Những câu chuyện cổ tích thế giới với nội dung ngắn gọn, đơn giản nhưng chứa đựng nhiều bài học giá trị trông cuộc sống.
Cái giá của sự thông thái
Rất lâu rồi, có một nhà vua muốn hiểu biết thật nhiều nhưng lại lười. Một ngày nọ nhà vua triệu tập tất cả những nhà thông thái của vương quốc lại và ra lệnh cho họ phải thu thập tất cả những hiểu biết và sự thông thái trên thế gian đặt vào một chỗ để ông ta có thể học chúng.
Theo lệnh nhà vua, các nhà thông thái đều làm việc cật lực. Sau hơn một năm, họ dâng lên ngài một trăm cuốn sách chứa đựng mọi sự hiểu biết ở đời. Nhưng khi nhìn qua các chồng sách, nhà vua ngán ngẩm nói:
– Không! Ta cần một cách dễ dàng hơn. Biết bao giờ ta mới đọc xong và nhớ được ngần này cuốn sách.
Rồi nhà vua lệnh cho họ phải tóm lược hàng trăm cuốn sách đó vào một cuốn mà thôi. Một năm sau, các nhà thông thái quay lại với một cuốn sách duy nhất. Cuốn sách to và dày cả ngàn trang. Nhà vua nhìn thấy liền la lên:
– Không! Cuốn sách này dày quá! Ta sẽ mất rất nhiều thời gian mới đọc hết được.
Ảnh minh họa.
Một lần nữa, các nhà thông thái bị buộc phải tóm lược thật súc tích cuốn sách ấy vào chỉ một trang giấy để nhà vua dễ dàng mang theo và nhớ được.
Mọi người xôn xao và than trời: “Sao có thể làm được như vậy?”. Nhưng họ không có sự lựa chọn nào khác cả. Họ biết hoặc là mệnh lệnh phải được thi hành, hoặc là đầu họ sẽ rơi. Nhà thông thái lớn tuổi nhất họp tất cả mọi người lại để tìm ra cách giải quyết. Cuộc hội ý diễn ra trong nhiều đêm liền. Cuối cùng, họ đã hoàn thành trang giấy chứa đựng mọi sự hiểu biết trên đời.
Được tin, nhà vua rất đỗi vui mừng. “Cuối cùng thì ta cũng sắp biết được tất cả mọi sự khôn ngoan nhất trên đời mà chỉ cần một trang giấy mà thôi!” – Nhà vua đắc chí nhủ thầm và ra lệnh dâng trang giấy lên trong thời gian sớm nhất.
Và ngày đó đã tới. Nhà vua khấp khởi mừng thầm. Cả vương quốc đều tụ tập về quanh triều đình để được biết về điều đặc biệt đó. Nhà vua háo hức mở trang giấy chứa đựng toàn bộ sự thông thái của thế gian. Trong đó chỉ duy nhất một câu: “Không có sự thông thái nào mà không phải trả giá”.
Một đòn chết bảy
Một buổi sáng mùa hè, một chú thợ may ngồi trên phản bên cửa sổ chăm chú khâu, có vẻ khoan khoái lắm. Chợt có bà nông dân đi qua phố rao hàng:
– Có ai mua mứt ngon không đây! Có ai mua mứt ngon không đây!
Chú thợ may nghe bùi tai, thò đầu ra cửa sổ gọi:
– Lại đây, bà ơi, lại đây tôi mua nào.
Bà hàng khệ nệ mang thúng trèo ba bậc thanh lên tới chỗ chú thợ may ngồi. Bà giở cho chú xem tất cả các bình mứt. Chú xem hết bình nọ đến bình kia, giơ lên ngắm nghía, dí mũi vào ngửi, rồi mãi sau mới nói:
– Mứt ngon đấy, bà cân cho tôi vài hào nào, hay nửa lạng cũng được.
Bà hàng cân rồi đi. Bà tức lắm vừa đi vừa làu nhàu vì cứ tưởng là vớ được món khách bở.Chú thợ may reo lên:
– Lạy Chúa, ăn mứt này Chúa ban cho mình có sức có lực.
Rồi chú mở tủ lấy bánh mì, cắt một miếng dài phết mứt lên. Chú nói:
– Ăn được đấy! Nhưng mình phải khâu xong cái áo này đã rồi hãy chén.
Chú để bánh bên mình, khâu nốt, hứng lên, mũi khâu mỗi lúc một dài. Trong khi đó, mùi mứt thơm xông đến tận một bức tường gần có đầy ruồi đậu. Ruồi kéo đến đông đặc xà xuống bánh. Chú thợ may nói:
– Ơ kìa, ai mời chúng mày đấy?
