chồng một lần nữa như mến tiếc, rồi vụt bay mất. Cô bay mãi tới một ngọn núi có cây Pơ Rem Ma Gơi Ma Gút. Đậu trên cành cây cô đơn giữa khoảng trời bát ngát, tự nhiên Bơ Tin Chung lại thấy nhớ chồng thương con, nước mắt giàn giụa. Đã trót đi, cô thấy không tiện trở về.

A Hênh về nhà không thấy vợ liền hỏi mẹ. Mẹ không biết, A Hênh gọi vợ, vợ không thưa. Nhìn thấy nhà cửa sạch sẽ gọn gàng, anh biết vợ anh đã bỏ đi rồi. A Hênh buồn không muốn nói, miệng ăn không biết ngon, uống rượu thấy nhạt, hút thuốc thấy thuốc hôi, cái tay không thiết cầm ná bắn nai, cái chân không muốn bước đi ra rẫy.

Anh đan cái Pơ Rôm [3] để đựng con, mang cơm nước xách gùi đi tìm vợ. Đi mất mấy năm ròng, anh tới ngọn núi có cây Pơ Rem Ma Gơi Ma Gút. Anh ngồi nghỉ dưới gốc cây, nghe phía trên có tiếng nói ríu rít:

– Mày làm đui mắt A Hênh sao lại bỏ rơi nó?

– Sao mày không lấy nó? Bỏ cả con à?

Có tiếng Bơ Tin Chung phân bua:

– Không phải thế, bù cành mổ đui mắt A Hênh chứ không phải tôi.

A Hênh nghe thế, nhìn lên ngọn cây thấy vợ mình cùng các loài chim khác đang đậu. Anh cất tiếng hát:

– Em ơi, con đang khát sữaCon đang thèm nước mậtEm xuống gặp mặt con đi thôi!

Bơ Tin Chung nhớ chồng, nhớ con, nhưng nàng vẫn không xuống mà lại giấu mình sau lá cây, ngắt quả chín thả xuống cho con. A Hênh cho con ăn no và làm lều nghỉ dưới gốc cây không đi nữa.

Sáng hôm sau, khi sương chưa tan, Bơ Tin Chung đã cùng đàn chim cất cánh. A Hênh ôm con khóc. Hênh con chỉ tay gọi:

– Cha ơi, kia kìa, mẹ bay mất rồi!

Buồn rầu, A Hênh lại cõng con đi, lại gặp cây Ma Gơi Ma Gút khác. Anh ngồi nghỉ một lúc vừa đói vừa khát, anh ngủ thiếp đi cho đến tối. Có tiếng sột soạt, thì ra Bơ Tin Chung đã kín đáo đến thả quả cây xuống cho chồng và con.

Mặt trời vừa chiếu sáng, Bơ Tin Chung đã cùng mười hai chị của cô vượt qua núi, qua sông tìm về quê mẹ trở lại cuộc sống nơi cõi tiên. Vừa đặt chân xuống đất, tất cả lại biến thành mười hai cô gái xinh đẹp.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

A Hênh cõng con đi miết. Tới bờ sông, anh dừng lại dựng lều nghỉ. Thoáng thấy bóng vợ ra sông múc nước nhưng anh không làm sao qua bờ bên kia được. Cơm gạo đã hết. Hênh con đói cứ gào khóc. Một con heo rừng đi tới, A Hênh phải hứa sẽ cho heo ăn lúa của người, heo mới đồng ý đưa bố con anh qua sông. Cõng con ngồi trên lưng heo nhưng vừa ra khỏi bờ sông, heo đã chìm nghỉm.

A Hênh đành bò trở lại vào bờ, kéo heo lên lấy thịt cho con con ăn. Qua ngày này đến ngày khác, hươu, nai, mang cọp… cũng tới giúp anh. Nhưng rồi chúng lần lượt chết đuối như heo. Bỗng một con Rịn Ràng từ trong núi bò ra, anh liền chụp lấy nó và nói:

– Tao ở đây đã lâu rồi mà không sang được sông để tìm vợ, cơm không có ăn, áo không đủ mà đắp, chuối không có làm bè, con khóc khản cả cổ, mày để tao ăn thịt mày.

