Những câu chuyện cổ tích ngụ ngôn sử dụng các biện pháp ẩn dụ hoặc nhân hóa loài vật, để phản ánh đời sống con người, từ đó rèn cho các bé thới quen, đức tính tốt.
Gan Cóc Tía
Trong rừng kia có một con cọp rất dữ tợn. Mọi con vật trong rừng đều phải sợ Cọp. Một hôm Cọp đi ngang qua hang Cóc Tía. Có Tía nghĩ bụng: “Mình phải dùng mưu trí để Cọp hết tính hống hách mới được”. Nghĩ vậy, Cóc Tía liền lớn tiếng quát:
– Ai đi đó? Từ nay đừng có qua đây mà chết. Chỗ này là nhà của ta!
Cọp nghe tiếng, liền hỏi:
– Ai nói chi vậy, ta là chúa sơn lâm, ta có sợ ai?
Cóc Tía thong thả trả lời:
– Ta đây, ta là Cóc Tía, cậu ông Trời đây, mày không biết tiếng của tao sao?
Cọp giận quá, nhìn thấy Cóc Tía chỉ to hơn quả trứng vịt, mới quát:
– Thằng Có Tía kia, ngươi có tài cán gì mà dám vênh váo với ta?
Cóc Tía trả lời:
– Cọp thì chỉ có tài nhảy mà thôi, còn ta, tài ta cũng có!
Cọp liền thách Có Tía nhảy thi xem ai nhảy xa. Cóc nhận lời. Hai con vậy liền đi ra bờ suối và giao hẹn ai nhảy được sang bờ bên kia suối thì thắng cuộc. Cóc Tía khôn hơn, liền nói:
Ta không thèm đứng ngang hàng với ngươi, ta đứng lùi phía sau mà vẫn nhảy xa hơn ngươi cho mà xem.
Cọp bằng lòng. Trước khi nhảy, Cọp thường phải đạp đuôi vài cái xuống đất để lấy đà. Cóc Tía liền há miệng ngậm lấy đuôi Cọp. Khi Cọp nhảu sang bên kia suối, quất đuôi mạnh, Cóc Tía liền văng ra đằng trước rất xa. Cọp đành chịu thua.
Ảnh minh họa.
Cóc Tía còn nói:
– Ngoài tài nhảy ra, ta còn có tài bắt sống cọp để ăn thịt nữa. Ngươi xem miệng ta thì rõ!
Cóc há miệng ra, thấy đầy những lông Cọp. Cọp sợ quá, cong đuôi chạy một mạch. Khỉ đang ngồi trên cay, thấy Cọp có vẻ hoảng sợ, liền gọi Cọp và hỏi:
– Có việc gì mà anh sợ vậy?
Cọp hổn hển, trả lời:
– Thôi, thôi, đừng hỏi nữa, chạy nhanh kẻo chết bây giờ. Có một con vật nhỏ bằng ngón chân tớ mà ăn thịt được tất cả chúng ta. Tên nó là Cóc Tía.
Khỉ nghe thế, liền cười và nói:
– À! Cóc Tía thì sợ gì, tôi vật một cái thì nó chết ngay. Nó ở đâu, anh dắt tôi lại xem nào!
Cọp không tin, tưởng Khỉ định lừa mình. Khỉ nói tiếp:
– Anh không tin thì tôi lấy dây buộc chặt tôi vào lưng anh, rồi tôi sẽ trị cho Cóc Tía một phen, cả hai ta cùng đến, anh sợ gì.
Cọp nghe nói bùi tai[5], liền cho Khỉ ngồi lên lưng mình và cột chặt Khỉ để Khỉ khỏi chạy trốn. Hai con vật liền đi tới hang Cóc Tía. Lúc này, Cóc Tía đã bơi qua suối để trở về nhà và thích chí vì đã làm cho Cọp hết hống hách.
Khi thấy Cọp và Khỉ trở lại, Cóc Tía nhanh trí liền quát:
– Khỉ kia, mày nợ tao mười Cọp, sao hôm nay mày chỉ trả có một con?
Cọp nghe thấy vậy, tưởng Khỉ lừa mình, liền cắm đầu chạy miết. Khỉ bị cột chặt vài lưng Cọp, đầu va vào cây, chết nhăn răng. Cọp chạy một lúc, mệt quá, liền ngồi nghỉ. Khi nhìn thấy Khỉ nhăn răng, Cọp còn tức giận mắng:
– Ngươi lừa ta, lại còn nhăn răng mà cười à?
Một trí khôn hơn trăm trí khôn
Một con chồn chạy rông trên đồng cỏ, gặp một con cò.
– Chào anh Cò!
– Không dám! Chào anh Chồn!
– Anh có muốn kết bạn với tôi không?
– Ồ thế thì còn gì bằng!
Từ đấy đôi bạn không bao giờ rời nhau.
Nhưng mặc dầu chơi thân với nhau, Chồn vẫn thường hay khoe khoang và chê bai Cò đủ điều:
– Cò này, anh có bao nhiêu trí khôn?
– Một.