Rồi chú đuổi các vị khách không mời mà đến ấy đi. Ruồi không hiểu tiếng người nên không chịu bay đi, chúng lại kéo đến đông hơn. Chú thợ may cáu tiết lên, vớ lấy một mảnh dạ, quật túi bụi, vừa quật vừa mắng:
– Đợi đấy, tao cho chúng mày biết tay.
Chú đập ruồi rồi đếm, được đúng bảy con nằm lăn kềnh chết thẳng cẳng. Chú tự phụ về sự anh dũng của mình và nói:
– Mình thật là cừ, phải làm cho cả tỉnh biết việc này mới được.
Chú vội may ngay một cái thắt lưng, thêu mấy chữ to: “Một đòn chết bảy”. Rồi chú lại nói thêm:
– Sao lại chỉ một tỉnh thôi nhỉ! Phải làm cho cả thiên hạ biết việc này mới được!
Lòng chú rộn ràng vui như mở cờ. Chú đeo thắt lưng định đi chu du thiên hạ, vì chú cho anh dũng như chú mà chẳng lẽ cứ ở cái hiệu may quèn này mãi thì phí đi mất. Trước khi chú ra đi, chú lục lọi khắp nhà để xem còn có gì mang đi được. Nhưng chú chỉ thấy có miếng pho mát cũ liền nhét vào túi. Trước cửa, chú thấy một con chim bị mắc vào bụi cây, chú đút chim vào túi nốt. Rồi chú anh dũng lên đường.
Chú nhẹ mà nhanh nên đi không biết mỏi. Đường đi đến một quả núi. Lên đến đỉnh, chú thấy một anh khổng lồ thảnh thơi ngồi nhìn quanh. Chú thợ may hiên ngang tiến lại nói:
– Chào anh bạn. Anh bạn ngồi nhìn thế giới bao là đấy ư? Ấy mình cũng vừa lên đường đi chu du thiên hạ đây. Cậu có muốn đi cùng với mình không?
Anh khổng lồ nhìn chú thợ may một cách khinh bỉ và nói:
– Đồ tiểu yêu, đồ khốn kiếp!
Chú thợ may đáp lại:
– Sao lại nói năng thế!
Rồi chú cởi khuy áo, chỉ thắt lưng cho anh khổng lồ xem:
– Mình là người thế nào, cậu cứ đọc đây thì biết.
Anh khổng lồ đọc thấy “Một đòn chết bảy“, nghĩ là chú đánh một cái chết bảy người, nên cũng nê nể. Khổng lồ muốn thử sức chú, cầm một hòn đá bóp nát và nói:
– Cậu khỏe thì thử bóp như tớ xem.
Ảnh minh họa.
Chú thợ may nói:
– Có vậy thôi à! Thật là trò trẻ con.
Chú móc túi lấy miếng pho mát bóp chảy ra nước rồi nói:
– Thấy chưa, có hơn không nào?
Anh khổng lồ lặng người đi, không ngờ một người nhỏ bé mà khỏe đến như vậy. Anh ta liền nhặt một hòn đá, ném lên mất hút trên không và bảo:
– Này, cậu thử làm như tớ xem sao.
Chú thợ may nói:
– Ném khá đấy. Nhưng đá cậu ném đi lại rơi xuống đất thôi. Mình ném một hòn không rơi xuống cơ.
Chú thò tay vào túi lấy chim, tung lên không. Chim được thả thích quá, bay miết đi không về nữa. Chú thợ may hỏi:
– Thế nào anh bạn, anh thấy cái trò ấy thế nào?
Anh khổng lồ đáp:
– Cậu ném được đấy, nhưng để xem cậu mang nặng có ra trò không?
Anh dẫn chú thợ may đến một cây sồi to đổ nằm trên mặt đất và nói:
– Cậu có khỏe thì giúp tớ mang cây này ra khỏi rừng.
Chú thợ may bé nhỏ đáp:
– Được thôi. Cậu hãy vác thân cây, mình sẽ khiêng cành, lá, nặng hơn nhiều.
Anh khổng lồ khiêng thân cây trên vai; chú thợ may leo ngay lên một cành ngồi. Anh khổng lồ không quay đầu nhìn lại được, phải vác cả cây kèm thêm chú thợ may nữa. Chú thợ may ngồi sau thích chí, huýt sáo điệu: Có ba bác phó may cưỡi ngựa ra đi, có vẻ coi việc vác cây như trò trẻ con. Anh khổng lồ vác nặng, lê đi một lúc mệt quá kêu:
– Này cẩn thận nhé, tớ ném cây xuống đấy.
