Ăn dặm cho bé luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của các gia đình khi có con trong độ tuổi ăn dặm. Có nhiều ý kiến khác nhau từ sách vở, trang mạng xã hội về việc cho con ăn dặm thế nào cho đúng. Tuy vậy, tùy theo từng lứa tuổi, thể trạng từng trẻ nên sẽ không có một quy luật bất biến nào về công thức ăn dành cho bé cả.
Thời điểm nên thực hiện ăn dặm cho bé là khi nào?
Theo các chuyên gia của Viện dinh dưỡng Quốc gia, khi trẻ tròn 6 tháng tuổi là thời điểm tốt nhất để bé tập ăn dặm. Nguyên nhân là do khi bắt đầu 6 tháng tuổi, nguồn năng lượng từ sữa mẹ không còn đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng của các bé.
Ăn dặm cho bé tốt nhất là khi bé đã tròn 6 tháng tuổi. (Ảnh minh họa)
Việc ăn dặm lúc này trở nên rất cần thiết để cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng không có trong sữa mẹ, chẳng hạn như kẽm, sắt, canxi, protein, DHA,... Ngoài ra, từ khoảng 5,5 tháng trở đi, bé sẽ hoạt động nhiều hơn, tiêu hao năng lượng nhiều hơn nên lượng dưỡng chất trong sữa mẹ lúc này không đủ.
Ngoài ra, mẹ có thể nắm được thời điểm bé muốn ăn dặm khi thấy các dấu hiệu như đưa thức ăn đến miệng bé, bé sẽ có phản xạ mở miệng, thè lưỡi, dùng lưỡi đón lấy thức ăn từ miệng vào trong họng và nuốt. Thậm chí, có nhiều trẻ còn tỏ ra tò mò, thích thú đối với thức ăn mà mọi người đang ăn bằng cách đưa tay ra đòi, với lấy thức ăn.
Cho bé ăn dặm như thế nào là đúng?
Cũng tương tự như nhiều thay đổi đổi khác với bé, việc ăn dặm cho bé cũng nên được thực hiện từ từ. Khi mới bắt đầu ăn dặm, mẹ hãy cho bé ăn vào giữa các cữ sữa, mỗi ngày ăn 1 lần. Sữa mẹ hoặc sữa bột vẫn cần được duy trì là nguồn cung cấp dưỡng chất chính trong thời gian bắt đầu cho bé ăn dặm.
- Cho bé làm quen với thực phẩm mới trong 3-5 ngày: Việc này sẽ giúp mẹ phát hiện được vấn đề bé có bị dị ứng với thực phẩm mới hay không. Sau thời gian này, nếu bé có hiện tượng lạ hoặc bị dị ứng, mẹ hãy thử đổi món khác hoặc nói chuyện với bác sĩ. Khoảng 1 - 2 lần đầu, bé có thể không biết phải làm gì, bé bối rối, nhăn mũi, đẩy thức ăn quanh miệng hay nhè hết ra. Đây là phản ứng bình thường.
Mẹ nên cho bé làm quen dần dần với thực phẩm mới. (Ảnh minh họa)
- Thực hiện cho bé ăn từ ít đến nhiều, từ đồ ăn loãng đến đặc dần: Lúc đầu, mẹ hãy cho bé ăn dặm bằng loại muỗng nhựa mềm giúp tránh làm tổn thương nướu răng của bé và ăn với lượng ít, loãng. Khi bé đã quen với chế độ dinh dưỡng mới, mẹ có thể tăng dần lượng thực phẩm và tăng thêm độ đặc, cụ thể là từ vài muỗng bột/ngày tăng dần đến nửa chén rồi đến 1 chén/ngày.
- Ăn từ ngọt đến mặn: Các loại thực phẩm có vị ngọt như chuối, táo, khoai lang rất thích hợp ở thời điểm đầu ăn dặm (do gần giống sữa mẹ, bé sẽ không cảm thấy bị thay đổi đột ngột). Cách tốt nhất là nghiền mịn và trộn cùng với sữa bột hoặc sữa mẹ để bé bắt đầu nếm mịn. Tiếp sau đó cho bé thử đến các loại rau củ, thịt cá. Mẹ không nên nếm bột ngọt, hay muối ở thời điểm này.
Nguyên tắc khi tập ăn dặm cho bé
Thực phẩm ăn dặm phải đa dạng, phong phú
Điều kiện tiên quyết để bé phát triển về thể chất và trí tuệ là chế độ dinh dưỡng. Bố mẹ nên tăng cường bổ sung thêm rau xanh, trái cây tốt cho hệ tiêu hóa như chuối, bơ, bí đỏ, bông cải xanh...để kích thích sự phát triển, cơ thể khỏe mạnh của trẻ. Mẹ nên cho bé ăn chén bột hoặc cháo hoàn chỉnh với bốn nhóm thực phẩm gồm: chất bột đường, chất đạm, chất béo, chất xơ và vitamin.