– Trời! Ít thế sao? Tôi ấy à, tôi có hàng trăm trí khôn!
Ảnh minh họa.
Một buổi sáng trời quang mây tạnh, đôi bạn dạo chơi trên đồng cỏ. Chúng đi sóng đôi với nhau, nhởn nhơ ngắm trời ngắm đất. Ánh mặt trời chiếu trên thảm cỏ non làm cho những giọt sương long lanh như những hạt ngọc. Tiếng chim ríu rít trên cao. Cò và Chồn đang say sưa ngắm cảnh thì từ đằng xa, một người thợ săn đi tới, vai đeo khẩu súng.
Biết là gặp sự chẳng lành, cò vội bảo bạn:
– Chúng ta phải trốn ngay mới được. Nhưng trốn vào đâu?
Chúng nhìn quanh, thấy một cái hang bên gò đất. Chồn ta nhanh chân chui vào trước, Cò theo vào sau. Vừa mới ẩn kín, người thợ săn đã lại gần. Nhận thấy dấu chân của hai con vật, người thợ săn reo lên:
– Thế này mới tuyệt chứ! Một chú chồn, một chú cò cùng vào một hang! Phải tóm cổ chúng nó ra mới được!
Người thợ săn bèn đặt súng xuống cỏ, lấy cành cây chọc vào hang.
Cò thấy nguy cơ, ghé tai giục Chồn:
– Chồn này, cậu có hàng trăm trí khôn. Cậu hãy nghĩ ra kế gì để cứu nhau chứ. Lão ta sắp tóm được chúng ta rồi kìa!
Chồn đau khổ thì thầm:
– Trời đất ơi! Lúc này không một trí khôn nào nảy ra trong óc mình cả. Thôi, một mình cậu cố gắng bình tĩnh nghĩ hộ vậy.
Sau giây phút suy nghĩ, Cò bảo:
– Thật ra mình chỉ có mỗi một mưu thôi. Nhưng mình cũng cứ nói nhé! Khi lão ta lôi mình ra khỏi hang, mình sẽ giả vờ chết. Tất nhiên, lão ta sẽ vứt mình ra một góc rồi tiếp tục đào hang để bắt cậu…
Chồn sợ quá, rên rỉ:
– Khổ thân tôi chưa! Cậu sẽ bay thoát thân cậu. Còn tôi nhất định sẽ bị lão giết chết tươi!
– Đời nào tôi lại tệ thế! Lúc ấy tôi sẽ kêu lên rồi vùng chạy. Thế nào người thợ săn cũng cố chộp bắt lại tôi. Lúc bấy giờ cậu lo mà chạy đi chứ!
Khi người thợ săn lôi Cò ra khỏi hang. Cò đã cứng đờ không cựa quậy.
– Tiếc quá! Có lẽ nó bị chết ngạt. Người ấy nghĩ thế rồi ném Cò ra một góc, tiếp tục đào hang.
Thình lình Cò đưng lên, cất tiếng kêu vang rồi vụt chạy những bước dài, tránh xa cửa hang.
Người thợ săn vô cùng kinh ngạc, rồi tiếc rẻ con mồi xinh đẹp, vội vàng chạy đuổi theo để vồ lại. Chồn ta chỉ chờ đến lúc này vụt nhẩy ra khỏi hang, chạy biến. Thế là đôi bạn đều thoát nạn.
Ngày hôm sau chúng lại tìm gặp nhau trên đồng cỏ. Cò hỏi:
– Hàng trăm trí khôn của cậu, hôm qua cậu để đâu?
– Lúc ấy mình sợ quá, đánh rơi hết. Không có trí khôn của cậu thì cả hai chúng ta đều đi đứt hết. Chỉ có một trí khôn của cậu cũng đáng giá bằng trăm trí khôn khác!
Từ đó, Chồn rất khiêm tốn, không bao giờ huyênh hoang, khoác lác nữa.
Con Vẹt hay bắt chước
Khi mùa xuân về, các giống chim và thú vật rủ nhau tới rừng hoa mở hội. Nào Voi, Gấu, Hổ, Lợn lòi… trổ tài thi khỏe. Nào Khỉ, Vượn, Sóc… đua tranh nhau trèo leo. Và các giống chim thì khoe tiếng hót hay.
Trong bầy chim có chú Vẹt áo sặc sỡ. Chú ta cũng hăm hở đi thi. Từ lâu, Vẹt nổi tiếng là một chú chim có nhiều giọng hót. Vẹt hí hửng tin chắc rằng giải nhất nhất định sẽ về tay chú ta.
Trên đường đi, Vẹt tung tăng nghênh trời, ngắm suối. Gặp cô Bướm rừng sặc sỡ, Vẹt hỏi:
– Này cô Bướm, xem như tôi về dự hội năm nay, có nhất được không?
Bướm đang mải nhởn nhơ, nghe câu được, câu chăng, tưởng Vẹt hỏi có phải hội mùa xuân là vui nhất không, liền đáp:
– Nhất đấy! Nhất đấy!
