Truyện cổ tích: Những câu chuyện chọn lọc cho bé tuổi mầm non

Thi Thi - Ngày 26/08/2022 19:31 PM (GMT+7)

Thế giới cổ tích

Truyện cổ tích: Những câu chuyện chọn lọc cho bé tuổi mầm non - 1

Truyện cổ tích: Những câu chuyện chọn lọc cho bé tuổi mầm non - 2

Con sáo và phú trưởng giả

Ngày xưa có một con sáo nói được tiếng người và hiểu được ý người. Từ lâu, sáo làm bạn với một bác nông dân rất nghèo. Hôm ấy, bác đi cày bắt được sáo ta bị thương nằm nép trong bụi lúa, bèn đưa về chăm sóc, dần dần dạy sáo học, sáo biết đủ mọi thứ. Đối với sáo bác rất tận tình, mỗi khi có miếng ăn đều dành phần cho sáo. Bác bảo sáo:

– Ta già rồi mà không có con nên ta nhận sao làm con!

Sáo được tự do muốn đi đâu mặc ý, không bị nhốt trong lồng. Nhưng sáo rất quyến luyến bác, không muốn rời.

Gần đấy có phú trưởng giả giàu nứt đố đổ vách. Nhà hắn tiền ròng bạc chảy đến nỗi thỉnh thoảng hắn lại đem vàng ra phơi nói là cho đỡ ẩm. Một hôm, sáo bay qua nhà phú trường giả gặp kỳ hắn đang phơi vàng. Sáo biết là của quý, vội sà xuống cắp lấy mấy thoi đưa về cho bố nuôi. Từ đấy bác nông dân sống dễ chịu hơn trước.

Phú trưởng giả từ ngày mất vàng không biết nghi cho ai được, vì hắn phơi tận trên nóc nhà lại nghiêm cấm không cho một ai tới gần, nên hắn đành nín lặng. Nhưng hắn vẫn để tâm rình mò quyết tìm cho ra.

Một hôm khác, hắn lại phơi vàng. Sáo bay qua trông thấy lại sà xuống lấy, nhưng không may bị phú trưởng giả nhanh tay chộp được. Lập tức hắn tra khảo sáo để mong tìm lại những vàng đã mất lần trước. Hắn hỏi sáo:

– Ngươi ở nhà nào?

Sáo đáp:

– Tôi ở trên rừng.

– Ai dạy ngươi trộm vàng của ta?

– Chả ai dạy tôi cả.

– Ngươi trộm về cho ai?

– Tôi quẳng lên rừng.

Tức tối vì không tìm ra được manh mối, phú trưởng giả liền sai gia nhân vặt lông sáo cho kỳ trụi để cho sáo chết một cách đau đớn. Nhưng mới nhổ được mấy cái lông thì sáo đã giả bộ chết, nằm ngay đơ, cánh sã ra, không cựa quậy. Phú trưởng giả sai vứt sáo ra ngoài bụi tre. Chỉ một chốc sau, sáo đã đứng dậy và gượng lần về nhà.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Mấy tháng sau, ở một ngôi đền của làng bỗng xảy ra một việc rất lạ. Mỗi lần người thủ từ vào thắp hương đều nghe trên tượng Đức Ông có phát ra tiếng gọi: – “Sắp có nạn lớn, hãy bảo phú trưởng giả đến cho ta bảo”.

Người thủ từ trước còn hồ nghi, nhưng nghe đến lần thứ hai thì hốt hoảng, vội đi báo tin cho phú trưởng giả biết. Nghe thủ từ nói, phú trưởng già cũng không kém hốt hoảng, vội mang khăn áo tới đền với một mâm cỗ để nghe Đức Ông phán bảo.

Khi hắn đang lễ xì xụp thì tiếng ở trên tượng truyền xuống bảo hắn phải cạo đầu quy y một thời gian mới mong tai qua nạn khỏi. Hắn toát mồ hôi, vâng vâng dạ dạ. Cuối cùng, hắn đành nhờ người cạo phăng mớ tóc và mặc đồ nâu sồng, xin hòa thượng cho vào ở chùa để mong Phật che chở như lời Đức Ông truyền.

Nhưng được mấy ngày sau, Đức Ông lại bảo người thủ từ giữ đền gọi hắn đến. Khi lão phú trưởng giả và mọi người đang quỳ lom khom đợi Đức Ông bảo ban, thì sáo ta từ bức tượng bay ra nói với chúng:

– Hãy mở mắt ra mà nhìn đây! Ta đây chả phải thần thánh gì cả. Chỉ vì ngươi làm ta đau đớn suýt chết nên ta phải báo thù ngươi một phen.

