Cãi lời bác sĩ giữ con, mẹ Lâm Đồng nhọc nhằn "may môi" cho con trai bị dị tật

Ngày 30/04/2020 06:25 AM (GMT+7)

Nhìn hình ảnh bé Ben mới sinh và hiện tại mới hiểu hành trình gian nan chị Vân Anh đã phải chiến đấu để đi tìm nụ cười rạng rỡ cho con.

Gặp bé Ben khi gần tròn một tuổi, ai cũng bất ngờ, thậm chí hàng xóm và mọi người thân thiết không tin vào mắt mình. Cậu bé sứt môi hở hàm ếch ngày mới sinh, ai cũng bảo làm sao lớn được, vậy mà giờ đây đã lớn nhanh, trắng trẻo, đẹp trai và rất nhanh nhẹn, đặc biệt luôn tươi rói với nụ cười rạng rỡ trên môi.

Để có thể tìm được nụ cười ấy cho con, đó là một hành trình dài gian nan của chị Vân Anh (25 tuổi, Bảo Lộc, Lâm Đồng) đồng hành cùng con từ 14 ngày tuổi đến tận bây giờ.

Cãi lời bác sĩ giữ con, mẹ Lâm Đồng nhọc nhằn amp;#34;may môiamp;#34; cho con trai bị dị tật - 1

Chị Vân Anh và bé Ben nay 11 tháng tuổi. 

Video hành trình đi tìm nụ cười của Ben. 

Ngày sinh quặn thắt lòng nhìn con

Chị Vân Anh kết hôn vào năm 2016 với ông xã ở TP. HCM. Năm 2017, vợ chồng chị đón con gái đầu lòng và năm 2019 vỡ kế hoạch chào đón bé Ben. Tuy nhiên vì mang bầu bị sốt siêu vi và cúm lúc thai 6 tuần tuổi nên bé Ben chào đời không được lành lặn như bao đứa trẻ bình thường khác.

Chia sẻ về hành trình có bé Ben, chị Vân Anh cho biết, mang bầu chị khá khỏe mạnh, cả thai kỳ tăng được 10kg, lên bàn sinh là 57kg. Trong quá trình mang thai chị luôn uống đầy đủ thuốc của bác sĩ kê, ăn các loại hạt dinh dưỡng, uống sữa tươi không đường cho bé mau phát triển cân nặng và nghỉ ngơi nhiều.

Tuy nhiên, chỉ vì 2 lần mang bầu không tiêm phòng trước khi mang thai mà bé Ben khi trong bụng bị ảnh hưởng sau khi chị bị sốt siêu vi và cúm. Đến khi thai được 18 tuần nhận tin con bị sứt môi hở hàm ếch chị nằm khóc nức nở cả đêm thương con, tự trách mình.  

“Khi biết bé bị sứt môi hở hàm ếch là thai 18 tuần, cũng là lúc mình vừa biết giới tính bé. Bác sĩ giải thích 6 tuần là hình thành mũi miệng, mình sốt virus lúc đó nên em bé bị ảnh hưởng, vì trước lúc mang thai cả 2 bé mình không chích ngừa trước thai sản, nếu chích sẽ đỡ các dị thật trong thai kì hơn.

Mình cũng đi siêu âm vài nơi và cũng có bác sĩ khuyên bỏ đi, vì chăm bé rất khó, cực. Đã có lúc mình nghĩ bỏ bé rồi nhưng đêm nằm lại khóc khi nghĩ rằng do mình bị sốt mới ảnh hưởng con mà mình lại thôi không nghĩ bỏ bé nữa.

Gia đình, chồng mình cũng động viên bảo rằng não và tim bé bình thường thì không nên bỏ, ráng chăm cho bé phẫu thuật thì sẽ như bao bé khác thôi”, chị Vân Anh kể.

Cãi lời bác sĩ giữ con, mẹ Lâm Đồng nhọc nhằn amp;#34;may môiamp;#34; cho con trai bị dị tật - 2

Ben khi chào đời bị dị tật sứt môi hở hàm ếch. 

Mặc dù buồn vì con bị dị tật nhưng nhờ ông xã và gia đình luôn ở bên cạnh chăm sóc, động viên, chế biến các món ăn bổ để tốt cho em bé, giúp chăm sóc bé lớn để chị có thời gian nghỉ ngơi nên tâm trạng cũng dần thoải mái hơn.

Được biết, chị Vân Anh sinh ngày 17/5/2019 - trước dự sinh 2 ngày. Vì sinh bé đầu dễ nên khi mở 3 phân chị được đưa lên phòng sinh và 2 tiếng sau khi truyền kích sinh, bé Ben chào đời nặng 2,8kg.

