Được mệnh danh là "giáo sư biết tuốt", Minh Khang từng khiến cho MC Lại Văn Sâm, Quyền Linh, danh hài Trấn Thành và nhiều nghệ sĩ bất ngờ với khả năng, sự am hiểu của mình.
Minh Khang hát bài Bắc Kim Thang.
Minh Khang (8 tuổi, TP.HCM) được biết đến trong lòng khán giả qua các gameshow nhí như: Cố lên con yêu, Biệt tài tí hon, Mặt trời bé con, Giải mã kỳ tài, Nhanh như chớp nhí... Cậu bé nhỏ tuổi này khiến MC Lại Văn Sâm, MC Quyền Linh, danh hài Trấn Thành và nhiều sao Việt phải bất ngờ và thán phục với sự am hiểu của mình.
Ít ai biết rằng, đằng sau tên gọi "Giáo sư biết tuốt", "Cậu bé biết tuốt", Minh Khang đã biết đọc từ năm 3 tuổi và được bố mẹ áp dụng phương pháp giáo dục sớm ngay từ khi trong bụng mẹ đến bây giờ.
Cùng trò chuyện với anh Thanh Huy - bố Minh Khang để hiểu rõ hơn về chàng trai nhỏ tuổi này.
"Giáo sư biết tuốt" khiến Lại Văn Sâm thán phục
Minh Khang được mệnh danh là Giáo sư biết tuốt, cậu bé từng khiến MC Lại Văn Sâm, danh hài Trấn Thành, MC Quyền Linh phải bất ngờ, vợ chồng anh phát hiện ra tài năng của bé từ khi nào?
2,5 tuổi Khang đi học mẫu giáo, sau nửa năm đến 3 tuổi, gia đình phát hiện những khả năng đầu tiên của con, đó là khả năng đọc sớm. Con cầm hộp sữa có cụm từ “mắt sáng - dáng cao - năng lượng dồi dào” và đọc được từng từ trên đó.
Lúc đó, bố mẹ chỉ nghĩ con nghe các cụm từ đó từ quảng cáo trên tivi hoặc nghe đâu đó rồi đọc theo phản xạ không điều kiện thôi, nhưng sau đó mình kiểm tra từng từ riêng lẻ không chỉ trên hộp sữa mà còn ở bất kể đâu Khang đều vẫn nhận diện được.
Sau này, mình nói chuyện với các chuyên gia mới lý giải khoa học hơn là trường hợp Khang học từ bằng cách sao chụp hình ảnh. Khi con chụp hình ảnh lưu vào bộ nhớ sẽ không bao giờ quên, bất kể ở đâu cũng có thể đọc được.
Còn nhỏ tuổi nhưng các MC, nghệ sĩ đã dành những lời khen có cánh cho bé, vợ chồng anh làm thế nào để con không tự kiêu với những danh hiệu, lời khen của mọi người?
Các cô chú MC rất thích thú với lượng kiến thức Khang có và cách nói chuyện của Khang làm cho mọi người cảm thấy hài hước, thú vị.
Đôi khi những lời có cánh có thể làm cho các bạn nhỏ tự kiêu, vợ chồng mình cũng đã rất lo. Một trong biện pháp vợ chồng mình áp dụng từ đầu tới bây giờ là luôn nhắc đi nhắc lại và có những chứng minh cụ thể về giá trị của khiêm tốn và kiên trì.
Mình cũng bảo Khang rằng, có thể còn nhiều bạn khác giỏi hơn nhưng mọi người chưa biết đến nhiều vì các bạn không tham gia các chương trình truyền hình. Việc học tập của Khang cũng vậy, mỗi bạn có một thế mạnh, đam mê, không ai là hoàn hảo cả. Việc đặt biệt danh cũng là để dễ phân biệt thôi, không có gì quá dữ dội, to lớn cả.
Sau những chương trình gameshow, hiện tại cuộc sống của Minh Khang như thế nào, thưa anh?
Trước mùa dịch, một ngày Khang học ở trường 2 buổi, về nhà học tiếp môn hoạt động thể chất, đá bóng, bơi lội, âm nhạc đàn piano. Riêng trong mùa dịch này, Khang vẫn học đều đặn buổi sáng, chiều trực tuyến, xen kẽ ôn bài và luyện tập bài học piano được giao. Riêng hoạt động thể chất con không ra ngoài được đành tạm hoãn và chuyển sang các hoạt động tại nhà như yoga, nhảy dây…
Minh Khang và bố.
Thai giáo con từ trọng bụng mẹ
Ai gặp bé lần đầu tiên cũng bất ngờ với lượng kiến thức bé có được còn vợ chồng anh - người gắn bó với bé bất ngờ lần đầu tiên về con là điều gì?
