Mang đồ sang cho con gái một cách bất ngờ không báo trước, tôi đã hiểu ra mọi chuyện.
Tôi lấy chồng cách đây 3 năm và hiện đang có con gái 2 tuổi. Trước kia khi mới kết hôn, vợ chồng chúng tôi sống cùng bố mẹ chồng trong một căn nhà mặt đất 3 tầng. Tuy nhiên sau đó cuộc sống chung có nhiều đụng chạm cũng không mấy được vui nên sau đó tôi và chồng có chuyển ra ngoài thuê một căn chung cư khác để ở riêng và nuôi con.
Ban đầu tôi có ý định khi con được khoảng 3 tuổi, cứng cáp thì cho con đi học, lúc đó tôi mới tìm kiếm công việc để đi làm. Nhưng mọi thứ bị phá vỡ khi lúc con được 1 tuổi, mẹ chồng ngỏ ý muốn đón cháu về sống cùng ông bà để ông bà chăm đỡ và giục tôi đi kiếm công việc gì đó mà làm cho đỡ cảnh tù túng suốt ngày chỉ ở trong nhà. Tưởng mẹ có ý tốt cho mình nên ngay lúc đó cũng có công việc của người chị họ cần nên tôi đồng ý đi làm.
Ảnh minh họa
Ban đầu tôi chỉ định cho con sang với ông bà ban ngày còn tối vẫn đón về ở chung với bố mẹ. Vậy nhưng khi bị cuốn vào guồng quay công việc làm miết mải cho tới khuya mới xong nên tôi đành theo ý mẹ chồng, để đứa nhỏ ở hẳn bên đó để ông bà chăm và tôi chỉ thỉnh thoảng sang thăm con. Thiết nghĩ cũng chỉ kéo dài tình cảnh này một thời gian cho đến khi công việc giãn hẳn thì sẽ đón con về nhưng không ngờ lại kéo dài lâu quá. Vào một hôm khi đến nhà bố mẹ chồng một cách bất chợt và nghe trộm được cuộc hội thoại của hai ông bà trong bếp, tôi mới dường như hiểu được tất cả. Thì ra mẹ chồng muốn đón cháu về chăm hẳn là có lý do.
Hôm đó tôi tính lượng sữa con uống đã hết nên dù đã khuya nhưng vẫn đi mua sữa để mang sang cho con vì sợ ngày hôm sau con sẽ không có để dùng. Bởi dù đưa con sang nhà ông bà ở nhưng hàng tháng tôi vẫn phải gửi bà 5 triệu tiền phí sinh hoạt của con, bên cạnh đó tã, sữa, đồ ăn dặm... cũng phải chủ động mua để gửi sang. Khi bước tới cửa nhà tôi thấy đang mở nên cũng không gọi bố mẹ ra nữa mà tự dựng xe và vào nhà.
Thế nhưng vào thì không thấy ông bà ở trong phòng khách mà có tiếng vọng ra từ căn bếp. Tôi tiến tới định chào bố mẹ thì lại bị cuốn hút bởi câu chuyện của họ. Bố chồng tôi nói:
- Thế bà định để đứa nhỏ ở đây trông đến bao giờ thế, tôi nghĩ lâu dài cũng không ổn đâu, bảo người ta đừng giao việc nhiều cho nó nữa để nó đến đón con về chăm đi. Từ hồi đứa nhỏ sang đây bà chăm theo cách của bà tôi thấy nó tuy tăng cân nhưng có nhiều cái không ổn chút nào. Bà cứ ngang ngạnh không nghe tôi.
Ảnh minh họa
- Ông thì biết cái gì, càng béo mới càng khỏe, chứ cứ để ở nhà cho mẹ nó chăm thì có mà thành đứa trẻ suy dinh dưỡng à. Với cả mẹ nó không chịu nghe lời tôi gì cả, đã ít kinh nghiệm rồi mà mẹ chồng nói không chịu nghe.
- Biết là thế nhưng ngày nào bà cũng dồi cho nó ăn như suất ăn của người lớn thế kia thì chẳng mấy chốc béo phì. Xong rồi nhiều quan niệm dạy cháu của bà nữa, tôi cũng không hài lòng với bà chút nào.
- Ông thì biết cái gì. Ông xem trước kia mỗi lần mình sang chơi đứa nhỏ có theo mình chút nào đâu mà cứ quấn lấy mẹ nó, chỉ có đón nó về đây thì nó mới là cháu của mình. Ở với mình sướng mà không biết đường, thích dọn ra ngoài ở riêng thì tôi cho chúng nó ra ở riêng, cháu tôi phải ở đây, tôi chăm.
