Mới đây, nam MC Uông Hàm đã có buổi trả lời phỏng vấn trên một chương trình truyền hình về cách nuôi dạy con. Anh nửa đùa nửa thật rằng: “Tôi sẽ nuôi dạy con mình theo kiểu xã hội đen, ‘hành hạ’ để con cứng cỏi về thể xác và ‘dày vò’ tâm lý để con trở nên gan lì”.
Uông Hàm là MC trụ cột của đài truyền hình Hồ Nam nói riêng và là một trong những MC nổi tiếng trong giới giải trí Hoa ngữ nói chung. Anh quen thuộc với khán giả từ các chương trình truyền hình thực tế “đắt show” như Super Heroes, Happy Boys…
Uông Hàm và vợ Dương Nhạc Nhạc quen biết vào năm 2002, tiếp theo là cùng nhau hợp tác trong "Ước hẹn hoa hồng" mà chính thức bén duyên. Cuối cùng đến năm 2010, Uông Hàm thừa nhận đã cùng Dương Nhạc Nhạc lĩnh giấy đăng ký kết hôn, lúc kết hôn cũng không tổ chức hôn lễ, vẻn vẹn chỉ mời gia đình hai bên ăn cơm. Cho đến năm 2015, Nhạc Nhạc sinh con trai đầu lòng cho Uông Hàm.
Nam MC nổi tiếng Uông Hàm.
Mới đây, ông bố này đã có buổi trả lời phỏng vấn trên một chương trình truyền hình về cách nuôi dạy con. Anh nửa đùa nửa thật rằng: “Tôi sẽ nuôi dạy con mình theo kiểu xã hội đen, ‘hành hạ’ để con cứng cỏi về thể xác và ‘dày vò’ tâm lý để con trở nên gan lì”.
Câu trả lời của Uông Hàm đã khiến khán giả bật cười xen lẫn ngạc nhiên. Tuy rằng cách nói của anh có phần khoa trương nhưng tư tưởng nuôi dạy con của anh lại rất đúng đắn.
Gia đình hạnh phúc của nam MC.
Phương châm nuôi dạy con của Uông Hàm chính là không nuông chiều, bao bọc, che chở con quá mức mà cha mẹ phải chú tâm rèn luyện cho con có đủ sức mạnh về thể chất, sức mạnh về tinh thần để con thỏa sức vui chơi, học tập, quan trọng hơn là đối mặt với những khó khăn có thể xảy đến trong cuộc sống.
Một nhân vật đình đám khác cũng có quan điểm dạy con tương tự như MC Uông Hàm chính là tỷ phú Mã Vân (hay Jack Ma hoặc Ma Yun). Trả lời phóng viên, ông từng nói con chỉ cần trở thành học sinh trung bình cũng được. Điều cốt yếu phải dạy con chính là 3 phạm trù quan trọng sau: sức mạnh trí tuệ, sức mạnh thể chất và sức mạnh tinh thần.
Tấm ảnh hiếm hoi Jack Ma chụp cùng con trai được đăng tải vào năm 2005 khi cậu bé chuẩn bị lên chuyến bay để đi học cấp 3.
Mã Vân, sinh ngày 10 tháng 9 năm 1964, là một nhà kinh doanh người Trung Quốc có tầm ảnh hưởng lớn, nhà đầu tư, nhà từ thiện. Trong các tỷ phú trên thế giới, có thể nói Mã Vân là một vị tỷ phú khác người, từ các phong cách làm việc, tuyển người cho tới phát ngôn của ông đều tạo sự chú ý mạnh mẽ do sự "lạ" mà Jack Ma mang lại. Tất nhiên, khi nhắc tới vấn đề dạy con, sự lạ lùng của ông cũng không phải là ngoại lệ.
Mã Vân từng nói với con trai lớn rằng: "Con không cần lọt vào top 3 những người giỏi nhất lớp, học tập trung bình thôi cũng không sao cả, miễn là điểm số không quá tệ. Chỉ có những người trung bình mới có đủ thời gian để học thêm những kĩ năng khác".
Uông Hàm và Mã Vân đều nhấn mạnh tầm quan trọng của sức mạnh tinh thần đối với mỗi đứa trẻ. Vậy, sức mạnh tinh thần là gì?
