Bệnh thủy đậu ở trẻ em thường khiến nhiều phụ huynh lo lắng bởi có thể để lại di chứng nặng nề sau này. Thời điểm giao mùa cũng là lúc căn bệnh này bùng phát mạnh mẽ. Vì vậy, cha mẹ cần phải hết sức lưu ý để có các biện pháp và phòng ngừa kịp thời.
Bệnh thủy đậu ở trẻ em là gì?
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm ở vùng da, được gây ra bởi virus Varicella Zoster (VZV). Những biểu hiện ban đầu của căn bệnh này là nổi những mụn nước trên da và niêm mạc, cơ thể bị sốt cao dẫn đến suy nhược và mệt mỏi. Bệnh thủy đậu ở trẻ em có lây không? Tốc độ lây bệnh thủy đậu khá nhanh, có thể truyền nhiễm trừ tiếp từ người này sang người khác nếu như không kiểm soát kịp thời.
Bệnh thủy đậu ở trẻ em rất nguy hiểm. (Ảnh minh họa)
Nguyên nhân gây nên bệnh thủy đậu ở trẻ em
- Thủy đậu vốn là bệnh truyền nhiễm và thường sẽ bùng phát thành dịch vào mùa xuân.
- Virus Varicella Zoster chủ yếu lây qua đường hô hấp do tiếp xúc qua nước bọt, dịch tiết mũi hoặc dịch từ những nốt phỏng bị vỡ ra.
- Ngoài ra, việc dùng chung các loại vật dụng thông thường như bàn chải đánh răng, khăn mặt, quần áo hoặc ăn uống với người bị thủy đậu cũng có thể là nguyên nhân lây truyền bệnh.
- Thủy đậu thường hay gặp ở trẻ em dưới 10 tuổi (90%) hoặc tạo thành dịch tại các trường học, nhà trẻ.
Triệu chứng của bệnh thủy đậu ở trẻ em
Những triệu chứng của bệnh thủy đậu thường sẽ trải qua 4 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Thời kỳ ủ bệnh (bắt đầu từ khi nhiễm virus đến khi phát bệnh)
Thời kỳ ủ bệnh sẽ kéo dài trong khoảng 10-20 ngày, không có những biểu hiện lâm sàng cụ thể nên sẽ rất khó phát hiện.
- Giai đoạn 2: Thời kỳ khởi phát bệnh
Cơ thể sẽ có một số biểu hiện như bắt đầu sốt nhẹ, mệt mỏi, nhức đầu, phát ban đỏ với đường kính khoảng từ vài milimet trong 24-48 giờ. Một số trường hợp còn có thể bị viêm họng hoặc nổi hạch sau tai. Với dấu hiệu này, trẻ thường bị nhầm lẫn với cảm cúm thông thường. Vì thế, nếu trong mùa dịch, mẹ nên cho bé thăm khám càng sớm càng tốt để phát hiện nguyên nhân gây bệnh.
- Giai đoạn 3: Thời kỳ bệnh toàn phát
Trẻ sẽ có dấu hiệu như sốt cao, đau cơ, đau đầu, chán ăn, nôn ói. Những nốt ban đỏ sẽ chuyển "phồng" thành những mụn nước hình tròn, đường kính khoảng 1-3mm và có chất dịch bên trong. Mụn nước sẽ không xuất hiện ở một nơi mà toàn thân, đặc biệt là vùng tay, chân, lưng, mặt, niêm mạc miệng gây nên khó chịu. Ngoài ra, còn có một số tiến triển nặng hơn như mụn nước có màu đục bên trong do chứa mủ, kích thước lớn.
- Giai đoạn 4: Thời kỳ phục hồi bệnh
Sau khoảng từ 7-10 ngày phát bệnh, nếu như không có biến chứng nặng như nhiễm trùng, mụn nước sẽ vỡ ra, khô lại, bong vảy và đầu hồi phục. Thời gian hồi phục kéo dài khoảng từ 3-4 ngày, vị trí vùng da bị nổi mụn nước sẽ tự bong vảy và thâm sạm. Ở giai đoạn này, mẹ có thể dùng một số loại thuốc bôi ngoài da để giúp hạn chế để lại sẹo thâm, sẹo rỗ trên da.
Biến chứng của bệnh thủy đậu là rất nguy hiểm bởi có thể gây nhiễm trùng máu, nhiễm trùng da, viêm não, viêm phổi, nhiễm trùng xương khớp...nếu như không được điều trị kịp thời.