Chú thợ may nhảy phắt xuống, vòng tay ôm cây như đương vác, bảo anh khổng lồ:
– Cậu chỉ được cái to xác, vác có cái cây mà cũng không xong.
Hai người lại tiếp tục đi. Đi qua một cây anh đào, anh khổng lồ vin ngọn cây có nhiều quả chín xuống cho chú thợ may ăn. Chú thợ may yếu quá không giữ nổi, anh khổng lồ vừa buông tay ra thì cây bật tung cả chú thợ may lên. Chú ngã nhưng không đau. Anh khổng lồ hỏi:
– Sao vậy, cậu không đủ sức giữ một cái sào à?
Chú thợ may đáp:
– Sức khỏe thì tớ có thừa. Thế cậu cho một tay đánh một đòn chết bảy lại thèm làm cái trò ấy à? Mình nhảy vọt qua cây vì mình thấy có bọn đi săn đứng dưới bắn vào bụi. Cậu có giỏi thì nhảy thử như tớ xem nào.
Anh khổng lồ cố nhảy nhưng không vượt qua được cây, bị mắc vướng vào cành lá, thành ra chú thợ may vẫn được cuộc. Anh khổng lồ nói:
– Này cậu gan dạ như vậy thì đi với tớ về hang ngủ đi. Chú thợ may nhận lời theo liền. Đến hang thì thấy có mấy người khổng lồ khác ngồi bên lửa, mỗi người cầm một con cừu thui ăn. Chú thợ may nghĩ bụng: nơi này rộng rãi hơn cửa hiệu của mình.
Anh khổng lồ chỉ một cái giường bảo chú đi nằm mà ngủ. Chú thấy giường to quá, không nằm vào giữa mà co ro ở một góc. Đến nửa đêm, anh khổng lồ tưởng là chú đã ngủ say, liền lấy một thanh sắt to phang mạnh xuống giường cho là xong đời thằng tiểu yêu.
Sáng dậy, bọn khổng lồ kéo vào rừng và quên bẵng chú thợ may đi. Bỗng họ thấy chú hớn hở và hiên ngang đi tới. Họ sợ quá, tưởng chú đánh chết cả lũ, vội chạy ba chân bốn cẳng.
Chú thợ may lại tiếp tục đi, mũi nghếch lên trời. Chú đi mãi tới khu vườn thuộc cung điện nhà vua. Chú thấy người mền mệt, nằm lăn ra bãi cỏ đánh một giấc. Trong khi chú ngủ, người đi qua lại đều ngắm nghía chú và đọc thấy trên thắt lưng chú mấy chữ: “Một đòn chết bảy”. Họ bảo nhau:
– Chà! Giữa lúc thiên hạ thái bình thế này, vị hổ tướng này đến đây làm gì? Chắc là một dũng sĩ vô địch đây.
Họ liền tâu lên vua, họ nghĩ là nếu có đánh nhau thì sẽ cần đến dũng sĩ này, nhất định phải giữ lại, chớ để đi nơi khác mất. Vua nghe lời, cử người đến đợi chú thợ may dậy thì vời. Sứ giả đến đợi mãi cho đến lúc chú dậy, vươn vai mở mắt, mới trình bày ý định nhà vua. Chú thợ may đáp:
– Thì ta đến đây cũng vì việc ấy. Ta sẵn sàng phục vụ nhà vua.
Triều đình đón tiếp chú linh đình và xếp cho chú ở một nơi lịch sự. Nhưng các dũng sĩ khác chỉ lăm le nuốt sống chú và muốn tống khứ chú đi khỏi. Bọn họ bàn nhau:
– Lôi thôi với nó thì nguy, vì nó đập một cái chết bảy. Bọn mình chẳng đứa nào sống sót được.
Bọn họ quyết định cùng kéo vào yết kiến vua xin về. Họ tâu vua:
– Tâu bệ hạ, bọn hạ thần không thể ở cùng một người đánh một đòn chết bảy.
Nhà vua buồn, thấy vì một người mà bọn bầy tôi trung thành phải bỏ đi. Vua chỉ ước chưa gặp chú thợ may thì hay và muốn tống khứ chú đi. Nhưng vua không dám bảo chú sợ chú giết mình, giết cả dân mình rồi lên ngôi. Vua nghĩ mãi mới tìm ra được một kế. Vua sai sứ đến bảo chú nếu quả chú là một tráng sĩ, thì vua truyền cho làm một việc.