Tôi khá bất ngờ với những gì ông bà nói sau lưng tôi. Hóa ra mẹ chồng gia trưởng của tôi đón cháu về là có lý do của riêng bà chứ không phải vì muốn tốt cho tôi và tất cả mọi thứ, kể cả công việc của tôi cũng nằm trong sự sắp xếp của bà.
Vào phòng nhìn đứa trẻ đang nằm ngủ ngon lành mà tôi cũng chợt hoảng thật, con tăng cân trông thấy nhưng có lẽ sắp thành đứa trẻ béo phì thật. Mà đúng lâu nay tôi sang thăm đứa trẻ cũng không hề theo tôi nữa mà chỉ bám dính lấy ông bà. Rồi còn biết bao nhiêu kiểu chăm con của mẹ chồng nữa, xưa kia bà nói tôi không làm theo thì giờ chắc bà áp dụng hết để chăm cháu. Tôi mới chợt hiểu ra hình như mình bị lừa và cũng không hiểu tại sao bố mẹ chồng tôi đã già rồi, hưởng thụ cuộc sống an nhàn lại không thích mà cứ thích ôm cháu vào mình chăm theo cách của mình một cách gia trưởng như vậy?
Tâm sự từ độc giả phuongchi...
Nhiều ông bố bà mẹ than phiền rằng, sau khi họ sinh con thì ông bà bé giành hết việc chăm sóc, trông nom đứa trẻ. Họ được nhàn nhã hơn nhưng chính vì thế mà con quấn quýt ông bà, thậm chí không theo bố mẹ khiến họ “khổ tâm” không kém.
Tại sao lại có hiện tượng như vậy? Tại sao người già muốn can thiệp quá sâu vào việc chăm sóc em bé? Có 4 nguyên nhân “thầm kín” sau:
Người già vô thức chuyển tình yêu từ con sang cháu
Cha mẹ nào cũng yêu thương con cái của họ. Họ dường như chỉ muốn con mãi bé bỏng, thơ dại trong vòng tay mình. Nhưng đứa trẻ sẽ ngày một lớn và có cuộc sống tự lập. Chính vì thế, khi con cái có gia đình riêng thì người già trở nên hụt hẫng, trống vắng, tình cảm và sự chăm sóc dành cho con cái khi trước dường như không còn biết dành cho ai.
Khi cháu ra đời, người già sẽ vô thức chuyển tình yêu dành cho con của mình sang cho cháu. Ai cũng có một khoảng dịu dàng trong tim, người già cũng thế. Không phải họ cố tình muốn chiếm lấy vị trí của người mẹ.
Người già cho rằng bản thân giàu kinh nghiệm hơn
Người già từng ít nhất chăm sóc, nuôi nấng 1 đứa trẻ nên người. Họ cũng đã sống lâu mấy chục năm nên người già cho rằng bản thân sẽ có kinh nghiệm hơn các bậc cha mẹ trẻ.
Họ biết chăm sóc bé sơ sinh thế nào, cho trẻ ăn dặm ra sao và làm gì khi bé bị ốm. Họ không yên tâm khi giao cháu vào tay bố mẹ chúng nên giành hết phần việc về mình.
Nhiều người già có tính kiểm soát mạnh
Một số người già có tính cách rất mạnh mẽ. Ông bà lại là những người lớn tuổi nhất trong gia đình, vì thế họ gần như muốn kiểm soát mọi thứ.
Dù con trai họ đã kết hôn song đối với họ, con trai và con dâu vẫn như những đứa trẻ chưa lớn. Khi cháu ra đời, tất yếu họ sẽ đòi đảm nhận việc chăm cháu.
Người già quan tâm và yêu quý con cháu
Nhiều người già đặc biệt thương con quý cháu. Họ muốn san sẻ bớt công việc với con cái khi chúng phải đi làm cả ngày mệt nhọc để kiếm tiền. Mà việc người già có thể làm tốt nhất chính là chăm sóc trẻ em.
Đối mặt với việc ông bà dường như muốn “cướp đoạt” vị trí của mình, các bậc cha mẹ chớ nên tức giận hay lo lắng. Ngoài việc thường xuyên tâm sự, chia sẻ với người già, bạn cần quan tâm nhiều hơn để kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm của họ. Nếu được con cái khuyến khích đi du lịch, tham gia các cuộc hội họp dành cho người già…, chắc chắn ông bà sẽ rất vui và không còn can thiệp quá nhiều vào việc chăm sóc trẻ nhỏ nữa.