Dù đã tiêm vắc xin phòng bệnh, nhưng trong điều kiện nồm ẩm, kèm theo thói quen xấu khi mắc bệnh khiến cho 2 chị em song sinh từ bệnh tình nhẹ tiến triển thành nặng.
Bác sĩ Lê Thị Thu Phương đang công tác tại khoa Nội Nhi tổng hợp - Bệnh viện E đa khoa Trung ương. Bác sĩ tốt nghiệp trường Đại học Y Hà Nội...
Thời tiết nồm ẩm hơn một tuần vừa qua khiến cho hàng loạt bệnh hô hấp, tiêu hóa và truyền nhiễm tấn công trẻ nhỏ, người già. Thực tế, đa số các bệnh viện ở Hà Nội và tuyến trung ương đều ghi nhận gia tăng người đến khám, điều trị do mắc những căn bệnh này. Đáng chú ý, một số căn bệnh đã có vắc xin phòng, thậm chí người bệnh tiêm đủ vắc xin vẫn mắc, phải vào viện thăm khám.
BSCK I Lê Thị Thu Phương, khoa Nội nhi tổng hợp (Bệnh viện E) cho biết, thời gian qua ngoài các bệnh hô hấp, khoa bắt đầu tiếp nhận các trường hợp bệnh nhi bị thủy đậu. Trong đó, có những trẻ dù tiêm phòng rồi vẫn mắc bệnh, bệnh càng nghiêm trọng do sự chủ quan và sai lầm trong việc chăm sóc của phụ huynh.
Bác sĩ Phương chia sẻ trường hợp 2 chị em song sinh được chẩn đoán mắc bệnh thủy đậu, vừa vào viện khám đúng đợt nồm ẩm cao điểm. Tại nhà, mẹ hai bệnh nhi cũng đã chủ động bôi thuốc điều trị nhưng do tình trạng ngày càng nặng nên hai bé được đưa tới viện khám.
Thời tiết nồm ẩm gia tăng trẻ nhập viện, trong đó có trẻ mắc bệnh thủy đậu. Ảnh: Lê Phương.
Tại bệnh viện, mẹ hai bé cho biết các con đã tiêm đẩy đủ các mũi vắc xin phòng thủy đậu. Qua thăm khám, tình trạng người chị nặng hơn, các nốt tổn thương đã nổi cả trong miệng. Gia đình cho biết dù trời nồm ẩm, con ngứa ngáy khó chịu, nhưng suốt gần 1 tuần con bị thủy đậu phải kiêng nước, kiêng gió kỹ.
“Khi tôi hỏi ai khuyên phải kiêng, mẹ các cháu nói rằng các cụ xưa truyền lại vậy. Chính việc kiêng khem này khiến cho bệnh của trẻ ngày càng nặng và lâu khỏi hơn, dù đã tiêm vắc xin rồi”, bác sĩ Phương chia sẻ.
Theo bác sĩ Phương, khi trẻ bị thủy đậu, các nốt tổn thương dưới da ít nhiều sẽ gây đau, nhất là khi xuất hiện trong miệng. Do vậy, trẻ sợ sẽ không dám vệ sinh cá nhân, đánh răng, gội đầu. Tuy nhiên, bố mẹ cần tìm hiểu và khuyên con vệ sinh sạch sẽ, nhưng rất nhiều trường hợp nghe theo lời truyền tai kiêng thật kỹ khiến con mắc bệnh nặng hơn.
“Hiện chưa có khuyến cáo mắc thủy đậu cần kiêng gió, kiêng nước. Khi trẻ mắc bệnh này, nhất là lúc thời tiết nồm ẩm, cần vệ sinh hàng ngày, tránh vi khuẩn xâm nhập và tấn công”, bác sĩ Phương cho hay.
