Việc lấy ráy tai mỗi ngày bằng tăm bông sẽ làm rụng lông tai, dẫn đến làm hư chức năng tống chất bẩn ra ngoài cửa ống tai,
Thạc sĩ Nguyễn Minh Hảo Hớn, Phòng khám Chuyên khoa Tai – Mũi – Họng tại 48/4 Hồ Biểu Chánh, Quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Nhiều cha mẹ thường sử dụng bông ngoáy tai để làm sạch ráy tai và loại bỏ các bụi bẩn trong lỗ tai cho trẻ sơ sinh. Việc làm này không nguy hại đến thính giác của trẻ và cũng không gây viêm tai giữa. Tuy nhiên dùng bông ngoáy tai không cẩn trọng và đúng cách cho thể gây ảnh hưởng đến trẻ nhỏ.
Bác sĩ chuyên khoa Tai – Mũi – Họng, Nguyễn Minh Hảo Hớn.
Thêm vào đó, theo một số chuyên gia chuyên khoa Tai – Mũi – Họng khác, các mẹ cũng không nên lạm dụng việc sử dụng tăm bông để ngoáy tai cho trẻ hàng ngày. Một tuần nên làm sạch tai cho trẻ từ 2-3 lần. Bởi vì việc lấy ráy tai mỗi ngày bằng tăm bông sẽ làm rụng lông tai, dẫn đến làm hư chức năng tống chất bẩn ra ngoài cửa ống tai, từ đó trẻ hay bị viêm ống tai ngoài và hay có ráy tai hơn.
Khi dùng bông ngoáy tai cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, các mẹ cần lưu ý những điều sau:
- Các bậc phụ huynh phải vệ sinh đúng cách và sát trùng tay sạch sẽ trước khi ngoáy tai cho trẻ.
- Bông ngoáy tai không đáng sợ như nhiều mẹ vẫn nghĩ. Khi trẻ gặp nước, mẹ vẫn có thể dùng cho con. Tuy nhiên, các mẹ cần thao tác hết sức nhẹ nhàng tránh gây trầy xước ống tai của trẻ.
- Hết sức cẩn thận vì khi dùng bông ngoáy tai bé có thể hất tay phản ứng hay mọi người xung quanh tác động vào có thể gây thủng màng nhĩ của bé. Màng nhĩ của trẻ có thể bị thủng dưới áp lực nhẹ, dù chỉ là chiếc tăm bông đơn thuần.
- Khi tắm cho trẻ các mẹ nên cố gắng không để nước rơi vào tai trẻ. Nếu trẻ có ráy tai, khó lấy các mẹ nên nhỏ chút nước muối sinh lý trước đó từ 2-3 ngày. Làm cách này khi ráy tai mềm sẽ tự chảy ra ngoài hoặc nếu lấy sẽ dễ dàng hơn, trẻ không bị đau rát.
- Khi trẻ đang bị viêm tai giữa cấp không nên ngoáy tai cho bé vì sẽ gây đau đớn, ảnh hưởng lớn đến tai bé.