Nói đoạn, sáo cười lên một thôi, rồi sà xuống mâm mổ lấy mổ để.

Cái đầu trọc của phú trưởng giả ngửng lên, và khi thấy được sự thực, hắn giận tràn hông, nhảy xô lại định bắt giết con sáo cho hả giận, nhưng sáo ta đã bay ra khỏi đền và đi mất.

Truyện cổ tích: Những câu chuyện chọn lọc cho bé tuổi mầm non - 4

Sự tích cây cọ có gai

Ngày xửa ngày xưa, không ai biết rõ từ đời nảo đời nào, chỉ biết rằng đã từ rất lâu rồi, từ thuở Giàng mới tái tạo ra muôn loài, khi ấy muôn loài trên mặt đất đều biết nói chuyện với nhau bằng một thứ ngôn ngữ chung. Lúc ấy, cả bảy loài kết bạn với nhau thân lắm: ấy là “Tào mèo” (beo), “Tào chiếp” (gấu), “Tào gọi” (chồn hôi), hươu, nai và người.

Tuy gọi là thân nhau nhưng ai cũng tự cho mình là hơn cả, chẳng ai chịu phục tài ai. Lúc nào sáu con vật kia cũng nghĩ cách để khoe tài, để bắt sau “người bạn” phải phục tùng, sợ sệt. Một hôm, Tào mào thấy mình đầy sức mạnh, chắc chắn là phải hơn hẳn các bạn. Vì thế, nó hung hăng bảo với sáu bạn:

– Xưa nay ai cũng biết tôi là chúa tể cả một vùng rừng núi. Các anh đã nghe tôi gầm bao giờ chưa? Nhất định các anh phải hoảng sợ lắm.

Sau bạn kia thấy thế đều đáp:

– Sợ gì anh? Chỉ được cái bộ gầm gừ thế thôi chứ làm được việc gì? Chúng tôi không sợ!

Tào mào nghe thế tức lắm bèn nhảy tót vào rừng gầm lên một tiếng thật to. Gào xong, nó vênh mặt trở ra hỏi:

– Đã thấy chưa? Tôi gầm lên một tiếng mà nghe cây rừng vặn mình răng rắc. Các anh thấy có ghê không?

Nhưng sáu bạn kia vẫn chỉ thản nhiên lắc đầu, chẳng tỏ vẻ hoảng sợ gì cả.

Tào chiếp lê chân nặng nề ra đứng trước các bạn:

– Đấy là Tào mào mới xoàng thế thôi, chứ còn tiếng kêu của tôi thì hùng dũng lắm. Tôi thì các anh biết cả rồi đấy, cứ nói đến gấu là ai cũng phải kính nể. Cây cỏ cứng thế nào tôi cũng cắn đứt. Cây cao bao nhiêu tôi cũng trèo được. Ong thấy tôi phá tổ ăn mật, dù có kéo nhau hàng ngàn, hàng vạn con đốt tôi, tôi cũng không sợ. Các anh có sợ tôi không?

Cả bọn liền đáp, vẻ coi thường:

– Tiếng kêu của Tào mào muôn cây phải sợ rụng cả lá còn chẳng làm ai trong bọn tôi sợ hãi, thì tiếng kêu của anh đọ làm sao nổi.

– Được, rồi các anh sẽ thấy.

Tào chiếp nghĩ bụng thế, rồi cũng hăm hở chạy vào rừng. Từ trong đám cây vọng ra tiếng “lục khục, lục khục” rất to, nhưng đến lúc nó chạy ra hỏi thì các bạn kia vẻ mặt vẫn không có gì là sợ hãi. Tào chiếp lè lưỡi, cào trên mặt đất, vừa ngượng vừa buồn.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tào gọi thấy hai bạn đều không làm được gì, nhưng vốn tính nó láu táu nên nhảy ngay ra.

– Tôi tuy bé hơn, nhưng tiếng kêu thì nghe the thé chói cả tai. Các anh cứ đợi đấy. Nghe xong chắc hẳn các anh sẽ hồn bay kinh vía bạt.

Cả bọn cùng cười rộ lên:

– Cậu bé loắt cha loắt choắt, bé hơn cả Tào mào, Tào chiếp. Xưa nay chả ai coi cậu vào đâu, kêu làm gì cho phí hơi, mệt sức!

Tào gọi luồn tọt vào bụi rậm kêu “ét, ét!”, rồi vội ló ngay ra hỏi:

– Sợ chưa? Sợ chưa?