Bất ngờ nhất đối với không chỉ riêng ba mẹ mà còn ông bà là lúc phát hiện Khang đọc được. Ngày qua ngày, con xem những dòng chữ chạy tivi, thời sự có dòng tin vắn chạy trên màn hình, đọc báo sách, báo…mình cũng chỉ cho con những từ con không biết nên mỗi ngày con đều hấp thu thêm một lượng từ vựng mới. Mình rất bất ngờ, vui, thú vị vì con thực sự đam mê đọc và có khả năng ghi nhớ đặc biệt.
Sau này mình biết có nhiều bạn nhỏ biết đọc từ sớm như vậy nhưng chưa phát huy được hết khả năng do có thể phương pháp bố mẹ dạy khác nhau. Mình phát hiện phương pháp phù hợp là rất quan trọng. May mắn là Khang đã được giáo dục sớm theo cách phù hợp nên học cũng là chơi.
Anh có thể chia sẻ phương pháp giáo dục sớm của vợ chồng anh dành cho Khang?
Ngay từ khi con còn trong bụng mẹ, vợ chồng mình đã áp dụng phương pháp thai giáo. Mẹ mang máy nghe nhạc đến cơ quan, áp tai nghe vào bụng để mỗi ngày Khang đều được nghe nhạc. Khi rảnh rỗi, vợ chồng mình lại nói chuyện với con, làm tất cả hoạt động có thể tương tác, xoa bụng mỗi khi bé đạp và nói chuyện hát hò.
Khi Khang chào đời ở giai đoạn sơ sinh, vợ chồng mình áp dụng phương pháp nói chuyện với con thường xuyên. Thay bỉm, đi tắm,… cũng nói chuyện và giới thiệu cho con từng bước, từng thứ một. Mọi người thường nghĩ trẻ sơ sinh không hiểu gì nên ít nói chuyện với chúng nhưng vợ chồng mình thấy rõ việc giao tiếp, trò chuyện hàng ngày rất có ích với con.
Âm nhạc cũng là một phần rất lớn trong cuộc sống của gia đình mình. Từ khi con trong bụng mẹ đến giờ đều nghe nhạc suốt khi đi ngủ. Tới bây giờ Khang 8 tuổi đi ngủ vẫn nghe nhạc hòa tấu cho dễ ngủ.
Giai đoạn con học mầm mon, nhận thức mọi việc xung quanh, mình áp dụng phương pháp khơi gợi cảm hứng, kích thích sự tò mò cho bé. Trẻ con, đặc biệt là bé trai thường nghịch và hay mày mò tìm hiểu, mình không cản, kể cả cho con nghịch bẩn, chơi tới cùng luôn, thậm chí mình cùng nghịch chung và hỏi con các câu hỏi tại sao, đặt ra tình huống, kích thích con khám phá.
Mình cũng tìm mọi cơ hội giúp Khang rèn tư duy logic. Mỗi giai đoạn lại có hoạt động phù hợp, trò chơi. Khang rất thích hỏi đố mọi người, có thể Khang học điều đó từ cách bố dạy.
Bây giờ mỗi khi Khang đọc xong cuốn sách hoặc truyện, bố mẹ sẽ đọc và đặt tình huống sai so với sách, tên nhân vật, ngữ cảnh để thử thách Khang xem con phản biện thế nào. Đó là cách mình cố gắng để tạo mọi điều kiện cho Khang có cơ hội phát triển tư duy phản biện.
Mình thấy giai đoạn con học mầm mon đến tiểu học vô cùng thú vị và cảm thấy hiệu quả khi dạy con phương pháp giáo dục sớm Montessori (giáo dục trực quan sinh động). Khi học về rau, củ quả, phương tiện giao thông, mình cho con được sờ, nắm, xem tận mắn để kích thích vận động các giáo quan, giúp con học hứng thú hơn, nhớ lâu hơn, nhiều hơn. Ngoài ra, mình còn nhiều phương pháp khác và hoạt động hàng ngày để dạy cho bé.
Minh Khang được bố mẹ giáo dục sớm.
Đối với cậu bé biết tuốt như vậy, điều gì khiến vợ chồng anh gặp khó khăn trong nuôi dạy con?
Khó khăn lớn nhất của vợ chồng mình là đáp ứng nhu cầu của con. Con đúng với biệt danh biết tuốt nên nhu cầu biết cũng cao hơn với một bạn nhỏ từ cùng tuổi đến hơn tuổi. Để có lượng kiến thức, sự biết nhiều như vậy, ngoài đọc sách, lên mạng tự tìm hiểu, bố mẹ sẽ là nguồn cung cấp, giải thích thông tin cho con.
Sách thì nhiều nhưng sưu tập sách phù hợp thì không phải dễ và ngày một ngày hai là làm được. Để Khang có tủ sách 400-500 quyển như hiện tại, vợ chồng mình thực ra cũng phải tìm hiểu, sưu tập nhiều nguồn, thậm chí đặt mua sách ở nước ngoài nữa.