Ở một khu rừng trong nước có hai tên khổng lồ sống bằng nghề trộm cướp, giết người, đốt nhà; không ai dám bén mảng lại gần chúng vì sợ nguy hiểm đến tính mạng. Nếu chú giết được hai tên khổng lồ ấy thì vua sẽ gả con gái độc nhất cho và cho một nửa nước làm của hồi môn. Vua sẽ cắt thêm một trăm kỵ sĩ đi theo giúp.
Chú thợ may nghĩ bụng: “Thật là xứng với người như mình”. Được một nàng công chúa đẹp và một nửa nước có phải là chuyện thường đâu! Chú liền đáp:
– Được được, ta sẽ trị hai thằng khổng lồ, ta không cần một trăm kỵ sĩ. Một người đánh một đòn chết bảy thì sợ quái gì hai tên.
Chú thợ may ra đi, một trăm kỵ sĩ kéo theo sau. Đến bên rừng, chú bảo các kỵ sĩ:
– Các chú đợi đây, để một mình ta sửa hai thằng khổng lồ.
Chú nhảy vào rừng tìm ngược tìm xuôi. Một lúc sau, chú thấy hai tên khổng lồ ngủ ở gốc cây, tiếng ngáy rung chuyển cả cành lá. Chú thợ may không để phí thì giờ, nhặt đầy hai túi đá rồi trèo lên cây. Chú bò ra một cành đúng ngay trên đầu hai tên đang ngủ, rồi ném đá hết hòn nọ đến hòn kia vào ngực một tên. Tên này mãi chẳng cảm thấy gì, nhưng sau tỉnh dậy, hích bạn hỏi:
– Sao cậu lại đánh tớ?
Tên kia đáp:
– Cậu mơ ngủ à? Mình có đụng đến cậu đâu!
Hai tên lại nằm ngủ. Chú thợ may liền ném một hòn đá vào tên thứ hai. Tên này nói:
– Thế là cái gì? Sao cậu lại ném mình.
Tên kia càu nhàu nói:
– Mình có ném cậu đâu.
Chúng cãi nhau một lúc. Nhưng vì chúng quá mệt nên chẳng bao lâu mắt lại nhắm nghiền lại. Chú thợ may lại tiếp tục trò ấy, chọn hòn đá to nhất, lấy hết sức bình sinh ném vào ngực tên khổng lồ thứ nhất. Tên này kêu lên:
– Thế này thì quá lắm!
Rồi hắn điên tiết, nhảy xổ vào bạn, đẩy bạn vào một cáí cây làm cây rung chuyển. Tên kia trả miếng cũng không kém; hai tên nổi nóng, nhổ cây phang nhau mãi đến lúc cả hai cùng lăn ra chết. Chú thợ may nhỏ bé lúc đó mới nhảy xuống. Chú nói:
– Cũng may mà chúng không nhổ cái cây mình ngồi, nếu không thì mình phải nhảy sang cây khác như con sóc. Nhưng được cái là mình nhanh nhẹn.
Chú rút gươm, chém vài nhát thật mạnh vào ngực hai tên khổng lồ, rồi đến nói với các kỵ sĩ:
– Công việc đã xong xuôi rồi. Ta đã kết liễu đời chúng. Nhưng quả là có gay go. Chúng bí quá đã nhổ cây chống đỡ, nhưng ăn thua gì với một người đánh một đòn chết bảy như ta.
Các kỵ sĩ hỏi:
– Anh không bị thương à?
Chú đáp:
– Việc quái gì. Chúng không đụng được tới lỗ chân lông ta.
Bọn kỵ sĩ không tin phi ngựa vào rừng thấy hai tên khổng lồ nằm trong vũng máu, chung quanh cây cối bị nhổ ngổn ngang. Chú thợ may bắt vua phải thưởng cho các thứ vua đã hứa. Vua tiếc lời hứa, lại nghĩ đến kế giết chú thợ may. Vua bảo chú:
– Nhà ngươi muốn lấy con gái ta và nửa nước của ta thì phải làm một việc anh dũng nữa. Ngươi phải bắt cho được con kỳ lân phá hoại rừng của ta.
– Hai thằng khổng lồ thần còn chẳng sợ, thần sợ gì một con kỳ lân. Việc của thần là: Đánh một đòn chết bảy.
Chú liền đem một cái dây thừng, một cái rìu, dặn những người đi theo đứng ở ngoài, rồi đi thẳng vào rừng. Chú cũng không mất lâu công tìm kiếm, kỳ lân chẳng mấy chốc nhảy xổ đến định húc chú. Chú nói:
– Khoan, khoan đã nào, cậu làm gì mà vội vã thế?
