Cậu bé 4 tuổi nói tiếng Việt bị ngọng, khó nghe.
Giai đoạn 2,3, 4 tuổi là thời điểm trẻ học nói và nói mạnh mẽ, tròn vành rõ chữ dần. Do đó nhiều bậc cha mẹ thường lựa chọn thời điểm này để bắt đầu cho con tiếp cận với nhiều ngôn ngữ khác nhau ngoài tiếng mẹ đẻ là tiếng Việt. Tuy nhiên điều này vô hình chung khiến một vài bé gặp tình trạng rối loạn ngôn ngữ. Đơn cử như cậu nhóc Bảo Bảo - quý tử nhà nam diễn viên Lương Thế Thành - Thúy Diễm.
Được biết Bảo Bảo chào đời vào ngày 27/7/2018 tại Mỹ với cân nặng 3,2 kg. Trước đó Thúy Diễm mang bầu Bảo Bảo ở Việt Nam nhưng mong muốn đem lại cho con nền tảng và tương lai tốt hơn nên vợ chồng cô đã lựa chọn sang Mỹ sinh con trai, bé mang quốc tịch Mỹ dù ở đó cặp bố mẹ gặp khá nhiều vất vả. Sau khi con chào đời được 1 thời gian, vợ chồng Lương Thế Thành đưa Bảo Bảo về Việt Nam sinh sống và nhờ sự hỗ trợ của bố mẹ chồng chăm sóc con để hoạt động nghệ thuật được đầy đủ hơn.
Hiện tại Bảo Bảo đã bước vào độ 4 tuổi, điển trai, ngoan ngoãn và từng là mẫu nhí trình diễn ở sàn diễn thời trang lớn cùng mẹ. Thế nhưng góc khuất nuôi được cậu con trai đáng yêu này, Thúy Diễm cũng vất vả không kém các bà mẹ khác.
Người đẹp từng kể con trai lúc nhỏ rất quấy đêm khiến vợ chồng Thúy Diễm stress. Theo đó, những tháng đầu đời, bé Bảo Bảo gần như khóc mỗi đêm, khiến vợ chồng hiếm khi được ngủ thẳng giấc. Thúy Diễm nghe theo lời khuyên cho bé nghe nhạc thư giãn, massage trước khi đi ngủ và dùng một số loại thảo mộc như lá tía tô đất, hoa lạc tiên tây giúp trẻ dịu tiêu hóa và tinh thần, tình hình mới cải thiện. Cuộc sống làm bố mẹ bỉm sữa của vợ chồng cô vì thế cũng nhẹ nhàng hơn, con trai khỏe mạnh hơn.
Đến giai đoạn 3 tuổi, Bảo Bảo bị "khủng hoảng tuổi lên 3". Thúy Diễm cho biết, con trai đôi lúc thích phản kháng ba mẹ, bướng bỉnh, thậm chí còn ăn vạ, gào thét rồi nằm khóc. Đối mặt với sự thay đổi tính cách của quý tử, vợ chồng Lương Thế Thành thống nhất dạy con bằng phương pháp mềm mỏng, không quát mắng mà phải uốn nắn bằng lý lẽ.
Ngoài ra, mặc dù thông thạo tiếng Anh, giao tiếp lưu loát nhưng Bảo Bảo lại gặp khó khăn trong tiếng Việt. Chính Lương Thế Thành đã thừa nhận con trai anh có "hơi chút" rối loạn ngôn ngữ. Cụ thể trong một lần Bảo Bảo tham gia show thực tế cùng bố Lương Thế Thành, khi hai bố con cùng học tập đến số Bảo Bảo đọc số bằng tiếng Anh thì rất tốt nhưng nói tiếng Việt bị ngọng và khá khó nghe.
Thậm chí khi đang đếm 8, 9, 10… thì cậu bé không đọc số 11 mà lại nói ''eleven'' (số 11 nhưng bằng tiếng Anh). Mặc dù được bố nhiều lần hỏi và yêu cầu trả lời bằng tiếng Việt nhưng Bảo Bảo vẫn tiếp tục nói lại bằng tiếng Anh hoặc "nhại lại" câu hỏi của bố. Gặp tình huống này, Lương Thế Thành kiên nhẫn giảng giải nhẹ nhàng, khẳng định ''ba đang hỏi con tiếng Việt chứ không phải tiếng Anh''. Sau đó anh từ từ dạy con và cậu bé cũng đã đọc thành thạo các số phía sau bằng tiếng Việt.
Được biết hiện tại tình trạng rối loạn ngôn ngữ của bé Bảo Bảo đã được khắc phục khá nhiều. Vợ chồng Lương Thế Thành - Thúy Diễm chăm chỉ tương tác, trò chuyện với con trai bằng tiếng Việt và nói những câu rõ ràng để bé học tập. Nhờ vậy mà con trai tiếp thu cũng nhanh hơn.
Bảo Bảo dù mới 4 tuổi nhưng là cậu nhóc may mắn trong số những em bé Việt khi thường xuyên được cùng bố mẹ đi du lịch nhiều nơi trên đất nước nên rất dạn dĩ. Tương lai Bảo Bảo sẽ trở thành một trong những sao nhí sáng giá, được nhiều người quan tâm.
