Thấy con gái có những biểu hiện lạ ở tai, bà mẹ đã đưa con đi thăm khám. Tuy nhiên, phải đến lần khám thứ 2 mới phát hiện ra bệnh, lúc này đã quá nặng.
Sức khỏe của con cái luôn là mối quan tâm hàng đầu của cha mẹ. Để con cái luôn khỏe mạnh thì cha mẹ không bao giờ được chủ quan, xao lãng trong việc theo dõi tình hình sức khỏe của các bé.
Câu chuyện về cô bé 2 tuổi sống tại Trung Quốc bị thủng màng nghĩ là bài học cho các bậc phụ huynh phải cần chú ý hơn trong việc bảo vệ đôi tai bé bỏng của con yêu.
Bé Yao Yao đã bị thủng màng nhĩ do mủ trong tai vỡ ra. (Ảnh minh họa)
Bà mẹ với nickname Chen Lei, đang sống tại Trung Quốc chia sẻ lại câu chuyện của mình như sau: "Một lần đưa con gái đi công viên chơi, tôi thấy con liên tục kéo tai phải và dùng ngón tay ngoáy tai với vẻ mặt vô cùng khó chịu. Hôm sau, tôi đã lập tức đưa con đi khám và bác sĩ kết luận rằng tai con không sao cả, không cần phải điều trị gì. Tôi cũng tin rằng như thế".
Tuy nhiên sau đó tình trạng của bé Yao Yao không hề khá hơn. Cô bé không quấy khóc nhưng không vui vẻ chơi đùa như mọi ngày. Mẹ cô bé kể lại: "Từ khi 1 tuổi, Yao Yao thường ngủ rất ngoan, và sẽ ngủ một giấc từ tối tới sáng mà không quấy khóc. Tuy nhiên, hôm đó con bé đã thức giấc giữa đêm và khóc to. Sau đó con lại chìm vào giấc ngủ. Tôi đã kiểm tra tai con xem có bị sưng không nhưng tôi không thấy vấn đề gì nên đã bỏ qua và tin vào lời bác sĩ”.
Tai bé Yao Yao bưng mủ do nhiễm trùng tai. (Ảnh minh họa)
Không may rằng sáng sớm hôm sau, bé Yao Yao chợt thức giấc và bắt đầu la hét, khóc to cùng vẻ mặt đau đớn. Mẹ cô bé đã rất lo lắng vì không thấy con bị thương gì cả mà vẫn khóc. Tuy nhiên, khi nhìn vào giường con thì chị đã phát hiện ra chất dịch nâu đỏ dính vào giường. Khi đó chị nhìn vào tai con thì thấy dịch màu đỏ rỉ ra.
Ngay lập tức bà mẹ trẻ đưa con gái đi khám. Bác sĩ đã kết luận rằng bé Yao Yao bị thủng màng nhĩ do mủ ứ đọng lâu ngày trong tai và vỡ da. Mủ đã chảy ra ngoài ống tai với máu khiến bé bị đau đớn.
Bé Yao Yao đã được kê thuốc kháng sinh cùng thuốc giảm đau uống trong 10 ngày. Màng nhĩ của bé đã liền lại sau một thời gian chữa trị. Cô bé không còn đau tai nhiều nữa.
Mẹ Yao Yao nghe bác sĩ giải thích rằng, khi con gái bị khó chịu trong tai ở trong công viên thì đó là giai đoạn đầu tiên của nhiễm trùng tai. Do bệnh chưa phát triển hết nên bác sĩ đã có kết quả khám sai. Sau đó mủ nhiễm trùng đã bị ứ đọng và vỡ ra khiến màng nhĩ của cô bé bị thủng. Nếu như bệnh của Yao Yao được phát hiện kịp thời và chữa trị sớm thì đã tránh được màng nhĩ bị tổn thương.
“Tôi cảm thấy mình có lỗi rất nhiều trong việc để con bị như thế này. Tôi hy vọng câu chuyện của mình sẽ đưa đến một kinh nghiệm nào đó cho các mẹ trong việc chăm sóc sức khỏe của các con", mẹ bé Yao Yao nhắn nhủ các bậc làm cha, làm mẹ khác.
Những điều mẹ cần biết về thủng màng nhĩ ở trẻ
Màng nhĩ là một màng mỏng có hình bầu dục và lõm ở giữa. Màng nghĩ nằm hơi nghiêng một góc 30 độ so với đáy ống tai giúp ngăn cách ống tai ngoài và tai giữa.
Ảnh minh họa về cấu tạo của tai.
Màng nhĩ của trẻ em thường mỏng hơn người lớn. Khi bé lớn hơn màng nhĩ sẽ trở nên dày hơn và đàn hồi tốt hơn.
Các nguyên nhân phổ biến khiến màng nhĩ bị thủng ở trẻ nhỏ là do bé bị viêm tai giữa, nhiễm trùng tai, vật lạ đâm vào tai.
Bé có thể có các dấu hiệu sau đây nếu màng nhĩ bị rách:
- Tai bé đau đột ngột hoặc cơn đau giảm đột ngột.
- Tai bé có dịch như mủ và máu kết hợp.
- Bé nghe thấy tiếng ù ù trong tai.
- Khả năng nghe của bé giảm hẳn hoặc thậm chí không nghe thấy gì.
- Bé quấy khóc, mệt mỏi.
Màng nhĩ của trẻ em mỏng hơn người lớn. (Ảnh minh họa)
Cách điều trị khi màng nhĩ bị thủng
Màng nhĩ bị rách thường sẽ lành lại trong 3 tháng vì vậy bé thường không cần điều trị gì đặc biệt. Nếu tai bị viêm nhiễm, bác sĩ sẽ kê đơn cho bé dùng thuốc kháng sinh để điều trị dứt điểm. Nếu bé bị đau đớn thì có thể uống thêm thuốc giảm đau.
Ngoài ra mẹ cũng có thể giúp bé giảm đau tại bằng cách dùng một chiếc tất sạch và cho muối sạch vào đó. Mẹ làm nóng chiếc tất chứa muối rồi cho bé chườm lên tai.
Khi điều trị rách màng nhĩ cho bé, mẹ cần giữ tai bé khô ráo để tránh nhiễm trùng.
Cách bảo vệ tai cho bé
Để giúp bé có đôi tai khỏe mạnh, bố mẹ cần hạn chế các nguy cơ khiến tai bị viêm nhiễm như không tự ý ngoáy tai cho con. Khi tai bé có dấu hiệu bất thường thì mẹ cần cho bé đến bác sĩ để được kiểm tra và khám chữa cẩn thận. Mẹ không nên chủ quan bỏ qua bất cứ dấu hiệu khác thường nào.