Chú đợi cho con vật lại gần sát liền nhảy ra sau một gốc cây. Kỳ lân đâm đầu húc vào cây, sừng cắm sâu vào thân cây, không rút ra được nữa bị mắc ở đấy. Chú thợ may nói:
– Thế là mình tóm được cu cậu rồi nhé.
Chú ở sau thân cây đi ra, lấy thừng buộc cổ kỳ lân, lấy rìu đẽo cây gỡ sừng ra. Mọi việc xong xuôi chú dẫn con vật đến nhà vua. Nhưng vua vẫn không giữ lời hứa, bắt chú làm một việc thứ ba nữa. Trước khi cưới, chú thợ may phải bắt được cho vua một con lợn rừng phá hoại trong rừng, vua sẽ cho thợ săn giúp đỡ chú. Chú thợ may nói:
– Được, được, trò trẻ con thôi.
Chú không đem thợ săn vào rừng. Bọn họ mừng lắm vì lợn rừng đã nhiều lần đón tiếp họ không được thú vị lắm. Con vật vừa nhìn thấy chú thợ may liền sùi bọt mép, nghiến răng, đâm xổ vào định quật chú xuống đất.
Chàng hảo hán chạy tót vào một cái nhà thờ gần đấy, rồi nhảy qua cửa sổ mà ra. Lợn chạy theo vào, chú chạy vòng ra đóng cửa lại. Con vật tức điên lên, nhưng nặng nề quá không tài nào nhảy qua cửa sổ được.
Chú thợ may liền gọi các người đi săn đến, để họ trông thấy tận mắt con thú bị nhốt. Vị hảo hán ra mắt nhà vua; vua đành phải làm theo lời hứa gả con gái cho anh ta và chia cho một nửa nước. Nếu vua mà biết chú chẳng phải là một dũng sĩ mà chỉ là một anh chàng thợ may thì hẳn là vua chẳng bao giờ giữ lời hứa.
Lễ cưới được tổ chức linh đình, nhưng kém vui. Chú thợ may lên làm vua. Được ít lâu, hoàng hậu trẻ tuổi đang đêm nghe thấy chồng nói mê: “Này này cậu ơi, khâu ngay cho tớ cái áo này, vá ngay cho tớ cái quần này, nếu không tớ sẽ lấy thước quật vào vai cho bây giờ”.
Nàng biết ngay đức ông chồng mình gia thế ra sao. Sáng hôm sau, nàng đến tìm cha than thân trách phận, xin vua cha đánh tháo cho khỏi tay một anh chồng chỉ là bác phó may. Vua an ủi con nói: “Đêm nay, con ngủ cứ để ngỏ cửa. Quân hầu của ta sẽ đứng rình ở ngoài, đợi nó ngủ là vào trói gô nó lại, khiêng xuống tàu chở đi thẳng”.
Công chúa nghe kế ấy bùi tai. Nhưng tên hầu cận nhà vua nghe được hết. Vốn rất mến chủ mới, hắn kể lại tất cả. Chú thợ may nói:
– Ta sẽ phải chặn trước.
Tối hôm ấy, chú đi nằm với vợ như thường lệ. Khi nàng đã tưởng chú đã ngủ rồi, nàng dậy mở cửa rồi đi nằm lại. Chú giả tảng ngủ rồi hét to lên:
– Này này cậu ơi, khâu ngay cho tớ cái áo này, vá ngay cho tớ cái quần kia, nếu không tớ sẽ cho cậu mấy cái tát tai bây giờ! Ta từng đánh một đòn chết bảy, giết hai thằng khổng lồ, săn một con kỳ lân, bắt một con lợn rừng, thì ta còn sợ gì bọn núp ở ngoài phòng kia!
Bọn kia nghe chú thợ may nói vậy, sợ xanh mắt, bỏ chạy ba chân bốn cẳng như bị ma đuổi. Không tên nào dám nho nhoe cả. Thế là chú thợ may giữ ngôi vua cho đến hết đời.
Nàng công chúa chăn ngỗng
Ngày xưa có một bà hoàng hậu tuổi đã cao. Đức vua chết đã lâu. Bà có một cô con gái rất xinh đẹp. Khi lớn lên, nàng được hứa hôn với một chàng Hoàng tử con vua một nước xa xôi.
Đến ngày tổ chức lễ cưới, nàng công chúa sửa soạn đi đến nước xa lạ. Mẹ nàng gói ghém cho nàng những vật quí giá: đồ trang sức, vàng, bạc, cốc, châu ngọc, tóm lại là tất cả những gì xứng đáng làm của hồi môn cho một công chúa, vì mẹ nàng rất mực thương nàng. Mẹ nàng gửi gắm nàng cho một thị nữ có nhiệm vụ dẫn nàng đi đến chỗ ở người chồng chưa cưới. Mỗi người cưỡi một con ngựa. Ngựa công chúa cưỡi tên là Phalađa, biết nói.
