Quan điểm dạy con của trùm đế chế Alibaba được đúc kết từ chính thực tế cuộc đời ông - một người không học hành xuất sắc, trượt đại học tới 3 lần vẫn trở thành tỷ phú.
Jack Ma - người sáng lập công ty khổng lồ Alibaba và là 1 trong số những tỷ phú nổi tiếng với khối tài sản “khủng” nhất thời điểm hiện tại. Năm 1988, Jack Ma kết hôn với người vợ tên Zhang Ying. Đôi vợ chồng có ba người con, hai gái, một trai. Thông tin về hai người con gái không hề xuất hiện trên báo chí, còn người con trai Jerry Yang dù có nhưng cũng rất ít và luôn khiến người khác tò mò.
Vươn lên từ một người không vẻ ngoài, không vốn, không mối quan hệ… ngay cả đại học cũng phải thi tới 3 lần, Jack Ma hiểu rằng cách duy nhất để phát triển là liên tục trau dồi kiến thức. Tuy nhiên, quan điểm về giáo dục con cái của ông lại khác với đại đa số người.
Trong cuốn sách Jack Ma’s Internal Speeches: Trust in Tomorrow, ông đã chia sẻ cách nghĩ về mối liên hệ giữa học vấn và sự thành công.
Jack Ma nói: “Tôi dạy con trai rằng thằng bé không cần phải xếp thứ 3 trong lớp, học lực trung bình là ổn, miễn là điểm số không quá tệ là được. Chỉ có những người học trung bình mới có đủ thời gian để học những kĩ năng khác”.
Phát biểu của ông lập tức gây chú ý bởi lẽ nó trái ngược hoàn toàn với quan niệm truyền thống ở Trung Quốc hay Việt Nam… những nước học sinh đi học trách nhiệm lớn nhất là phải phấn đấu để được kết quả tốt hay trở thành học sinh xuất sắc của lớp.
Theo Jack Ma, trong điều kiện kinh tế phát triển, những cá nhân đáng được coi trọng phải là người có kĩ năng toàn diện, tinh thần khởi nghiệp cao. Đây là kinh nghiệm rút ra từ chính bản thân ông.
Như nhiều bậc cha mẹ khác, Jack Ma và người vợ Zhang Ying cũng gặp phải vấn đề về việc cân bằng giữa công việc và nuôi dạy con cái. Trong bài phỏng vấn trên trang CelebrityChina, bà Zhang Ying đã chia sẻ về chồng mình và cách nuôi dạy con như sau.
“Con trai chúng tôi nên được coi là “nạn nhân” của Alibaba. Sinh năm 1992, thằng bé lớn lên cùng công việc kinh doanh của gia đình. Ngày ấy, nhà tôi chính là văn phòng làm việc của hơn 30 người, lúc nào cũng ngập khói thuốc. Con trai tôi chỉ có thể ở trong phòng và không ra ngoài. Thằng bé ăn uống theo chúng tôi nên càng ngày càng gầy nhẳng như que diêm, chỉ có cái đầu là to. Sau đó công việc bận rộn hơn, con trai được 4 tuổi, chúng tôi con đến nhà trẻ nội trú năm ngày một tuần và chỉ đón về dịp cuối tuần.
Khi việc kinh doanh ổn định, con trai tôi lên 10 tuổi, thằng bé bắt đầu có hứng thú với Internet, có lẽ là do ảnh hưởng từ bố. Thằng bé nghiện game online ngay khi bắt đầu chơi, ở lì tại quán net cùng bạn bè và không chịu về nhà. Nhận thấy điều đó, Jack thuyết phục và giáo dục con nhưng thất bại hoàn toàn. Jerry khi ấy 12 tuổi chỉ đáp lại bố một câu: “Bố mẹ không ở nhà, con có về thì cũng buồn chán một mình, có khác gì ở quán net đâu”.
