"Mẹ đem cháu đi phơi nắng rồi da cũng sẽ hết vàng. Ở bệnh viện lâu họ lại bày vẽ lắm chuyện tốn tiền”, bà nói với con dâu.
Vàng da ở trẻ sơ sinh là hiện tượng phổ biến, cứ 10 trẻ thì sẽ có 8 bé bị vàng da. Mặc dù đây là một tình trạng bình thường, nhưng nếu trẻ bị vàng da nặng, kéo dài lại không được điều trị có thể sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Kể từ khi mang thai, Dung Dung không có đi làm do sức khỏe yếu. Mọi chi tiêu trong nhà đều phụ thuộc vào đồng lương ít ỏi của chồng và sự trợ cấp từ bố mẹ chồng. May mắn là ca sinh nở diễn ra suôn sẻ. Chỉ là hai ngày sau khi chào đời, da của em bé rất vàng. Bác sĩ khuyên nên đưa em bé đến phòng chiếu đèn để điều trị dứt điểm tình trạng này trước khi xuất viện về nhà.
Tuy nhiên, tiền điều trị này lại do bố mẹ chồng Dung Dung chi trả nên cô đành phải hỏi qua ý kiến của ông bà. Nghe con dâu nói xong, bà bảo: “Em bé nào mới sinh ra mà không bị vàng da. Bắt nó đi chiếu đèn ai mà biết được liệu có gây hại cho cơ thể của nó hay không. Mà mẹ nghe người ta nói chiếu đèn có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của đứa trẻ sau này. Nên thôi đi, chúng ta cứ xuất viện về nhà, mẹ đem cháu đi phơi nắng rồi da cũng sẽ hết vàng. Ở bệnh viện lâu họ lại bày vẽ lắm chuyện tốn tiền”.
Nghe lời mẹ chồng, Dung Dung đã không cho con điều trị vàng da tại bệnh viện. Đứa trẻ về nhà cứ ngủ li bì, bỏ bú và tình trạng vàng da ngày càng nặng (Ảnh minh họa)
Dung Dung nghe mẹ chồng nói vậy cũng thấy hợp lý, với lại chi phí đi sinh lần này do bà chi trả hết nên cô cũng không dám có ý kiến gì. Cô và chồng đã đồng ký tên vào tờ thông báo không đồng ý điều trị vàng da cho con. Sau khi về nhà, mẹ chồng Dung Dung ngoài việc mỗi sáng phơi nắng cho cháu, còn chịu khó đi tìm một ít lá gì đó về tắm cho cháu.
Tuy nhiên, tình trạng vàng da của em bé vẫn không hề có dấu hiệu thuyên giảm, ngược lại màu vàng ngày càng đậm. Cho đến một ngày, Dung Dung phát hiện ra con ngày nào cũng ngủ lì bì từ sáng đến đêm, không chịu thức dậy bú sữa. Thỉnh thoảng, đứa trẻ còn khóc thét lên, nôn trớ và người mềm oặt. Lúc này, Dung Dung có chút hốt hoảng nhưng không biết phải làm sao. Vừa hay lúc đó chị ruột của cô đến thăm đã phát hiện ra tình trạng nguy hiểm của em bé nên đã lập tức đòi mang đứa trẻ đến bệnh viện. Thấy vậy, mẹ chồng Dung Dung ngăn lại: “Đứa trẻ nào chẳng bị vàng da, vài hôm nữa là sẽ khỏi thôi. Đi viện chi cho tốn tiền”. Cuối cùng, chị của Dung Dung cam kết mọi chi phí điều trị này chị ấy trả thì bà mới đồng ý cho mang cháu đến bệnh viện.
Tại đây, bác sĩ kết luận đứa trẻ đã bị mắc bệnh não do Bilirubin hay còn gọi là bệnh vàng da nhân não. Vì Bilirubin rất độc hại đối với tế bào của bộ não và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nên em bé cần phải nhập viện điều trị ngay. “Nhưng tại sao gia đình lại không điều trị cho bé ngay từ lúc mới sinh mà để đến bây giờ mới đưa vào viện?”, bác sĩ thắc mắc hỏi người nhà bệnh nhân. Dung Dung khóc nấc bảo: “Bác sĩ bên khoa phụ sản có nói điều này, nhưng mẹ chồng tôi cho rằng chiếu đèn sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này của đứa trẻ nên đã không đồng ý”.
Bác sĩ kết luận đứa trẻ bị bệnh vàng da nhân não. Nhưng vì điều trị quá trễ nên đã ảnh hưởng đến trí não nghiêm trọng (Ảnh minh họa)
Quá tức giận, bác sĩ đập tay lên bàn nói: “Khi em bé được sinh ra tự nhiên, kích thước đầu lại to như vậy sẽ gây ra tụ máu trong đầu khiến cơ thể sản xuất quá nhiều Bilirubin. Khi chất Bilirubin vượt qua giới hạn cho phép, gan không đào thải kịp thì có nguy cơ thấm vào não khiến trẻ đã bị vàng da nhân não. Điều này gây tổn thương não không hồi phục được. Chưa kể, khi bị bệnh này, em bé sẽ ngủ mê man không chịu bú sữa lại càng làm cho chất Bilirubin không có cách nào bài tiết được qua phân và nước tiểu. Cứ thế, Bilirubin đã tích tục trong cơ thể khiến bệnh tình ngày càng nặng.
Bây giờ, Bilirubin đã vào đến não của bé, chất độc thần kinh do nó gây ra cũng đã xuất hiện. Đứa trẻ này về sau không còn có trí thông minh nữa”. Nghe xong, mẹ chồng của Dung Dung ngã gục khóc ngất vì hối hận.
Cần theo dõi trẻ sơ sinh trong 7 ngày đầu để phát hiện vàng da bệnh lý sớm
Theo bác sĩ, vàng da sinh lý chuyển sang vàng da bệnh lý có ranh giới rất mong manh, thường khó phân biệt do trẻ không có những biểu hiện rõ rệt. Do đó, trẻ cần được theo dõi sát sao trong 7 ngày đầu sau sinh để còn kịp thời được chữa trị nếu tình trạng vàng da ngày càng nặng.
Cụ thể, cha mẹ sẽ đánh giá vàng da ở trẻ sơ sinh dưới ánh sáng tự nhiên (ánh sáng trời), không nên quan sát dưới ánh đèn neon hoặc đèn thường vì sẽ không xác định được rõ trẻ có vàng da hay không. Tiếp theo, dùng ngón tay trỏ ấn nhẹ trên nền xương cứng như trán, gò má, ngực, mu bàn tay, cẳng chân, bàn chân và giữ vài giây, sau đó quan sát độ vàng của da ở vùng da vừa mới ấn nhẹ ngón tay đó.
Nếu bé chỉ bị vàng da từ trán xuống ngực thì không cần phải đi khám, chỉ cần theo dõi ở nhà. Nếu thấy con vàng da đến bụng hoặc đến đùi, cẳng chân thì cha mẹ nên nhanh chóng đưa bé đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Ngoài ra, nếu trẻ có các biểu hiện như bỏ bú, ngủ li bì, khóc vật vã, rối loạn hô hấp, người vô lực, co giật,… thì nên đưa con đi cấp cứu càng nhanh càng tốt để tránh để lại các di chứng nặng nề như điếc, chậm phát triển thể chất và trí tuệ…