Rịn Ràng van xin anh tha chết và hứa sẽ giúp A Hênh, có điều anh phải hứa là sẽ cho nó chăng tơ khắp đường. Nó dặn anh:

– Hai cha con cứ ngồi lên lưng tôi nhưng cấm không được cười nói, hở một lời là chết đấy.

Nói rồi Rịn Ràng vừa bơi vừa hát:

– Rịn Ràng! Rịn Ràng! Rịn Ràng!Rịn Ràng! Rịn Ràng! Rịn Ràng!

Nghe tiếng hát lạ tai, A Hênh cố nhịn cười và dặn con im lặng. Càng đến gần bờ, Rịn Ràng càng hát to, vừa bơi vừa nhún nhảy. Đứa con thấy nhộn quá, phá lên cười khanh khách. Mạng nhện tự nhiên đứt ra và hai cha con lăn tòm xuống nước. May đã gần bờ nên họ chỉ ướt hết quần áo.

Vì áo quần còn ướt, A Hênh bèn đi ngược lên đầu ngọn suối náu mình trong bụi tre ngồi hút thuốc. Chiếc ná của anh dựng đầu nguồn, chiếc Pơ Rôm đựng con đặt bên cạnh.

Vừa lúc ấy, có một cô gái ra bờ suối múc nước. Cô đẹp như một tiên nữ giáng trần. Cô vừa đi, vừa cất tiếng hát, vừa nỉ non, vừa não nùng. A Hênh liền chắn dòng nước không cho chảy xuống chỗ cô đang múc. Thấy hết nước, cô gái chạy lên phía trên thì đụng phải cái ná. Cô kêu lên:

– Ôi, em đụng phải ná của Ta Nôi rồi.

A Hênh bắt chuyện mới biết cô là em thứ hai của Bơ Tin Chung. Anh hỏi:

– Sao em hát buồn thế?

Cô bảo là vì cô thương nhớ A Hênh nên không vui được. Anh lại hỏi:

– Thế em là vợ A Hênh à?

– Không phải, A Hênh là chồng chị em. Chị em buồn nên em cũng không vui.

A Hênh lặng đi không hỏi nữa. Cô gái nhìn chiếc cườm chàng đeo nơi cổ, nhìn cái Ma Non [5] giống như cườm và Ma Non của chị mình xưa, nhìn đến cái bùi nhùi hút thuốc, cô vui vẻ nói to:

– Ồ, bùi nhùi của Bơ Tin Chung! Ma Non và cườm của Bơ Tin Chung! Anh ơi, anh là A Hênh rồi!

Không thể giấu được nữa, anh kể hết đầu đuôi cho cô gái nghe, cô gái mừng rỡ mời chàng về nhà nhưng A Hênh không chịu. Cô bèn về nhà, giả vờ trượt chân đổ hết nước trong bương. Bơ Tin Chung phải đi múc nước thay em. Lòng vẫn thương con, nhớ chồng, vừa đi vừa hát:

– Người em yêu đi đâuCách xa chàng đã lâuTưởng như chàng đã chết…

Đứa con nằm trong Pơ Rôm nghe tiếng hát liền reo lên:

– Cha ơi, tiếng mẹ hát kìa! Cha cho con gặp mẹ!

– Nằm im, ráng chờ lát nữa con ơi!

Múc xong, Bơ Tin Chung lại hát tiếp:

– Nước suối ơi cứ chảy hoài mãi thôiKhông biết lòng ta đang đau khổNhớ ngày nào ở bên nhauNay xa cách buồn rầu trong ruột!

Hát xong, Bơ Tin Chung lại lẩm bẩm: “Nước suối ơi nghe tiếng mày ta lại nhớ A Hênh đi mãi không về, ta thử đi lên tí xem sao!”.