Việc kiêng vệ sinh khiến trẻ mắc thủy đậu càng nặng hơn. (Ảnh minh họa)
Với trẻ mắc thủy đậu, bác sĩ Phương khuyến cáo, nếu gia đình có 2 trẻ trở lên cần tách riêng trẻ để chăm sóc, tránh lây nhiễm. Trẻ đang trong độ tuổi đến trường cũng cần nghỉ học để tránh bùng phát thành dịch. “Thủy đậu lây truyền từ người sang người bằng tiếp xúc trực tiếp, lây qua đường không khí từ các giọt nhỏ dịch tiết đường hô hấp hoặc chất dịch của nốt phỏng, lây gián tiếp qua các đồ vật vừa mới bị nhiễm chất dịch của nốt phỏng hoặc niêm mạc. Thủy đậu là một trong những bệnh dễ lây nhất”, bác sĩ Phương cảnh báo.
Bác sĩ Phương cho biết, hiện nay tiêm vắc xin vẫn là biện pháp phòng bệnh được khuyến cáo thực hiện, người tiêm đủ 2 mũi vắc xin không phải tiêm nhắc lại. Người đã mắc thủy đậu cũng không cần tiêm vắc xin vì miễn dịch tự nhiên là tốt nhất. Tất nhiên, với trường hợp trẻ tiêm vắc xin vẫn có thể mắc bệnh nhưng tỷ lệ biến chứng, bị nặng sẽ giảm đi nhiều.
Các biện pháp phòng bệnh cụ thể được khuyến cáo bao gồm
Biện pháp dự phòng:
- Bảo vệ những người có nguy cơ mắc bệnh cao nhưng không thể tiêm chủng như trẻ sơ sinh chưa có miễn dịch, người suy giảm miễn dịch bằng cách tiêm chủng cho những người trong gia đình, cho những người tiếp xúc gần.
- Tiêm chủng: Vắc xin thủy đậu sống giảm độc lực:
+ Trẻ từ 12 tháng đến 12 tuổi tiêm 1 liều 0,5 ml dưới da.
+ Trẻ từ 13 tuổi trở lên tiêm 2 liều cách nhau 4-8 tuần.
Biện pháp chống dịch:
- Cách ly: Cách ly trẻ em mắc thủy đậu ở nhà trong 7 ngày. Những trẻ có tiếp xúc với người bị thủy đậu cần cách ly 11-21 ngày kể từ ngày tiếp xúc. Người lớn mắc bệnh không đi làm, tránh tiếp xúc với những người khác.
- Sát khuẩn tẩy uế đồ vật bị nhiễm dịch tiết từ mũi họng.
- Người tiếp xúc: Globulin miễn dịch thủy đậu - zona (VZIG) có tác dụng phòng bệnh cho người tiếp xúc nếu tiêm trong vòng 96 giờ sau khi phơi nhiễm.
Về điều trị:
- Điều trị triệu chứng: Chống ngứa bằng thuốc chống ngứa tại chỗ hoặc toàn thân.
- Vệ sinh thân thể, thay quần áo hàng ngày. Bôi thuốc sát trùng, dùng kháng sinh nếu có dấu hiệu bội nhiễm theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Dùng thuốc kháng virus: Vidarabine (adenine arabinoside), acyclovir theo chỉ định của bác sĩ.
Tin liên quan
Trung tâm Sơ sinh - Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiếp nhận một trẻ sơ sinh 15 ngày tuổi, nhập viện trong tình trạng nguy kịch do mắc thuỷ...
Rau cung cấp nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất, đặc biệt có những loại rau vô cùng giàu protein, tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên, với những...
Đang mùa bệnh thủy đậu phát triển, và trong dân gian có một loài cỏ dại chữa trị rất hiệu quả, đánh bay chứng bệnh lành tính này trong vài...
Để phòng trẻ sơ sinh bị thủy đậu, ngay từ thời kỳ mang thai các mẹ cần phải tiêm phòng theo đúng lịch ngành y tế khuyến cáo.
Tin bài cùng chủ đề Bệnh thủy đậu
Bé trai vừa chào đời, dù đã cách ly mẹ nhưng vẫn được chẩn đoán mắc thủy đâu. Các bác sĩ khuyến cáo, thủy đậu bắt đầu vào mùa, cần lưu ý trong việc dự phòng lây nhiễm.