Khẩu phần ăn dặm của trẻ mỗi ngày
Do trẻ con nhỏ, hệ tiêu hóa vẫn chưa thể hấp thụ và xử lý được hết lượng thức ăn quá nhiều. Vì thế, để trẻ có hệ tiêu hóa khỏe mạnh, mẹ hãy chia nhỏ khẩu phần. Hoặc tăng dần thêm khẩu phần ăn của bé lên mỗi ngày để tập cho hệ tiêu hóa của bé làm quen với thức ăn rắn.
Chia nhỏ khẩu phần ăn sẽ giúp trẻ sở hữu hệ tiêu hóa khỏe mạnh. (Ảnh minh họa)
Tạo không khí vui tươi khi bé ăn dặm
Mỗi bé khi ăn dặm sẽ rất vui vẻ và thích thú khi những người xung quanh làm những trò vui kích thích sự chú ý của bé. Điều này sẽ khiến cho bé luôn cảm thấy thoải mái và không bị áp lực mỗi khi được đút thức ăn.
Hãy thực sự kiên nhẫn
Khi làm quen cùng thức ăn mới, có thể bé sẽ không cảm thấy thích thú hoặc không chịu tập trung ăn. Bố mẹ cần thực sự kiên nhẫn thử lại, có thể đợi khoảng 2-3 ngày sau mới ăn món đó để tránh cho bé bị kén ăn.
Đặt bé ngồi thẳng để ăn
Lần đầu tiên ăn dặm cho bé tốt nhất là trước khi ăn, mẹ nên đặt bé vào trong lòng để hỗ trợ hoặc ngồi trên ghế ăn dặm thẳng đứng, có đeo dây an toàn.
Các kiểu ăn dặm cho bé phổ biến hiện nay
Có nhiều phương pháp ăn dặm khác nhau nhưng nổi bật lên vẫn là 3 phương pháp: ăn dặm truyền thống, ăn dặm kiểu Nhật (ADKN), ăn dặm bé tự chỉ huy (BLW). Cả 3 phương pháp này đều có ưu và nhược điểm riêng, mẹ cần phải chú ý.
Ăn dặm truyền thống
Phương pháp này có ưu điểm là bé ăn tốt và tăng cân tốt trong các tháng đầu. Tuy nhiên, nhược điểm la quá chú trọng đến lượng thức ăn và không nắm được những sở thích hoặc việc bé có dị ứng với loại đồ ăn nào hay không.
Ăn dặm truyền thống là cách ăn được áp dụng từ rất lâu đời. (Ảnh minh họa)
Ăn dặm kiểu Nhật (ADKN)
Bé sẽ được ăn những loại đồ ăn riêng biệt nên sẽ cảm nhận được tối ưu mùi vị thức ăn, thích ứng dễ dàng với độ thô. Những nhược điểm là chế biến khá phức tạp và không phải mẹ nào cũng có đủ thời gian để chế biến.
Đặc điểm ăn dặm kiểu Nhật là chia từng loại đồ ăn riêng. (Ảnh minh họa)
Ăn dặm tự chỉ huy (BLW)
Đây là kiểu ăn dặm thường được áp dụng tại các nước phương Tây. Phương pháp này sẽ giúp các bé có các kỹ năng phối hợp tương tác giữa mắt và tay, rèn luyện tính tự lập, tự tin. Nhược điểm lớn nhất chính là mẹ phải thực sự bình tĩnh, luôn vững tin để xử lý các tình huống dễ xảy ra như hóc. Đây là kiểu ăn ít được các gia đình Việt ủng hộ, đặc biệt là các gia đình sống chung nhiều thế hệ.
Ăn dặm cho bé tự chỉ huy sẽ giúp bé học được cách cầm nắm. (Ảnh minh họa)
Như vậy, đối với phương pháp ăn dặm cho bé, không có phương pháp nào tốt nhất hay tốt hơn cả, chỉ có phương pháp nào phù hợp. Có nghĩa là mẹ sẽ dựa theo định hướng chăm sóc, tính cách của mỗi bé, điều kiện của từng gia đình để lựa chọn phương pháp ăn dặm cho trẻ.
Một số lưu ý khi muốn cho trẻ ăn dặm đúng cách
- Trẻ dưới 1 tuổi ăn dặm không cho ăn các loại gia vị như mật ong, nước mắm, ớt, bột nêm, đường, muối... Có thể cho bé ăn thêm hành tỏi, dầu ăn...bắt đầu từ sau tháng thứ 10 trở đi.
- Bổ sung đa dạng các loại thực phẩm ăn dặm của bé, tạo những bữa ăn nhiều màu sắc để kích thích sự thèm ăn của trẻ.
- Thực sự kiên nhẫn cho trẻ ăn, thời gian ăn mỗi bữa chỉ nên kéo dài tối đa khoảng 1 giờ đồng hồ, không nên ép trẻ ăn.
- Bắt đầu từ 6 tháng, trẻ có thể ăn bột đến cháo rồi cơm nát. Từ tháng thứ 7 trở đi, mẹ có thể tập cho con ăn dặm kiểu Nhật bằng cách cầm nắm đồ ăn, tự cắn ăn.
- Không cho trẻ dưới 6 tháng tuổi ăn dặm, ăn quá sớm sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa của con, trẻ dễ bị suy dinh dưỡng.