Bơ Tin Chung cầm dao phát cỏ, bỗng nghe tiếng “cờ rắc, rắc”. Cô giật mình dừng tay, nhìn xuống đất thấy có chiếc ná gãy đôi, bên ná lại có chiếc Ma Non của mình ngày trước. Nàng ngạc nhiên nhìn quanh không thấy bóng người liền nói bâng quơ:

– Ná ai ở đây như ná yêu ná quý?Ai mang ná này hát hay hơn chimAi mang ná này mới thật là chồng emNgười em yêu ơi, hãy đến…

Không một tiếng trả lời nào ngoài tiếng vọng của mình. Bơ Tin Chung ngồi ôm ná khóc nức nở. Nàng khóc rất lâu, nước mắt nhòa nên không nhìn thấy rõ bóng A Hênh đang đi tới. Chàng cất tiếng:

– Ơ, em làm hư ná của anh, em phải trả đền. Làm không nên em không được về.

Bơ Tin Chung ngước mắt nhìn người lạ, sợ hãi:

– Ná ơi liền lại nhéDấu vết đừng như váLiền lại đi ná ơi!

Chiếc ná tự nhiên liền lại như cũ. Định cầm nó lên trả lại cho người lạ, Bơ Tin Chung nhận ra người đó chính là chồng mình. Nàng gặp lại chồng và con, mừng quá giàn giụa nước mắt.

Từ đó, vợ chồng Bơ Tin Chung và con được sống bên nhau vô cùng đầm ấm.

Được ít lâu, A Hênh nhớ mẹ. Anh nhờ người về nhà mời mẹ sang ở nhà vợ nhưng mẹ anh không chịu. A Hênh ngày đêm buồn rầu trong bụng. Mẹ Bơ Tin hung đành để cho co Chung con gái theo về quê chồng. Cha mẹ nàng chia cho nàng nhiều chum ché và bò, heo…

Đi mất mấy tuần trăng, A Hênh mới dẫn vợ con về tới quê nhà. Bước vào nhà, anh thấy mẹ già đang hấp hối:

– Mẹ ơi, con đã về đây, vợ con và cháu cũng về đây.

Nghe tiếng con nói, mẹ anh mừng quá, cố gắng ngồi dậy nhưng lại ngã vật xuống giường. Bà cụ giơ tay nắm lấy tay A Hênh, nắm lấy tay Bơ Tin Chung rồi bà cụ run run nói lời đứt quãng:

– Trời ơi! Bao nhiêu năm bỏ cái nhà cái cửa! Cháu bà ở đâu?

Bơ Tin Chung ghé Pơ Rôm đựng con lại gần bà. Mẹ A Hênh mừng quá, bước xuống sạp định vươn ra bế cháu thì không may trượt chân ngã mạnh quá và ngất đi, rồi mất.

Vợ chồng A Hênh nhớ mẹ, lo tang ma cho mẹ xong, họ sửa sang lại nhà cửa, cùng dân làng sáng chiều chăm lo nương rẫy. Họ sống yên ổn hạnh phúc suốt đời.

Truyện cổ tích các dân tộc Việt Nam hay, bé khám phá màu sắc văn hóa mới - 8

Những bài học hay từ truyện cổ tích

Những câu truyện cổ tích các dân tộc Việt Nam cũng không kém phần phong phú và đa dạng. Hầu hết phản ánh về đời sống, phong tục của người dân, ca ngợi nét đẹp lao động, đức tính đạo đức tốt của con người.

Thông qua những câu chuyện ngắn gọn nhưng mở ra thế giới màu sắc về văn hóa và kiến thức mới cho trẻ.

Những câu chuyện ngắn gọn nhưng mở ra thế giới màu sắc về văn hóa và kiến thức mới cho trẻ.

Những câu chuyện ngắn gọn nhưng mở ra thế giới màu sắc về văn hóa và kiến thức mới cho trẻ.

Top 3 câu truyện cổ tích ngày xưa hay nhất, mẹ hãy kể con nghe ít nhất một lần
Một số câu chuyện cổ tích Việt Nam với nội dung hấp dẫn, thú vị, có tác dụng góp phần làm tăng thêm tình yêu và sự gần gũi của trẻ nhỏ với thế giới...

Nuôi con khoẻ, dạy con khôn lớn

Theo Hạ Mây
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Nuôi con khoẻ, dạy con khôn lớn