Triệu chứng của bệnh thủy đậu ở trẻ em khá đa dạng. (Ảnh minh họa)
Bệnh thủy đậu ở trẻ em cần kiêng gì?
Nếu không muốn bệnh thủy đậu nặng hơn ở trẻ, trong quá trình trẻ mắc bệnh, cần phải kiêng khem đầy đủ mới có thể hạn chế những khả năng gây nên biến chứng hoặc tổn thương thần kinh trung ương, ung thư da, đặc biệt là tử vong.
- Kiêng cho trẻ đến nơi đông người: Tránh trường hợp lây lan và truyền bệnh cho người khác. Nếu con xuất hiện những nốt ban đỏ trong vòng 2 tuần đầu nên cho bé nghỉ học ở nhà.
- Kiêng sử dụng chung vật dụng trong gia đình: Như đã chia sẻ, thủy đậu là căn bệnh truyền nhiễm rất dễ lây lan, đặc biệt là hình thức dùng chung vật dụng gia đình. Vì thế, phụ huynh hãy mua riêng cho bé các vật dụng, tránh dùng chung với người khác trong gia đình. Người chăm sóc trẻ bị thủy đậu cần sử dụng xà phòng để rửa sạch tay, diệt virus.
- Kiêng cho trẻ ăn một số loại thực phẩm dưới đây:
+ Thịt gà: Do đây là thực phẩm có tính ôn, khi ăn sẽ khiến bé có cảm giác ngứa ngáy.
+ Thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ chiên xào: Khiến bé khó tiêu.
+ Đồ ăn từ gạo nếp: Có thể khiến bọng mủ trên da trở nên nặng hơn.
+ Hạn chế các chế phẩm từ sữa như kem, bơ, phô mai.
+ Những loại hạt trái cây, trái cây sấy khô cũng cần kiêng cho bé.
+ Trái cây giàu axit cũng không tốt cho bé như cam và chanh.
+ Đặc biệt, không cho bé đang bị thủy đậu ăn hải sản.
Bệnh thủy đậu ở trẻ em cần kiêng gì? (Ảnh minh họa)
- Không nên cho trẻ gãi khi trẻ mắc bệnh thủy đậu: Người chăm sóc trẻ cần phải theo dõi để tránh bé gãi lên các nốt ba khiến bọng mủ vỡ ra và bệnh lý nặng hơn, thậm chí là bị nhiễm trùng và biến chứng nguy hiểm. Để khắc phục vấn đề này, hãy giữ cho da bé luôn khô, cắt móng tay sạch sẽ cho bé, mặc quần áo có chất liệu mềm mại và không bị xù lông.
- Hạn chế ra gió vì cơ thể dễ bị nhiễm lạnh và làm cho bệnh ngày càng tồi tệ hơn.
Chăm sóc trẻ em bị thủy đậu
- Điểm cần lưu ý đầu tiên khi chăm sóc cho bé bị thủy đậu là giữ vệ sinh sạch sẽ cho cơ thể bé, không được để bé gãi chỗ ngứa hay tắm nước lâu để tránh tình trạng vỡ các nốt mủ thủy đậu, làm da bị nhiễm trùng.
- Dùng nước ấm lau nhẹ nhàng người cho bé và dùng khăn khô để lau cơ thể, đảm bảo cơ thể bé luôn sạch sẽ.
- Bổ sung đầy đủ những loại chất dinh dưỡng, vitamin và tăng cường đề kháng.
- Thường xuyên bổ sung nước uống cho bé liên tục và đầy đủ.
- Sử dụng các vật dụng riêng cho bé, tránh dùng chung để không lây lan sang cho người khác.
- Đối với những nốt đỏ trên cơ thể, phụ huynh có thể dùng dung dịch thuốc tím bôi lên các nốt mụn để kháng viêm, ngăn ngừa hình thành sẹo sau này. Khi mụn đã vỡ nước dùng loại dung dịch xanh Methylen bôi lên.
- Lưu ý, tuyệt đối không dùng loại thuốc mỡ để bôi như Tetraxiclin, mỡ Penixilin, thuốc đỏ. Khi nốt mụn đóng vảy, có thể sử dụng kem trị dị ứng, các loại thuốc bôi trị ngứa. Ngoài ra, với trường hợp trẻ em dưới 6 tháng tuổi, tuyệt đối không được sử dụng kem trị ngứa có chứa Phenol.
