Dịch đau mắt đỏ năm nay vào mùa sớm hơn mọi khi. Chị em cần lưu ý cách phòng tránh cho trẻ.
Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) ngày 19/5 cho biết, theo số lượng thống kê, tính tới thời điểm này của năm 2015, cả nước ghi nhận 5.728 trường hợp mắc bệnh đau mắt đỏ. Điều đáng cảnh báo là bệnh đau mắt đỏ năm 2015 đang có tốc độ lây lan khá nhanh. Theo đó, ở Hà Nội cùng kỳ năm 2014 chỉ ghi nhận 1 đến 2 ca/ ngày nhưng trong năm nay số lượng đang có chiều hướng gia tăng, tính từ ngày 24/4 đến 6/5 đã ghi nhận 29 trường hợp mắc.
Đau mắt đỏ rất dễ lây lan. Nếu ai đó trong gia đình, hoặc trong nhà trẻ mẫu giáo bị đau mắt đỏ, con bạn cũng rất có khả năng bị nhiễm bệnh vì đây là hai môi trường bé tiếp xúc nhiều nhất. Thậm chí, trẻ sơ sinh còn thường có xu hướng dễ bị đau mắt đỏ hơn các trẻ lớn vì hệ thống miễn dịch của trẻ còn chưa phát triển và hay bị tấn công.
Đang thời điểm bệnh viêm kết mạc cấp hay còn gọi là bệnh đau mắt đỏ bắt đầu vào mùa, các mẹ hãy trang bị cho mình một số kiến thức để bảo vệ đôi mắt trong veo cho con nhé!
Triệu chứng của đau mắt đỏ là mắt đỏ, có cảm giác ngứa ngáy, tiết nhiều dịch ghèn. (Ảnh minh họa)
Triệu chứng đau mắt đỏ ở trẻ nhỏ
Đau mắt đỏ gây ra
- Cảm giác ngứa ngáy như vướng sạn ở mắt.
- Trẻ hay đưa tay lên dụi mắt.
- Mắt đỏ
- Chảy dịch ghèn.
Cách trị đau mắt đỏ cho trẻ
- Khi thấy trẻ có dấu hiệu bất thường ở mắt, tốt nhất nên cho đi khám ngay. Bác sĩ thường sẽ cho dùng thuốc kháng sinh nhỏ hoặc bôi mắt.
- Mẹo nhỏ thuốc cho con mà không cần dỗ bé mở to mắt: để con nhắm mắt lại rồi nhỏ giọt thuốc lên lông mi của bé, sau đó bảo bé mở mắt ra rồi chớp chớp, thuốc sẽ tự động rơi xuống mắt bé.
- Lau rửa mắt thường xuyên cho trẻ. Dùng khăn ẩm, sạch, tốt nhất là khăn cotton để lau ghèn mắt theo chiều từ trong ra ngoài hốc mắt của trẻ.
- Khi trẻ bị đau mắt đỏ, thường bé sẽ bị một bên mắt trước. Bố mẹ cần chăm sóc trẻ thật cẩn thận, giữ vệ sinh mắt sạch sẽ, tránh nhiễm bệnh cho mắt còn lại. Cho trẻ nằm nghiêng một bên, nhỏ mắt rồi dùng gạc y tế lau ngay ghèn, dử và nước mắt chảy ra.
- Không đắp các loại lá như lá trầu, lá tre,... vào mắt
- Nên cho trẻ đeo kính để tránh khói bụi
- Cho trẻ nghỉ học và hạn chế tiếp xúc với người khác. Đau mắt đỏ lây lan cực kì nhanh nên bạn cần để bé ở nhà cho đến khi bé hoàn thành điều trị kháng sinh trong 24h.
Làm thế nào để phòng bệnh cho con?
- Dạy con rửa tay thường xuyên với xà phòng là cách phòng bệnh đau mắt đỏ hiệu quả nhất. Nếu có thành viên khác trong gia đình bị đau mắt đỏ, hãy nhắc nhở mọi người và bản thân mình rửa tay.
- Rèn cho con thói quen không dụi tay vào mắt
- Mỗi người trong gia đình cần có khăn tắm và khăn lau riêng, vỏ chăn và gối cần được giặt thường xuyên để tránh lây lan vi khuẩn. Nhà có người bị đau mắt đỏ thì không được dùng chung đồ đạc với người bệnh.
- Hạn chế cho trẻ đi bơi, đến bệnh viện hay những nơi có chứa nhiều mầm bệnh khác, hạn chế tiếp xúc với người bệnh
- Các bà mẹ mang thai cần làm xét nghiệm các bệnh qua đường tình dục và chữa trị nếu cần trước khi sinh con để tránh bệnh đau mắt đỏ cho bé.
- Nhà cửa phải được giữ sạch sẽ, tránh để bụi bẩn vào nhà, tránh xịt các loại hóa chất dễ gây kích thích như nước thơm, chống muỗi, không để có người hút thuốc trong nhà.