Khoảnh khắc con trai chào đời đến bây giờ chị vẫn nhớ mãi, tiếng khóc rất to cùng một vòng dây rốn quấn cổ và chiếc môi không được lành lặn vì dị tật sứt môi hở hàm ếch. Nhìn thấy con như vậy chị quặn thắt lòng nhưng vui vì con đã chào đời bình an, được mẹ tròn con vuông.

“Mình sinh chỉ có cơn gò, không hề đau bụng xíu nào nên bé chào đời bác sĩ và mẹ đều rất mừng vì sinh nhanh và dễ. Tuy nhiên do bé bị sứt môi, hở hàm ếch nên hô hấp yếu.

Trước sinh, bác sĩ siêu âm cho mình không thấy bé bị nhau thai quấn cổ nên có nói nếu biết bé bị vậy đã không cho mình sinh thường”, chị Vân Anh nhớ lại.

Hành trình đi tìm nụ cười cho con

Sau sinh, bé Ben được chuyển nằm lồng kính luôn nên sau 3 ngày chị Vân Anh mới được gặp con. Vì bé bị dị tật sứt môi hở hàm ếch nên không bú mẹ được, bú bình cũng yếu. Một tháng đầu bé luôn quấy khóc khiến chị và mẹ chồng rất stress khi không có thời gian nghỉ ngơi.

Đã nhiều lúc chị nản lòng, nhiều lúc chị nhìn con chỉ biết khóc nhưng chính câu nói của mẹ chồng “Con thương bé Ben thì con mới chăm được thôi. Mọi người chỉ hỗ trợ con chút nào, chủ yếu là con chăm sóc bé nên con phải thương bé thật nhiều” đã khiến chị có động lực vượt qua tất cả.

Chị tìm hiểu nơi để Ben phẫu thuật và tìm được Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP. HCM có đoàn nước ngoài về hàng năm. Không chần chừ, chị nhanh chóng liên hệ với bác sĩ phó khoa chỉnh nha Lữ Thị Cẩm Bình và được bác sĩ cho biết sau sinh 14 ngày bế bé xuống viện. Vậy là từ đó chị bắt đầu hành trình đi tìm nụ cười cho con.

“Khi xuống viện mình được các y bác sĩ động viên rằng phải kiên trì đồng hành cùng bé vì là quá trình dài. Các bác sĩ của khoa rất vui vẻ và nhiệt tình giúp mình rất nhiều. Bé được mang hàm nam cho dễ bú và phát băng keo dán 2 môi lại sát với nhau để mai sau vá môi sẽ bớt đau và đẹp hơn”, chị Vân Anh chia sẻ.

Cãi lời bác sĩ giữ con, mẹ Lâm Đồng nhọc nhằn amp;#34;may môiamp;#34; cho con trai bị dị tật - 3

Ben được bố mẹ cho đi điều trị từ khi được 14 ngày tuổi. 

Lúc Ben mới đeo hàm, bé không quen nên không bú được, rất hay sặc nên chị Vân Anh và mẹ chồng cứ phải bón sữa cho bé mất 2 tiếng đồng hồ mới xong. Chưa kể việc dán băng keo nhiều quá khiến mặt bé bị sưng và rướm máu. Mãi sau hơn 1 tháng bé mới quen dần, chị cùng mẹ chồng cũng bớt cực hơn.

Tuy nhiên 17 ngày tuổi, bé bắt đầu bị viêm phế quản, sau đó là viêm phổi nên lúc nào cũng phải uống kháng sinh. Hai tháng đầu là những ngày Ben phải nằm viện điều trị. Chồng chị vì phải đi làm, chăm cho bé lớn nên chỉ còn một mình chị chăm sóc cho Ben. Đó cũng là khoảng thời gian khó khăn nhất của chị khi bố bị mất đột ngột do đột quỵ còn con trai bị viêm phổi nặng, tình trạng xấu, suy hô hấp, phải thở máy và nằm hồi sức tích cực chống độc. Hai nỗi đau ấy đè nặng khiến chị những tưởng mình sẽ bị nhấn chìm.

“Lúc đó mình không ở bên cạnh chăm sóc con, nhìn con nằm bên máy móc và truyền thuốc rất nhiều, mình đã rất lo lắng. Người thân và gia đình động viên mình rất nhiều, nhắn mình giữ gìn sức khỏe để đồng hành cùng con, nếu có duyên con sẽ ở lại với mình.

Rất may mắn con hợp thuốc, tình trạng bệnh ổn định. Đến nay còn 11 tháng tuổi nhưng đã nằm viện 10 lần để chữa viêm phổi vì uống thuốc không khỏi”, chị Vân Anh chia sẻ khó khăn của mình.

Cãi lời bác sĩ giữ con, mẹ Lâm Đồng nhọc nhằn amp;#34;may môiamp;#34; cho con trai bị dị tật - 4

Ben sau khi được các bác sĩ phẫu thuật. 