Đến lúc chia tay, bà hoàng vào trong phòng ngủ, lấy một con dao nhỏ trích ngón tay, để chảy ba giọt máu. Bà cho máu thấm xuống một cái khăn trắng nhỏ, đưa cho cô gái và dặn: “Con thân yêu, con hãy giữ gìn cẩn thận cái khăn này, nó sẽ có ích cho con trên đường đi”.
Hai mẹ con buồn bã từ biệt nhau. Công chúa áp cái khăn lên ngực, nhảy lên yên ngựa để đi đến nơi ở của người yêu. Sau khi đã đi một tiếng, cô cảm thấy khát khô họng, bèn bảo thị nữ:
– “Em hãy xuống ngựa, lấy cốc của ta múc nước suối kia và mang lại đây cho ta, ta khát nước lắm”.
– “Nếu cô khát, thị nữ trả lời, thì hãy tự nhảy xuống, rồi vươn người ra trên mặt nước mà uống. Tôi không phải là đầy tớ của cô”.
Công chúa khát lắm, bèn xuống ngựa, cúi xuống dòng nước suối để uống nước. Nàng không dám uống nước bằng cốc vàng. “Trời ơi!” nàng kêu to. Ba giọt máu bảo cô: “Nếu mẹ cô biết sự tình thế này, thì hẳn tim bà sẽ tan nát trong ngực”.
Nhưng công chúa là người can đảm. Nàng không nói gì và lại nhảy lên ngựa. Ngựa phi được vài dặm. Trời thì nóng nực, chẳng mấy chốc nàng lại khát nước.
Tới một con sông, nàng bảo thị nữ: “Em hãy xuống ngựa và cho ta uống nước bằng cái cốc vàng”. Cô đã quên đứt những lời độc ác của thị nữ. Nhưng thị nữ lại trả lời ngạo mạn hơn: “Nếu cô khát thì tự đi uống nước một mình, tôi không phải là đầy tớ của cô”.
Công chúa khát quá, nhảy xuống ngựa, cúi xuống dòng nước chảy xiết, khóc và kêu lên: “Trời ơi!” Ba giọt máu liền đáp lại: “Nếu mẹ cô biết sự tình thế này, thì hẳn tim bà tan nát trong ngực”. Trong khi cô cúi xuống để uống thì cái khăn có thấm ba giọt máu, tuột khỏi ngực cô và trôi theo dòng nước mà cô không hay biết, vì lúc đó cô rất sợ hãi.
Thị nữ thì lại trông thấy hết và nó rất vui mừng từ giờ trở đi công chúa sẽ bị nó trả thù. Từ lúc đánh mất ba giọt máu, công chúa trở nên yếu đuối, không đủ sức tự vệ nữa. Khi nàng định trèo lên con ngựa Phalađa thì thị nữ bảo: “Tôi sẽ cưỡi con Phalađa, còn cô, cô hãy cưỡi con ngựa tồi của tôi”.
Công chúa đành làm như vậy. Tiếp đó thị nữ ra lệnh, lời lẽ gay gắt, bắt nàng phải cởi quần áo hoàng cung ra và mặc quần áo của nó vào.
Cô lại phải thề với trời đất là khi đến cung điện sẽ không nói lộ ra. Nếu cô không chịu thề thì nó sẽ giết cô tại chỗ. Nhưng con Phalađa đã quan sát tất cả và ghi nhớ tất cả. Thị nữ cưỡi con Phalađa, còn công chúa thì cưỡi con ngựa tồi. Nó lại tiếp tục đi, cuối cùng đến lâu đài nhà vua.
Ở đấy, mọi người rất vui mừng khi họ tới, và Hoàng tử vội chạy tới tận nơi đón họ, đỡ thị nữ xuống ngựa, vì tưởng rằng đó là vợ chưa cưới của mình. Thị nữ đi lên bậc thềm lâu đài, còn nàng công chúa thì phải đứng lại ngoài sân.
Vua cha nhìn ra, qua cửa sổ thấy nàng duyên dáng và tuyệt đẹp. Người vào trong cung hỏi cô gái được coi là vợ chưa cưới của Hoàng tử xem cô gái đứng ngoài sân là ai. “Tâu vua cha, con đã gặp cô gái đó trên đường đi và con đưa cô ta đi cùng để đỡ lẻ loi một mình. Xin vua cha cho cô ta làm việc để cô ta khỏi phải vô công rồi nghề”. Nhưng vua cha không có việc gì giao cho cô làm cả.