Có lẽ bạn đã nghe nhiều đến sức mạnh trí tuệ và sức mạnh thể chất nhưng khái niệm sức mạnh tinh thần vẫn bị nhiều người coi nhẹ, thậm chí bỏ qua.
Sức mạnh tinh thần là sức chịu đựng của tâm lý khi đối mặt với những cảm xúc tiêu cực như thất vọng, căng thẳng. Ngoài ra nó còn là khả năng thích ứng với môi trường bên ngoài của mỗi con người.
Vậy sức mạnh tinh thần có quan trọng đối với trẻ không? Câu trả lời là rất quan trọng. Các nhà giáo dục trẻ em còn cho rằng nó thậm chí quan trọng hơn cả đào tạo kiến thức. Một câu chuyện đau lòng xảy ra ở Thượng Hải, Trung Quốc chính là minh chứng rõ nét cho nhận định này.
Tháng 4-2019, một cậu bé 17 tuổi đã nhảy cầu tự vẫn chỉ vì cãi nhau với mẹ mình khiến người dân không khỏi bàng hoàng. Có thể thấy trong bức ảnh bà mẹ cố gắng chạy theo con trai để giữ đứa trẻ lại nhưng cậu bé chạy quá nhanh. Lúc này người mẹ có đau khổ hay hối hận thì cũng đã muộn.
Bà mẹ cố gắng chạy theo con trai để giữ đứa trẻ lại.
Chỉ vì cãi nhau với mẹ mà chọn cách kết thúc cuộc sống, một cậu bé đã lên 17 tuổi lại có hành động như vậy khiến mọi người vừa xót xa vừa khó hiểu. Lý do ấy quá nhỏ nhặt, phải là người có tâm lý yếu ớt đến mức nào mới có thể quẫn chí tới mức tự tử?
Thì ra cha mẹ đứa trẻ này chỉ một mực muốn con học hành chăm chỉ mà không chú ý đến dạy con những thứ ngoài sách vở. Ngoài vốn kiến thức phong phú thì đứa trẻ này không có hiểu biết về xã hội bên ngoài đồng thời có một tâm hồn vô cùng mong manh, yếu đuối. Và rồi câu chuyện đáng buồn đã xảy ra.
Làm thế nào để cải thiện sức mạnh tinh thần cho trẻ?
1. Không nuông chiều con
Những đứa trẻ được nuông chiều sẽ quen với việc chúng muốn gì được nấy, cần gì là được đáp ứng. Chính vì thế, khi gặp phải khó khăn hay việc gì không như ý, chúng dễ dàng nảy sinh bất mãn, uất ức, tổn thương.
Cha mẹ không được quá chiều chuộng con, tất nhiên cũng không nên quá nghiêm khắc. Điều cha mẹ cần làm là dạy con hòa đồng, thân thiện nhưng cũng phải thật vững vàng và mạnh mẽ.
Cha mẹ không được quá chiều chuộng con, tất nhiên cũng không nên quá nghiêm khắc. (Ảnh minh họa)
2. Kết quả không quan trọng bằng quá trình
Nhiều bậc cha mẹ chỉ một mực chú ý đến kết quả mà không quan tâm đến quá trình thực hiện ra sao. Nhưng thực tế, những gì trẻ thu được trong quá trình thực hiện việc làm nào đó lại quan trọng hơn cả kết quả chúng đạt được. Miễn là trẻ cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc và rút ra cho mình bài học, kinh nghiệm trong quá trình thực hiện, kết quả cao hay thấp không còn quá quan trọng.
3. Hãy để trẻ tự “vật lộn”
Nhiều bậc cha mẹ thường làm giúp con mọi việc hoặc chỉ dẫn từng li từng tí vì họ sợ con làm sai. Song nếu không tự mình “vật lộn” với khó khăn và dám đối mặt với thất bại thì tâm lý của trẻ sao có thể trở nên vững vàng?
Nếu muốn, cha mẹ chỉ nên đưa ra lời khuyên cho con, còn lại hãy để trẻ tự giải quyết vấn đề của chính mình, bao gồm cả thất bại. Có như thế trẻ mới trở thành một người có sức mạnh tinh thần mạnh mẽ trong tương lai.