Nhưng cả bọn kia lại càng cười to hơn. Tào gọi đành ngồi thè lưỡi, liếm bàn chân cho đỡ ngượng.

Nai bước lại gần các bạn, dõng dạc nói:

– Tôi cao, có sừng, lại chạy nhanh như gió. Các anh có sợ tôi không?

Cả bọn nói:

– Không sợ!

Nai phóng xuống chân núi kêu “ắc ắc!” mấy tiếng, rồi hỏi các bạn. Cả bọn đáp:

– Không sợ! Anh kêu vui tai lắm. Kêu nữa đi.

Hươu ngoe nguẩy cái đuôi cụt, lún cún đến trước mặt các bạn, nói:

– Tôi nhẹ người, nhẹ thân, nhanh nhẹn như con sóc. Tôi nhảy một bước xa sáu bảy sải, các anh có sợ không?

Cả bọn cười khẩy:

– Chúng tôi to lớn thế này còn chẳng ai sợ, cậu bé loắt choắt thế kia, ai mà thèm sợ chứ!

Hươu xuống núi kêu mấy tiếng “óng, óng!”, rồi chạy lên hỏi các bạn. Cả bọn nói:

– Cậu hát hay quá, hát nữa đi!

Đến lượt người hỏi:

– Các anh có sợ người không?

Cả bọn đáp:

– Dữ như Tào mào, ác như Tào chiếp, lếu như Tào gọi, chạy nhanh như hươu, như nai còn chẳng ai sợ nữa là! Anh là người, sức lực được bao nhiêu, làm sao mà chúng tôi phải sợ anh kia chứ!

Người không nói gì, đủng đỉnh đi vào rừng cầm đá đánh quẹt, lửa bật sáng như chớp, rồi hỏi vọng ra:

– Các anh nhìn thấy chưa? Đã thấy người tài chưa?

Cả bọn nói to:

– Cái ấy khi trời mưa thấy luôn, có gì lạ?

Người lại lấy đá nhóm lửa, châm vào đám lá khô. Ngọn lửa bùng lên, cháy loang khắp mọi chỗ. Khu rừng sáng rực lửa và tiếng cành cây khô nổ lốp đốp làm cả bọn sợ hãi, quay đầu chạy mỗi con một phía.

Tào mào nhanh chân vượt qua đống lửa chạy thoát, mình chỉ bị bén tí lửa nên từ đấy mình có vằn đen. Chú Tào chiếp mình nặng nề, chập chạp nên khi chui được ra khỏi khu rừng thì khắp người đã cháy đen sì. Vì thế chú ta cứ đen như vậy cho đến tận ngày nay. Hươu, nai chạy thoát được vòng lửa, nhưng cả người cũng bị ám khói nên vàng cả lông đến tận bây giờ.

Tào chiếp chân thấp, chạy thục mạng nhưng quay đầu về phía nào cũng chỉ thấy lửa đỏ. Lẽ ra chú ta bị chết thiêu rồi đấy. Nhưng Tào chiếp ta gặp may, đang chạy thì chú gặp gốc cọ. Cọ lên tiếng trước:

– Chạy đi đâu mà vội vàng thế kia?

– Lửa đuổi đến nơi rồi kia kìa! – Tào chiếp run sợ hỏi – Anh không thấy hay sao? Lửa sẽ đến đây và đốt cháy cả anh đấy, anh cọ ạ!

Cọ bình thản đáp:

– Tôi mặc nhiều áo lắm. Có cháy cũng không chết được tôi đâu. Anh có sợ thì núp vào tàu lá của tôi, tôi nép mình che cho anh khỏi chết cháy.

Tào chiếp vội chui vào giữa tàu cọ để tránh lửa. Lúc ngọn lửa đã đi qua, Tào chiếp mới biết mình thoát chết, nhưng tàu lá cọ thì héo quắt lại. Nhìn thấy vậy, Tào chiếp thấy mình may mắn và rất biết ơn cây cọ tốt bụng, liền bảo:

– Anh Cọ ơi, anh tử tế quá. Thấy tôi gặp nạn anh có bụng cứu tôi thoát chết, còn anh thì cháy sém cả thế kia. Tôi xin đền anh thứ này.

Nói xong, Tào chiếp liền bẻ một cái răng cắm vào cuống tàu cọ, rồi bảo:

– Vì tôi mà anh bị yếu người đi, tôi xin biếu anh cái răng sắc nhọn của tôi để nó đứng bên mình anh cho khỏi bị kẻ khác xô vào bắt nạt, anh lại chẳng thể đi đâu được, có cái răng nhọn bên mình cho thêm cứng cáp.

