Mặc dù chồng đã cản, không cho tôi nói nhưng tôi vẫn cương quyết nói với mẹ chồng khiến anh buông đũa, vẻ mặt lo sợ.
Trước khi tôi lấy chồng, sinh con, mẹ đẻ tôi luôn có quan niệm "trẻ chăm con, già chăm cháu" nhưng không may là lúc tôi sinh con mẹ đẻ lại bị ốm yếu không giúp đỡ được, bà buồn lắm. Vậy nhưng mẹ chồng tôi lại có suy nghĩ hoàn toàn khác khiến tôi khá sốc.
Vợ chồng chúng tôi lấy nhau được 1 năm thì sinh con gái đầu lòng đã được 4 tháng. Trong suốt 4 tháng ở cữ này, mẹ đẻ chỉ sang phụ tôi được vài ngày còn không thể làm được nữa vì bà gặp tai nạn. Còn lại trong suốt khoảng thời gian đó toàn là tôi phải tự lực cánh sinh, mẹ chồng không giúp giặt nổi 1 cái tã cho cháu.
Nói về mẹ chồng tôi, bà có tư tưởng khác với những bà nội khác. Bà cũng yêu, cũng quý và thích có cháu nhưng quan điểm của bà là con ai người nấy chăm nên dù đã nghỉ hưu và sức khỏe còn tốt nhưng bà nhất quyết không sờ đến việc chăm sóc cháu. Mỗi lần bà sang chỉ là để xỏ tay túi áo chơi chứ không động vào bất kì việc gì. Ngoài ra thời gian rảnh rỗi bà đi giao lưu văn nghệ, du lịch hay nghỉ ngơi. Dù biết vợ chồng tôi bận tối mặt tối mũi vừa công việc vừa chăm con nhưng bà vẫn nhất quyết có quan điểm không giúp đỡ chăm sóc cháu.
Ảnh minh họa
Ban đầu tôi cũng đồng ý với việc này nhưng khoảng thời gian sắp tới đây tôi bắt đầu thay đổi suy nghĩ. Vì chồng tôi dạo này công việc không được ổn định nên kinh tế không được nhiều, tôi cũng không thể ngồi yên ở nhà mà chăm con được nên cũng muốn lao ra ngoài kiếm kinh tế thì mới cho con cuộc sống tốt được. Vì thế tôi bàn với chồng nói với mẹ chồng sang chăm sóc con giúp nhưng chồng tôi một mực phản đối:
- Anh không đồng ý việc này, thứ nhất là ngay từ đầu mẹ đã nói mẹ không trông con giúp mình nên giờ khả năng mẹ đồng ý là không, thậm chí lại còn bị mẹ mắng cho vì tính mẹ anh biết. Thứ hai, nói thực là anh không tin tưởng khi để con cho mẹ chăm sóc cho lắm. Một phần tính cách một phần do ngày xưa mẹ chăm sóc và nuôi dạy anh thế nào anh vẫn nhớ rõ, anh không đồng ý với điều đó nên anh không muốn con mình sẽ phải lặp lại những điều này giống bố nó.
Thấy chồng phản đối tôi cũng định thôi nhưng sau đó vì bí quá nên vẫn quyết ngỏ lời với mẹ chồng. Vào một bữa cơm chung, tôi ngỏ ý:
- Mẹ ơi sắp tới con chuẩn bị đi làm lại, con muốn nhờ mẹ sang hỗ trợ con chăm sóc cháu, mẹ thấy thế nào ạ?
Vừa nghe tôi nói, chồng buông đũa, đặt bát cơm xuống, mặt mũi xám xịt lại không biết vì anh phật ý với tôi hay vì lo sợ những lời mẹ sắp nói. Thế nhưng tôi bình thản đối diện. Mẹ chồng im lặng một lúc sau đó lại nói những lời khiến chồng tôi khá bất ngờ:
- Được thôi, mẹ có thể sang chăm sóc cháu cho các con nhưng mẹ có 2 điều kiện. Thứ nhất phải trả lương cho mẹ. Thứ hai mới là quan trọng, mọi vấn đề chăm sóc và nuôi dạy đứa trẻ phải theo ý của mẹ, các con không được quyền can thiệp. Đương nhiên tất cả những điều mẹ làm đều muốn tốt cho cháu thôi nhưng có thể không hợp các con. Nhưng nếu đã nhờ đến mẹ, mẹ phải là người quyết 100% và mẹ sẽ đón con bé về chăm vài năm.