Phản ứng của con trai khiến Jack vô cùng lo lắng, anh ấy nói với tôi: ‘Em nên nghỉ việc đi, gia đình ta cần em hơn Alibaba. Rời Alibaba thì chỉ bớt đi một khoản lương mà thôi, nếu em không về, con chúng ta sẽ hư mất, tiền không thể đưa con trở lại được. Tiền và con trai, chỉ một thôi, em muốn gì.”, vợ tỷ phú kể lại.
Jack Ma và người con trai duy nhất.
Sự nghiêm khắc trong cách giáo của Jack Ma và sự quan tâm chăm sóc của Zhang Ying đã giúp cậu bé Jerry xa dần cám dỗ của game online. Sau sáu tháng, cậu bé tăng hạng lên vị trí thứ 17 của lớp và ngày càng trở nên nổi bật hơn. Bên cạnh đó, cậu cũng cười nhiều hơn, hướng ngoại và khoan dung hơn trước rất nhiều.
Sau khi bà Zhang Ying nghỉ việc tại Alibaba, quá trình dạy con của bà và chồng chính thức bắt đầu. Một hôm, Jack Ma cho con trai 200 tệ để cậu có thể chơi game cùng bạn bè ba ngày ba đêm. Ông đặt ra yêu cầu đó là cậu phải trả lời được câu hỏi “lợi ích của việc chơi game là gì”.
Ba ngày sau, Jerry về nhà trong trạng thái mệt mỏi và trả lời bố: “Mệt, buồn ngủ, đói, khắp người khó chịu, hết tiền và con không tìm thấy lợi ích gì cả”.
Jack Ma đáp lại con bằng một loạt các câu hỏi khiến cậu bé chỉ biết im lặng: “Vậy con có muốn chơi nữa không? Con chơi đủ chưa? Muốn về nhà chưa”.
Trong giai đoạn con trai Jack Ma nghiện game online, ngành này phát triển như vũ bão. Nếu đúng theo phong cách của Jack Ma, ông sẽ không bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền. Thế nhưng ông đã tuyên bố: “Tôi sẽ không bỏ một xu nào đầu tư cho game online, tôi không muốn thấy con trai mình nghiện game do chính tôi tạo ra”.
Như vậy đủ hiểu trên tất cả, gia đình vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu của vị tỷ phú này chứ không phải cơ hội phát triển của công ty hay số tiền hằng ngày kiếm được.
Trong bài phát biểu trong một diễn đàn kinh tế lớn tại Mỹ, Jack Ma từng thúc giục các bậc phụ huynh nên thay đổi cách giáo dục con cái nếu không muốn chúng thất nghiệp trong tương lai.
Ông nhận định trí tuệ nhân tạo sẽ thay đổi thị trường lao động trong những năm tiếp theo. “Trong 200 năm qua, ngành sản xuất chế tạo đã đem lại rất nhiều việc làm. Nhưng hôm nay - vì trí thông minh nhân tạo, vì robot - sản xuất không còn tạo ra nhiều việc làm nữa", Jack Ma nói.
Thay vào đó, ông tin rằng ngành công nghiệp dịch vụ sẽ tạo ra nhiều việc làm nhất trong tương lai. Tuy nhiên, có một trở ngại lớn. Theo nhà sáng lập Alibaba, phương pháp nhìn nhận giáo dục hiện nay của thế giới không giúp thanh niên sẵn sàng cho các công việc trong tương lai, mà ngược lại sẽ những đứa trẻ này mất việc trong 30 năm tới.
Hãy dạy một đứa trẻ biết sáng tạo thay vì tính toán.
“Lưu ý rằng trong công việc tính toán, máy móc luôn "làm tốt hơn", cách tốt nhất để giữ việc cho người lao động là tập trung vào trí tưởng tượng.”. "Chúng ta phải dạy sao cho con cái chúng ta rất, rất sáng tạo và nhiều ý tưởng”, ông nhấn mạnh.
Lời dạy của ông sau đó trở thành kim chỉ trong giáo dục con cái của hàng triệu ông bố bà mẹ trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.