Trẻ bị thủy đậu tắm lá gì?
Sử dụng các loại lá để tắm là một trong những cách chữa thủy đậu dân gian vừa dễ tìm lại đơn giản, có thể sử dụng kèm theo cách chữa truyền thống là dùng thuốc tây hoặc các sản phẩm kem bôi ngoài da. Một số loại lá cây có sẵn trong tự nhiên rất dễ tìm kiếm mà bất cứ gia đình nào cũng có thể dùng được như:
- Lá tre: Là loại lá được dùng để tắm cho trẻ em khi bị thủy đậu giúp làm giảm tình trạng khó chịu, ngứa ngáy. Mẹ có thể dùng một nắm lá tre (chọn những lá sạch) mang rửa sạch và cho vào nồi nước đang đun sôi, cho nhỏ lửa khoảng 5-10 phút bắc ra, để nước ấm vừa và tắm. Áp dụng 1-3 lần sẽ thấy những triệu chứng về mụn thủy đậu và cảm giác ngứa ngáy giảm rõ rệt.
- Lá xoan: Theo dân gian, lá xoan là loại lá thường được sử dụng để giúp hạn chế sâu bọ và chữa những bệnh ngoài da do lá xoan có chứa thành phần alkaloid độc. Khi bị thủy đậu, người bệnh thường được khuyên tắm lá xoan mục đích là giúp chống khuẩn, kháng viêm, hạn chế tình trạng nhiễm trùng và các mụn nước nhanh lành.
Trẻ bị thủy đậu tắm lá gì? (Ảnh minh họa)
Cách dùng lá xoan để tắm cho trẻ cũng khá đơn giản, chỉ cần lấy khoảng 300g lá xoan, rửa sạch đun sôi cùng với khoảng 1,5 lít nước trong vòng 30 phút, lọc lấy nước để nguội bớt và lấy nước này để tắm.
- Lá kinh giới: Trong Đông y, lá kinh giới thường được dùng để thanh nhiệt, làm mát, thải độc cho da. Kinh giới thường được sử dụng để làm giảm tình trạng mẩn ngứa, mụn nhọt hoặc những nốt ban do thủy đậu.
Cách thực hiện nấu nước lá kinh giới cũng rất đơn giản, dùng khoảng một nắm lá kinh giới đã rửa sạch, cho vào nồi, đun sôi khoảng từ 5-10 phút và để nguội, pha thêm nước hoặc chờ nguội bớt rồi sử dụng.
- Mướp đắng: Không có lá mà ngay cả quả mướp đắng cũng mang lại nhiều lợi ích cho bệnh thủy đậu. Mướp đắng có tính lạnh mát, vị đắng giúp tiêu viêm, trừ phiền, thường được dùng để chữa những chứng bệnh mụn nhọt, nóng trong người hoặc đau mắt đỏ...
Đối với bệnh thủy đậu, lá mướp đắng giúp giảm mụn, kháng viêm. Lấy khoảng một nắm lá mướp đắng, có thể kết hợp cùng lá kinh giới, mang rửa sạch, giã hoặc xay nhuyễn, vắt lấy nước. Pha nước cốt này cùng với khoảng một thìa cà phê muối và nước ấm, dùng để tắm.
Bệnh thủy đậu ở trẻ em bao lâu thì khỏi?
Cũng như ở người lớn, bệnh thủy đậu ở trẻ em có thể khỏi sau khoảng 1-2 tuần nếu như được điều trị và chăm sóc chu đáo. Tuy nhiên, nếu như không biết cách điều trị đúng cách sẽ gây nên một số biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm màng não, viêm não...
Với những người đã từng bị thủy đậu sẽ rất hiếm khi tái phát bệnh do cơ thể đã tạo ra hệ miễn dịch. Mặc dù vậy, do bị virus xâm nhập và tồn tại ở hệ thống rễ dây thần kinh và tái hoạt động thì có thể gây nên bệnh zona nếu như hệ miễn dịch trong tình trạng suy yếu.
Hiện nay y học đã phát triển và đang cung cấp loại vacxin có khả năng ngăn ngừa bệnh thủy đậu, phụ huynh nên theo dõi và cho trẻ tiêm chích ngừa theo đúng lịch trình.