Mặc dù Khang chủ động đọc, tìm hiểu thông tin nhưng nguồn cung cấp vẫn phải được tìm hiểu cặn kẽ từ bố mẹ. Đó là thách thức lớn nhất. Nhu cầu Khang quá lớn, trong khi bố mẹ vẫn đi làm không ở nhà thường xuyên, bị hạn chế về quỹ thời gian nên phải cố hết sức để làm việc đó.
Vợ chồng chia ca để chạy kịp theo con
Ở trên tivi mọi người thấy Khang rất hoạt ngôn và tài năng, ở nhà, ở trường Khang là một cậu bé như thế nào thưa anh ?
Tính cách Khang hoạt ngôn, thích tranh luận, thích bàn chủ đề khoa học, thế giới. Khang thích giao tiếp với bạn bè, người lớn cùng cấp độ của mình. Khang thích tự lập, không thích ai làm việc gì cho. Khi đi máy bay cũng tự vác vali, làm thủ tục của mình, không cần nhờ bố mẹ.
Hiện Khang đang học ở trường quốc tế và bạn học khá đều các môn, đối với môn học là thế mạnh của Khang thì Khang sẽ hỗ trợ cho những bạn khác. Khang khá mạnh về toán hơn môn xã hội, mỹ thuật. Do cách suy nghĩ tư duy nhanh nên môn toán phù hợp với con.
Khi học nói, Minh Khang đã nói song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh.
Còn nhỏ Khang đã nói tiếng Anh rất tốt, vợ chồng anh tạo môi trường như thế nào để cho con phát triển ?
Khi Khang còn bé, mình không định hướng cho con học trường Quốc tế nhưng kế hoạch đó không đi theo đúng dự định vì vợ chồng mình cho Khang tiếp xúc ngoại ngữ từ sớm, luôn nói song ngữ. Hơn nữa, Khang nhạy bén về ngoại ngữ, đặc biệt tiếng Anh nên con biết nói, biết đọc số tiếng Anh trước cả tiếng Việt.
Khi Khang học nói luôn nói âm đôi song ngữ như xe buýt – bus, đây là quả táo apple, …Khi nói sõi hơn, dù Khang không còn như vậy nhưng vẫn thích giao tiếp bằng tiếng Anh.
Khang thích đi học nên nếu được học sớm từ 5 tuổi sẽ hợp với Khang hơn nên cuối cùng gia đình mình quyết định cho Khang học trường quốc tế. Giáo dục là quá trình kết hợp giữa gia đình và nhà trường nên mình đã tốn ít nhất cả tháng trời đi hỏi trường học, xin thầy cô cho con học thử để con tự đánh giá. Từ học mầm non đến giờ, trường Khang học đều là Khang được quyền tự chọn. Mình muốn Khang phải vui khi đi học. Bố mẹ sẽ đi thăm các trường rồi lọc 5 trường vào bán kết trao đổi, học thử. Sau đó chọn 3 trường để Khang đến thăm, học thử, tương tác và quyết định. Vì vậy, bây giờ mỗi một ngày đi học của Khang là một ngày vui hơn là ở nhà, dù bệnh cỡ nào cũng muốn đi học. (Cười)
MC Lại Văn Sâm từng rất bất ngờ khi bé nói về môi trường và có ý thức bảo vệ môi trường dù còn rất nhỏ tuổi, anh làm thế nào để con có thể yêu thích được như vậy ?
Điều đó xuất phát từ gia đình, trường học vì môi trường là sự quan tâm của rất nhiều nơi, đặc biệt là ở trường quốc tế. Ở trường, Khang tiếp xúc các chủ đề về môi trường. Về nhà con có một cái nôi thỏa sức đam mê, thực hiện ý tưởng khủng khiếp về việc tái chế của mình.
Ở nhà cả nhà đều khuyến khích Khang tái chế bằng cách tạo các chất liệu, vật tư, cơ sở vật chất cho Khang. Còn ở trường có cuộc thi thách thức cho các bạn học sinh về vấn đề đồ tái chế, đánh vào đam mê của Khang.
Khang thích sáng tạo đồ vật chưa ai làm. Vì vậy nhà luôn đầy ắp rác thải bởi không có hộp giấy, túi nào vứt đi được, được tích đầy một phòng để làm chất liệu cho Khang sử dụng.
Cậu bé năm nay 8 tuổi đang học tại một trường Quốc tế và thuộc top đầu của lớp.
Nuôi dạy cậu bé biết tuốt như vậy, vợ chồng anh có thường xuyên mâu thuẫn ?
Vợ chồng mình không mâu thuẫn nhau trong cách dạy con, thậm chí không tranh cãi với nhau. Mình phân chia nhau quỹ thời gian của mỗi người như phân ca làm việc, việc nào bố làm, việc nào mẹ làm để kịp vừa chạy theo Khang, vừa không bị bất đồng quan điểm. (Cười)
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!