Chị Vân Anh tâm sự, do bé Ben hay bị bệnh, nhiều lúc hay bị thở mệt, nửa đêm phải đi cấp cứu và nhập viện nên bé được nuôi ăn xông dạ dày khoảng 2 tháng để có sức khỏe tốt.

Thế nhưng bé cứ cầm giật dây truyền sữa ra. Nhiều lúc vừa xuất viện về nhà, vợ chồng chị phải bế bé lại khoa cho điều dưỡng đặt lại vì đi khắp bệnh viện ở gần nhà không ai dám đặt cho bé.  

Tình hình sức khỏe của bé như vậy nên không được vá môi sớm hơn, bác sĩ gây mê từ chối phẫu thuật và hẹn đến khi tháo xông, bé bú giỏi, không bị bệnh mới thực hiện.

Mãi đến 5 tháng tuổi bé Ben được phẫu thuật sứt môi. Vì thấy tình hình bé hay bị bệnh nên các bác sĩ đã lên lịch mổ sớm hơn cho bé trước khi đoàn nước ngoài về như đã đăng ký. May mắn ca phẫu thuật thành công. Sau 5 ngày mổ, bé có thể bú sữa bình thường, ngoan mà không hề quấy khóc.

“Mình thấy vết may của con rất đẹp, các bác sĩ Việt Nam mình cũng may rất đẹp không thua nước ngoài gì cả. Sau mổ 5 ngày con bú sữa bình thường và con rất ngoan, không hề quấy khóc gì sau phẫu thuật. Mình rất cảm ơn các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ, Nhi Đồng II và Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP. HCM hỗ trợ 100% để bé có được nụ cười trở lại”, chị Vân Anh cười.

Cãi lời bác sĩ giữ con, mẹ Lâm Đồng nhọc nhằn amp;#34;may môiamp;#34; cho con trai bị dị tật - 5

Mong con luôn giữ mãi nụ cười này

Mặc dù vợ chồng chị gắn bó bệnh viện như ngôi nhà thứ 2 vì bé Ben hay bị bệnh phải vào viện suốt nhưng chị vui vì con trai vẫn lên cân đều, mỗi ngày bú được gần 1 lít sữa, ăn 3 chén cháo xay và nay 11 tháng tuổi đã cao được 78cm nặng 9,5kg. Đặc biệt, vợ chồng chị vui vì đã tìm thấy được nụ cười trọn vẹn cho con.

Hồi mới sinh Ben chị giấu mọi người về dị tật của con, những người biết điều này đều buồn và nghĩ con sẽ không lớn nổi vì bú khó khăn hay sặc sữa, đi viện nhiều hơn ở nhà nhưng giờ đây khi nhìn thấy bé, ai cũng bất ngờ. Cậu bé bị sứt môi hở hàm ếch ngày nào giờ đẹp trai, kháu khỉnh, trắng trẻo, nhanh nhẹn và tươi rói với nụ cười trên môi không còn vết tích ngày xưa.

Cãi lời bác sĩ giữ con, mẹ Lâm Đồng nhọc nhằn amp;#34;may môiamp;#34; cho con trai bị dị tật - 6

Nụ cười giòn tan của Ben. 

Nói đến đây, chị Vân Anh thổ lộ, trên hành trình 11 tháng vừa qua chị chỉ giúp con được phần nào còn chủ yếu là do nỗ lực chiến đấu của con. Tuy đã tìm lại được nụ cười cho con nhưng vợ chồng chị còn hành trình nữa giúp con phẫu thuật hở hàm ếch, điều trị bệnh hồng cầu nhỏ nhược sắc và mềm sụn thanh quản. Dẫu biết chặng đường còn dài nhưng chỉ cần nhìn thấy nụ cười của con là vợ chồng chị có động lực vượt qua tất cả.

“Bố mẹ luôn mong con luôn khỏe mạnh. Bố mẹ biết con sẽ thiệt thòi hơn các bạn nhưng bố mẹ sẽ đồng hành cùng con, mong con luôn giữ mãi nụ cười này bởi chỉ cần thấy con vui khỏe, chơi giỡn với mọi người và khôn lớn từng ngày là bao nhiêu mệt mỏi khó khăn bố mẹ đều quên hết. Con là động lực của bố mẹ. Chỉ cần thấy con cười là bố mẹ có thêm động lực hơn”, chị Vân Anh nhắn nhủ.

Bị sốt 2 lần khi mang bầu, ngày đi đẻ vắng chồng, mẹ trẻ ôm con mà khóc nghẹn
Hơn 2 tháng qua nhìn thấy con, chị Bùi Thị Lụa (21 tuổi, Hòa Bình) lại nghẹn lòng vì bất lực không thể đưa con xuống Hà Nội khám bệnh.
Hồng Nhung (Ảnh: NVCC)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Gia đình và Xã Hội