Ảnh minh họa
Nghe bà nói vậy, tôi nhìn chồng có vẻ hoang mang. Anh nháy mắt ra hiệu không nói thêm gì nữa nên tôi cũng chỉ lí nhí nói:
- Vâng, vợ chồng con bàn bạc rồi sẽ trao đổi lại với mẹ ạ.
Sau đó, chồng tôi kéo tôi vào phòng trách mắng tôi vì tội đã không nghe lời anh mà vẫn nói với mẹ chồng. Anh nói cũng bất ngờ khi bà lại đồng ý chăm sóc cháu nhưng không đồng ý để mẹ chồng quyết mọi việc trong chăm sóc cháu vì anh hoàn toàn hiểu tính mẹ anh. Quá là đau đầu, con trai còn không tin tưởng mẹ thì người làm dâu như tôi băn khoăn quá. Bà nội thì đương nhiên sẽ làm những điều tốt nhất cho cháu rồi nhưng không biết, liệu nếu để mẹ toàn quyền chăm sóc cháu thì sẽ có những tác động tiêu cực nào có thể xảy ra đây?
Tâm sự từ độc giả phuongoanh...
Có ông bà nội/ngoại ở gần hẳn là mong ước của không ít các bậc cha mẹ. Công việc bận rộn khiến họ không có thời gian chăm sóc và trông nom con chu đáo. Việc nhờ được ông bà coi sóc lũ trẻ giúp thật sự là điều chẳng còn gì tuyệt vời và yên tâm hơn.
Thế nhưng có lẽ ít bậc cha mẹ biết, để ông bà trông cháu trong thời gian dài mà toàn quyền quyết định lại có thể gây ra những tác động tiêu cực đối với sự phát triển về thể chất, hành vi cũng như sự tăng trưởng tự nhiên của trẻ. Tại sao lại như vậy?
Trẻ có thể trở nên không nghe lời
Ông bà thường nuông chiều trẻ hơn so với cha mẹ. Thậm chí ông bà còn làm ngược lại với những điều cha mẹ nói và dạy con, cốt chỉ để trẻ vui vẻ. Chính điều đó sẽ phá vỡ mọi kỷ luật mà cha mẹ phải vất vả mãi mới thiết lập được cho trẻ, làm trẻ không còn nghe lời cha mẹ nữa.
Trẻ có thể không vận động đủ
Trẻ em luôn tràn đầy năng lượng trong cơ thể cũng như tâm hồn. Chúng cần chạy nhảy và chơi đùa để cơ thể phát triển khỏe mạnh. Mà ông bà đã cao tuổi, thường sức khỏe và thể lực không đủ để theo chân trẻ trong những hoạt động ngoài trời.
Chính vì hoạt động thể chất không đủ khiến trẻ cảm thấy không thoải mái, điều đó càng không tốt cho sự tăng trưởng tự nhiên của trẻ.
Trẻ có thể ăn quá nhiều
Ông bà luôn sợ cháu đói và thường cho trẻ ăn quá nhiều trong 1 ngày. Các nghiên cứu gần đây thậm chí còn chỉ ra rằng, trẻ em có nguy cơ bị béo phì, gặp các vấn đề về răng lợi và bệnh tiểu đường do các món ăn của ông bà chúng như kẹo và những đồ ăn nhiều chất béo.
Dẫu biết ông bà nào cũng mong cháu mau lớn và vui vẻ nhưng chính những sự quan tâm thiếu hiểu biết ấy vô hình chung lại gây tổn hại nghiêm trọng cho sức khỏe của trẻ.
Trẻ có thể phát triển các kỹ năng xã hội kém
Khi trẻ dành nhiều thời gian ở cạnh ông bà, chúng sẽ ít kết bạn với những đứa trẻ khác. Dần dà chúng có xu hướng ngại giao tiếp và mở rộng các mối quan hệ xung quanh, chỉ cảm thấy an toàn, thoải mái với các mối quan hệ quen thuộc vốn có của mình. Ngược lại, những đứa trẻ đi học mẫu giáo sẽ ít gặp các vấn đề về giao tiếp, kỹ năng xã hội cũng phát triển tốt hơn.