Người bảo: “Ở ngoài kia, ta có một anh chàng chăn ngỗng, hãy để cô ta giúp việc vậy”. Chàng trai tên là Cuốc. Vợ chưa cưới của Hoàng tử phải giúp anh chăn ngỗng.
Ít lâu sau, vợ chưa cưới giả tâu với hoàng tử: “Chàng thân yêu ơi, em muốn một điều, chàng hãy làm vui lòng em”. Hoàng tử nói: “Được thôi!” “Chàng hãy cho gọi người thợ lột da đến đập chết con ngựa em đang cưỡi đến đây, vì trong khi đi đường nó làm em bực tức”.
Thật ra thì nó sợ con ngựa kể lại cách nó đã đối xử với công chúa. Đến lúc con ngựa trung thành Phalađa phải chết thì công chúa được tin. Nàng hứa với người thợ lột da là sẽ bí mật biếu anh một đồng tiền bằng bạc nếu anh giúp nàng một việc nhỏ.
Trong đô thị có một cái cổng to rất tối, hàng ngày, sớm tối nàng phải dẫn đàn ngỗng đi qua. Nàng xin người thợ lột da hãy đóng đanh treo đầu con Phalađa vào cái cổng ấy để nàng có thể luôn luôn trông thấy nó.
Người thợ lột da hứa sẽ làm và bác đóng chặt đanh treo đầu ngựa vào dưới cái cổng tối om. Sáng sớm, khi cùng Cuốc đi qua cổng, cô bảo cái đầu: “Ôi, Phalađa, mày bị treo ở đây ư!” Cái đầu trả lời: “Ôi! Nàng công chúa của tôi, nàng qua đây ư! Nếu mẹ nàng biết nông nỗi này tim mẹ sẽ vỡ tan tành”. Lặng lẽ, cô đi khỏi đô thị, dẫn đàn ngỗng ra cánh đồng.
Đến đồng cỏ, cô ngồi xuống và rũ tóc ra. Tóc cô óng ánh như vàng nguyên chất và Cuốc rất thích nhìn mớ tóc ấy lóe sáng. Anh muốn nhổ vài sợi tóc. Công chúa bèn nói: “Ta khóc đây, ta khóc đây! Hỡi làn gió nhẹ. Hãy cuốn cái mũ của Cuốc đi! Anh ta sẽ chạy theo cái mũ cho đến khi nào tóc ta chải và tết xong”.
Tức thì gió thổi mạnh cuốn đi cái mũ của Cuốc. Anh ta chạy theo ngay. Khi anh trở về thì công chúa đã chải đầu xong và anh không nhổ được sợi tóc nào. Anh rất bực và không nói năng gì với cô nữa.
Ảnh minh họa.
Họ lại tiếp tục chăn ngỗng đến chiều, rồi cùng về nhà. Sáng sớm hôm sau, khi lùa ngỗng qua cổng, cô gái nói: “Ôi, Phalađa, mày bị treo ở đây ư!”
Cái đầu trả lời: “Ôi! Nàng công chúa của tôi, nàng qua đây ư! Nếu mẹ nàng biết nông nỗi này, tim mẹ sẽ vỡ tan tành”.
Đi ra khỏi đô thị, cô lại ngồi trên đồng cỏ và lại rũ tóc ra chải. Cuốc muốn nắm lấy mớ tóc. Cô vội vàng nói: “Ta khóc đây, ta khóc đây! Hỡi làn gió nhẹ, hãy cuốn cái mũ của Cuốc đi! Anh ta sẽ chạy theo cái mũ cho đến khi nào tóc ta chải và tết xong”. Gió nổi lên, cuốn cái mũ đi. Cuốc phải chạy theo. Khi anh trở về thì công chúa đã chải đầu xong từ lâu và anh không nắm được mớ tóc ấy. Và rồi hai người lại cùng chăn ngỗng đến chiều.
Nhưng chiều hôm ấy, về tới nhà, Cuốc đến gặp vua cha và tâu: “Kính thưa hoàng thượng, con không thể chăn ngỗng cùng cô gái này nữa” – “Tại sao vậy?”, vua hỏi. “Suốt ngày, cô ta làm con bực mình!” – Vua cha bảo anh kể lại sự việc đã xảy ra. Cuốc nói: “Buổi sáng, chúng con dẫn đàn ngỗng qua cái cổng tối om, ở đấy có một cái đầu ngựa treo trên tường.