Vẹt ta khoái lắm, bay vù một chặp. Đi được một quãng nữa, Vẹt gặp Vượn. Thấy Vượn đang tập hú, Vẹt nhướn cổ hú luôn. Vượn giật mình nhìn ra, thấy Vẹt, liền khen:
– Cậu hú khá lắm. Y như tớ!
Vẹt có vẻ không bằng lòng với lời khen ấy (người ta hú hay hơn chứ!). Đi quãng nữa, nhác thấy Ếch bì bõm nhảy ra, Vẹt “ộp ộp” luôn. Ếch tưởng có bạn cùng loài, cố giương mắt nên nhìn, chỉ thấy Vẹt. Vẹt cười ré lên, bay vù mất.
Ảnh minh họa.
Đến giữa rừng, gặp Vàng Anh đang khổ công luyện giọng. Vẹt tỏ ra thương hại. Cặp Sáo líu lo hót tập, Vẹt chẳng lạ gì thứ tiếng ríu ran ấy. Vẹt cậy mình có cái tài muốn kêu, muốn hót bất cứ thứ tiếng gì, chỉ một tí là được ngay. Nó yên trí nó là kẻ vô địch của bất cứ loài chim nào…
Vào cuộc thi, giám khảo Chim khuyên và Ếch ộp mời các bạn đến dự thi hãy hăng hái ghi tên biểu diễn trước, Ếch vừa đặt loa lên mép, chưa kịp gọi thì Vịt đã quang quác vào đầu tiên, khiến cho ai nấy đều giật cả mình.
Thấy vậy, Vẹt ta liền nhảy vào, hót lên một chuỗi âm thanh líu ríu. Chim Khuyên định chấm cho Vẹt một điểm thì Liếu điểu bay tới, nhận đó là tiếng hót của mình. Vẹt tỏ vẻ không cần, vươn cổ gáy vang, Gà Trống đập cánh kêu:
– Đấy là giọng hót của tôi chứ!
Vẹt tức mình, huýt lên lanh lảnh. Chích Chòe đứng bên cạnh nhảy tanh tách tới chỗ ban giám khảo, nói ngay:
– Ơ! Sao lại hót tiếng hót của tôi?
Giám khảo Ếch bảo Vẹt hãy hót bằng tiếng hót của mình thì hơn. Vẹt càng bực bội, nhướn cổ hú một hồi rõ to. Ai dè, Vượn nhào ngay tới, tóm lấy Vẹt:
– Sao lại hú tiếng của người ta?
Vẹt hoảng hốt bay lên, để lại trong tay Vượn một cái lông đuôi. Nó luống cuống, không làm sao nghĩ ra được tiếng hót của mình nữa. Từ xưa đến nay nó có tập hót và luyện giọng bao giờ đâu? Nó chỉ quen bắt chước, chỉ hót theo tiếng hót của người khác mà không hiểu gì cả.
Học như cuốc kêu mùa hè
Ngày xưa, Chích Chòe và Cuốc cùng học một lớp. Chích chòe tuy nhỏ nhưng ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành nên được cô giáo yêu, các bạn mến, bố mẹ thương.
Cứ sáng sáng, dù mùa hè nóng bức hay mùa đông giá lạnh, khi anh Gà trống thổi hồi kèn báo thức thứ ba là Chích Chòe dậy học bài. Chích Chòe đã chăm học lại có giọng đọc hay nên khi nghe Chính Chòe tập đọc, các bạn nhỏ cũng dậy học theo.
Còn Cuốc thì to lớn nhưng lười biếng. Cả năm học chẳng bao giờ thuộc bài. Cứ ở lớp về là Cuốc vứt hết sách vở vào một xó rồi chạy đi chơi. Đã thế, Cuốc lại hay gây gổ, bắt nạt các bạn nên chẳng được ai yêu.
Cô giáo và cha mẹ Cuốc rất phiền lòng. Mãi đến khi con Ve Ve kéo đàn gọi hoa phượng nở, báo hiệu sắp đến ngày thi, Cuốc mới vớ lấy sách vở và học đêm, học ngày.
Ảnh minh họa.
Nhưng vì lười biếng cả năm, lại không chịu suy nghĩ, chỉ đọc ầm ĩ, huyên thuyên nên Cuốc chẳng hiểu gì mà chỉ làm điếc tai hàng xóm.
Cuối năm học, Chích Chòe và các bạn chăm ngoan đều được lên lớp, ai cũng được phần thưởng. Chích Chòe được một chiếc áo mịn màng có thuê hoa trắng xinh nhất.
Riêng Cuốc vì lười biếng nên thi trượt, lại không được áo hoa. Xấu hổ quá, Cuốc trốn vào bụi rậm ở một mình, hễ thấy người là lủi mất.
Bởi thế nên cứ đến mùa hè ta mới thấy Cuốc kêu và cũng bởi thế mới có câu “Học như cuốc kêu mùa hè” để chế giễu những ai học ra rả mà chẳng hiểu bài.
Bài học hay từ những câu chuyện cổ tích
Những câu chuyện cổ tích giáo dục trẻ về bài học hay trong cuộc sống và rèn luyện đức tính tốt.