Từ đấy cây cọ mới mọc lên đầy gai dài, xếp xòe ra như cái ô dù, che mưa che nắng. Muôn loài rất sợ những cái gai sắc nhọn, không dám bén mảng gần, vì thế, loài cọ cứ tha hồ mọc lan rông ra hết đồi này đến đồi khác.

Nhưng con người không như các loài khác, không lẩn tránh những đồi cọ, mà người lấy luôn những tàu lá ấy về làm vật che nắng, che mưa ngay trên nóc nhà mình.

Truyện cổ tích: Những câu chuyện chọn lọc cho bé tuổi mầm non - 6

Cá bống thần

Ngày xửa ngày xưa, có hai anh em mồ côi, tính tình trái ngược nhau hoàn toàn. Người em thì chăm chỉ, hiền lành, thật thà; còn người anh thì lại tham lam độc ác. Anh ta vơ vét hết tất cả những gì bố mẹ để lại, chẳng cho người em bất cứ thứ gì.

Hàng ngày, người em cứ phải vào rừng dùng que để đào củ mài, củ nâu, xuống khe bắt tôm, bắt tép để ăn. Đêm, anh lại trở về nhà người anh ngủ cùng với trâu với lợn.

Một hôm, người anh rủ người em ra sông tát cá. Người anh bắt người em be bờ, đắp đập, tát nước, còn mình thì bắt hết cá, chẳng để sót lại một con nào. Người em vừa mệt, vừa buồn. Bỗng có một con cá bống nhỏ, bơi dưới chân người em và cất tiếng nói:

– Anh hãy mang tôi về nhà nuôi đi.

Người em mừng rỡ vớt con cá bống lên, đem về nhà bỏ vào bát nuôi, nâng niu như trẻ nhỏ. Cá bống lớn rất nhanh. Qua ngày đầu tiên nó đã to chật cả cái bát, người em phải thả nó và chậu.

Ngày hôm sau nó đã lớn chật chậu. Người em phải đắp cái vũng to bằng nửa cái sân nhà cho cá vùng vẫy. Hai ngày sau cá lớn chật vũng. Người em đắp luôn một đoạn khe ở chỗ khuất và thả cá xuống. Chỉ vài ngày sau, cá lớn chật khe, to như một con trâu đực. Lúc này nó nói:

– Tôi vốn là cá bống thần. Nhờ công anh chăm sóc, nay tôi đã lớn rồi, tôi với anh hãy kết nghĩa cà-lơ (bạn) [*] đi. Chúng ta đi xuôi dòng kênh này một chuyến cho vui.

Người em bằng lòng, thịt gà, thổi cơm trắng mang đi. Cứ đến bữa ăn, người em xé thịt và cơm trắng cho cá ăn, còn mình thì chỉ ăn xương gà với cơm cháy.

Trời nổi mây to gió lớn, người em vô cùng lo sợ. Cá nói:

– Không sao đâu, trời sẽ không mưa. Anh hãy leo lên cây cao. Nếu thấy mây kéo ùn phía dưới, anh quay mặt về phía đó giả buồn rầu. Nếu mây ùn về phía trên nước, anh cười thật to là được.

Người em nghe theo, trèo mãi lên ngọn cây cao. Khi mây ùn ùn phía dưới ngọn nước người em mặt ủ rũ buồn rầu. Lúc sau, thấy mây ùn ùn phía trên, anh cười vang. Tiếng cười dội vào vách núi vang như sấm. Bỗng anh nghe thấy tiếng gầm rú dưới khe. Quay lại anh nhìn thấy cá bống thần đã giết chết con thuồng luồng khổng lồ. Cá gọi:

– Người anh em ơi, hãy xuống mổ bụng con thuồng luồng mà lấy của cải đem về.

Người em làm theo và lấy được rất nhiều vàng bạc của cải. Cá bống và người em trở về. Về đến nhà người em kể lại câu chuyện cho anh nghe và chia đôi số của cải lấy được cho anh. Lòng tham nổi lên, người anh không chịu nhận số của cải mà người em cho, hắn đòi đi một chuyến cùng với cá. Người em miễn cưỡng cho anh mượn cá và dặn không được để cho cá chết.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thế là người anh tham lam ra đi. Anh ta cũng được cá bống cho đi dọc khe chơi. Nhưng anh ta tham lam quá, anh ta ăn hết thịt gà và cho cá ăn xương, ăn lòng.