Cô ta nói với nó: “Ôi, Phalađa, mày bị treo ở đây ư!” Cái đầu trả lời: “Ôi! Nàng công chúa của tôi, nàng qua đây ư! Nếu mẹ nàng biết nông nỗi này tim mẹ sẽ vỡ tan tành.” Và Cuốc kể các sự việc đã xảy ra ở cánh đồng chăn ngỗng và tại sao anh ta lại phải chạy theo cái mũ. Vua cha dặn anh ta ngày hôm sau cứ đi chăn ngỗng như thường lệ.
Sáng sớm ngài thân chinh đến dưới cái cổng tối om và nghe được những câu cô gái nói với cái đầu Phalađa. Ông theo ra cánh đồng và nấp vào một bụi cây. Chính mắt ngài trông thấy anh thanh niên và cô gái lùa ngỗng thế nào và sau một lúc, cô gái ngồi xuống gỡ mớ tóc vàng lóe sáng.
Rồi cô lại nói: “Ta khóc đây, ta khóc đây! Hỡi làn gió nhẹ, hãy cuốn cái mũ của Cuốc đi! Anh ta sẽ chạy theo cái mũ cho đến khi nào tóc ta chải và tết xong”. Một cơn gió thổi mạnh, cuốn cái mũ đội đầu của Cuốc đi. Anh phải chạy theo rất xa. Cô gái chăn ngỗng chải tóc và cuốn thành từng búp. Vua cha nhìn thấy tất cả. Không ai nhận ra ngài khi ngài rời khỏi đó.
Chiều đến, cô gái về nhà, ngài cho gọi cô đến và hỏi tại sao cô lại làm như thế. “Tâu bệ hạ, con không thể nói được”, – cô trả lời. – “Con không thể kể nỗi khổ của con với bất cứ ai trên thế gian này, con đã thề như vậy để khỏi bị người ta giết”. Vua cha cô ép cô nói, nhưng ngài không biết được gì thêm bèn nói: “Nếu con không muốn nói với ta, thì con hãy kể nỗi khổ của con với cái bếp lò này”. Rồi ông bỏ đi.
Cô đến ngồi gần cái bếp lò, than khóc, thổ lộ tâm can: “Ta ngồi đây, bị cả thế gian ruồng bỏ, dù ta là con vua. Một tên thị nữ độc ác đã áp chế ta, bắt ta đổi cho nó quần áo hoàng cung. Nó thay thế ta để làm vợ chưa cưới của người yêu ta, và ta bắt buộc phải làm công việc bình thường của người chăn ngỗng. Nếu mẹ ta biết nông nỗi này, tim bà sẽ tan nát”.
Vua cha đứng ở phía tường bên kia gần ống thông hơi, ngài đã nghe thấy hết. Ngài trở về và gọi cô hãy rời cái lò đến gặp ngài. Người ta mang đến cho cô quần áo hoàng cung, cô mặc vào đẹp như là có phép lạ. Vua cha cho gọi con trai đến và bảo cho con biết về cô vợ chưa cưới giả mạo. Cô người yêu thật đứng trước chàng, đấy là cô gái chăn ngỗng.
Hoàng tử thấy cô rất đẹp và phúc hậu nên lòng tràn ngập niềm vui. Một bữa tiệc được sửa soạn để mời tất cả các bạn bè thân thuộc. Hoàng tử và công chúa ngồi ở đầu bàn, trước mặt họ là con thị nữ.
Nó bị choáng ngợp và không nhận ra cô chủ trang sức lộng lẫy. Khi họ đang ăn uống vui vẻ, vua cha ra một câu đố cho thị nữ. Nó phải trả lời là một người đàn bà lừa dối chủ thì sẽ bị xử tội như thế nào.
Ngài kể các sự việc đã xảy ra và hỏi nó: “Như thế sẽ xứng đáng với hình phạt gì”. – “Nó xứng đáng phải đuổi đi khỏi đất nước” – “Kẻ ấy chính là mày, mày sẽ bị xử tội như mày nói”. Sau khi hình phạt được thi hành, Hoàng tử cưới nàng công chúa làm vợ và họ trị vì đất nước trong hòa bình và hạnh phúc.
Bài học hay từ những câu chuyện cổ tích thế giới
Những câu chuyện cổ tích thế giới với nội dung ngắn gọn, đơn giản nhưng chứa đựng nhiều bài học giá trị trông cuộc sống. Và truyện cổ tích cứ thế đi sâu vào đời sống con người, khoác lên vẻ ngoài những câu chuyện tưởng tượng tuyệt vời.
Những câu chuyện cổ tích thế giới với nội dung ngắn gọn, đơn giản nhưng chứa đựng nhiều bài học giá trị trông cuộc sống.