Trên thực tế tình trạng trẻ bị rối loạn ngôn ngữ như con trai Lương Thế Thành cũng không hiếm, Vy Oanh cũng từng thừa nhận việc con trai cô bị rối loạn ngôn ngữ và rất nhiều đứa trẻ sống trong gia đình đa ngôn ngữ cũng gặp tình trạng này. Theo cô Ngô Hiên – Nhà trị liệu tâm lý, Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học Tâm lý - Giáo dục (Hà Nội) cho biết năm 2018, mỗi tháng trung tâm khám mới khoảng 50 trẻ bị rối loạn ngôn ngữ, trong đó có những trẻ gặp vấn đề nói thạo tiếng Anh hơn tiếng Việt. Và hầu hết những trẻ này đều có rắc rối tiềm ẩn về ngôn ngữ và việc trẻ chưa thành thục tiếng mẹ đẻ đã tiếp xúc với ngôn ngữ khác sẽ làm việc tiếp nhận sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp của trẻ khó khăn, hạn chế hơn. Chính vì vậy, khi con nói tiếng Anh, bố mẹ cần lưu ý con có sử dụng ngôn ngữ đó để giao tiếp tương tác hay chỉ sử dụng một cách máy móc, đơn lẻ không phù hợp ngữ cảnh đó có thể là dấu hiệu con đang bị rối loạn ngôn ngữ cần can thiệp. Trẻ sử dụng thiết bị điện tử nhiều, tương tác một chiều dễ rối loạn ngôn ngữ Theo cô Hiên, những trẻ gặp vấn đề rối loạn ngôn ngữ, trong đó nói tiếng Anh hơn tiếng Việt thường không chỉ là chậm phát triển ngôn ngữ đơn thuần mà còn kèm theo nhiều vấn đề rối nhiễu khác. Ngoài ra, môi trường gia đình cũng tác động nhiều đến trẻ. Khi thấy con có xu hướng thích tiếng Anh hơn hoặc tiếp nhận tiếng Anh tốt, gia đình lại tạo môi trường thuận lợi: khuyến khích cho tiếp xúc với tivi, youtube, điện thọai, máy tính xem chương trình tiếng Anh và con nói lại mà quên rằng ngôn ngữ giao tiếp thông thường con chưa đáp ứng được. Điều đáng nói, phụ huynh không nhận ra vấn đề của con sớm, có quan niệm “chậm đi thì đói, chậm nói thì giàu” nên luôn có tâm lý chờ đợi con làm cho tình trạng trẻ càng ngày càng nặng hơn.. Biện pháp giúp trẻ cải thiện tình trạng rối loạn ngôn ngữ Nói về phương pháp giúp trẻ cải thiện trình trạng rối loạn ngôn ngữ nói chung, và vấn đề sử dụng tiếng Anh thạo hơn tiếng Việt chỉ mang tính chất chụp hình, máy móc ở trẻ nói riêng, cô Hiên cho biết, điều đầu tiên cha mẹ cần phát hiện sớm và can thiệp sớm khi thấy con có khó khăn về ngôn ngữ thể hiện so với các bạn đồng trang lứa. Sau đó, các nhà điều trị tâm lý sẽ sử dụng 1 số liệu pháp như trị liệu ngôn ngữ … và 1 số kĩ thuật (nhắc, làm mẫu…) để dần thu hút sự chú ý và tương tác giao tiếp mắt với trẻ để hình thành giai đoạn tiền ngôn ngữ và phát triển vốn từ cho trẻ. Đồng thời, không “cổ súy” cho việc tiếp tục sử dụng những từ tiếng Anh trẻ đã nói được. Bên cạnh đó, một mặt nhà trị liệu tư vấn gia đình thay đổi môi trường, thói quen cho con xem tivi, ipad, điện thoại với hình thức hệ thống hóa giảm dần, mặt khác gia đình cần dành thời gian hướng dẫn, chơi tương tác cùng trẻ. - Theo khuyến cáo chung từ Hội đồng Nhi khoa Hoa Kỳ về thời gian ngồi trước màn hình của trẻ là: từ 0-18 tháng là 0h/ngày; từ 2-5 tuổi tối đa 1h/ngày; Trên 6 tuổi tối đa 2h/ ngày. - Khi dạy con, cha mẹ nói câu có từ khóa, ngắn gọn 2-3 từ, nhấn mạnh rõ ràng, luôn tương tác giao tiếp mắt thể hiện sự tôn trọng trẻ và cho trẻ thời gian chờ đợi 5-7 giây. - Khi đưa ra yêu cầu, con chưa hiểu, cha mẹ làm mẫu, cầm tay trợ giúp trẻ. Các hoạt động củng cố nên gắn với sinh hoạt hàng ngày. - Mọi thành viên trong gia đình cần thống nhất trong cách hướng dẫn trẻ. - Khuyến khích, động viên trẻ ngay lập tức bằng lời, nét mặt, cử chỉ, phần thưởng khi trẻ thực hiện được phần nào những yêu cầu của người lớn đưa ra. - Cha mẹ nên giúp con thành thạo ngôn ngữ mẹ đẻ để giao tiếp. Sau đó, gia đình có thể kết hợp cho trẻ học ngoại ngữ nhưng cần phân bố thời gian hợp lý, chọn phương pháp học hiệu quả và đặc biệt cần có sự tương tác, giao tiếp giữa trẻ với mọi người xung quanh. |