Đến một khúc khe, trời cũng nổi cơn giông. Anh tham lam mừng quá, hỏi cá nên làm gì. Cá dặn anh ta như dặn người em. Nhưng vì mừng quá, nghe vội nghe vàng nên anh ta không nhớ rõ lời cá dặn. Đáng lẽ hắn phải buồn ủ rũ thì hắn lại cười to, khi cần cười to thì hắn lại buồn ủ rũ. Con thuồng luồng vùng lên mà cá chưa kịp chuẩn bị. Thế là nó cắn chết cá bống. Người anh vô cùng tức giận đập vào đầu cá, trở về nhà.

Về đến nhà, người em mừng rỡ chạy ra hỏi anh có lấy được nhiều của cải không, người anh cau mặt quát:

– Chú nói láo. Cá của chú chết ngoài khe kia kìa.

Người em nghe tin cá chết vội chạy một mạch ra ngoài khe. Đến nơi thấy xác cá cứng đờ, người em than khóc mãi. Hồn cá bống thần hiện về nói thoảng qua tai anh:

– Người anh em đừng khóc nữa. Hãy chặt đầu tôi mang về chôn giữa sân, tôi sẽ có cách giúp được anh.

Người em liền chặt đầu cá đem về chôn ở sân như lời cá dặn. Mấy ngày sau ở chỗ đó mọc lên cây tre rất cao. Người em ra gốc tre nói:

– Tre định giúp ta cái gì thì nói đi.

Cây tre nói:

– Khi nào nghe gió trên về, hãy nói: “Áo sống ta đâu?”, sẽ có áo đẹp. Khi nào thấy gió dưới thì kêu: “Bạc nén, nồi đồng của ta đâu?”. Lúc đó sẽ có nhiều bạc nén, nồi đồng.

Người em làm theo lời cá dặn nên được rất nhiều vàng bạc, áo quần. Người anh nổi máu tham chạy ra gốc tre. Thấy gió trên thổi hắn nói:

– Áo sống của ta đâu?

Tức thì bao nhiêu rẻ rách trên trời rơi xuống. Thấy gió dưới nổi lên hắn thét:

– Bạc nén, nồi đồng của ta đâu?

Trên ngọn tre bao nhiêu sọ người, xương bò rơi xuống đầu người anh tham lam, làm anh ta đau điếng. Tức giận, anh ta chặt luôn cây tre và về nhà mắng người em:

– Chú nói láo. Cây tre của chú là ma quỷ, anh chặt rồi.

Người em chạy ra chỗ cây tre than khóc. Gốc tre nói với anh:

– Anh hãy đốt tôi đi lấy tro vào rừng. Thấy vết chân con thú nào anh hãy rải tro lên và đi theo, con thú sẽ chết, anh tha hồ có thịt ăn.

Người em làm theo và mang về rất nhiều thịt thú rừng. Người anh tham lam nghe tin, giật số tro còn lại của người em đem ra rẫy. Hắn rải tro khắp nơi, thấy dấu chân chuột hắn cũng rải. Thấy dấu chân người hắn cũng rải vì nghi có kẻ trộm vào rẫy. Rải xong hắn hý hửng về nhà toan quét dọn nhà cửa để đi nhặt cọp, heo về.

Về đến nhà, hắn thấy vợ và đàn con lăn ra chết giữa nhà. Hoảng hốt, hắn chạy ra rẫy. Té ra, những dấu chân hắn nghi là trộm lại chính là dấu chân của vợ con hắn. Hắn như điên như dại lấy nốt số tro còn lại rải lung tung, rải lên cả dấu chân của mình. Thế là chưa kịp về đến nhà hắn đã lăn ra chết.

Người em nghe tin anh chết, vẫn lo lắng ma chay cho anh cho trọn tình trọn nghĩa. Từ đó người em sống yên ổn làm ăn cùng bà con xóm giềng.

Truyện cổ tích: Những câu chuyện chọn lọc cho bé tuổi mầm non - 8

Bài học hay từ những câu chuyện cổ tích

Truyện cổ tích: Những câu chuyện chọn lọc cho bé tuổi mầm non - 9

Truyện cổ tích: 3 câu chuyện cổ tích chọn lọc hay nhất cho trẻ tiểu học
Những câu chuyện cổ tích được chọn lọc phù hợp với độ tuổi của trẻ, dạy bé bài học về đạo đức hay trong cuộc sống.

Nuôi con khoẻ, dạy con khôn lớn

Theo Thi Thi
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dạy con tình cảm